Vì bình yên buôn làng - Kỳ 2: Trở về con đường sáng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Quá nửa đời người sống trong ảo vọng, như con thú hoang lang thang trong rừng, những người trót lầm lỡ nghe theo lời xúi giục của bọn phản động và các phần tử cực đoan đã phải trả giá rất đắt. Sau bóng tối lỗi lầm, họ ân hận trở về và được đón nhận trong vòng tay yêu thương của gia đình, lòng vị tha của dân làng và chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước để tiếp tục xây dựng lại cuộc sống.

Tiếng nói người trong cuộc

Không ít lần được nghe câu chuyện về một tướng lĩnh FULRO từng được phong là “tỉnh trưởng Gia Lai”, “đặc phái viên FULRO” ở Tây Nguyên, nhưng lần này chúng tôi mới có buổi trò chuyện trực tiếp với nhân vật “cộm cán” này. Đó là ông Ja Na (SN 1957, làng Ring Rai, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa). Ông đã từ bỏ quá khứ lỗi lầm, bước về phía con đường sáng.

Rót ly trà mời khách, ông Ja Na chậm rãi kể về câu chuyện buồn đã đi qua cuộc đời mình. Tháng 2-2001, dưới sự giật dây của Ksor Kơk, đối tượng cầm đầu tổ chức phản động FULRO sống lưu vong ở Mỹ, hàng ngàn người dân tộc thiểu số (DTTS) bị kích động kéo lên TP. Pleiku để biểu tình gây bạo loạn, chống đối chính quyền. Sau vụ việc, Ja Na và các đối tượng cầm đầu bị bắt, một số kịp chạy trốn, vượt biên ra nước ngoài.

Với những lỗi lầm gây ra, bản án 12 năm tù là cái giá Ja Na phải trả cho tội “Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”. Những ngày tháng học tập, cải tạo đã giúp Ja Na nhận ra những lỗi lầm và quyết tâm làm lại cuộc đời. Ra tù, ông bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, cần mẫn lao động, chịu khó học hỏi kinh nghiệm chăm sóc cà phê, hồ tiêu, lúa nước và chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm. Hiện nay, mỗi năm, gia đình ông thu về gần 150 triệu đồng từ mô hình trồng trọt, chăn nuôi.

Là người từng lầm đường, lạc lối, ông Ja Na đã nhiều lần đứng ra vạch trần âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động FULRO, “Tin lành Đê ga”, giúp người dân hiểu và rũ bỏ ảo vọng về cái gọi là “Nhà nước riêng của người DTTS ở Tây Nguyên”. Ông nói cho dân làng biết về cái bụng không tốt của Ksor Kơk và đồng bọn, thực tế chúng chỉ lợi dụng lòng tin để xúi giục dân làng làm điều xằng bậy, chống phá Đảng, Nhà nước, không có lợi gì cho bà con cả.

Còn với ông Alút-Phó Bí thư Chi bộ làng Sur A (xã Ia Ko, huyện Chư Sê) lại là một câu chuyện khác. Các cuộc biểu tình, bạo loạn năm 2001 và 2004 khiến ông trải qua những đêm dài thức trắng vì làng có đến 8 đối tượng bị bắt do nghe lời xúi giục, kích động của bọn FULRO. Trong số đó, Siu Anhoai-một trong những đối tượng FULRO cộm cán hoạt động tại làng lại là anh ruột của ông. Nhiều tháng liền, ông Alút gác công việc của gia đình để cùng lực lượng Công an đến từng gia đình vận động với quyết tâm đưa những đối tượng lầm lỡ trở lại con đường sáng.

Với tình cảm mộc mạc, chân thành, ông Alút và lực lượng Công an từng bước phân tích cho bà con làng Sur A hiểu lẽ phải, từ bỏ “Tin lành Đê ga” chăm lo làm ăn, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, sau khi anh trai Anhoai mãn hạn tù trở về, ông Alút đã tạo điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần để anh trai sớm hòa nhập, ổn định cuộc sống, vượt qua mặc cảm. Hiện tại, kinh tế gia đình ông Anhoai đã khá hơn trước nhiều, xây được nhà to, nuôi đàn bò gần chục con và còn hơn 8 ha cà phê, lúa. Làm sao ông Anhoai có thể không hàm ơn sự giúp đỡ của em trai mình!

Biết các thế lực thù địch vẫn chưa thôi chống phá, chúng vẫn âm thầm liên lạc, móc nối nhằm lôi kéo, dụ dỗ dân làng, ông Alút vẫn miệt mài tuyên truyền, vận động bà con. Năm 2008, ông trực tiếp vận động 4 đối tượng về trình diện sau một thời gian trốn ra rừng theo tổ chức phản động FULRO. Từ năm 2016 đến nay, qua mạng xã hội Facebook, ông vận động 3 người tự nguyện hồi hương sau khi vượt biên sang Campuchia, Thái Lan, 5 người khác viết đơn xin hồi hương và được Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) trao trả. Ông còn tham gia giải quyết ổn thỏa 15 vụ mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, tổ chức 5 đợt tuyên truyền, vận động quần chúng với hơn 1.000 lượt người tham gia; cung cấp cho lực lượng Công an hàng chục nguồn tin giá trị liên quan đến an ninh trật tự…

Ông Siu Phân (SN 1967, làng Sur A) cho hay: “Nghe theo lời lừa phỉnh, năm 2017, tôi bán một số tài sản, lén lút vượt biên sang Campuchia rồi qua Thái Lan. Sang đến nơi, thấy cuộc sống khổ cực, tôi muốn quay về nhưng không còn tiền vì đã bị lấy hết sạch. Tôi nhớ số điện thoại của ông Alút nên viết ra giấy, nhờ người liên lạc giúp. Lúc trở về, thấy cà phê, hồ tiêu héo úa hết, tôi buồn lắm. Lúc này, ông Alút thường xuyên động viên, giúp tôi làm lại”.

Đổi thay ở làng từng là “điểm nóng”

Dẫn chúng tôi dạo trên con đường bê tông phẳng lì, hai bên đường nhiều khóm hoa khoe sắc, nhà nào cũng có cổng ngõ, hàng rào cây xanh gọn gàng, ông Rơ Chăm Gun-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Hreng (xã Hòa Phú, huyện Chư Păh) tự hào khoe: Nơi đây từng là “điểm nóng” hoạt động của FULRO, giờ là làng nông thôn mới.

Nhắc nhớ câu chuyện quá khứ, ông Gun cho biết: Trước đây, ở làng có 7 đối tượng từng nhẹ dạ cả tin nghe theo bọn xấu xúi giục, hoạt động chống phá với mưu đồ chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Sau khi được cải tạo và cảm hóa, các đối tượng này đã nhận thức được lỗi lầm, quay về với gia đình, chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế.

Từ “điểm nóng” về hoạt động FULRO, làng Hreng (xã Hòa Phú, huyện Chư Păh) trở thành làng nông thôn mới, đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Ảnh: M.N

Từ “điểm nóng” về hoạt động FULRO, làng Hreng (xã Hòa Phú, huyện Chư Păh) trở thành làng nông thôn mới, đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Ảnh: M.N

Một trong số đó là ông Hyan-đối tượng cộm cán hoạt động dụ dỗ người dân tham gia các hoạt động chống phá tại làng. Sau khi được cảm hóa, hiểu rõ phải trái, ông Hyan chuyên tâm chăm lo việc nương rẫy, nuôi dạy con cái. Với 3 ha điều, mì, bời lời cộng với 7 sào lúa, mỗi năm, gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng. “Có được cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc như hôm nay là bởi mình đã hiểu ra, giờ đây quyết không nghe theo lời bọn xấu xúi giục nữa”-ông Hyan tâm sự.

Như muốn chứng minh thêm sự thay đổi của những con người từng nghe theo lời dụ dỗ của bọn FULRO, ông Gun dẫn chúng tôi đến gặp ông Rơ Chăm Bình. Trên mảnh vườn cà phê già cỗi, ông Bình mạnh dạn phá bỏ để trồng chanh dây. Ông cùng 2 người bạn trong làng đang hì hục đào hố, dựng trụ làm giàn cho 3 sào chanh dây. Sau khi bỏ lại người vợ mới cưới để vượt biên sang Campuchia theo lời phỉnh dụ của các phần tử xấu, ông đã được vận động quay về.

Từ đó đến nay, với diện tích gần 2 ha cà phê, hơn 3 sào lúa, ông còn nuôi bò, trồng thêm bắp để nâng cao thu nhập. Đứa con đầu của ông đã trưởng thành, hiện đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, đứa thứ 2 học THCS. Ông nở nụ cười mãn nguyện vì ngày đó đã sớm quay đầu. Nếu không, ông đã bỏ dở một gia đình hạnh phúc.

Làng Ring Rai (xã Hà Bầu) giờ đây thật yên ả, thanh bình. Đất đai phì nhiêu nên vườn rẫy cà phê, hồ tiêu xanh tươi, sai quả. Chúng tôi theo chân ông Hngên-Trưởng thôn-dạo một vòng quanh làng. Con đường từ xã vào sạch sẽ, đường liên thôn và nội đồng được bê tông, cứng hóa. Trên một số tuyến đường, hoa tươi thắm dọc lối đi.

Ông Hngên cho biết: Làng có 305 hộ, gồm 291 hộ Jrai và 14 hộ người Kinh, cuộc sống của bà con dựa vào sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng cà phê (286 ha), hồ tiêu (30 ha), lúa nước (209 ha) cùng rau màu và cây thực phẩm.

Những ngày tháng học tập, cải tạo đã giúp ông Ja Na (xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) nhận ra lỗi lầm và quyết tâm làm lại cuộc đời. Ảnh: M.N

Những ngày tháng học tập, cải tạo đã giúp ông Ja Na (xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) nhận ra lỗi lầm và quyết tâm làm lại cuộc đời. Ảnh: M.N

Từng là “điểm nóng” FULRO hoạt động nhưng giờ đây Ring Rai là điển hình trong sản xuất nông nghiệp với việc người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, nhiều người vào làm công nhân tại Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku), học nghề... Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 49 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều chỉ còn 3 hộ/305 hộ.

“Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Nhà nước đầu tư hơn 1 tỷ đồng, người dân làng Ring Rai đóng góp hơn 2,5 tỷ đồng để xây dựng nhà ở, tường rào. Diện mạo của làng thay đổi nhanh chóng khi cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng hoàn thiện, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày một nâng lên”-Trưởng thôn Ring Rai vui mừng thông tin.

Cũng theo Trưởng thôn Ring Rai, cùng với việc quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, hỗ trợ nhà ở đối với những hộ còn khó khăn, các ban, ngành, đoàn thể đã tích cực vận động người dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu về ma chay, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; đồng thời nhân rộng các mô hình “vườn rau xanh”, “hàng rào xanh”, con đường thanh niên, phụ nữ tự quản; di dời chuồng nuôi nhốt gia súc ra xa nơi ở, đảm bảo môi trường. “Khó có thể hình dung rằng, làng nông thôn mới này từng là “điểm nóng” hoạt động của FULRO trước đây”-ông Hngên nói.

Có thể bạn quan tâm

Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.