Việt Nam cần làm gì để gia tăng vị thế trên bản đồ AI thế giới?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
FPT đầu tư phát triển công nghệ AI một cách toàn diện, từ xây dựng cơ sở hạ tầng tính toán AI, mở rộng quan hệ với các đối tác hàng đầu thế giới đến đẩy mạnh việc đưa AI vào mọi sản phẩm công nghệ.
FPT Techday 24-25/10 quy tụ các chuyên gia, nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn cầu

FPT Techday 24-25/10 quy tụ các chuyên gia, nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn cầu

Dân số trẻ có kỹ năng và khả năng thích nghi nhanh với các giải pháp kỹ thuật số, Việt Nam được xem là "mảnh đất màu mỡ" cho việc phát triển các công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo.

Thị trường đầy tiềm năng

Theo Báo cáo mới nhất về Quy mô thị trường AI do Statista công bố, tỷ lệ tăng trưởng kép trong giai đoạn 2023 - 2030 (GAGR 2023 - 2030) của thị trường AI Việt Nam là 19,51%, cao hơn 2,21 điểm phần trăm so với thị trường AI toàn cầu (17,30%). Năm 2030, tổng giá trị của thị trường AI Việt Nam sẽ đạt gần 2 tỷ USD so với 541 triệu USD trong năm 2023 và quy mô thị trường AI toàn cầu sẽ đạt con số 738,8 tỷ USD.

Đứng trước cơ hội không giới hạn này, nhiều tập đoàn lớn trong nước như FPT, Viettel, Vingroup, VNPT... đều đang mạnh tay đầu tư cho công nghệ AI.

Trong đó, vượt qua các tổ chức cung cấp giải pháp AI lớn trên thế giới như Kore.ai, IBM Watson Assistant, Amazon Lex… FPT vừa ghi dấu ấn trí tuệ Việt Nam trên bản đồ AI với việc FPT.AI được vinh danh "top 1" nền tảng AI toàn cầu năm 2023 (theo Software Review). Hệ sinh thái FPT.AI có hơn 20 sản phẩm, dịch vụ với 200 triệu lượt sử dụng/tháng tại 15 quốc gia trên toàn cầu. FPT hé lộ đã dành hàng nghìn tỷ đồng trong hơn 10 năm để xây dựng các trung tâm AI đẳng cấp quốc tế, đầu tư nghiên cứu phát triển AI ở tất cả các khía cạnh và sẽ ra mắt hệ sinh thái AI thế hệ mới dành cho doanh nghiệp, chia sẻ kết quả đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ AI trên toàn cầu cũng như những hợp tác riêng có với những “bộ não” AI hàng đầu thế giới tại sự kiện FPT Techday tổ chức ngày 24-25/10.

Thời gian qua, FPT đầu tư phát triển công nghệ AI một cách toàn diện, từ xây dựng cơ sở hạ tầng tính toán AI, mở rộng quan hệ với các đối tác hàng đầu thế giới đến đẩy mạnh việc đưa AI vào mọi sản phẩm công nghệ Made by FPT mang lại sự đột phá trong quản trị, vận hành và trải nghiệm khách hàng cho doanh nghiệp; đào tạo nhân lực và thiết lập trung tâm nguồn lực lớn về AI tại Bình Định.

Đặc biệt, FPT cũng đang tập trung phát triển bộ não trí tuệ nhân tạo có khả năng nhận thức, tư duy và phân tích thông tin tiếp nhận từ các giác quan nghe, nhìn, đọc giống như con người.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác hướng vào các công nghệ ứng dụng AI trong trợ lý ảo, chăm sóc sức khỏe, ô tô thông minh và xe tự lái; công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, chuyển đổi giọng nói, chữ viết tiếng Việt với độ chính xác cao...

Đòn bẩy chính sách từ Chính phủ

Đầu năm 2021, Chiến lược Quốc gia về Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030 được ban hành đã mở ra “xa lộ” cho phát triển công nghệ này tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam đứng trong nhóm 5 nước dẫn đầu về AI trong khu vực ASEAN vào năm 2025, xây dựng được 5 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực.

Sau hơn 2 năm Chiến lược Quốc gia trên đi vào đời sống, thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ AI thế giới tăng 7 bậc, từ vị trí 62 tiến lên vị trí 55/181 quốc gia và đứng thứ 6/10 quốc gia khu ASEAN (Báo cáo đánh giá sự sẵn sàng AI của Chính phủ do Oxford Insights thực hiện). Điểm trung bình của Việt Nam đạt mức 53,96 (tăng so với năm 2021 là 51,82), vượt qua ngưỡng trung bình của thế giới (44,61).

Cũng theo báo cáo này, Việt Nam là một trong những khu vực có vị trí tốt cho sự phát triển của ngành công nghệ bởi dân số trẻ, có kỹ năng kỹ thuật số cao, có khả năng thích nghi nhanh với các giải pháp kỹ thuật số.

Với vị trí "top 6" trong khu vực, Việt Nam không còn ở khoảng cách quá xa so với các nước trong khu vực về cả nghiên cứu lẫn ứng dụng AI, đồng thời tiến sát với mục tiêu nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI vào năm 2025 như Chiến lược Quốc gia đã đề ra.

Việt Nam đứng thứ 55 trên thế giới Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ.

Việt Nam đứng thứ 55 trên thế giới Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ.

Không chỉ thăng hạng về chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ, AI đã thúc đẩy hầu hết các lĩnh vực bước vào một tương lai mới và thay đổi trải nghiệm của người dùng cuối. Trong lĩnh vực tài chính, các ngân hàng đang sử dụng trợ lý AI để đưa ra lời khuyên tài chính; định danh điện tử (eKYC) hay sử dụng máy học để xây dựng các mô hình dự báo chính xác, nhanh chóng hơn. Trong lĩnh vực y tế, AI cũng đang được nghiên cứu ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị và tiến tới phòng ngừa bệnh theo cá thể hóa. Trong lĩnh vực đào tạo, các ngành học về AI thu hút được sự quan tâm của cả đơn vị đào tạo và người học, điểm đầu vào khi tuyển sinh những ngành này tăng mạnh trong những năm gần đây. Cùng với đó, AI được đưa vào ứng dụng để cá nhân hóa các bài học, hỗ trợ người học tiếp thu kiến thức nhanh và hiệu quả hơn.

Cần những "cú hích" mạnh hơn

Để AI có thể đi vào mọi ngóc ngách cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước, nâng cao hơn nữa hiệu quả làm việc cũng như chất lượng cuộc sống mỗi người dân vẫn cần những cú hích mạnh mẽ từ chính sách, những sản phẩm có tính ứng dụng cao và đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng dữ liệu và tính toán cũng như tăng cường hợp tác quốc tế với những “bộ não,” doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển AI hàng đầu thế giới.

Theo Oxford Insights, dữ liệu và cơ sở hạ tầng là một trong ba trụ cột quan trọng để AI có thể phát triển “thăng hoa.” Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay chưa xây dựng được kho cơ sở dữ liệu dùng chung khổng lồ. Nguồn dữ liệu phân tán ở các ngành, lĩnh vực chưa có sự kết nối, chia sẻ hiệu quả. Theo đó, để thúc đẩy sự phát triển của AI tại Việt Nam thì việc xây dựng và phát triển dữ liệu lớn là điều kiện tiên quyết, cần hình thành văn hóa chia sẻ dữ liệu và tiếp cận mở ở cả khối Chính phủ và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có chính sách bảo đảm tính bảo mật và quyền riêng tư, cũng như đạo đức trong ứng dụng và phát triển AI.

Còn về vấn đề nhân lực, theo các chuyên gia, Việt Nam cần triển khai đồng thời cả đào tạo chính quy, kết hợp đào tạo doanh nghiệp – viện trường, đào tạo trong cộng động và giáo dục trực tuyến mở đại trà.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

(GLO)- Chiều 14-11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.