Chiều 12-8, Sở Y tế TP HCM tổ chức họp trực tuyến phòng chống dịch trong tình hình số ca mắc bệnh sởi tăng trong hơn 1 tuần qua.
PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết cuộc họp này giống như đợt sát hạch công tác phòng chống dịch sởi sau 3 năm phòng chống dịch COVID-19. "Trong khi chờ UBND TP ban hành kế hoạch phòng chống dịch sởi, ngành y tế TP chủ động lên kế hoạch công tác phòng chống dịch"-bác sĩ Thượng nói.
Trẻ mắc sởi được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) |
Tóm tắt tình hình dịch sởi và công tác phòng chống dịch, BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết hiện trên thế giới, nhiều nước có số ca sởi vẫn đang tăng.
Về tình hình dịch sởi tại TP HCM, từ đầu năm 2024, theo ghi nhận của hệ thống giám sát sốt phát ban nghi sởi tại các bệnh viện là thấp, không có ca sởi dương tính. Tuy nhiên, từ ngày 23-5 đến sáng 12-8, tất cả các bệnh viện của TP ghi nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi. Trong đó, có 346 ca dương tính sởi. Các ca bệnh sởi có khoảng 50% bệnh nhân tại các tỉnh chuyển đến.
Bác sĩ Nga cho biết thêm các ca bệnh xuất hiện ở 57 phường xã, 16 quận huyện của thành phố. Trong đó, 9 quận huyện có 2 ca trở lên, trong khi đó, từ năm 2021-2023, cả TP chỉ có 1 ca bệnh sởi.
Về tiêm chủng, đáng chú ý, thống kê cho thấy có 115 trẻ từ 9 tháng trở lên đủ điều kiện tiêm chủng thì có đến 73% trẻ chưa được tiêm mũi nào; 12% không rõ tiền sử tiêm chủng.
Kết quả tiêm chủng, đến tháng 6-2024, tỉ lệ mũi sởi 1 năm 2023 chỉ đạt 89,2% trên toàn TP. Chưa có địa phương nào đạt trên 95%. Trong khi đó, để đảm bảo miễn dịch cộng đồng phải đạt từ tỉ lệ này trở lên. Tương tự, mũi sởi 2 cũng chưa đạt.
"Trên quy mô toàn TP, sởi mũi 1, chưa có quận huyện nào đạt trên 95%, quận có tỉ lệ thấp dưới 85% là quận 12. Sởi mũi 2 cũng tương tự, đáng chú ý, các quận huyện có 4 năm liên tiếp không đạt tỉ lệ 95% gồm quận 5, 8, 11, 12, Tân Phú, TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh" - BS Nga thông tin.
Trước tình hình sởi tăng mạnh, HCDC đề xuất giám sát, báo cáo các trường hợp sởi; tiêm chủng phòng chống dịch; truyền thông.
"Đề nghị các bệnh viện, khi ghi nhận các ca sốt phát ban nghi sởi đều phải được báo cáo và lấy mẫu làm xét nghiệm chẩn đoán. Với các trung tâm y tế cần thực hiện giám sát bệnh tại cộng đồng, triển khai cho cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng phát hiện sớm, sau đó thông báo cho trạm y tế nếu phát hiện bệnh" - bác sĩ Nga nói.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết sởi là bệnh lây do virus sởi qua đường hô hấp. Trung bình 1 ca sởi lây cho từ 12-18 người. Trong khi COVID-19, 1 ca lây cho từ 2-5 người.
Như vậy, sởi là bệnh lây dữ dội hơn COVID-19. Tuy nhiên, sởi có vắc-xin, do đó, có một giai đoạn dài không ghi nhận ca bệnh sởi. "Do đứt gãy nguồn cung ứng vắc-xin sau đại dịch COVID-19 nên xuất hiện ca bệnh trong thời gian qua vì tỉ lệ bao phủ miễn dịch chưa đạt" - bác sĩ Châu nhấn mạnh.
Theo ông Châu, sởi không có thuốc điều trị đặc hiệu, đa phần tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh sởi diễn tiến nặng trên trẻ suy giảm miễn dịch, mãn tính (ung thư, tim, thận...).
"Do đó, chúng ta cần tập trung kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng bằng cách nâng cao độ bao phủ vắc-xin, đạt 95% sẽ kiểm soát hoàn toàn dịch sởi. Trong bệnh viện, cần tránh lây nhiễm chéo. Vì vậy, cần phải bảo vệ nhóm nguy cơ. Đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh nâng cao cảnh giác, thận trọng để theo dõi, sàng lọc các ca bệnh mãn tính, tránh ca sởi lọt vào bệnh mãn tính. Ngoài ra, bệnh nhân có dấu hiệu hô hấp cũng như người thân chăm sóc trẻ mắc bệnh cần phải đeo khẩu trang" - bác sĩ Châu đề nghị.
Để tạo miễn dịch, lãnh đạo Sở Y tế cho rằng cần tiêm bù cho trẻ chưa tiêm vắc-xin trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng. Sắp tới, TP HCM sẽ triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi bổ sung.
Theo Tin, ảnh: Hải Yến (NLĐO)