Xây dựng Làng văn hóa thành "địa chỉ đỏ" của 54 dân tộc anh em

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với sự tái hiện sinh động và đa dạng văn hóa vùng miền của đồng bào các dân tộc, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam thực sự là trung tâm văn hóa-du lịch hấp dẫn, ý nghĩa và đáng đến.
 

 (Ảnh: PV/Vietnam+)
(Ảnh: PV/Vietnam+)



Trong 5 năm (2015-2020), Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp với các địa phương đưa 15 nhóm cộng đồng các dân tộc về hoạt động hàng ngày tại “Ngôi nhà chung”: Tày, Nùng, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer, Bru-Vân Kiều.

Ngày 16/4, Ban quản lý Làng đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm hoạt động hàng ngày của đồng bào các dân tộc và triển khai phương hướng hoạt động trong năm 2021. Đây là hoạt động mở đầu các sự kiện "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam" năm 2021.

Ngôi nhà chung của cộng đồng các dân tộc

Theo ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng Ban quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, hoạt động thường xuyên của đồng bào các dân tộc đã tạo sức sống mới cho ngôi làng, góp phần tích cực thu hút khách du lịch. Lượng khách tăng trưởng từ 250 nghìn lượt khách/năm 2015 tăng lên khoảng 500 nghìn lượt khách du lịch, tăng 200% và đạt vượt mức 167% so với kế hoạch đặt ra năm 2016.

Năm 2017, triển khai thu phí tham quan, làng đã đón tiếp và phục vụ 400 nghìn lượt khách, vượt hơn 33% kế hoạch đề ra; năm 2018 làng đón tiếp 550 nghìn lượt khách và năm 2019 là 500 nghìn lượt khách. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2020, lượng khách đến làng khoảng 170 nghìn lượt.

 

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)


Ông Chung nhấn mạnh Ban Quản lý luôn đặc biệt quan tâm đến các nhóm cộng đồng dân tộc thiểu số ít người (dưới 10.000 người), nên đã phối hợp cùng với địa phương kết nối đưa các nhóm cộng đồng về tham gia hoạt động tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam để đồng bào có môi trường thực hành văn hóa cộng đồng mình. Trong quá trình hoạt động, đồng bào dân tộc đã tự tin tái hiện đời sống sinh hoạt, giới thiệu không gian văn hóa của dân tộc mình, trình diễn các hoạt động dân ca, dân vũ giao lưu với du khách tham quan.

Ban Quản lý luôn tạo điều kiện để luân phiên đồng bào về thăm gia đình, luôn động viên kịp thời đối với các trường hợp điều kiện gia đình khó khăn và diện gia đình đặc biệt tại địa phương; luôn quan tâm gắn kết, nắm bắt tâm tư, tình cảm của các nhóm nghệ nhân để giải quyết các vấn đề vướng mắc.

“Với sự đa dạng văn hóa vùng miền của đồng bào các dân tộc thường xuyên tại làng cùng những chương trình hoạt động phong phú, mang đậm nét văn hóa truyền thống các dân tộc đã góp phần tạo sức hấp dẫn, lan tỏa thu hút du khách, quảng bá hình ảnh Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam thực sự là trung tâm văn hóa, du lịch hấp dẫn, ý nghĩa và đáng đến,” ông Chung cho hay.

Theo đánh giá của Ban quản lý, 5 năm qua, đồng bào các dân tộc đã hội tụ về làng để lan tỏa các giá trị văn hóa cộng đồng địa phương thông qua các hoạt động tại mỗi nếp nhà, không gian văn hóa được tái hiện bồi đắp thêm sâu sắc tại “Ngôi nhà chung.”

Tuy nhiên, Ban quản lý cũng thừa nhận nhiều khó khăn, chẳng hạn như không gian văn hóa dân tộc chưa hoàn chỉnh, phương thức huy động còn phụ thuộc vào nhóm cộng đồng, cơ chế kinh phí cần tiếp tục hoàn thiện.

Cụ thể, các nhóm đồng bào dân tộc hoạt động hàng ngày tại làng theo hình thức luân phiên 3 tháng, đối với một số nhóm tính ổn định cao Ban quản lý sẽ ký hợp đồng 6 tháng. Theo cơ chế này, người dân được nhận trợ cấp 2 triệu đồng/tháng.


 

Nghệ nhân ưu tú Y Sinh, người Xơ Đăng từ Kon Tum. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Nghệ nhân ưu tú Y Sinh, người Xơ Đăng từ Kon Tum. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)



Theo nghệ nhân ưu tú Y Sinh, người Xơ Đăng từ Kon Tum, công tác vận động người dân xuống làng là rất khó khăn, bởi họ đã quen nếp sống ở bản buôn, quen với nương rẫy, nay về Thủ đô, xa núi rừng, mức trợ cấp lại thấp khiến nhiều người không muốn đi.

“Tôi đã từng làm giáo viên, làm công tác Hội Chữ thập đỏ, từng tham gia các hoạt động tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Sau khi nghỉ hưu thì tôi về làng tham gia trình diễn nhạc cụ của dân tộc mình như đàn t’rưng, đàn K’long put, giới thiệu cho du khách về văn hóa của dân tộc Xơ Đăng,” bà Y Sinh cho biết.

Định cư tại làng từ năm 2018, bà là người rất tích cực thuyết phục đồng bào mình tham gia các hoạt động tại làng, cũng là người rất tâm huyết với việc gìn giữ và giới thiệu văn hóa dân tộc.

“Bên cạnh mức trợ cấp hàng tháng thì đời sống của chúng tôi tại làng rất đầy đủ, các cán bộ tại đây quan tâm rất chu đáo. Tôi đã cố gắng vận động người dân cùng xuống làng, tôi sẵn sàng dạy chữ (tiếng phổ thông), dạy nghề, hướng dẫn cách làm cho đồng bào, tuy nhiên rất khó để kêu gọi mọi người,” bà chia sẻ.

Tìm hướng đi bền vững

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định trong 5 năm qua, hoạt động của Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam đã có những thành công nhất định nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết.


 

 Bộ trưởng cho rằng Làng Văn hóa sẽ là
Bộ trưởng cho rằng Làng Văn hóa sẽ là "địa chỉ đỏ của 54 dân tộc anh em." (Ảnh: PV/Vietnam+)



“Tôi hy vọng chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận để mỗi cộng đồng dân tộc tại làng thực sự trở thành hình ảnh tiêu biểu cho địa phương của họ. Với sự hiện diện của đồng bào các dân tộc, là chủ thể văn hóa tự giới thiệu bản sắc của mình, chúng ta cùng xây dựng làng trở thành địa chỉ đỏ của 54 dân tộc anh em," Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu.

Bộ trưởng cho rằng cần đưa ra kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước để hoàn thiện các thiết chế, hạ tầng thuộc Khu Làng các dân tộc.

"Chúng ta cần xây dựng để những khu làng này đúng nghĩa là những nếp nhà tại địa phương nhưng đồng thời đảm bảo xanh, sạch, đẹp và có giá trị văn hóa, để du khách nhận ra nét đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên đại ngàn Trường Sơn hay vẻ đẹp tinh túy của vùng núi Tây Bắc. Chúng ta phải tái tạo để không gian nơi đây phát huy giá trị văn hóa một cách đầy đủ, chứ không chỉ là hình hài một ngôi nhà sàn hoặc một ngôi chùa Khmer rồi nói đó là văn hóa,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng gợi ý rằng địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý của làng để chăm lo đời sống người dân, tăng cường các hoạt động và sản phẩm, chẳng hạn như giới thiệu nghề truyền thống nào đang có nguy cơ mai một, cung cấp cây trồng hay con giống cho người dân sống tại làng…


 

Đồng bào các dân tộc trong trang phục truyền thống đậm đà bản sắc. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đồng bào các dân tộc trong trang phục truyền thống đậm đà bản sắc. (Ảnh: PV/Vietnam+)


Ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La, đề xuất hàng năm Ban quản lý làng cần làm việc với lãnh đạo các tỉnh có bà con sinh hoạt tại đây để đánh giá hiệu quả của các hoạt động. Ngoài ra, các bên liên quan cũng cần tạo liên kết với các trường học trên địa bàn Thủ đô để đưa học sinh tới tham quan trải nghiệm, phối hợp với lãnh đạo Hà Nội để đưa các nghệ nhân tại làng đi biểu diễn trong các sự kiện do thành phố tổ chức, như vậy sẽ tiết kiệm chi phí mời đồng bào từ các địa phương về đồng thời tạo thêm việc làm cho bà con.

Chia sẻ mối quan tâm về đời sống của người dân tại làng, tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, cho rằng cần tạo ra sinh kế thật sự cho đồng bào, hình thành các chuỗi giá trị cho hoạt động của bà con tại làng.

“Họ đã phải xa núi rừng, xa buôn làng để tụ cư lâu dài ở đây. Vậy chúng ta cần tạo điều kiện để họ sinh kế và gắn bó với nơi này, để làng thực sự trở thành quê hương mới của đồng bào,” bà nói.

Bổ sung cho ý kiến tạo sinh kế cho cộng đồng các dân tộc tại làng, tiến sỹ Bùi Quang Thanh, người có nhiều nghiên cứu và sách về văn hóa dân tộc, cho rằng một không gian văn hóa toàn diện cần bao gồm không gian sinh sống, không gian sinh kế, không gian tâm linh và không gian sinh hoạt cộng đồng.

“Cần có đủ 4 yếu tố đó hợp lại mới thành không gian văn hóa của một cộng đồng. Với diện tích hơn 1.500ha quy hoạch 54 làng cho 54 dân tộc, chúng ta cần tính toán để mỗi làng đảm bảo có 4 tiểu không gian nói trên. Cần chú trọng phát triển bền vững chứ không thể chỉ phát triển ‘nóng’ mà quên mất hồn cốt văn hóa”, tiến sỹ Bùi Quang Thanh trăn trở.

Theo Minh Thu (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia vừa họp, bỏ phiếu thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo là di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Ngọc Minh

Chuyện làm hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, những người làm công tác di sản văn hóa (như cách gọi ngày nay) của tỉnh Gia Lai-Kon Tum bắt tay vào việc thu thập thông tin để làm hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng, trong đó có hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo.

Chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh)

Vọng tiếng chuông ngân

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều ngôi chùa bắt đầu bằng chữ Bửu như chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh), Bửu Thắng, Bửu Nghiêm, Bửu Hải (TP. Pleiku). Riêng cái tên Bửu Tịnh được đặt cho 2 ngôi chùa, 1 ở Ayun Pa, 1 ở Krông Pa. Nhà tôi ở gần chùa Bửu Tịnh (xã Phú Cần, huyện Krông Pa).

Nhân văn lễ trưởng thành của người Jrai

Nhân văn lễ trưởng thành của người Jrai

(GLO)- Tôi thấy vô cùng hạnh phúc và đúng đắn khi quyết định gắn bó đời mình với mảnh đất Krông Pa (tỉnh Gia Lai). Không chỉ là nơi đầy nắng và gió mà Krông Pa còn có nhiều trầm tích văn hóa của người bản địa Jrai, được thể hiện rõ rệt nhất qua các lễ hội.

Một dòng huyền tích

Một dòng huyền tích

Mỗi lần đi qua cầu Đuống, tôi bất giác nhìn về phía hạ lưu, trong đầu ngân lên mấy câu thơ của Hoàng Cầm “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh, nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”.

Theo dấu sử thi

Theo dấu sử thi

Tôi về xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) vào một dịp ngành văn hóa Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lớp truyền dạy hát kể sử thi (khan) cho lớp trẻ.

Giữ lửa văn hóa Cơ Tu

Giữ lửa văn hóa Cơ Tu

Cơm rừng, rượu trời, nói lý hay múa tung tung da dá,...là nét đặc sắc trong văn hóa người đồng bào Cơ Tu, đã và đang được TP Đà Nẵng cố gắng bảo tồn.

Từ trái sang: 4 chị em người Bahnar Đinh Thị Hiền, Đinh Thị Hồng, Đinh Thị Hà, Đinh Thị Hương. Ảnh: M.C

Bốn chị em người Bahnar tâm huyết với văn hóa truyền thống

(GLO)- Cả 4 chị em gái trong một gia đình người Bahnar ở làng Kgiang (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đều là thành viên nòng cốt của đội cồng chiêng nữ và câu lạc bộ dệt thổ cẩm của làng. Họ vừa là hạt nhân, vừa là chất xúc tác giúp cộng đồng giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa.

Tác giả bên khối đá có nguồn gốc từ phế tích Chăm An Phú tại nhà thờ Phú Thọ. Ảnh: X.H

Phế tích Chăm ở An Phú: Bí ẩn vẫn còn nằm trong lòng đất

(GLO)- Phế tích Chăm ở xã An Phú (TP. Pleiku) được Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) phối hợp với Bảo tàng tỉnh khai quật khảo cổ học vào năm 2023 và năm 2024. Kết quả khai quật đã phác thảo diện mạo của một đền tháp Chăm cổ, nhưng vẫn còn nhiều bí ẩn chờ được khám phá.