Vietnam Airlines giảm lỗ nhờ thị trường nội địa Hà Nội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tổng công ty Hàng không Việt Nam-CTCP (Vietnam Airlines) vừa công bố Báo cáo tài chính giữa niên độ quý II-2022 với mức lỗ giảm so với quý I-2022. 

Theo đó, quý II-2022, mức lỗ của công ty mẹ dưới 44% so với cùng kỳ năm trước, ở mức 2.243 tỷ đồng. Mức lỗ hợp nhất dưới 43% so với cùng kỳ năm trước, ở mức 2.568 tỷ đồng. 

Ảnh minh họa
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, mức lỗ của công ty mẹ là 4.685 tỷ đồng, ít hơn cùng kỳ năm trước gần 39%. Ảnh minh họa

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, mức lỗ của công ty mẹ là 4.685 tỷ đồng, ít hơn cùng kỳ năm trước gần 39%. Mức lỗ hợp nhất là 5.254 tỷ đồng, ít hơn cùng kỳ năm trước gần 40%. 

Đại diện Vietnam Airlines chia sẻ, kết quả trên đạt được chủ yếu nhờ thị trường nội địa phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn khiến hãng chưa thể thoát lỗ; trong đó, giá nhiên liệu bay (chiếm 40% chi phí khai thác) tăng cao đột biến, mức giá nhiên liệu bình quân cao gấp đôi cùng kỳ. 

Cụ thể, tháng 11-2021, Vietnam Airlines xây dựng kịch bản nhiên liệu bay dự kiến là 80 USD/thùng Jet A1, trong khi bình quân của các năm trước chỉ 76 USD/thùng. Sang năm 2022, bình quân 6 tháng đầu năm giá nhiên liệu lên tới 116 USD/thùng Jet A1, đến tháng 7 là 165 USD/thùng Jet A1, gấp đôi dự kiến. 

Đại diện Vietnam Airlines phân tích thêm, chỉ cần chênh lệch 1 USD nhiên liệu bay đã làm tăng chi phí của Vietnam Airlines lên 10 tỷ đồng/tháng. Với sự chênh lệch từ 80 USD/thùng Jet A1 đến 116 USD/thùng Jet A1, 6 tháng đầu năm Vietnam Airlines phát sinh thêm chi phí nhiên liệu bay khoảng 2.300 tỷ đồng. 

Về thị trường khai thác, cùng với tín hiệu khởi sắc chung của ngành hàng không, Vietnam Airlines lần đầu tiên ghi nhận có lãi trong nhiều ngày cao điểm hè tháng 7-2022. 

Kết quả vận chuyển nửa đầu năm 2022, Vietnam Airlines Group gồm 3 hãng: Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO đạt gần 9,5 triệu lượt khách, tăng 24,6% so với kế hoạch đã báo cáo Đại hội đồng cổ đông năm 2022. 

Dù vậy, thị trường quốc tế phục hồi chậm và chưa được như kỳ vọng bởi thị trường này chiếm tới 65% doanh thu của Vietnam Airlines, trong khi 6 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt khoảng 12% so với trước đại dịch Covid-19. 

Thống kê 6 tháng đầu năm 2022, Vietnam Airlines mới nối lại 35 đường bay quốc tế, bằng 53% so với trước đại dịch. Hãng cũng chưa thể khai thác trở lại các đường bay đến Trung Quốc, Myanmar, Nga do những hạn chế từ phía nhà chức trách hoặc căng thẳng chính trị.

Trên thị trường giao dịch, đóng cửa phiên cuối tuần (29-7), cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam-CTCP được niêm yết ở mức 16.500 đồng/cổ phiếu.

PHƯƠNG VI 

 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.