Vị Xuyên - Những trang sử bi tráng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối năm 2018, nhân chuyến công tác tại Hà Giang, tôi quyết định dành thời gian đến huyện Vị Xuyên-mảnh đất ghi dấu những trang sử bi tráng của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc kéo dài 10 năm (1979-1989).
Trước chuyến đi này, tôi đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu thông tin về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của quân và dân ta cách đây đúng 40 năm. Song khi đặt chân đến TP. Hà Giang, rồi tiếp tục về huyện Vị Xuyên, nghe nhân chứng lịch sử kể chuyện, tham quan thực tế địa hình, tôi mới cảm nhận hết được sự khốc liệt của cuộc chiến cũng như tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm của quân và dân ta những năm tháng đó.
Đại tá Nguyễn Kim Chung-nguyên Chỉ huy phó về chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang-cho biết: Qua thực tế chiến đấu và nghiên cứu của bản thân, ông thấy rằng, để chuẩn bị cho cuộc chiến, phía Trung Quốc đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Tổng cộng, Trung Quốc đã huy động hơn 600.000 quân chủ lực cùng rất nhiều vũ khí trang bị phương tiện chiến tranh cho cuộc chiến xâm lược Việt Nam. Để lừa dối thế giới, phía Trung Quốc thời bấy giờ đã tích cực tuyên truyền rằng đây là một cuộc “chiến tranh phản kích tự vệ”.
 Đài hương thờ các liệt sĩ đã hy sinh trên mặt trận Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên) tại điểm cao 468. Ảnh: Vũ Duy Hiển
Đài hương thờ các liệt sĩ đã hy sinh trên mặt trận Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên) tại điểm cao 468. Ảnh: Vũ Duy Hiển
Rạng sáng 17-2-1979, quân Trung Quốc bất ngờ ồ ạt tràn qua biên giới, mở màn cho cuộc chiến 30 ngày trên địa bàn 6 tỉnh dọc biên giới phía Bắc nước ta. Ngày 5-3-1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký lệnh tổng động viên. Theo đó, hơn 50 triệu người Việt Nam khi ấy đều sẵn sàng cho tình thế chuyển từ thời bình sang thời chiến.
Do không đạt được mục đích đề ra, bị quân và dân các tỉnh biên giới nước ta giáng trả mạnh mẽ, gây tổn thất nặng nề, đồng thời bị dư luận tiến bộ trên thế giới và trong nước lên án mạnh mẽ, chiều 5-3-1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân và đã rêu rao hoàn thành mục tiêu “dạy cho Việt Nam một bài học”. Thể hiện thiện chí hòa bình, Việt Nam đã cho Trung Quốc rút quân. Mặc dù Trung Quốc tuyên bố rút quân song chiến sự vẫn tiếp diễn ở một số nơi. Ngoài ra, quân Trung Quốc còn tàn phá một số làng mạc, phá hoại công trình di tích, bệnh viện, trường học, giết hại nhiều người dân vô tội. Phải đến ngày 18-3, Trung Quốc mới hoàn thành việc rút quân.
Trận chiến kéo dài 30 ngày đã hủy diệt 4/6 thị xã dọc biên giới Việt Nam, khiến hàng chục ngàn dân thường thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, 400.000 con gia súc bị giết, hoa màu bị tàn phá; một nửa trong số 3,5 triệu dân 6 tỉnh biên giới mất nhà cửa, tài sản. Phía Trung Quốc bị quân và dân ta gây tổn thất 9 quân đoàn chủ lực, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 tên, 550 xe quân sự, trong đó có 280 xe tăng, xe bọc thép bị bắn cháy, 115 khẩu pháo và súng cối hạng nặng bị phá hủy…
Tuy phía Trung Quốc tuyên bố rút quân nhưng trên thực tế, cuộc chiến biên giới phía Bắc vẫn kéo dài suốt 10 năm (1979-1989). Trong khoảng thời gian này, Trung Quốc đã duy trì nhiều đơn vị quân đội áp sát biên giới lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam. Các đơn vị chủ lực của ta phải thay phiên nhau bổ sung quân cho chiến trường phía Bắc. Mặt trận Vị Xuyên trở thành vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến chống xâm lấn biên giới. Sự ác liệt đó được Đại tá Nguyễn Đình Tác-nguyên Trưởng ban Khoa học quân sự (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang) thuật lại: “Bộ đội ta nhiều tháng không được tắm vì không có nước, vì phải giữ chốt, bám trận địa, phải bôi thuốc deep để tránh ghẻ lở. Đỉnh điểm là vào đầu năm 1985, có ngày quân Trung Quốc bắn tới 30.000 quả đại bác vào Vị Xuyên trong khoảng chiều rộng 5 km, chiều sâu 3 km”.
Theo thống kê của Ban Liên lạc cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, từ năm 1984 đến 1989, hơn 4.000 bộ đội của ta đã hy sinh, hàng ngàn người bị thương, nhiều liệt sĩ đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên mà chúng tôi đến thăm có hơn 1.700 ngôi mộ thì hơn 700 ngôi mộ chưa biết tên. Chính vì vậy mà tháng 8-2018, theo quyết định của Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang đã thành lập đội quy tập với 18 người để tiếp tục tìm kiếm hài cốt liệt sĩ còn lại sau chiến tranh.
Thắp nhang tại đài hương thờ các liệt sĩ đã hy sinh trên mặt trận Thanh Thủy (thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên) tại điểm cao 468, Đại tá Nguyễn Đình Tác kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện đầy cảm động về sự hy sinh anh dũng với lời thề bất tử của người lính Vị Xuyên: “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”. Lời thề này được liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Viết Ninh (người dân tộc Mường, Trung đội trưởng Bộ binh thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356) nghĩ ra và khắc ngay trên báng súng của mình với quyết tâm tin tưởng: “Quân Trung Quốc dù đông nhưng đất của ta, ta quyết tâm giữ”. Hiện nay, 9 chữ này được khắc trang trọng trên bia đá ngay chính diện đài hương tại điểm cao 468.
 Vũ Duy Hiển

Có thể bạn quan tâm

Thầy Nguyễn Quang Tưởng và cô RCom H’Ni (thứ 3 từ phải sang) tâm huyết với mô hình “Làng văn hóa dân tộc”. Ảnh: T.D

Người thầy làm “sống dậy” văn hóa dân tộc thiểu số trong trường học

(GLO)- Mong muốn xây dựng môi trường giáo dục đặc thù mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, năm 2023, thầy Nguyễn Quang Tưởng-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã phục dựng thành công “Làng văn hóa dân tộc” trong khuôn viên trường học.

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.