“Mọi hoạt động của các bên, nếu không có sự cho phép của Việt Nam, thì đều là bất hợp pháp và vô giá trị”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói về việc Trung Quốc triển khai mạng lưới máy bay không người lái ở biển Đông.
Bà Lê Thị Thu Hằng nêu quan điểm của Việt Nam về việc Trung Quốc triển khai mạng lưới máy bay không người lái để kiểm soát biển Đông - Ảnh BNG |
Trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước thông tin được báo giới Trung Quốc đưa về việc nước này đang tiến hành xây dựng mạng lưới máy bay không người lái ở khu vực Biển Đông để phục vụ kế hoạch giám sát và kiểm soát toàn bộ khu vực, chiều 12.9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
“Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên, nếu không có sự cho phép của Việt Nam, đều là bất hợp pháp và vô giá trị”.
Như Thanh Niên đã đưa tin trước đó, Bộ Tài nguyên Trung Quốc đã ra thông tin về việc triển khai hệ thống thiết bị bay không người lái (UAV) ở Biển Đông, nhằm phục vụ kế hoạch giám sát và kiểm soát toàn bộ khu vực.
Theo nhà chức trách nước này, hệ thống trên sẽ giúp nhanh chóng phát hiện “hiểm họa môi trường và tình huống hàng hải khẩn cấp” tại Biển Đông. “Hệ thống được dùng trong quản lý hàng hải, bao gồm việc kiểm tra các dấu hiệu đáng ngờ tại các vùng nước, điều tra các vị trí từng có vấn đề và quan trắc trực tuyến biển, đảo”.
Hệ thống trên cũng được cho biết là “tăng cường giám sát năng động” ở Biển Đông ở mức độ cao, với vô số UAV trang bị camera độ phân giải cao kết nối với các trạm tiếp chuyển tín hiệu trang bị trên các xe di động.
Một thiết bị bay không người lái của Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình Sputnik |
Những xe này có chức năng tương tự các trạm thu phát tín hiệu nhưng có thể dễ dàng di chuyển hoặc đưa bằng tàu đến các địa điểm ở xa không có cơ sở hạ tầng cho trạm cố định.
Chúng sẽ chuyển dữ liệu gồm hình chụp và video trực tiếp lên các vệ tinh liên lạc trước khi chuyển về cơ sở ở Quảng Đông cách xa hàng ngàn km.
Thông cáo của Cục Nam Hải (Bộ Tài nguyên Trung Quốc) cũng khẳng định mạng lưới UAV giúp năng lực giám sát của Trung Quốc tại Biển Đông được gia tăng cực kỳ mạnh mẽ và mở rộng tầm bao phủ ra những vùng biển xa bờ hơn.
Trước đó, giới quan sát quốc tế cũng nhiều lần cảnh báo về việc Trung Quốc từng bước củng cố năng lực kiểm soát ở Biển Đông thông qua kế hoạch tổng thể là xây dựng mạng lưới thiết bị trên không, trên bờ, trên các thực thể và trong không gian.
Theo kế hoạch được công bố trước đó, Trung Quốc dự tính hoàn tất chùm vệ tinh vào năm 2021 với tổng cộng 10 vệ tinh quang học, vệ tinh radar, nhằm giám sát mọi bãi đá, đảo và tàu bè ở Biển Đông 24/24 giờ.
Ngoài ra, Trung Quốc còn xây dựng trái phép các trạm khí tượng trên những thực thể ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp.
Giới chuyên gia cảnh báo các hệ thống giám sát hoàn toàn có thể được sử dụng cho mục đích quân sự của Trung Quốc nhằm theo dõi hoạt động hàng hải, hàng không tại Biển Đông, để nâng cao năng lực kiểm soát và chiếm ưu thế với mưu đồ lâu dài là độc chiếm Biển Đông.
Vũ Hân (thanhnien)