Vùng biên hòa bình và phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong công cuộc giữ vững trật tự trị an, an toàn biên giới, hình ảnh các chiến sỹ Biên phòng đội mũ bông, quàng súng đi tuần tra biên giới trở nên thân thuộc với nhiều người.
Lực lượng Biên phòng Lạng Sơn làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Ảnh: Duy Chiến.

Lực lượng Biên phòng Lạng Sơn làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Ảnh: Duy Chiến.

Mở cửa biên giới

Khoảng những năm 1987- 1988, cư dân biên giới hai nước Việt - Trung đã thân gần qua lại đường biên thăm thân, trao đổi hàng hóa.

Cư dân người dân tộc thiểu số giáp biên giới Lạng Sơn qua Trung Quốc bằng chứng minh thư. Đến nơi sát biên giới, có một chiếc bàn gỗ nhỏ có 2 chiến sỹ Biên phòng đeo súng Ak và một cuốn sổ ngồi kiểm tra giấy tờ. Dạo ấy, tôi theo người thân ở thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn đi sang thị trấn Bằng Tường thuộc Khu Tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc. Anh chị tôi là người bản địa, thông thuộc địa hình và nói tiếng Pạc Và (thổ ngữ hai bên biên giới thường dùng) rất tốt. Bên kia biên giới, thương gia đặt mua các loại hải sản, ếch, ba ba, rùa và đồng, ni ken với giá rất cao. Đối lưu lại, chúng tôi nhập các loại nhu yếu phẩm như: đèn pin, chăn con công, quả táo, lê và các loại đài quay băng cát- xét…

Tôi nhớ mãi, dịp xuân 1991, khi đó tôi đang công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn được cử đi khu vực biên giới Cốc Nam (còn có tên khác là Cổng Trắng) thuộc huyện Văn Lãng viết bài nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống Biên phòng 3/3. Tôi bắt xe đò đến thị trấn Đồng Đăng rồi theo dòng người lũ lượt đi bộ hướng về biên giới. Thấy người lạ đến dãy nhà cấp bốn lợp tôn ở gần đỉnh đồi Cốc Nam, những người lính mang quân hàm xanh tiến đến hỏi giấy tờ. Bỗng nhiên, tôi nghe tiếng rất dõng dạc: “Chú người Đồng Mỏ phải không? Anh là Hải đây. Hải Bạc khu Thống Nhất”. Tôi quay lại, thấy một sỹ quan đeo lon cấp úy nhìn tôi rồi cầm tay đưa vào một gian nhà làm việc của chỉ huy. Thì ra, anh Hải là đồng hương và cùng khu Thống Nhất, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn với tôi.

Anh Hải là người khá trực tính, quyết đoán. Có thể như vậy, ở những nơi nhạy cảm thì cần có người bao quát, xử lý nhanh lẹ sự việc một cách thấu tình, đạt lý. Sau tuần trà nóng, tôi theo anh Hải cùng một vài chiến sỹ Biên phòng đi thị sát biên thùy. Gió thổi thốc má, mưa xuân vẫn giăng mắc nhưng không ngăn được dòng người mang vác hàng qua biên. Thời đó, thực hiện chủ trương của hai bên, cư dân giáp biên được phép qua lại trong ngày và mua bán, trao đổi hàng hóa vài chục kg mỗi người. Ban đầu, lực lượng Biên phòng đảm nhiệm chủ công kiểm tra, kiểm soát, sau đó bổ sung thêm lực lượng cán bộ Thuế địa phương…

Anh Hải tâm sự: Khi tốt nghiệp trường nghiệp vụ Biên phòng, anh được cấp trên điều động về công tác tại Biên phòng tỉnh Lạng Sơn sau đó được tín nhiệm làm Đội trưởng Biên phòng làm nhiệm vụ tại khu vực cửa khẩu Cốc Nam. Anh chỉ tay về phía xa xa, chia sẻ: “Cư dân hai bên qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa đông vui lắm. Nhưng cũng không tránh khỏi những phức tạp và diễn biến nảy sinh khó lường. Chính vì vậy, cán bộ, chiến sỹ Biên phòng phải nắm chặt tình hình địa bàn, xây dựng cơ sở ngay trong dân để kịp thời phát hiện kẻ xấu trà trộn, mang vác hàng lậu, hàng cấm…”.

Biên phòng cửa khẩu Chi Ma - Lạng Sơn thu giữ hàng lậu qua biên giới.

Biên phòng cửa khẩu Chi Ma - Lạng Sơn thu giữ hàng lậu qua biên giới.

Phức tạp thời bình

Chợ Kỳ Lừa nổi tiếng là thiên đường mua sắm, giao lưu nằm ở trung tâm thành phố Lạng Sơn, những ngày đầu năm sôi nổi các hội xuân. Trong dòng người đua nhau trẩy hội, có những ánh mắt “đảo như rang lạc” nhằm tìm kiếm “con mồi”. Đó là những “Tú bà” chuyên dụ dỗ lừa phỉnh những cô gái trẻ, người dân tộc thiểu số, hạn chế nhận thức để đưa sang Trung Quốc bán lấy tiền. Trong số này có Hoàng Thị Phương và Vi Thị Hà, đều người dân trú tại tỉnh Lạng Sơn.

Hai đối tượng liên kết với nhau giăng lưới và rủ được 2 phụ nữ là Lạc Thị T và Ngô Thị Th, cùng sinh năm 1991, trú tại xã Tân Thành, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn tới khu vực cửa khẩu Chi Ma theo đường mòn độc đạo Hin Khao. Khi chỉ còn cách cột mốc biên giới chừng chục mét thì bỗng nhiên tổ công tác Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) xuất hiện…Khi về đến Đồn Biên phòng, chứng kiến lời khai của 2 nữ quái Phương, Hà thì các nạn nhân bỗng òa lên khóc vì hối hận lẫn vui mừng vì nếu không có các chiến sỹ Biên phòng họ đã trở thành món hàng của nhóm buôn người.

“Trong các mặt công tác, lực lượng Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Trong đó, có nhiều cách làm hay, sáng tạo, trở thành mô hình điển hình để có thể nhân rộng, góp phần xây dựng tuyến biên giới vững mạnh toàn diện”.

Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chính ủy Bộ Tư lệnh Biên phòng Việt Nam

Trung tá Nguyễn Đức Bính, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma cho biết: “Nhờ có mối quan hệ tốt nên quần chúng nhân dân đã thông báo cho Biên phòng những nguồn tin có giá trị để đơn vị lập các chuyên án đấu tranh thành công. Mới đây, ngày 20/1/2024, tại khu vực đường đồi mốc 1248, thuộc thôn Bản Rọoc, xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình, lực lượng tuần tra, kiểm soát của Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma tổ chức mật phục, bắt giữ Hoàng Văn Vân (SN 1971), trú tại thôn Thống Nhất, xã Tĩnh Bắc, huyện Lộc Bình đang thực hiện hành vi đưa 4 người quốc tịch Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam”.

Biên phòng Lạng Sơn xây dựng 50 lán chốt ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép qua đường mòn biên giới. Ảnh: Duy Chiến.

Biên phòng Lạng Sơn xây dựng 50 lán chốt ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép qua đường mòn biên giới. Ảnh: Duy Chiến.

Trong giai đoạn mới, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, tệ nạn buôn bán ma túy, buôn bán người, pháo nổ, hàng cấm diễn ra phức tạp. Đại tá Nông Quang Tám, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn chia sẻ: Bộ đội Biên phòng tỉnh có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 231 km đường biên giới quốc gia và phụ trách địa bàn 21 xã, thị trấn thuộc 5 huyện biên giới của tỉnh. Lạng Sơn có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính, 9 cửa khẩu phụ là nơi diễn ra các hoạt động về thương mại, du lịch và dịch vụ, thu hút đông đảo người dân ở các nơi đến làm ăn, buôn bán. Tuy nhiên, các đối tượng hoạt động phi pháp thường lợi dụng việc giao thương qua lại cửa khẩu và các đường mòn, lối tắt ở biên giới để tổ chức vận chuyển hàng hóa, hàng cấm trái phép.

Để ngăn chặn kịp thời các loại tội phạm, chống buôn lậu, ngăn ngừa xuất nhập cảnh trái phép, từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thiết lập và duy trì hoạt động các điểm chốt kiểm soát tại những tuyến đường ra vào khu vực biên giới. Cụ thể, thường xuyên duy trì 50 điểm chốt kiểm soát ở các địa bàn trọng điểm thuộc các đồn biên phòng: Ba Sơn, Na Hình, Bình Nghi, Tân Thanh, Chi Ma…

Lực lượng Biên phòng Lạng Sơn làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Ảnh: Duy Chiến.

Lực lượng Biên phòng Lạng Sơn làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Ảnh: Duy Chiến.

“Lực lượng Biên phòng đã tích cực phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các lực lượng Hải quan, Công an, Quản lý Thị trường địa phương đấu tranh, phát hiện, bắt giữ các đường dây, ổ nhóm, đối tượng buôn lậu, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm và hành vi tiếp tay cho tội phạm. Tính từ năm 2023 đến nay, lực lượng Biên phòng tỉnh đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 174 vụ việc liên quan đến vận chuyển hàng cấm; xuất, nhập cảnh trái phép, buôn lậu qua biên giới…Trong đó, tang vật thu giữ 352,7 gam ma túy, 635 kg pháo nổ và nhiều loại hàng hóa trị giá khoảng 2 tỷ đồng; khởi tố 23 vụ, 50 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 78 vụ, với 281 đối tượng, thu nộp ngân sách nhà nước trên 1 tỷ đồng”, Đại tá Nông Quang Tám cho biết.

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.