(GLO)- Lời Tòa soạn: Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập huyện Đức Cơ, phóng viên Báo Gia Lai điện tử có cuộc phỏng vấn ông Vũ Mạnh Định-Chủ tịch UBND huyện về những thành tựu đạt được trong thời gian qua và định hướng phát triển trong những năm tới.
* P.V: Ông có thể khái quát những thành tựu nổi bật của huyện Đức Cơ trong 30 năm qua?
Ông Vũ Mạnh Định. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
- Ông VŨ MẠNH ĐỊNH: Khi mới thành lập, xuất phát điểm nền kinh tế của huyện rất thấp. Đứng trước những khó khăn ấy, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã đoàn kết, sáng tạo, thi đua lao động sản xuất và đạt những kết quả quan trọng. Đến nay, huyện có 10 đơn vị hành chính với 73 thôn, làng, tổ dân phố. Toàn huyện có 18.949 hộ với 77.822 khẩu, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm khoảng 46%. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, xây dựng đồng bộ, điện, đường, trường, trạm khang trang, đường ô tô vào đến 100% các xã. Đến nay, toàn huyện có 3 xã và 12 làng đạt chuẩn nông thôn mới. 24/47 trường học đạt chuẩn quốc gia; trình độ dân trí ngày càng nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,1%, không còn hộ nghèo là người có công với cách mạng. Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, thông tin và phong trào toàn dân đoàn kết thực hiện lối sống văn hóa ở khu dân cư được nhân rộng, 75% thôn, làng, tổ dân phố văn hóa và 80% hộ gia đình văn hóa.
Trong 10 năm (2011-2020), nền kinh tế của huyện vẫn giữ được mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 13,15%. Tổng thu ngân sách bình quân hàng năm là 453,7 tỷ đồng, trong đó, thu ngân sách trên địa bàn bình quân là 47,3 tỷ đồng, tỷ lệ tăng bình quân hàng năm 3,5%.
30 năm sau ngày thành lập, cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc trong huyện luôn phát huy truyền thống cách mạng, thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chính vì vậy mà tình hình kinh tế-xã hội của huyện từng bước đi lên, đời sống của người dân được cải thiện, các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội luôn đạt và vượt kế hoạch giao, quốc phòng-an ninh được đảm bảo.
* P.V:Thời gian tới, huyện sẽ tập trung đầu tư vào những lĩnh vực trọng tâm nào, thưa ông?
- Ông VŨ MẠNH ĐỊNH: Thời gian tới, huyện xác định nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao vẫn là một trong những “trụ đỡ” quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, huyện sẽ phát huy tiềm năng, thế mạnh của nông nghiệp. Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định: Giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, nâng tỷ trọng ngành thương mại-dịch vụ. Đến năm 2025, tỷ trọng ngành nông-lâm nghiệp chiếm 42%, công nghiệp-xây dựng chiếm 19,4%, thương mại-dịch vụ chiếm 38,6%. Tập trung phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, thông qua các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất, từng bước tiếp cận với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Đến nay, toàn huyện có 18 trang trại ứng dụng kỹ thuật hiện đại, trong đó có 13 trang trại gắn với điện mặt trời, sản xuất nông nghiệp kết hợp với nguồn năng lượng sạch; 4 trang trại gắn với công nghệ cao. Hầu hết các trang trại đều được cấp chứng chỉ VietGAP. Đặc biệt, trong quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn, trên địa bàn huyện đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, góp phần nâng cao giá trị nông sản. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh tái canh cà phê, đưa một số giống cây trồng có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, mở rộng vùng trồng cây dược liệu để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Huyện Đức Cơ được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất năm 2011; 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua năm 2013, 2016; UBND tỉnh tặng cờ thi đua năm 2012, 2013, 2016; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2016. Nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng huân chương, bằng khen cùng các danh hiệu thi đua khác. |
Bên cạnh đó, huyện sẽ khai thác tiềm năng, lợi thế từ Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh để kêu gọi, thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Chuyển đổi mô hình quản lý chợ Đức Cơ, chợ Ia Dom, chợ Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh để ổn định và phát triển. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hình thành các chuỗi siêu thị mi ni, cửa hàng tiện lợi ở thị trấn và trung tâm các xã; khuyến khích xã hội hóa để hình thành một số chợ nông thôn tại các xã theo quy hoạch, nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân.
Song song với đó, huyện sẽ triển khai thực hiện đề án phát triển du lịch theo hướng xã hội hóa để đầu tư, mở rộng kết nối các điểm tham quan du lịch tiềm năng của huyện gắn với các điểm đến nổi tiếng trên địa bàn tỉnh thông qua các doanh nghiệp kinh doanh du lịch; từng bước xây dựng tiền đề hình thành và phát triển loại hình du lịch sinh thái, điểm dừng chân lưu trú cho khách du lịch nước ngoài qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Khuyến khích, tạo điều kiện để các loại hình dịch vụ vận tải, bảo hiểm, bưu chính, viễn thông, ngân hàng... mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân. Quyết tâm xây dựng huyện Đức Cơ xứng đáng là vùng kinh tế động lực phía Tây của tỉnh.
* P.V:Xin trân trọng cảm ơn ông!
VĨNH HOÀNG (thực hiện)