Xung đột Nga - Ukraine ngày 21/3: Ukraine sắp nhận 19 xe tăng Leopard 2

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tây Ban Nha hiện đang chuẩn bị lô xe tăng chiến đấu mới để chuyển cho Ukraine, theo Pravda.

Cụ thể, sẽ có 19 chiếc Leopard 2A4 được chuẩn bị tại nhà máy Santa Bárbara Sistemas ở Alcalá de Guadaíra (Seville). Lô xe tăng chiến đấu chủ lực sẽ được bàn giao theo hai đợt: 10 chiếc vào cuối tháng 6 và chín chiếc khác vào tháng 9.

Quyết định viện trợ được đưa ra bởi Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez khi ông gặp đại diện các công ty quốc phòng lớn của nước này cùng Bộ trưởng Quốc phòng Margarita Robles.

Hà Lan phân bổ 350 triệu euro mua đạn dược và máy bay không người lái cho Ukraine

Thông tin này được Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren đưa ra sau cuộc họp của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine.

Theo Pravda, số đạn dược nói trên sẽ được mua trực tiếp từ ngành công nghiệp quốc phòng, và là vũ khí không-đối-đất dành cho máy bay chiến đấu F-16. Còn các máy bay không người lái là loại ISR (tình báo, giám sát, trinh sát).

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ bất ngờ thăm Ukraine

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã tới Ukraine hôm 20/3 và gặp Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andrey Yermak trong một chuyến đi nhằm tái khẳng định sự hỗ trợ của Mỹ dành cho đồng minh, bất chấp sự bế tắc tại Quốc hội về các gói viện trợ.

Ông Sullivan đến Ukraine trong bối cảnh quân đội nước này đang ở thế yếu sau khi rút khỏi thành phố Avdiivka ở phía đông và đối mặt với những bước tiến của Nga trên khắp chiến tuyến.

Kiev đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược và binh lính, trong khi Hạ viện Mỹ vẫn cân nhắc gói viện trợ của Thượng viện bao gồm khoản 60 tỷ đô la cho Ukraine. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson bác bỏ lời kêu gọi bỏ phiếu về gói này, buộc Nhà Trắng phải gấp rút tìm kiếm vũ khí và thiết bị để gửi đến Ukraine.

"Các bạn nên tin vào Mỹ", ông Sullivan nói với các phóng viên trong cuộc họp báo tại Văn phòng Tổng thống Ukraine ở Kiev. "Chúng tôi tự tin rằng chúng tôi sẽ làm được. Chúng tôi sẽ chuyển khoản viện trợ này cho Ukraine".

Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết ông Sullivan đến Ukraine để nhấn mạnh cam kết của Mỹ với Ukraine và "tái khẳng định rằng Mỹ sẽ ủng hộ họ lâu dài".

Ông Sullivan lưu ý rằng sự hỗ trợ của Mỹ và phương Tây rất quan trọng trong việc bảo vệ nền độc lập của Ukraine, đồng thời cho phép các bộ phận của nền kinh tế phục hồi và đưa đất nước tiến gần hơn đến việc trở thành thành viên Liên minh châu Âu.

Reuters cho biết cố vấn Nhà Trắng chưa đưa ra bất kỳ mốc thời gian nào về việc chuyển hàng viện trợ cho Ukraine, nhưng khẳng định chính quyền Mỹ kỳ vọng sẽ không phải sử dụng "kế hoạch B".

"Chúng tôi tin tưởng sẽ hoàn thành kế hoạch A. Chúng tôi sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng tại Hạ viện đối với gói viện trợ dành cho Ukraine và chúng tôi sẽ đưa số tiền đó ra khỏi cửa theo cách chúng tôi cần", ông Sullivan nói, cho biết thêm rằng quá trình này "đã mất quá nhiều thời gian".

Thay vì chờ nguồn tài trợ từ quốc hội, Lầu Năm Góc tuần trước đã công bố gói viện trợ trị giá 300 triệu đô la cho Ukraine, bao gồm tên lửa phòng không Stinger, đạn pháo 155 mm, đạn pháo 105 mm, hệ thống chống thiết giáp cũng như các loại đạn và thiết bị khác.

Cố vấn Sullivan hôm 20/3 từ chối bình luận về việc Ukraine đã nhận được tên lửa tầm xa ATACMS của Mỹ hay chưa. Ukraine từ lâu đã yêu cầu có thêm vũ khí tầm xa để cho phép lực lượng của nước này tấn công các mục tiêu quân sự ở xa tiền tuyến.

Nga nói đang đẩy lùi lực lượng Ukraine, tuyên bố thành lập hai đội quân mới

Nga cho biết quân đội nước này đang đẩy lùi lực lượng Ukraine và sẽ tăng cường sức mạnh bằng cách bổ sung hai đội quân cùng 30 đơn vị mới vào cuối năm nay.

Phát biểu hôm 20/3 tại một cuộc họp ở Mátxcơva, Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu tuyên bố Nga sẽ tiếp tục tăng cường quân đội "một cách tương xứng" trước những mối đe dọa mới đối với an ninh đất nước.

Việc tăng cường quân đội bao gồm cả gia tăng số lượng quân nhân và cải thiện khả năng chiến đấu.

Theo ông Shoigu, một quân đoàn, một sư đoàn, hạm đội sông Dnipro và một lữ đoàn thuyền trên sông đã được thành lập. "Đến cuối năm nay, dự kiến sẽ thành lập hai đội quân kết hợp và 30 đơn vị, bao gồm 14 sư đoàn và 16 lữ đoàn".

Đề cập đến xung đột Ukraine, Bộ trưởng Shoigu cho biết bốn xe tăng Abrams, năm xe tăng Leopards, 27 xe bọc thép Bradley, sáu bệ phóng HIMARS, 11 bệ phóng tên lửa phòng không (bao gồm năm hệ thống Patriot) đã bị phá hủy kể từ đầu năm nay.

Ông Shoigu nhấn mạnh rằng vũ khí đắt tiền do phương Tây sản xuất không giúp Ukraine lật ngược tình thế trên chiến trường.

"Các nhóm quân Nga tiếp tục ép đối phương phải rời khỏi vị trí của họ", bộ trưởng nói. "Mỹ và các đồng minh cực kỳ quan ngại về những thành công của lực lượng vũ trang Nga".

"Việc xây dựng đội quân kết hợp sẽ giúp phát huy những thành công đã đạt được và tăng cường tác động của hỏa lực vào các mục tiêu của đối phương".

Cũng theo ông Shoigu, an ninh đã được thắt chặt tại các cơ sở chính phủ Nga và các cơ sở khác. Nga đã bắn hạ 419 máy bay không người lái và 67 tên lửa của Ukraine trong những ngày bầu cử.

Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẽ đáp trả các cuộc tấn công, và có thể sẽ thiết lập một vùng đệm với lãnh thổ do Ukraine kiểm soát để phòng thủ.

"Nhiệm vụ chính là đảm bảo an ninh. Có nhiều phương pháp khác nhau. Nó không hề dễ dàng nhưng chúng tôi sẽ làm việc đó", ông Putin nói trong một cuộc họp ở Điện Kremlin hôm thứ Tư.

Quân đội Nga phá hủy thêm một 'siêu tăng' Abrams của Mỹ ở Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga ngày 20/3 tuyên bố quân đội nước này đã phá hủy xe tăng Abrams thứ tư do Mỹ sản xuất bằng máy bay không người lái FPV gần Avdeyevka (Donetsk).

"Tại khu định cư Berdychi, các đội trinh sát đã phát hiện hoạt động của khí tài đối phương, theo sát và tiến hành một cuộc tấn công để vô hiệu hóa nó. Đến cuộc tấn công bằng máy bay không người lái FPV thứ hai, chiếc xe tăng Mỹ - mà đối phương đặt nhiều kỳ vọng - đã bị phá hủy. Ngoài ra, các đội trinh sát của chúng tôi đã tiếp cận được chiếc xe bị hư hỏng, kiểm tra và thu hồi tất cả các thiết bị cần thiết", Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố.

Một sĩ quan cấp cao - có bí danh Sokol - cho biết ông không nhận ra mục tiêu phía trước là gì do tầm nhìn kém. "Khi thời tiết thuận lợi hơn, các đồng đội của chúng tôi từ nhóm trinh sát trên không mới có thể phân biệt được. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy mục tiêu bị loại bỏ là chiếc xe tăng nổi tiếng của Mỹ. Ban đầu, tôi cũng không nghĩ đó là xe tăng Mỹ. Và nó khiến tôi có cảm giác rằng xe tăng Mỹ có thể bị đốt cháy dễ dàng hơn các xe tăng khác. Điều này giúp tôi có thêm động lực chiến đấu", ông nói.

Một trinh sát viên có bí danh Izai cho biết xe tăng Mỹ không gây ấn tượng khi so sánh với thiết giáp Nga.

"Chiếc xe tăng này không thực sự đặc biệt như lời ca ngợi của phương Tây và Ukraine. Sau khi ngồi bên trong nó, tôi có thể nói rằng nó tệ hơn cả thiết giáp của chúng tôi, đặc biệt là xe tăng T-90. Tôi không thấy ấn tượng", Izai mô tả.

Có thể bạn quan tâm

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

(GLO)- Sau khi tổng thống Biden quyết định cho Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga, Anh và Pháp cũng liền có động thái tương tự. Một số nguồn tin dự đoán vài ngày tới có thể Ukraine sẽ tiến hành những đợt tấn công đầu tiên vào đối phương với tên lửa có tầm bắn tới 306 km.

Triều Tiên tố Hàn Quốc chuyển những thứ rác rưởi sang lãnh thổ của mình

Triều Tiên tố Hàn Quốc chuyển những thứ rác rưởi sang lãnh thổ của mình

(GLO)- Lâu nay, hoạt động tuyên truyền của Hàn Quốc và thả rác thải của Triều Tiên gây nên mâu thuẫn và căng thẳng giữa 2 nước. Tuy nhiên mới đây, đến lượt Triều Tiên tố Hàn Quốc sử dụng truyền đơn và đồ dùng mà Bình Nhưỡng gọi là rác rưởi sang lãnh thổ của mình với mục đích chống phá.

Đức xuống nước thừa nhận sai lầm, Tổng thống Trump nói Nga và Ukraine phải dừng lại

Đức xuống nước thừa nhận sai lầm, Tổng thống Trump nói Nga và Ukraine phải dừng lại

(GLO)- Hãng tin Reuters ngày 15/11 đưa tin Thủ tướng Đức Scholz trong cuộc phỏng vấn với báo Sueddeutsche Zeitung, thừa nhận Đức phải thay đổi mức chi tiêu để ứng phó với "tình trạng khẩn cấp về tài chính" do xung đột ở Ukraine gây ra, sau khi phe đối lập trung hữu đề cập chính sách "phanh nợ".