1001 chuyện đi chợ hộ dân ở TP. Hồ Chí Minh - Bài 1: Linh hoạt ứng biến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mô hình đi chợ hộ đang được nhiều phường, quận, huyện tại TP.HCM ứng biến linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của người dân trong lúc "ai ở đâu, ở yên đó".
Sau vài ngày triển khai, đi chợ hộ đã nhận được tín hiệu tích cực từ đông đảo người dân. Trước đó, ngày 23/8, TP.HCM thực hiện nghiêm "ai ở đâu, ở yên đó", người dân không trực tiếp ra ngoài mua thực phẩm mà phải thông qua hình thức đi chợ hộ do các tổ Covid-19 cộng đồng, đoàn thể địa phương thực hiện. 
Người dân có nhu cầu gì cũng sẽ được đáp ứng
Cầm tờ phiếu đi chợ hộ vừa được tổ dân phố phát đến từng nhà, chị Đặng Huỳnh Như (ngụ phường 15, quận Phú Nhuận, TP.HCM) chọn một combo thịt heo, một combo thịt gà và hai combo rau quả với tổng số tiền hơn 700.000 đồng. Với bấy nhiêu thực phẩm, gia đình chị Như đủ dùng trong vòng một tuần.
"Tôi vừa nghe TP.HCM triển khai đi chợ hộ là hôm sau đã được phát phiếu mua thực phẩm. Thực phẩm tôi và những người trong phường được mua do một siêu thị lớn gần nhà cung cấp, giá niêm yết rõ ngay trên phiếu. Giá rất tốt, thậm chí rẻ hơn so với 1-2 hôm trước khi TP chính thức siết giãn cách", chị Như nói và không quên khoe thịt heo 160.000 đồng/kg; bắp cải, dưa leo, cà chua chỉ 20.000 đồng/kg.

Lực lượng đi chợ hộ tại phường Cô Giang, quận 1 mang thực phẩm đến nhà người dân. Ảnh: Hồng Phúc.
Lực lượng đi chợ hộ tại phường Cô Giang, quận 1 mang thực phẩm đến nhà người dân. Ảnh: Hồng Phúc
Cách thức đi chợ hộ này đang được nhiều quận, huyện tại TP.HCM triển khai. Tổ Covid-19 cộng đồng địa phương sẽ phát phiếu đăng ký mua hàng cho từng hộ dân, mỗi hộ chỉ được mua hàng một lần mỗi tuần. Cán bộ phường sẽ tập hợp phiếu chuyển cho siêu thị trước 11h sáng. 
Siêu thị tiếp nhận, gom đơn và chuyển hàng sau 24h kể từ lúc nhận đơn. Các tổ Covid-19 cộng đồng hỗ trợ phát đến từng nhà cho người dân trong giai đoạn giãn cách.
Không chỉ phát phiếu, nhiều nơi còn cho người dân đăng ký trực tuyến thông qua các tài khoản Zalo, đường link chung của khu phố, phường nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, đặc biệt hạn chế tiếp xúc trong mùa dịch.
Bà Đỗ Thị Mộng Thúy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 2, quận Bình Thạnh, cho biết thay vì phát giấy, Hội đã triển khai sâu rộng mô hình này đến tất cả tổ dân phố qua các nhóm Zalo. Hội sẽ tổng hợp vào giao đơn cho các cửa hàng cung ứng trên địa bàn để soạn hàng cho từng hộ dân.
Điểm đặc biệt của phường là đơn hàng sẽ không hạn chế sản phẩm, người dân có nhu cầu gì sẽ được đáp ứng mặt hàng đó. Theo bà Thúy, ngay ngày đầu tiên thực hiện, Hội đã nhận được hơn 200 đơn của một khu phố và hàng được chuyển đến ngay ngày hôm sau.
Còn tại phường 3, quận Gò Vấp, thực tế, mô hình đi chợ hộ đã được địa phương triển khai khoảng 3 tháng nay do đây là một trong những "điểm nóng" đầu tiên về dịch Covid-19 tại TP.HCM. 
Bà Nguyễn Thị Kim Loan - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường, cho biết việc triển khai đến nay rất thuận lợi. Dự báo nhu cầu vài ngày tới sẽ cao hơn nhưng với sự hỗ trợ của nhiều đoàn thể, nhất là sự tăng cường của lực lượng quân đội, bà tin vẫn đáp ứng được đầy nhu cầu của người dân.
Siêu thị cải tiến hàng ngày
Trong khi Tổ Covid-19 cộng đồng, lực lượng công an, quân đội, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, MTTQ… tất bật tại địa phương thì các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm cũng thâu đêm suốt sáng soạn đơn hàng. 
Đại diện các hệ thống siêu thị cho biết, từ lúc nhận được "lệnh" không bán trực tiếp, ngay lập tức, doanh nghiệp đã chủ động liên hệ từ cấp phường đến quận, huyện để trao đổi, lên các combo thực phẩm, hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu của người dân.

Lực lượng đi chợ hộ tại địa phương đến các siêu thị gom đơn, hỗ trợ người dân. Ảnh: Hồng Phúc
Lực lượng đi chợ hộ tại địa phương đến các siêu thị gom đơn, hỗ trợ người dân. Ảnh: Hồng Phúc
Đến nay, các hệ thống siêu thị Co.opmart, Satra, Big C, Aeon, Lotte Mart, MM Mega Market… đều đã lên các combo hàng đa dạng từ 100.000 đồng đến vài trăm nghìn đồng mỗi combo. Đánh giá ban đầu từ người dân khá tốt vì các siêu thị đều đưa ra mức giá bình ổn, bằng hoặc thấp hơn so với bên ngoài.
Đại diện Satra - doanh nghiệp vận hành hơn 100 cửa hàng thực phẩm Satrafoods và 3 siêu thị Satra Mart tại TP.HCM - cho biết, dù có danh sách combo rất đa dạng nhưng các siêu thị vẫn đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để hoàn thiện các combo nhằm phục vụ tốt nhất, kịp thời nhất nhu cầu của mỗi người dân.
Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho rằng phương án mua chung đã được doanh nghiệp thực hiện đều đặn với một số địa phương từ giữa cuối tháng 7, thông qua Hội Phụ nữ và các đoàn thể. "Việc triển khai mở rộng quy mô lần này cũng thuận lợi hơn, do đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác triển khai", ông Đức nói với NTNN.
Theo ông, mô hình này hoàn toàn phù hợp với chủ trương mới nhất của UBND TP.HCM về việc yêu cầu người dân toàn thành phố thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo tinh thần "ai ở đâu, ở yên đó", bởi chính quyền địa phương sẽ có phương án đảm bảo phân phối hàng hóa, thực phẩm đến từng hộ dân trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp.
(Còn nữa)
Theo Hồng Phúc (Dân Việt)

https://danviet.vn/1001-chuyen-di-cho-ho-o-tphcm-bai-1-linh-hoat-ung-bien-20210825102252073.htm

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.