1001 chuyện đi chợ hộ ở TP. Hồ Chí Minh - Bài 2: Dọn vào cơ quan... để đi chợ cho tiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tiếp xúc F0 trong quá trình đi chợ hộ khiến Diệu Hiền phải vào khu cách ly tập trung. Hết hạn cách ly, có xét nghiệm âm tính, Diệu Hiền lại về đi chợ hộ để hỗ trợ người dân mua thực phẩm.
Để đi chợ hộ, hỗ trợ người dân trong giai đoạn TP.HCM "ai ở đâu thì ở đó", nhiều tình nguyện viên đã phải dọn đồ vào ở luôn cơ quan. Có người, vì đi chợ hộ mà phải vào khu cách ly tập trung, nhưng họ vẫn không nản chí.
Sẵn lòng phục vụ người dân
Dò lại danh sách nhờ mua thực phẩm: Anh Trường (1 combo rau củ, 1 combo trái cây), bà Dẫn (1 combo rau củ, 1 combo thực phẩm chế biến, 1 combo thịt), ông Tùng (1 combo rau củ), chị Quyên (1 thùng mì Gấu đỏ)… cô gái trẻ Trần Thị Thùy Linh trong màu áo xanh tình nguyện, nhanh chóng chuyển toàn bộ số hàng vừa mua cho lực lượng dân phòng và bộ đội được tăng cường để giao tận nhà người dân ngay trong buổi sáng.

Trần Thị Thùy Linh (phía trước) cùng lực lượng thanh niên tình nguyện đi chợ hộ cho người dân phường Cô Giang, quận 1, TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc
Trần Thị Thùy Linh (phía trước) cùng lực lượng thanh niên tình nguyện đi chợ hộ cho người dân phường Cô Giang, quận 1, TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc
Thùy Linh là Phó Bí thư Đoàn phường Cô Giang (quận 1, TP.HCM). Đi chợ hộ mỗi ngày đã là công việc quen thuộc của Linh và lực lượng tình nguyện tại phường trong những ngày qua. "Chúng tôi sẽ nhận đơn hàng của người dân, combo cũng có, người dân muốn mua lẻ đều được đáp ứng. Sau đó, chúng tôi trực tiếp đi mua, phân loại đơn, chia theo tuyến đường để hàng đến tay người dân nhanh nhất" - Linh nói.
Linh cho biết, thực tế việc đi chợ hộ đã được cô và khoảng 20 tình nguyện viên khác trong phường thực hiện gần 2 tháng nay, khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM. Trước đây, cô và mọi người tỏa đi gom đơn cho khu cách ly y tế, khu phong tỏa. Nhưng từ ngày 23/8, đội bắt đầu chia thành từng nhóm để đi chợ hộ cho toàn bộ người dân trong phường.
"Đi chợ hộ" trong mùa dịch cũng không phải dễ. Giá cả thời gian qua biến động liên tục, một số mặt hàng không dễ tìm trong khi người dân có nhu cầu mua nhiều. Linh và mọi người phải thuyết phục mua mặt hàng thay thế, mua đủ dùng để mọi người đều có được thực phẩm trong mùa dịch. "Hiện các combo của siêu thị, cửa hàng thực phẩm được thiết kế sẵn, báo giá trước và khá bình ổn nên chúng tôi mua cũng dễ hơn" - Linh nói.
Mỗi ngày, nhóm giải quyết vài trăm đơn hàng, dự báo nhu cầu sẽ tiếp tục tăng cao trong vài ngày tới. nhưng cô cho biết khi mọi người cần, nhóm sẽ làm việc năng nổ hơn nữa. Khi TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội với tinh thần 'ai ở đâu thì ở đó', ngày 22/3, Thùy Linh đã "khăn gói" đến ở luôn tại cơ quan để tiếp tục đi chợ hộ, hỗ trợ người dân trong giai đoạn khó khăn này.
"Làm việc, ăn, ngủ tại cơ quan đương nhiên không thể thoải mái như ở nhà. Nhưng làm công tác Đoàn, đã quen lăn xả nên không khó khăn lắm với chúng tôi. Phục vụ người dân trong mùa dịch, chúng tôi đều rất sẵn lòng"-  Linh cười sau lớp khẩu trang và tiếp tục cùng đồng đội đi chợ.
Vào diện cách ly tập trung vì đi chợ hộ
Hơn 2 tháng nay, kể từ khi chợ Dân Sinh (quận 1) đóng cửa vì Covid-19, cũng là lúc chị Cao Thị Diệu Hiền (27 tuổi) tạm thất nghiệp. Hồi tháng 7, biết tin phường Cô Giang cần lực lượng thanh niên tình nguyện đi chợ hộ, chị Hiền đăng ký ngay mà không cần nghĩ ngợi.
"Nghỉ dịch, ở nhà không làm gì cả nên tôi đăng ký. Trong lúc này, giúp được gì cũng đều quý cả. Mình còn trẻ, còn khoẻ thì hỗ trợ mọi người cùng nhau vượt qua khó khăn" - chị Hiền nói. Bán hàng tại chợ, nên Hiền có nhiều kinh nghiệm, chọn thực phẩm tươi ngon, nhanh tay, giải quyết được càng nhiều đơn hàng càng tốt.

Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và lực lượng bộ đội đi chợ hộ cho người dân TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc
Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và lực lượng bộ đội đi chợ hộ cho người dân TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc
Hỏi Hiền tham gia đi chợ hộ ngày này qua ngày khác hơn cả tháng nay, có sợ dịch Covid-19 không? Hiền nói ngay, cũng vì đi chợ hộ mà cô và một vài tình nguyện viên khác phải đi cách ly tập trung.
"Chúng tôi đi giao thức ăn và thực phẩm cho một số hộ dân trên đường Trần Đình Xu. Khu vực đó có nguy cơ cao, đang xét nghiệm và vô tình trong đó có F0. Khi được thông báo, chúng tôi 3-4 đứa ù chạy ra ngoài, rồi phải đi cách ly tập trung 14 ngày. Hết hạn cách ly, có kết quả xét nghiệm âm tính, không sợ hãi gì, tôi về đi chợ hộ tiếp cùng mọi người"- Hiền kể.
Những ngày qua, nhận đơn hàng liên tục, cô và mọi người đều cố gắng hết sức. "Là thành viên đi chợ hộ từ đầu mùa dịch, thậm chí còn phải đi cách ly tập trung nên đến giờ, tôi mạnh mẽ hơn nhiều rồi, thấy được nụ cười sau lớp khẩu trang của người dân khi nhận thực phẩm khiến mình vui lây. Tôi cũng mong hết dịch vì nhớ chợ lắm rồi" - Hiền nói.
Ông Nguyễn Duy An - Phó Chủ tịch UBND quận 1 - cho biết: Kể từ khi TP.HCM có quy định người dân không trực tiếp đi mua thực phẩm mà phải thông qua lực lượng đi chợ hộ, quận đã chủ động liên hệ siêu thị, cửa hàng thực phẩm để cung cấp cho người dân. Phường Cô Giang và phường Cầu Kho không có siêu thị và cửa hàng nào, nên địa phương phải liên hệ các nhà cung cấp khác, sao cho vừa đảm bảo cơ cấu hàng vừa có giá phù hợp người lao động thu nhập thấp.
Theo Hồng Phúc (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.