Trao đổi với Dân Việt, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng mỗi ngày 400 doanh nghiệp "biến mất" chưa hẳn là điều không tốt. Vì đa số doanh nghiệp đóng cửa thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ và họ chuyển đổi từ hình thức kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử để tiết giảm chi phí.
Chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2021, cả nước có tới 59.800 doanh nghiệp biến mất. Tính trung bình, mỗi ngày có tới 400 công ty tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Đây là con số kỷ lục, báo động về tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua.
Biến mất nhiều chưa hẳn đã là không tốt
Trao đổi về vấn đề này với Dân Việt, Chuyên gia kinh tế, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nếu nhìn vào con số 59.800 doanh nghiệp biến mất trong 5 tháng qua thì rất đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận kỹ hơn vấn đề, chúng ta sẽ thấy có 3 loại doanh nghiệp biến mất trong này là đơn vị tạm dừng kinh doanh có thời hạn, tạm dừng kinh doanh chờ phá sản và xin phá sản.
Trong đó, chiếm phần lớn là doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn, 2 đối tượng còn lại có tăng so với thời gian trước, nhưng không đáng kể.
Mặt khác, có thể thấy rằng, chiếm chủ yếu trong số này là các công ty thuộc lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Đối với thương mại, các doanh nghiệp xin ngừng hoạt động phần nhiều là nhỏ, siêu nhỏ.
"Ở đây, theo quan điểm của tôi thì chúng ta không nên hoảng loạn. Bởi vì trong lĩnh vực thương mại điện tử hay lĩnh vực bán buôn bán lẻ thì ngày trong năm 2020, chúng ta đã thấy rất nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chuyển đổi mô hình kinh doanh, để từ đó thích nghi được với điều kiện xã hội hiện tại", ông Thịnh nói.
Thực tế, với mảng kinh doanh mới này, người dân không cần phải thuê nhà, không cần phải mở công ty, cửa hàng lớn để tiến hành kinh doanh online. Mà bằng chứng rõ ràng nhất là kênh thương mại điện tử tăng vọt trong 1 năm qua.
Như vậy, nhiều chủ hệ thống sẽ chọn hình thức đóng cửa các hoạt động kinh doanh truyền thống để giảm chi phí mặt bằng, chi phí nhân công.
Mỗi ngày 400 doanh nghiệp... biến mất. Ảnh: CafeF |
Đối với lĩnh vực dịch vụ, đây là ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong nền kinh tế. Cụ thể, từ du lịch, vận tải cho đến nhà hàng, khách sạn, cắt tóc, gội đầu, karaoke… liên tiếp bị đóng cửa vì giãn cách xã hội, buộc phải tạm dừng kinh doanh.
Đây là nguyên nhân chính khiến lượng doanh nghiệp biến mất tăng đột biến trong thời gian qua. Tuy nhiên, dừng ở đây không phải là đứng lại, mà dừng để chuyển mình sang mô hình kinh doanh mới nhằm thích nghi với thời cuộc, hay thường gọi là "tái cấu trúc" hoạt động kinh doanh.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Bộ KH&ĐT cần phải nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về nguyên nhân chi tiết các lĩnh vực quá khó khăn để xem xét phương án hỗ trợ.
Thế nhưng cũng có nhiều ngành nghề có muốn hỗ trợ cũng không làm được gì, ví dụ như nhà hàng, khách sạn, cứ giãn cách với dịch bùng phát, không thể mở cửa kinh doanh thì bao nhiêu chính sách cho đủ. Lúc này, chỉ có một biện pháp duy nhất là tiêm vắc xin để tiến tới miễn dịch cộng đồng.
"Còn các ngành nghề thương mại khác quyết định đóng cửa công ty hoạt động theo mô hình truyền thống, chuyển qua kinh doanh 4.0, giới thiệu tiếp cận đến khách hàng với chi phỉ rẻ hơn, hiệu quả hơn, ship hàng đến tận nhà khách hàng thì quá tốt, không nên quá lo lắng khi nhìn vào số doanh nghiệp đóng cửa tăng đột biến", ôn Thịnh cho hay.
Ngoài ra, trong cùng khoảng thời gian, Việt Nam có đâu đó 55.000 doanh nghiệp mới thành lập, đây cũng là con số mang tín hiệu đáng mừng. Thể hiện, công cuộc tái cấu trúc kinh tế của người dân đang ngày càng hái được quả ngọt.
Nhiều doanh nghiệp đang chuyển mình từ mô hình kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử. Ảnh: Đại lý thuế Q.P.T |
Quan trọng nhất, vẫn là doanh nghiệp phải tự cứu lấy mình
Đánh giá về biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ hiện nay, Chuyên gia kinh tế đinh Trọng Thịnh đánh giá tương đối đầy đủ và đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế mới.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước có Thông tư 03/2021 cho phép Ngân hàng Thương mại được khoanh khoản nợ từ tháng 2/2020 đến tay tiếp tục tái cấu trúc khoanh nợ, giãn hoãn đòi nợ, giãn chuyển nhóm nợ đến 31/12/2021.
Rõ ràng như vậy doanh nghiệp yên tâm hơn cho việc phục hồi sản xuất kinh doanh, không bị áp lực trả nợ ngay hay bị phạt với lãi suất cao. Đồng thời, có thể tiếp cận vay nợ trong hệ thống Ngân hàng Việt Nam do chưa chuyển nhóm nợ, có thêm nguồn vốn.
Chuyên gia kinh tế, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh. Ảnh: NDH |
Thứ hai, Bộ Tài chính được Chính phủ đồng ý cho phép miễn, giảm với 30 loại thuế , phí, loại phí. Từ đó giúp cho các đơn vị kinh doanh giảm được chi phí hiện tại, dành tiền đó đầu tư vào kinh doanh.
Song song với đó, Bộ Tài chính đề nghị giãn, hoãn nộp thuế đối với tiền thuê đất của doanh nghiệp, qua đó ban lãnh đạo có thể sử dụng khoản tiền này thực hiện các mục đích khách cần thiết hơn.
Bên cạnh đó, còn nhiều phương án hỗ trợ khác kịp thời, có nhân văn cao của Chính phủ cho doanh nghiệp. Mặc dù, còn có nhiều đơn vị mong muốn các khoản hỗ trợ thực tế, thiết thực, nhanh chóng để tiếp cận hơn.
Tuy nhiên, nên nhớ rằng các phương án hỗ trợ này đều lấy từ ngân sách nhà nước, do vậy, cũng chỉ được phần nào để hỗ trợ doanh nghiệp, chính bản thân ban lãnh đạo công ty phải tự tìm cách chuyển mình, thay đổi để vượt qua khó khăn, thay vì chờ đợi hoàn toàn về phương án hỗ trợ từ Nhà nước.
"Tiêu tiền nhà nước dứt khoán cần phải chặt chẽ, đúng mục đích, yêu cầu nên cần xét duyệt hồ sơ, chính sách rõ ràng hơn. Doanh nghiệp vì thế cũng nên chủ động chuẩn bị thủ tục để tiếp nhận hỗ trợ", ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo Quang Dân (Dân Việt)