Giữa lòng hồ Sê San 4 (huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) mênh mông gần biên giới Lào, Campuchia có một xóm chài nhỏ với hàng chục chiếc bè gỗ lặng lẽ bập bềnh, đơn độc...
Các hồ thủy điện trên dòng Sê San là nơi có nhiều loài cá ngon, quý. Tiếng lành đồn xa, hàng trăm con người khắp đất nước kéo về đây kiếm sống bằng nghề chài lưới.
Một góc xóm chài Sê San 4. |
Chìm nổi theo con nước
Chúng tôi ngồi trên bè nhà Tư Sơn, một người dân của xóm chài, nhìn chiều nhạt nhòa, nắng tím ngắt lòng hồ Sê San 4. Tư Sơn nói khi khói xám sau những căn nhà bè bắt đầu nổi lên là cánh đàn ông lại đi thả rớ, thả lưới. 6 - 7 năm trên hồ này, những chiếc bè của Tư Sơn và bà con có chắc chắn hơn, cuộc sống đỡ hơn tí chút, tuổi có già đi và con cái được biết thêm cái chữ, nhưng với những người đàn ông tứ xứ tụ họp về đây vẫn vậy: đêm thả lưới, ngày đi bán cá. Ai đó có nhớ về cố hương thì bên chén rượu tỉ tê với món nhậu quê nhà mang theo và kể chuyện quê mình. Cuộc đời cứ duềnh ra, tan dần theo từng con sóng đầy vơi ở miền biên giới Sê San nắng gió.
Tư Sơn thủ thỉ, tám năm trước lòng hồ Sê San 4 mênh mông quạnh hiu, cá nhiều vô kể. Ngày đầu về đây, người Huế, Quảng Bình thì đánh cá bống, cá chạch; dân miền Tây đánh cá mè dinh, cá lăng đuôi đỏ; còn dân miền Trung, miền Đông Nam bộ thì... cá gì cũng đánh.
“Bây giờ cá ít và khôn hơn, cứ bơi dưới thân cây gỗ mục lòng hồ, ít ngoi lên nên thả lưới sâu xuống là rách hết. Xưa có đêm bắt nửa tạ cá, ít cũng 10 - 20 kg. Vài năm nay chỉ vài ba ký nên anh em phải chuyển sang đánh rớ”, nói rồi Tư Sơn chỉ ra ngoài. Lòng hồ ban đêm rực sáng như phố nổi với những bóng điện thắp sáng trên bè rớ. Mỗi rớ là một bình ắc quy và một bóng đèn.
"Đó là cách bắt cá cơm Sê San. Cứ giăng rớ ra, thả đèn xuống, cá cơm thấy ánh sáng là bu lại, mình chỉ cất rớ là hốt bạc", anh hỉ hả. Với cách này, có đêm kiếm cả tạ cá cơm. Khoảng 5 giờ chiều đi thả rớ, sáng 4 - 5 giờ đi ghe ra kéo rớ và chở cá về. Ai lười thì chở ra chợ Sê San bán, siêng thì mang về phơi khô bán dần. Đến nay, cá cơm Sê San đã trở thành đặc sản nổi tiếng.
Ở đây còn nổi tiếng món “bánh tráng cá cơm”, kết hợp giữa bánh tráng Bình Định và cá cơm Sê San. Cá nhiều quá chẳng có cách chế biến nào ngoài làm khô cá. Trong một lần cúng giỗ, bà Lâm Thị Đẹp, một ngư dân ở đây, lấy bánh tráng làm chả ram, trải cá cơm khô lên trên rồi chiên như bánh phồng. Ăn thấy ngon, thế là bà Đẹp làm bánh tráng cá cơm bán và nhanh chóng trở thành món khá hút hàng.
Trẻ em xóm chài mong ngày được lên bờ để dễ dàng việc học hành. |
Cùng với đánh cá, dân xóm chài còn nuôi cá. Ngày trước nhà bè kết nhau lại thành xóm, lấy ván gỗ làm lối đi chung. Ba năm trở lại đây, ai cũng nuôi cá giống nên tách ra từng bè riêng dễ làm ăn hơn. Được ăn như nhau và... mất ăn cũng như nhau.
Cá giống lấy từ Gia Lai, Bình Phước do tỉnh Kon Tum hỗ trợ. Tuy vậy, nuôi cá trên hồ thủy điện Sê San 4 cũng khá bấp bênh vì phải phụ thuộc nhiều thứ: mưa, thủy điện xả nước, xả lũ... “Năm 2015, nuôi được nhiều cá thì bán không ai mua. Năm ngoái, do nước hồ không ổn định, cả bè cá diêu hồng do Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum hỗ trợ cứ chết dần. Riêng bè cá nhà tui mất tới 300 triệu đồng. Năm nay, bốn lồng cá trắm, diêu hồng và thác lác lớn nhanh, cầu trời được giá, tết bán kiếm chút tiền gỡ gạc năm trước”, Hai Thuộc, một trong những dân chài đầu tiên trên dòng Sê San, nói.
Mong ngày lên bờ
Tròng trành bước lên nhà bè của Hai Triều (anh ruột Tư Sơn) chừng 30 m2 được ghép từ ván gỗ bìa, chúng tôi quan sát xung quanh bè nuôi cá lồng nhiều loại như cá trắm, diêu hồng, thác lác. "Uống thì hứng nước mưa, mua nước bình, còn tắm thì đó, xóm nhà bè này ai cũng vậy", anh vừa nói vừa chỉ xuống nước, nơi trẻ con và người lớn đang vẫy vùng.
Nhà Hai Triều ở xã Vĩnh Phước (huyện Tri Tôn, An Giang), không có ruộng, nghèo nhất nhì xóm. Từ đời cha ông đã gắn bó với sông nước mênh mông đó đây kiếm sống. Mùa nước nổi còn kiếm ăn được, mùa khô chỉ biết ngửi khói đốt đồng vì thất nghiệp. Anh không nhớ đã lênh đênh bao nhiêu sông hồ ở vùng Nam bộ, Tây nguyên nữa. Đời ngư dân "móng đâu câu đó", nơi nào nghe cá nhiều thì đám đàn ông đi trước, đến cắm bè, thả lưới.
Sau, thấy mần ăn được, họ đưa vợ con đến. Gần chừng vài trăm cây số thì chạy xe máy, xa hơn phải chất cả ghe, lưới, đồ đạc, áo quần... như di dân. Hiện giờ tạm dừng chân tại đây, ngày trúng lưới kiếm 500.000 đồng, ít thì 200.000 - 300.000 đồng, vẫn hơn ở quê.
"Cứ rày đây mai đó, chỉ mong có nơi nào cắm dùi an cư để lên bờ, cho con cái học hành đàng hoàng", Hai Triều buồn buồn tâm sự.
Cá cơm đánh bắt bằng rớ ở hồ Sê San 4. |
Trong cái nhọc nhằn ấy, không phải ai đến đây cũng cắm đời mình ở lại. Như trường hợp nhà Sáu Do, ngày đến đây có hai vợ chồng và hai đứa con. Chỉ hơn một năm, chị vợ một lần lấy ghe chở cá ra chợ Sê San bán rồi không về, bỏ lại 3 cha con. Đêm đêm, thấy bóng đàn bà ở các bè khác lo cơm nước, Sáu Do quặn lòng nhìn hai đứa con trai đã lớn, thiếu miếng ăn ngon từ bàn tay chăm sóc của mẹ bốn năm nay, thiếu vắng cái chữ nhiều năm dù ngày khai giảng vừa mới qua.
Dòng Sê San có nhiều hồ. Riêng hồ Sê San 4 có trên 100 cư dân phiêu bạt từ khắp nơi. Họ gắn bó cả đời với nghề đánh bắt cá, nhưng luôn mơ ngày thoát kiếp lênh đênh.
“Bọn mình là dân du ngư, vùng này là biên giới nên chưa được đăng ký tạm trú. Cũng may, Chủ tịch UBND xã Ia Đal (huyện Ia H’Drai) Ngụy Đình Phúc (trước đây làm trạm trưởng đường sông khu này) rất tốt, có chuyện gì cũng chạy đến giúp. Hôm lũ vừa dứt, người đầu tiên tìm đến bà con cũng là anh Phúc”, Hai Triều nói.
Quy hoạch đất cấp cho dân xóm bè Ông Nguyễn Văn Lộc-Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai, cho biết đến nay chính quyền địa phương đã giúp 5 hộ xóm chài trên hồ Sê San 4 nhập hộ khẩu, và khoảng 24 hộ dân với gần 100 nhân khẩu được đăng ký tạm trú tạm vắng. Chính quyền sẽ tiếp tục kiểm tra lý lịch, nhân thân rõ ràng, đủ điều kiện là cho nhập hộ khẩu cư trú. Hiện huyện đang quy hoạch 3 ha đất để cấp cho dân xóm chài lên bờ làm nhà, cho các cháu có điều kiện học hành. |
Hiện tại 20 học sinh xóm chài đã đến trường. Người có công đưa các em đến lớp là ông Nguyễn Quang Thọ, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ia H’Drai. Mấy năm trước, dân xóm chài ngại đưa con đến trường. Có người nói, cha tui đẻ trên ghe, lớn lên trên ghe có biết chữ đâu mà vẫn sống. Ông Thọ vẫn không nản, ra tận từng bè nói chuyện với từng nhà, kiên trì vận động để tụi nhỏ xóm chài được đi học.
Còn Hai Thuộc, người đã 7 năm gắn bó tại đây trăn trở, nếu có đất làm nhà, hai đứa con (một lớp 4 và một lớp 10) sẽ dễ dàng hơn khi đi học. Tiếng thở dài của anh hòa cùng tiếng lật vở, tiếng rì rầm học bài của hai con và tiếng sóng vỗ vào bè ì oạp...
Phạm Anh/thanhnien