Xây nhà cho ong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người Giẻ Triêng ở thôn 6, xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) truyền đời cách làm tổ “dụ” ong về để lấy mật, vừa cải thiện kinh tế gia đình, vừa góp sức giữ rừng.
 
Những “ngôi nhà” cho ong được người Giẻ Triêng “xây dựng” trên mỗi gốc thân cây
Đời sống khá giả nhờ ong
Thôn 6, xã Phước Lộc là ngôi làng nằm lọt thỏm giữa thung lũng dưới chân núi Ngọc Linh, nơi giáp ranh với tỉnh Kon Tum. Người ta biết đến thôn 6 với nhiều biệt danh: làng tự lập, làng nuôi ong. Theo lý giải của ông Lưu Huyền Thoại, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, người dân ở đây từ bao đời nay đều bám vào rừng để sống. Họ chưa bao giờ ỷ lại, trông chờ vào chính quyền mà luôn có cách để vươn lên. Đó là điều hiếm có đối với các làng bản ở vùng cao. 
Làng vỏn vẹn 35 hộ dân sinh sống, với những nếp nhà gỗ ẩn mình giữa núi rừng. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi khí hậu mát mẻ nên rau quả trồng được quanh năm, trên rừng có nhiều loài hoa sinh trưởng. Đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, thế nhưng lại khá giả hơn so với các ngôi làng khác trong xã. 
“Người dân ở đây khấm khá lên là nhờ nghề nuôi ong do cha ông truyền lại từ bao đời nay. Trước thì lấy mật ong đem đổi gạo muối. Nay, khi nhiều người biết đến danh tiếng mật ong nơi đây thì bán lấy tiền mua sắm vật dụng gia đình. Nói chung, cũng không khi nào bị đói cả”, già làng Hồ Văn Đồng cười nói.
Cách người dân ở đây lấy mật ong rừng hết sức độc đáo cũng khá nhẹ nhàng. Theo già Đồng bật mí, vào khoảng đầu tháng 2 âm lịch, khi tiết trời ấm áp, người dân vào rừng chuẩn bị bọng để dụ đàn ong về làm tổ. Người dân thường chọn những thân cây lớn, nằm gần bờ suối, có nhiều bóng mát, những loại cây rừng có mùi hương để làm bọng, dụ ong. Hàng năm, dân vừa đục tạo bọng mới, vừa kiểm tra lại các bọng cũ xem có cái nào bị hư hại để sửa chữa và... chờ ngày khai thác mật. Bọng ong được đục trên thân cây, cách mặt đất chừng 1m, sâu khoảng 40cm và rộng 25cm. Sau khi dụ ong vào bọng, người ta tìm chọn các viên đá dưới suối để đậy miệng bọng, rồi lấy đất bịt kín kẽ hở xung quanh, chỉ chừa lại 1 - 2 lỗ nhỏ bằng ngón tay cho ong chui vào làm tổ. 
“Các cây được chọn để làm tổ phải đủ lớn, đủ độ cứng để khi tiến hành đục bọng xây tổ cho ong, cây không bị chết. Bọng càng lớn thì lượng mật càng lấy được nhiều”, già Đồng tiết lộ.
Sau khi hoàn thành đục bọng trên thân cây, người Giẻ Triêng ra bờ suối, chọn những viên đá có kích thước phù hợp, mài cho vừa khớp với miệng bọng và gắn lại, như một cánh cửa, lúc đó ngôi nhà cho ong hoàn thành.
“Ở dọc miệng bọng, phải chừa các lỗ nhỏ để ong có thể chui ra, chui vào làm tổ, lấy mật. Mỗi viên đá như là việc đánh dấu chủ quyền của loài ong mật, nên cần phải được chọn lựa kỹ càng. Và mỗi viên đá đó sẽ gắn bó với cái nhà của nó suốt cả cuộc hành trình, thậm chí kéo dài hàng chục năm. Năm nay bỏ viên đá này, năm sau bỏ viên đá khác thì đàn ong sẽ bỏ tổ, không về đó làm mật nữa”, già Hồ Văn Nhỏ bật mí.
Giữ nghề, giữ rừng
Sau khi hoàn thành việc xây nhà cho ong, người dân sẽ chờ đến khoảng tháng 5 âm lịch để vào rừng lấy mật. Làng có 35 hộ dân sở hữu hàng chục, hàng trăm bọng mật ong trong rừng. Theo anh Hồ Văn Thước, người sở hữu hơn 30 tổ ong cho biết, trung bình mỗi năm gia đình anh lấy được 1 - 2 lít mật ong/tổ. “Như vậy, mỗi năm ít nhất cũng được hơn 50 lít mật ong. Hiện nay, giá 1 lít mật ong bán ra là 400.000 đồng vào ngày thường, còn những ngày cận tết thì lên 500.000 đồng hoặc hơn nữa”, anh Thước tâm sự.
Được biết đến là “đại gia” mật ong của làng khi sở hữu gần 200 tổ ong trong rừng, hàng năm già Hồ Văn Yên thu về hàng trăm lít mật. “Vật dụng gia đình, cả 5 đứa con ăn học đàng hoàng cũng nhờ nó đấy”, già Yên cười rồi chỉ tay vào những thùng chứa đầy mật ong đang được cất giữ cẩn thận ở trong kho.
Anh Hồ Văn Đoàn - Trưởng công an xã Phước Lộc, cũng là người dân thôn 6 cho biết, điều đầu tiên để làm tổ cho ong là phải có những gốc cây đủ lớn, đủ cứng. Vì vậy, yếu tố tiên quyết là phải giữ rừng.
“Hàng chục năm nay, ở cái làng này chưa bao giờ xảy ra tình trạng phá rừng. Ý thức bảo vệ rừng của người dân rất cao, bởi có rừng, họ mới giữ được nguồn lợi kinh tế của mình”, anh Đoàn nói.
Từ ngôi làng, mất chừng 20 phút ngược núi là có thể đến được với những tổ ong đang ở trong thân cây. Người dân bảo vệ từng cây nhỏ, để khi lớn có thể trở thành tổ của ong. Bản thân Hồ Văn Thước cũng không nhớ cách lấy mật này có từ bao giờ, khi lớn lên anh đã theo cha đi lấy mật.
“Loại ong mật có đặc tính chọn những cây thân bị mục rỗng, tạo thành bọng rồi chui vào ở. Biết được đặc điểm này, người mình đục cây tạo thành bọng làm nhà cho ong. Vì thế, cây càng lớn càng tốt”, anh Thước chia sẻ.
Hiện tại, mỗi gia đình ở thôn 6 sở hữu hàng chục gốc cổ thụ. Nhà ít cũng 20 gốc, nhà nhiều thì cả mấy trăm gốc. Mỗi lần đi xây nhà cho ong, hay đi lấy mật, nếu thấy dấu hiệu phá rừng, người dân đều báo với chính quyền để kịp thời xử lý.
Nguyên Dương (SGGP)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.