Những ngày này, anh em Danh Hải - Danh Thành Tài cũng cùng bám trụ làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19: Anh ở tuyến đầu biên giới Tây Nam nắng gió, em nằm trên biên giới phía bắc lạnh buốt.
|
Thượng sĩ Danh Thành Tài (phải) tuần tra phòng, chống dịch trên biên giới Hoành Mô (Quảng Ninh). ẢNH: HOÀNG THÙY |
Như Thanh Niên số ra ngày 1.5 đề cập, vượt khó vươn lên trong sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, đồng đội, đến giờ 2 anh em Danh Hải - Danh Thành Tài miệt mài trả nghĩa từ mọi hành động, việc làm và được người dân biên giới Giang Thành (Kiên Giang) gọi là “cánh én biên cương”.
Những ngày này, cùng với hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng đang chốt chặn dọc biên giới Tổ quốc làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, anh em Danh Hải - Danh Thành Tài cũng cùng bám trụ: Anh ở tuyến đầu biên giới Tây Nam nắng gió, em nằm trên biên giới phía bắc lạnh buốt.
Vừa chống dịch, vừa học thi
Đầu tháng 3.2020, thượng sĩ Danh Thành Tài, học viên 4 của Học viện Biên phòng cùng 59 đồng đội nhận nhiệm vụ tăng cường cho Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Cùng với đoàn ra biên giới Quảng Ninh, Học viện Biên phòng còn tăng cường gần 300 cán bộ, giảng viên, học viên cho 3 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai. Tới Quảng Ninh, Tài được tăng cường lên Đồn biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, cắm chốt 1322 ở bản Cẩm Hắc (xã Đồng Văn, H.Bình Liêu).
Chốt 1322 là cái lều bạt chung chiêng nằm cạnh hàng rào sắt phân định biên giới Việt Nam - Trung Quốc, xung quanh toàn rừng núi, đi lại khó khăn, đi vài ki lô mét ra ngoài mới thấy nhà dân. Ở chốt, học viên tăng cường chỉ 2 người là Tài và Võ Phước Trung, cũng năm 4 của Học viện Biên phòng.
Mấy ngày đầu đến Đồn biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, Danh Thành Tài tập trung học hỏi kiến thức thực tế về địa bàn, tìm hiểu tình hình và phong tục tập quán người dân. Ra chốt, nhiệm vụ thường xuyên liên tục của Tài và Trung là trực gác. Với những ngày nắng ráo, thuận tiện cho hoạt động buôn lậu, qua lại biên giới của người dân, thì việc trực gác suốt 24/24. Địa hình biên giới phức tạp, thời tiết khắc nghiệt (ngày nắng nóng, đêm giá rét, sương mù) nhưng việc ăn ở sinh hoạt đều tự túc. Anh em tổ chức nấu ăn ngay tại chỗ cũng rất vất vả.
“Sinh hoạt thường ngày thì không ngại, thử thách nhất là địa bàn có cả đồng bào dân tộc Dao và Tày, rất khó khăn trong giao tiếp hằng ngày, cũng như làm quen nắm bắt những điều kiêng kị trong phong tục tập quán”, Tài kể vậy và cười: “Phải học từ các anh, các chú. Không chỉ lúc đi địa bàn mà ngay cả lúc nấu cơm, trực gác cũng phải hỏi, xin được giải thích tỉ mỉ và nhẩm thuộc trong đầu”.
|
Trung úy Danh Hải dạy chữ Khmer cho trẻ em địa phương. ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH THÀNH |
Trước khi lên biên giới làm nhiệm vụ chống dịch, mỗi học viên được cấp phát 2 bộ quần áo dã ngoại, nên những lúc mưa gió, trời trở lạnh bất thường, quần áo phơi mãi không khô nên có khi cả tuần mặc đi mặc lại 1 bộ. Thời tiết năm nay bất thường, giữa tháng 4 biên giới Bình Liêu vẫn rét căm căm, khiến Danh Thành Tài, vốn người miền Tây quen nắng nóng, phải gồng lên chống chọi. Những đêm lạnh, cả Tài và Trung phải đốt lửa sưởi ấm và tranh thủ mang sách vở ra học bài, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp cuối tháng 6 tới. “Nhớ thì học, chứ chúng em cũng cũng biết là phải hết dịch mới được về trường”, Tài nói.
Đội nắng, thắng mưa
Giữa tháng 3.2020, trung úy Danh Hải đang học nghiệp vụ tại Trường trung cấp Biên phòng 2 (Bà Rịa - Vũng Tàu), thì nhận lệnh cùng đồng đội lên tăng cường cho Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh chống dịch và được phân công nhiệm vụ tại Đồn biên phòng Tân Hà (H.Tân Châu).
Trẻ khỏe, có nghiệp vụ trinh sát nên ngay sau đó, chỉ huy đồn cử Danh Hải ra điểm số 1 thuộc chốt cảnh giới Bàu Đá (ấp Tân Kiên, xã Tân Hà) nằm cạnh mốc giới 99. Chốt có 5 người, trong đó 3 người là dân quân, công an xã và Danh Hải là cán bộ tăng cường, làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, bảo vệ biên giới, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, phòng chống buôn lậu… với bên kia biên giới.
Thượng tá Triệu Ngọc Am, Chính trị viên Đồn biên phòng Tân Hà, dẫn tôi len lỏi giữa rừng cao su, ra tận chốt chỉ cho xem ngôi nhà vách mái tôn tạm bợ nằm cạnh bìa rừng, nhìn ra cánh đồng rộng bát ngát thênh thang nối với xã Ruông, H.Memot, Kampong Cham (Campuchia), bảo: “Căn nhà tạm, trước cho anh em phòng chống buôn lậu nghỉ, nay tận dụng làm chốt phòng chống dịch. Địa hình khu vực này thuận lợi, chỉ một chút lơ đễnh là người dân vượt biên ngay”.
Trong căn nhà tạm bé xíu, đủ kê 3 cái giường gỗ và khoảng trống đặt bếp nấu, đồ ăn. Phía ngoài cửa, 2 chiếc võng dù cột chắc vào thân cây cao su, tấm tăng che mưa phơ phất bên trên. Trung úy Danh Hải rắn rỏi trong quân phục dã ngoại K07, cười: “Đêm em ra võng nằm, nhường mọi người nằm trong” và nhíu mày: “Ban ngày nắng nóng hầm hập lên đến 40 độ C, gió thốc bụi mù mịt vào chốt, có lúc không thở được. Ban đêm nhiệt độ xuống thấp, sương lạnh nên người dân thường lợi dụng để vượt biên, phải thức canh và mật phục, không để lọt biên”.
Trung tá Phùng Văn Minh, Đồn phó nghiệp vụ Đồn biên phòng Tân Hà kể: “Hôm vừa rồi, Danh Hải thức cả đêm mật phục, bắt đối tượng vận chuyển trái phép thuốc lá ngoại nhập từ bên kia vào nước ta. Phải rất giỏi nghiệp vụ, mới làm được điều ấy ở địa bàn mới về”.
|
Trung úy Danh Hải đã vận động được 150 triệu đồng từ đoàn từ thiện Minh Tâm (TP.HCM) xóa 3 cầu khỉ. ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH THÀNH |
Khi tôi nói chuyện với Danh Hải về những ngày gian khó nhưng vẫn vươn lên để học tập, cả chỉ huy Đồn biên phòng Tân Hà và các đồng đội trên chốt Bàu Đá mới ngỡ ngàng. Họ chỉ biết về một trung úy rất trẻ tuổi nhưng siêng năng chăm chỉ, suốt ngày chăm lo công việc, cho đời sống của mọi người và tất nhiên, không kể về mình. Hỏi lý do, Danh Hải cười: “Thanh niên mà kể lể thì còn gì là tính cách đàn ông”.
Những ngày ở chốt Bàu Đá chang chang nắng, Danh Hải và đồng đội chỉ được thay nhau về khu tập trung ăn cơm trưa chiều; việc tắm giặt cũng hạn chế tối đa; ăn sáng là mì tôm nấu ngay tại chỗ; không được ra khu dân cư cách đó vài ki lô mét… Thế nhưng, mỗi ngày Danh Hải đều dành thời gian gọi điện cho em trai Danh Thành Tài nhắc nhở: “Dù khó khăn gian khổ thế nào cũng phải cố gắng. Chúng ta được như hôm nay là do có bao nhiêu người giúp đỡ. Làm tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới, là điều tốt nhất và thiêng liêng nhất để chúng ta đền đáp, tri ân”.
Trọn nghĩa vẹn tình
Bây giờ đến nhà Hải - Tài ở ấp Khánh Tân, xã Tân Khánh Hòa, H.Giang Thành (Kiên Giang), ông Danh Hên và bà Thị Lượng đã không còn héo hắt. Từ cuối 2017, Danh Hải tốt nghiệp Học viện Biên phòng với quân hàm trung úy, được phân công về Đồn biên phòng Phú Mỹ (H.Giang Thành). Đóng quân cách nhà gần 10 km, cứ rảnh là cậu xin về giúp đỡ cha mẹ ổn định cuộc sống. Căn nhà lá của cha mẹ cất từ năm 2003, giờ đã rách nát, xập xệ, Danh Hải trần mình chằng buộc, lợp lại cho chắc chắn.
Nhà có 10 công ruộng, trước cha mẹ phải cầm cố lấy tiền trả nợ và người khác trồng lúa, khi Danh Hải ra trường đi làm, việc đầu tiên là vay tiền, chuộc lại ruộng để cha mẹ thôi làm mướn để về trồng cấy. Không chỉ vậy, Danh Hải còn tranh thủ lúc thời gian nghỉ về làm ruộng cùng cha mẹ và mấy năm nay, cứ gần Tết âm lịch là trồng hoa trong vườn, bán cho mọi người. Khoản vay sửa nhà, chuộc ruộng lên đến 250 triệu đồng, Danh Hải trả dần từng tháng, nay còn 170 triệu.
“Cha mẹ em không biết chữ. 2 anh em đi học cũng chỉ biết đi học bộ đội ngoài miền Bắc. Giờ mình đã lớn, phải lo lắng cho cha mẹ thôi anh”, trung úy Danh Hải thật thà vậy, và thì thầm: “Tháng 8 này, em Tài tốt nghiệp. Em đã dành dụm ít tiền để đưa bố mẹ ra dự lễ tốt nghiệp của em. Cũng tiện để ba mẹ biết thế nào là đi máy bay, thế nào là Hà Nội. Nhưng dịch bệnh và chúng em đều lên chốt trực chống dịch thế này, chắc cũng khó đi”.
Chia tay chúng tôi, Danh Hải bảo: “Vất vả mấy cũng phải cố gắng. Có vượt qua được, cuộc sống sau này mới tốt hơn”. Tôi tin là vậy, bởi nghị lực, ý chí ấy không chỉ của người bình thường, mà đó là của người lính.
(còn tiếp)
Dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Trường THPT Thoại Ngọc Hầu (nơi trung úy Danh Hải từng học), Danh Hải đã dành 1 tháng lương của mình để trao học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó. Với thầy Lê Lương Tuấn, giáo viên môn giáo dục quốc phòng - an ninh và các thầy cô Trường THPT Thoại Ngọc Hầu, Danh Hải luôn được yêu mến nhắc đến với các thế hệ học trò về một tấm gương vượt khó học giỏi. |
Theo Mai Thanh Hải-Nguyễn Độc Lập (Thanh Niên)