Việt Nam sẽ phóng vệ tinh radar đầu tiên vào đầu năm 2025

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
LOTUSat-1, vệ tinh quan sát trái đất bằng công nghệ radar đầu tiên của Việt Nam, dự kiến sẽ hoàn thành và được phóng lên quỹ đạo vào cuối năm 2024, đầu năm 2025.
Hình ảnh mô phỏng vệ tinh LOTUSat-1. Nguồn: NEC

Hình ảnh mô phỏng vệ tinh LOTUSat-1. Nguồn: NEC

TS. Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) cho biết, dự án phát triển vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam (LOTUSat-1) được triển khai từ năm 2021. Trong những năm qua, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã bám sát tiến độ thực hiện dự án. Dự kiến, từ tháng 12/2024 đến tháng 2/2025, vệ tinh sẽ được phóng lên quỹ đạo.

Để chuẩn bị cho việc khai thác vệ tinh sau khi phóng lên quỹ đạo, dự kiến tháng 9/2024, toàn bộ hệ thống mặt đất phục vụ cho vận hành vệ tinh sẽ được hoàn thiện tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam ở Hòa Lạc (Hà Nội) để sẵn sàng đón nhận tín hiệu đầu tiên từ vệ tinh.

Theo TS. Lê Xuân Huy, vệ tinh radar có khác biệt lớn đối với vệ tinh quang học là chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết, đặc biệt khi thời tiết mây, sương mù, điều kiện thiếu ánh sáng, cả ban ngày, buổi tối.

"Chúng tôi kỳ vọng vào dữ liệu cung cấp từ vệ tinh radar này sẽ đóng góp quan trọng cho Việt Nam, trong điều kiện môi trường khí hậu có nhiều mây", TS. Lê Xuân Huy nói.

Bên cạnh việc phát triển vệ tinh, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng triển khai các lớp học chuyển giao công nghệ xử lý ảnh vệ tinh radar nhằm chuẩn bị sẵn sàng về mặt công nghệ, nhân lực cho các bộ ngành, đơn vị để khi vệ tinh được phóng lên quỹ đạo, các dữ liệu thu được sẽ được khai thác hiệu quả. Dự kiến vệ tinh sẽ hoạt động 5 năm trên quỹ đạo.

Trước đó, năm 2019, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đã thực hiện kí kết gói thầu "Vệ tinh LOTUSat-1, thiết bị và đào tạo nhân lực", thuộc Dự án Trung Tâm Vũ trụ Việt Nam. Đây là dự án vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên được điều phối bởi một công ty Nhật Bản sử dụng vốn vay ODA theo điều khoản đặc biệt dành cho đối tác kinh tế (STEP) từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Vệ tinh LOTUSat-1 có trọng lượng 570 kg, sử dụng công nghệ radar mới nhất với nhiều ưu điểm như phát hiện các vật thể có kích thước từ 1m trên mặt đất, khả năng quan sát cả ngày lẫn đêm. LOTUSat-1 có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết khí hậu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa ở Việt Nam nói riêng và vùng Đông Nam Á nói chung do đặc điểm khí hậu nhiệt đới hầu hết thời gian bị che phủ bởi mây và mù.

Một vệ tinh khác đang hoạt động hiệu quả trên quỹ đạo là vệ tinh VNREDSat-1. Đây là vệ tinh quang học quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam.

Vệ tinh VNREDSat-1 có kích thước 600 mm x 570 mm x 500 mm, trọng lượng khoảng 120 kg do Tập đoàn Airbus phát triển đã được phóng thành công lên quỹ đạo vào ngày 7/5/2013. Đây là kết quả của dự án ODA do Chính phủ Pháp hỗ trợ Việt Nam, là một hệ thống vệ tinh quan sát trái đất hoàn thiện bao gồm cả vệ tinh và các trạm điều khiển, thu nhận và xử lý ảnh từ vệ tinh.

TS. Ngô Duy Tân, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) cho biết, đến nay, Vệ tinh VNREDSat-1 đã hoạt động trên quỹ đạo gấp đôi thời gian so với thiết kế và tiếp tục được vận hành và khai thác an toàn, hiệu quả đem lại nguồn ảnh viễn thám phục vụ các nhu cầu về bảo đảm quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, cũng như nghiên cứu và đào tạo.

Sau hơn 10 năm hoạt động trên quỹ đạo, vệ tinh VNREDSat-1 đã chụp, truyền về mặt đất khoảng 160 nghìn cảnh ảnh kích thước 17,5km x 17,5km trên toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam cũng như các khu quan tâm trên thế giới.

"Đây là một thành công không hề nhỏ so với mặt bằng chung trong khu vực cũng như trên thế giới", TS. Ngô Duy Tân nói.

Tại Việt Nam, từ năm 2006, Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã định hướng cho quá trình phát triển công nghệ vũ trụ ở nước ta.

Tiếp đó, ngày 4/2/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển và ứng dụng KHCN vũ trụ đến năm 2030, mở đường cho sự phát triển về KHCN vũ trụ trong giai đoạn mới.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm ứng dụng rộng rãi thành tựu của KHCN vũ trụ; phấn đấu làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo, tích hợp các cảm biến quang học, radar cho vệ tinh quan sát trái đất và phát triển thị trường, hỗ trợ khởi nghiệp dần hình thành nền công nghiệp vũ trụ của Việt Nam.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nhận định chiến lược đã cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển KHCN vũ trụ trong nước thời gian tới; tạo nhiều cơ hội cho các nhà khoa học, nhà sản xuất, doanh nghiệp và các thành phần liên quan lĩnh vực này phát triển.

Thời gian qua, ngành vũ trụ Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định như: Phóng 2 vệ tinh viễn thông VINASAT, 1 vệ tinh quan sát trái đất VNREDSat và tự phát triển 3 vệ tinh nhỏ (PicoDragon, NanoDragon và MicroDragon).

Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, công nghệ vũ trụ là lĩnh vực công nghệ cao được đánh giá là "biểu tượng sức mạnh công nghệ và khả năng cạnh tranh công nghệ cao" của mỗi quốc gia trên thế giới.

Không gian vũ trụ cần được xác định là một trong 5 không gian (vùng đất, vùng trời, vùng biển, không gian mạng và không gian vũ trụ) mà Việt Nam cần làm chủ để bảo vệ quyền lợi quốc gia.

Vì thế, trong tương lai, Việt Nam cần chủ động về công nghệ vũ trụ, đặc biệt là công nghệ vệ tinh, từng bước làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh, chủ động chế tạo, phát triển những thiết bị chính trong vệ tinh giúp làm chủ "tai mắt" của chúng ta trên quỹ đạo…

Có thể bạn quan tâm