10 điều về nhà rông Tây Nguyên có thể bạn chưa biết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhà rông tại các buôn làng là một trong những địa điểm tham quan phổ biến của du khách khi đến Gia Lai, Kon Tum.

Nhà rông được coi là biểu tượng văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên, thể hiện giá trị vật chất và tinh thần trong đời sống đồng bào nơi đây.

 
 Nhà rông dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya. Ảnh: Phong Vinh.
Nhà rông dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya. Ảnh: Phong Vinh.




 1. Không phải dân tộc nào ở Tây Nguyên cũng có nhà rông. Công trình kiến trúc đặc trưng này xuất hiện nhiều tại các buôn làng người dân tộc khu vực phía bắc Tây Nguyên, đặc biệt ở hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Phía nam Tây Nguyên từ Ðắk Lắk trở vào, nhà rông xuất hiện thưa thớt dần. Đồng bào ở khu vực này thường làm nhà dài mang ý nghĩa cộng đồng. Cùng thuộc dân tộc Gia Rai ở phía bắc Tây Nguyên nhưng nhóm đồng bào Gia Rai Chor và Gia Rai Mthur không xây dựng nhà rông, chỉ có ở nhóm đồng bào Gia Rai trên cao nguyên Pleiku và người Bana mới làm kiểu nhà này.

2. Nhà rông là không gian sinh hoạt cộng đồng lớn nhất mỗi làng; nơi người dân trao đổi, thảo luận về các lĩnh vực hành chính, quân sự; nơi thực thi các luật tục, bảo tồn truyền thống và diễn ra những nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng. Nếu tham quan một ngôi nhà rông, du khách có thể dễ dàng thấy những hiện vật gắn liền với lễ hội như cây nêu được trang trí tỉ mỉ, khoanh đất đốt lửa trại trước nhà, nhiều loại nhạc cụ như cồng chiêng, các bình rượu cần được xếp dọc bên bếp lửa.

3. Nhà rông không phải nhà dùng để lưu trú của đồng bào Tây Nguyên. Mặc dù có kết cấu và vật liệu tương tự nhà sàn dùng để ở (được xây dựng bằng gỗ, tre, cỏ tranh...), nhà rông mang các nét kiến trúc đặc sắc và cao, rộng hơn nhiều. Dải họa tiết trang trí dài dọc theo nóc nhà rông là một điểm dễ thấy mà nhà sàn không có. Nhà rông càng cao và rộng thì càng thể hiện sự giàu có, thịnh vượng, sung túc, hùng mạnh của làng.


 

Nhà thờ có kiến trúc nhà rông ở thành phố Pleiku. Ảnh: Phong Vinh.
Nhà thờ có kiến trúc nhà rông ở thành phố Pleiku. Ảnh: Phong Vinh.



4. Đồng bào Tây Nguyên quan niệm nhà rông là nơi thu hút khí thiêng của đất trời để bảo trợ cho dân làng. Do đó trong mỗi nhà rông đều có một nơi trang trọng để thờ các vật được người dân cho là thần linh trú ngụ như con dao, hòn đá, sừng trâu... Ngoài ra, nơi này còn như một bảo tàng lưu giữ các hiện vật truyền thống gắn liền với lịch sử hình thành buôn làng như cồng chiêng, trống, vũ khí, đầu các con vật hiến sinh trong ngày lễ.

5. Nhà rông là nơi quan trọng nhất làng nên đàn ông trong làng phải thay nhau ngủ qua đêm tại đây để trông coi. Một số làng làm đến hai nhà rông: "nhà rông cái" nhỏ và có mái thấp dành cho phụ nữ, "nhà rông đực" dành cho đàn ông có quy mô lớn hơn và trang trí công phu. Ngoài mục đích gìn giữ không gian thiêng, nhà rông là nơi người dân trao đổi những câu chuyện, kinh nghiệm trong đời sống. Nam nữ độc thân trong làng có thể quây quần tại nhà rông để thăm hỏi, tìm bạn đời, tuy nhiên không đi được phép đi quá giới hạn.

6. Mỗi dân tộc ở Tây Nguyên có kiểu làm nhà rông khác nhau. Kích thước nhà rông nhỏ và thấp nhất là của người Giẻ Triêng. Nhà rông của người Xê Ðăng cao vút. Nhà rông của người Gia Rai có mái mảnh, dẹt như lưỡi rìu. Nhà rông của người Ba Na to hơn nhà Gia Rai, có đường nét mềm mại và thường có các nhà sàn xung quanh. Điểm chung của các ngôi nhà rông là được xây cất trên một khoảng đất rộng, nằm ngay tại khu vực trung tâm của buôn làng.

7. Sàn nhà rông được thiết kế gắn liền với văn hóa quây quần uống rượu cần của đồng bào. Sàn thường được làm từ ván gỗ hay ống tre nứa đập dập, khi ghép không khít nhau mà các tấm cách nhau khoảng 1 cm. Nhờ thế mà khi người dân tập trung ăn uống, nước không bị chảy lênh láng ra sàn. Mặt khác, kiểu sàn này giúp cho việc vệ sinh nhà dễ dàng hơn.

8. Cầu thang nhà rông thường có 7 đến 9 bậc, tuy nhiên mỗi dân tộc lại có trang trí khác nhau. Trên thành và cột của cầu thang, người Gia Rai hay tạc hình quả bầu đựng nước, người Bana khắc hình ngọn cây rau dớn, còn người Giẻ Triêng, Xơ Đăng thường đẽo hình núm chiêng hoặc mũi thuyền.

 

 Cây nêu là hình ảnh quen thuộc ở phía trước mỗi nhà rông. Ảnh: Phong Vinh.
Cây nêu là hình ảnh quen thuộc ở phía trước mỗi nhà rông. Ảnh: Phong Vinh.



9. Nếu như mái đình miền xuôi gắn liền với hình ảnh cây đa, thì nhà rông Tây Nguyên có cây nêu. Cây nêu được trang trí nhiều họa tiết, đặt ở phía trước sân chính giữa của ngôi nhà rông để phục vụ các lễ hội lớn của buôn làng. Theo quan niệm của đồng bào Gia Rai, cây nêu là nơi hội tụ các vị thần linh. Ở từng lễ hội, cây nêu mang một hình ảnh biểu tượng khác nhau như cây nêu trong lễ đâm trâu có 4 nhánh, lễ mừng lúa mới cây nêu chỉ có 1 nhánh...

10. Nhà rông chỉ gắn với buôn làng, không có nhà rông cấp tỉnh, cấp huyện hoặc nhà rông chung nhiều làng. Hiện nay, nhà ở của người dân được xây tiện nghi hơn nhưng nhà rông truyền thống luôn được gìn giữ tại trung tâm làng. Do đó để tham quan nhà rông, du khách cần tìm đến các buôn làng của đồng bào. Một số địa điểm buôn làng có nhà rông hiện nay là nhà rông Kon Klor ở thành phố Kon Tum, làng Plei Phung, làng Kon So Lăl (huyện Chư Pah) và làng Đê K'tu (huyện Mang Yang) ở Gia Lai.

Tâm Linh (VNE)

Có thể bạn quan tâm

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.