Vụ 'chuyến bay giải cứu': Cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng cùng các đồng phạm hầu tòa ngày 11-7

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhận hối lộ hàng trăm tỉ đồng trong đại án chuyến bay giải cứu, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cùng 53 đồng phạm bị đưa ra xét xử ngày 11-7

Theo kế hoạch, ngày 11-7 tới đây, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ án "Chuyến bay giải cứu". Phiên tòa dự kiến kéo dài trong khoảng một tháng do thẩm phán Nguyễn Quang Huy làm Chủ tọa.

Bị cáo Tô Anh Dũng (ở giữa) cùng các bị cáo khác. Ảnh: Việt Anh

Bị cáo Tô Anh Dũng (ở giữa) cùng các bị cáo khác. Ảnh: Việt Anh

Theo đó, 54 bị cáo bị đưa ra xét xử về các tội danh "Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Trong đó, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng; Nguyễn Quang Linh, cựu trợ lý Phó thủ tướng; Nguyễn Thị Hương Lan, cựu cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế; Chử Xuân Dũng, cựu phó chủ tịch UBND TP Hà Nội; Trần Văn Tân, cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, bị cáo buộc tội "Nhận hối lộ".

Nguyễn Anh Tuấn, cựu phó giám đốc Công an TP Hà Nội, bị xét xử về tội môi giới hối lộ; Hoàng Văn Hưng, cựu trưởng phòng Điều tra Cục An ninh điều tra Bộ Công an bị cáo buộc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các bị cáo khác bị đưa ra xét xử về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; "Đưa hối lộ" và Môi giới hối lộ".

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, cũng như nhiều nước trên thế giới, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng, chống dịch. Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của một số Bộ, ngành và địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly.

Thực hiện chủ trương này, trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9-2020 đến tháng 12-2022, 21 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, nhận hối lộ gần 165 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại 10,4 tỉ đồng. Trong số những bị cáo nhận hối lộ là những cựu quan chức nắm giữ chức vụ quan trọng trong các Bộ, ngành, tỉnh và TP.

Trong số các bị cáo giữ chức vụ cao nhất ở vụ án này ông Tô Anh Dũng, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao bị cáo buộc nhận hối lộ 21,5 tỉ của các doanh nghiệp. Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án với 253 lần nhận hối lộ với số tiền lên đến 42,6 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, cơ quan tố tụng cũng cáo buộc, bị cáo Lê Hồng Sơn, cựu tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh và Nguyễn Thị Thanh Hằng, cựu phó tổng giám đốc đã đưa số tiền hối lộ lớn nhất trong vụ án, lên đến hơn 100 tỉ đồng. Trong đó, hai người này chi 38,5 tỉ "bôi trơn" 12 quan chức để được cấp phép 109 chuyến bay và phê duyệt cách ly tại địa phương.

Khi vụ án được điều tra, lo sợ vướng lao lý, bị cáo Hằng đã tìm đến người quen là Nguyễn Anh Tuấn (khi đó đang là phó giám đốc Công an Hà Nội) để nhờ "chạy án". Qua đó, 2 bị cáo Hằng và Sơn đã đưa hối lộ 2,65 triệu USD (tương đương hơn 61 tỉ) cho cựu phó giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn để nhờ Hoàng Văn Hưng (khi đó trưởng Phòng điều tra của Cục An ninh điều tra - Bộ Công an) giúp "chạy án". Tuy nhiên, bị cáo Hưng đã đưa ra thông tin không đúng thực tế nên bị cơ quan tố tụng cáo buộc về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài các bị cáo nêu trên, cơ quan tố tụng còn cáo buộc bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu cục trưởng Cục Lãnh sự, nhận hối lộ hơn 25 tỉ đồng; Đỗ Hoàng Tùng, cựu phó cục trưởng Cục Lãnh sự, nhận hơn 12 tỉ đồng; Nguyễn Quang Linh, cựu trợ lý Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ, nhận hơn 4 tỉ đồng; Vũ Anh Tuấn, cựu phó trưởng Phòng tham mưu (Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an) nhận hơn 27 tỉ đồng; Chử Xuân Dũng, cựu phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, nhận hơn 2 tỉ đồng; Trần Văn Tân, cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận 5 tỉ đồng…

Theo khoản 4 Điều 354 - Bộ Luật hình sự, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Xử phạt 3 cơ sở nha khoa 142,5 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động 3 tháng

Gia Lai: Xử phạt 3 cơ sở nha khoa 142,5 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động 3 tháng

(GLO)- Vi phạm trong cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, 3 cơ sở nha khoa trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) vừa bị Sở Y tế ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 142,5 triệu đồng.