Vượt khó từ vùng phèn chua mặn chát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Là địa phương có địa bàn rộng khi có tới 20 ấp, xã Nguyễn Phích (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) hiện còn 4 ấp thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn khoảng 9%. Con số vẫn còn là trăn trở với không chỉ chính quyền mà còn cả với chính người dân Nguyễn Phích. Bởi vùng đất này nổi tiếng là đất bị xâm nhập mặn nghiêm trọng. Tồn tại đã khó, nói tới việc làm giàu càng mông lung.

Vườn cam nhà ông Phiệt.

Vườn cam nhà ông Phiệt.

1/Chỉ cách đây vài năm, vùng đất nằm giữa sông Trẹm và sông Cái Tàu vẫn là nơi báo động về tình trạng xâm nhập mặn. Trên thực tế, để tìm hướng đi từ vùng đất mặn phèn chua này không hề đơn giản. Còn nhớ chỉ vài năm trước, nói tới làm kinh tế ở Nguyễn Phích là chính người dân ở đây cũng thở dài. Ông Tô Minh Thanh, người dân ấp 18, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau nhớ lại: “Đất nhiễm phèn, quá mặn cho nên trồng cây con chậm phát triển”. Còn ông Nguyễn Văn Hóa, ấp 16 thì thở dài: “Mùa nước thì nó quá nước, mùa khô thì nó mùa khô”.

“Phải lựa chọn những cây phù hợp với điều kiện tự nhiên, nó chịu được hạn nhưng mà đồng thời nó cũng chung sống được với mực nước lên cao. Không thể ngập”, ông Nguyễn Thanh Liêm, một người dân ấp 10 xã Nguyễn Phích kể lại. Về với vùng quê Nguyễn Phích, hỏi tới ông Nguyễn Thanh Liêm (ông Ba Liêm), hẳn ai cũng biết. Người ta biết đến ông không chỉ bởi ông là người thành công với các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, mà còn bởi ông là một trong số ít những người ở mảnh đất nhiễm phèn mặn này đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong các mô hình sản xuất. Để rồi sau khi thành công, ông lại mang những mô hình đó đến với bà con nhân dân, giúp bà con phát triển kinh tế, thậm chí đổi đời.

Là cán bộ về hưu, đã từng trải qua bao khó khăn, gian khổ, hơn ai hết, ông Ba Liêm hiểu rõ, nếu mình không đi trước, dẫn đầu, không cho bà con thấy những kết quả cụ thể trong thực tế thì không mô hình phát triển kinh tế nào có thể nhân rộng được, cũng sẽ chẳng có ai lắng nghe và ủng hộ. Nghĩ là làm, ông Liêm thí điểm trồng nhiều loại cây trái khác nhau, từ bơ, dâu, chôm chôm, vú sữa, đến măng cụt, sầu riêng… Trồng trọt không đủ, ông làm thêm mô hình nuôi lợn rừng, rồi lại sáng tạo, kết hợp mô hình trồng trọt với du lịch sinh thái.

Ông Liêm kể: “Có hai phương pháp để mà ta trồng cây, một là ta nghe khuyến cáo nhà chuyên môn, hai là chúng ta coi cây bà con trồng lâu năm coi cây gì nó được, tại sao nó được thì mình nghiên cứu đó, mình lựa chọn cây cho nó phù hợp. Cuối cùng tôi cũng nghĩ rằng, chọn cây để làm gì? Nếu trồng cây để tạo sinh thái làm luôn dịch vụ nhà vườn, làm sao cho lúc nào trong vườn cũng có trái, đó là loại còn để bán thì phải chọn thị trường này bán ở đâu? Bán thị trường mình, hay xuất khẩu, hay vô siêu thị? Phải tính trước, nếu không thì ào ào mà nhào theo, không biết đường đi thì vừa khó hoàn vốn, vừa khó sửa đổi”. Ông Liêm mang tư duy ấy lần mò, thử nghiệm đủ loại.

Dần dà, những người khác cũng theo ông. Những người con của quê hương Nguyễn Phích cứ thế lần mò. Làm, rồi thử nghiệm. Thử nghiệm, rồi lại làm.

Tại ấp 14, xã Nguyễn Phích, vườn cam của ông Hồ Văn Khải đã trở thành một mô hình điểm để cùng chia sẻ kinh nghiệm với bà con nhân dân trong vùng. Tính tới mùa mưa năm nay mới là năm thứ 2, ông Khải triển khai mô hình này. Thế nhưng chỉ ngay sau vụ thu hoạch đầu tiên, ông và gia đình đã có thể thu được số tiền từ 70 đến 100 triệu đồng. Số tiền ấy có thể giúp ông Khải và gia đình trang trải cho cuộc sống thường ngày, lấy ngắn nuôi dài, thay vì, chỉ trông chờ vào số tiền thu được sau mỗi đợt thu hoạch rừng tràm 5 năm một lần. Không chỉ trồng trọt, mô hình này cũng có thể kết hợp với các mô hình chăn nuôi khác. Ông Khải nói mô hình này cho thành công bước đầu không chỉ trong gia đình ông: “Người dân ở ấp 14 này đến nay cũng phát triển tương đối”.

2/“Trồng rừng thì khoảng 4 - 5 năm thu hoạch 1 lần, còn chuối thì mình thu hoạch hằng tháng, hằng năm, thì lấy ngắn nuôi dài, mình nuôi được lâu dài hơn, nên bây giờ gia đình cũng ổn định, cũng đỡ”, ông Nguyễn Văn Hóa lý giải cho lựa chọn cây chuối làm cây vượt khó cho gia đình. Cái hay ở Nguyễn Phích là những người dân thấm thía cái khó của vùng đất, nên chủ động tìm tới các giải pháp và tìm tới nhau để đỡ đần nhau. Ông Mai Quốc Sự, ấp 16 kể, ngoài học từ những người chung quanh, bản thân ông cũng đi truyền kinh nghiệm cho những người khác. “Mình tìm những nguồn đầu tư từ cấp trên như xã hỗ trợ xuống, như mô hình nuôi vịt xiêm, hoặc mô hình trồng chuối, nuôi cá… Có các dự án, mình cùng mọi người từng bước nắm bắt để làm những mô hình đạt hiệu quả”.

Dần dần, người ta bảo nhau ở lại, không bỏ xứ làm ăn xa nữa, mà cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn. Người thành công giúp người chưa thành công, người có mô hình tốt tư vấn người đang tìm hướng. Nhiều mô hình được xây dựng và triển khai hiệu quả trong thực tiễn, như mô hình nuôi lươn không bùn, mô hình nuôi ếch, trồng cây ăn trái, trồng màu, nuôi cá, nuôi tôm càng xanh…

Ai có sẵn chuồng trại thì tìm cách mở rộng chăn nuôi heo, có vườn thì nuôi gà, vịt; có liếp sẵn thì bà con trồng cây ăn trái, trồng hoa màu, chuối… Riêng ấp 14, năm 2023, có 6 hộ tự viết đơn thoát nghèo. Tới đầu năm 2024 xã còn 10 hộ nghèo. Theo ông Trần Việt Hồng, Bí thư chi bộ ấp 14, ấp đang quyết tâm năm nay sẽ có thêm 5-6 hộ nữa thoát nghèo. Ở ấp 16, số hộ nghèo cũng giảm đáng kể, hiện còn 6 hộ.

Là địa phương có địa bàn rộng khi có tới 20 ấp, xã Nguyễn Phích hiện còn 4 ấp thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn khoảng 9%.

Đất phèn vẫn là mối lo ở Nguyễn Phích. Nhiều năm qua, theo các số liệu quan trắc, độ mặn ở khu vực này vẫn tăng. Câu chuyện giảm mặn còn phải chờ thêm những công trình to lớn. Có điều trước mắt, Nguyễn Phích đã biết tự tìm ra cách đi cho bản thân, để vượt qua những bất lợi về thiên nhiên. Bàn tay ta làm nên tất cả, chính là từ vùng đất cửa sông này.

Bản thân ông Khải cũng đã thử không biết bao nhiêu cách: “Làm nông nghiệp thì bị tràn, ngập úng. Mình làm không phát triển được”. Cứ tưởng, Nguyễn Phích sẽ còn loay hoay với bài toán chọn mô hình giữa vùng đất phèn chua đắng ngắt. “Chọn những cây phù hợp với điều kiện tự nhiên, nó chịu được hạn nhưng mà đồng thời nó cũng chung sống được với mực nước lên cao là rất khó”, ông Liêm nói. Ngoài chọn được mô hình, còn cần thêm cả tư liệu sản xuất, sinh kế và cần cả những tấm gương đi đầu. Vậy mà những người như ông Liêm, ông Khải lại làm được.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.