Vì bình yên buôn làng - Kỳ 1: “Bão ngầm” vượt biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Chưa bao giờ từ bỏ âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước, các thế lực thù địch luôn nhăm nhe lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để tìm cách dụ dỗ, lôi kéo tham gia các hoạt động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do vậy, ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế-xã hội là vấn đề tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tâm với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ.

“Bánh vẽ” về miền đất hứa

Chỉ vì nghe theo lời lừa phỉnh, dụ dỗ của số đối tượng FULRO lưu vong ở nước ngoài, nhiều gia đình người DTTS do nhẹ dạ, cả tin đã bán hết tài sản, tìm đường vượt biên. Nhưng, đón đợi họ nơi “miền đất hứa” lại là cuộc sống chui lủi, khổ cực. Lúc này, họ chỉ biết khóc cho sự ân hận muộn màng.

Lật giở hồ sơ điều tra của Công an tỉnh, chúng tôi có dịp tìm hiểu kỹ hơn về trường hợp 5 gia đình ở làng Bia Bre (xã Ia Pết, huyện Đak Đoa) đã bán nhiều tài sản, tìm đường vượt biên sang Thái Lan, chờ được đi nước thứ 3 để hưởng cuộc sống giàu sang theo lời dụ dỗ “việc nhẹ lương cao, không làm cũng có ăn”. Đầu tháng 3-2023, đối tượng Uk (FULRO lưu vong ở Mỹ) dùng mạng xã hội liên lạc với đối tượng Anhơl (SN 1975, trú tại làng Bia Bre) tuyên truyền rằng, con đường vượt biên qua biên giới Việt Nam-Campuchia-Thái Lan đã “thông tuyến”.

Để tạo lòng tin, đối tượng Uk nói với Anhơl nếu ai muốn đi thì chuẩn bị 25 triệu đồng đưa cho người dẫn đường làm lộ phí, đảm bảo sẽ an toàn, trót lọt. Để lôi kéo Anhơl, Uk dụ dỗ “qua Thái Lan sẽ được tự do sinh hoạt “Tin lành Đê ga”, có cơ hội đi nước thứ 3 hưởng cuộc sống sung sướng, nhiều tiền mà không phải lao động”.

Cán bộ Công an xã Ia Hla (huyện Chư Pưh) thăm, động viên anh Rơ Mah To-1 trong 4 người DTTS bị lừa phỉnh vượt biên vừa trở về địa phương. Ảnh: Lê Ánh

Cán bộ Công an xã Ia Hla (huyện Chư Pưh) thăm, động viên anh Rơ Mah To-1 trong 4 người DTTS bị lừa phỉnh vượt biên vừa trở về địa phương. Ảnh: Lê Ánh

Tin theo lời của Uk, Anhơl rủ thêm Nên (SN 1979), Chrơch (SN 1964), Oih (SN 1977) và Jrớt (SN 1956, cùng trú tại làng Bia Bre). Các đối tượng nhiều lần lén lút nhóm họp, lên kế hoạch bán tài sản, dẫn theo vợ con vượt biên. Tuy nhiên, mọi hoạt động của các đối tượng đều bị trinh sát của Phòng An ninh điều tra và Phòng An ninh nội địa (Công an tỉnh) phát hiện, bí mật theo dõi.

Chiều muộn ngày 27-3-2023, tại thị trấn Đak Đoa, khi 5 gia đình (21 người) chuẩn bị lên 2 xe ô tô 16 chỗ thuê trước đó để tìm đường vượt biên sang Campuchia qua biên giới một số tỉnh miền Tây Nam Bộ thì bị lực lượng Công an tỉnh ngăn chặn, bắt giữ. 4 đối tượng gồm: Anhơl, Nên, Chrơch và Oih bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, riêng đối tượng Jrớt cho tại ngoại để tiếp tục điều tra. Hiện Công an tỉnh đang tiếp tục xác minh, truy bắt các đối tượng liên quan.

Khai nhận tại cơ quan điều tra, đối tượng Nên hối hận nói: “Được cán bộ Công an giải thích, tôi đã hiểu rõ ý đồ thâm độc của kẻ xấu, tôi biết hành vi vượt biên là sai trái. Giờ tôi rất hối hận! Tôi cũng lo lắng cho cuộc sống vợ con sau này, vì để chuẩn bị lộ phí, tôi đã bán đất, bán cà phê, xe máy, mang theo số tiền tiết kiệm của gia đình tổng cộng gần 90 triệu đồng. Tôi mong dân làng tha thứ và mong sớm được trở về gia đình”.

Cùng chồng thoát khỏi sự lừa đảo của các đối tượng, chị Rep (vợ Anhơl) chia sẻ: “Tôi cảm ơn chính quyền, lực lượng Công an đã giải thích, giúp đỡ để chúng tôi quay trở về. Nếu đi nữa thì không biết sẽ sống như thế nào khi không có tiền, không quen biết ai. Từ nay về sau, gia đình tôi sẽ không nghe theo ai xúi giục, chỉ lo làm ăn ở buôn làng mình”.

Cũng như vợ mình, Anhơl đã hiểu ra: “Những việc Uk nói với tôi đều là lừa dối. Từ nay trở đi, tôi sẽ không tin lời xúi giục của kẻ xấu. Tôi cũng mong dân làng không nghe theo lời của các đối tượng này, hãy chăm chỉ lao động để ổn định cuộc sống”.

Mới đây, chúng tôi trở lại làng Hra tìm gặp anh Kpuih Ni-1 trong 4 người DTTS ở xã Ia Hla (huyện Chư Pưh) bị các đối tượng lừa phỉnh, vượt biên sang Thái Lan và sống những ngày tháng cơ cực nơi đất khách. Trở về làng gần 1 tháng qua, song anh Kpuih Ni vẫn chưa thôi ám ảnh về lời phỉnh dụ viển vông. “Không có đâu, lừa đấy!”-anh khẳng định chắc nịch.

Năm 2021, anh quen 1 người tên Y San qua mạng xã hội và được giới thiệu về “việc nhẹ, lương cao” tại Thái Lan. Khi đó, anh cùng vợ là chị Rah Lan HPơm đang làm công nhân tại tỉnh Đồng Nai với tổng thu nhập trên 16 triệu đồng/tháng. Trừ đi chi phí sinh hoạt, chăm con nhỏ thì vợ chồng anh dư hơn 8 triệu đồng/tháng để gửi tiết kiệm. Thế nhưng, trước những lời dụ dỗ, anh Ni đã dao động và dùng toàn bộ số tiền tích góp 67 triệu đồng để vượt biên.

“Qua đến nơi thì không thấy Y San hỏi han, giúp đỡ hay giới thiệu việc làm, tôi mới biết mình bị lừa. Không có việc làm, cơm không đủ ăn, nước uống cũng phải mua, tiền trọ cao. Đi làm thì sợ cảnh sát Thái Lan bắt, thậm chí bị đánh đập, quỵt tiền công mà không thể lên tiếng báo chính quyền sở tại vì nhập cư bất hợp pháp”-anh Ni ân hận nói.

Vạch trần âm mưu thâm độc

Thiếu tá Đoàn Văn Trọng-Trưởng Công an xã Ia Hla-cho biết: “Những người trốn đi Thái Lan đa phần vì mục đích kinh tế, một số vì tò mò nên bị đối tượng xấu ở nước ngoài dụ dỗ, lôi kéo, chiếm đoạt tài sản. Hành vi vượt biên để lại rất nhiều hệ lụy cho bản thân, gia đình và địa phương.

Để chuẩn bị tiền cho chuyến đi, họ phải bán các tài sản có giá trị, chuyển nhượng đất đai… nên khi trở về thì không còn vốn liếng, tư liệu sản xuất. Chính quyền thì vất vả ổn định cuộc sống, việc làm và nhiều vấn đề khác. Về lâu dài, họ phải làm lại từ đầu, đặc biệt, phải chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cam kết không tái phạm”.

Trong khi đó, ông Lê Anh Hùng-Bí thư Đảng ủy xã Ia Pết thì cho hay: Với sự trở về của 5 gia đình, hàng trăm người dân làng Bia Bre đã tập trung tại hội trường thôn để nghe chính quyền địa phương, lực lượng Công an phân tích, chỉ rõ âm mưu kích động của bọn FULRO lưu vong nhằm chống phá chính quyền, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hệ lụy của việc nghe lời phỉnh dụ của các đối tượng là một số hộ trở nên kiệt quệ về kinh tế vì đã bán những tài sản có giá trị như đất đai, máy móc, vật nuôi… để vượt biên.

Ông Rơ Chăm Bình (bìa trái, làng Hreng, xã Hòa Phú, huyện Chư Păh) đã nhận thức được âm mưu thâm độc của bọn FULRO lưu vong nên từ bỏ ý định vượt biên mà chăm lo cuộc sống gia đình. Ảnh: Minh Triều

Ông Rơ Chăm Bình (bìa trái, làng Hreng, xã Hòa Phú, huyện Chư Păh) đã nhận thức được âm mưu thâm độc của bọn FULRO lưu vong nên từ bỏ ý định vượt biên mà chăm lo cuộc sống gia đình. Ảnh: Minh Triều

Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Hà-nguyên Cục trưởng Cục An ninh Tây Nguyên: FULRO là một tổ chức chính trị phản động có vũ trang, đã tồn tại dai dẳng trong nhiều thập kỷ qua, câu kết với các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để chống phá cách mạng, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam. Dù bộ khung của tổ chức FULRO ở Tây Nguyên bị bóc gỡ, nhưng các thế lực phản động bên ngoài vẫn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo một bộ phận người DTTS với âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết, chống phá chính quyền.

Theo thống kê của Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, lực lượng Công an đã khởi tố 4 vụ án với 18 bị can và truy nã 2 bị can về hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài; đồng thời, đưa 44 người dân bị các đối tượng lừa đảo ra kiểm điểm trước dân, cam kết không tái phạm. Theo Trung tá Phan Thanh Hải-Phó Trưởng phòng An ninh nội địa (Công an tỉnh), các đối tượng dẫn đường và FULRO lưu vong sau khi lấy hết tiền sẽ bỏ rơi họ trên đất khách, quê người dẫn đến đói khổ, bơ vơ vì không được ai giúp đỡ, không hiểu ngôn ngữ người bản xứ. Hơn nữa, với việc nhập cư bất hợp pháp, họ có thể bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ, phạt tù.

“Qua những sự việc như thế này mong rằng bà con nêu cao cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn lừa phỉnh của các đối tượng FULRO lưu vong. Đặc biệt, khi phát hiện người thân hoặc người quen trong làng bị kẻ xấu xúi giục, âm mưu vượt biên thì nên trình báo chính quyền, cơ quan Công an để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, tránh vi phạm pháp luật. Đối với những kẻ chủ mưu, cầm đầu, cơ quan điều tra đang củng cố hồ sơ, tài liệu, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”-Phó Trưởng phòng An ninh nội địa nêu giải pháp.

Cán bộ Phòng An ninh đối nội (Công an tỉnh) tặng quà cho hộ DTTS có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Hữu Trường

Cán bộ Phòng An ninh đối nội (Công an tỉnh) tặng quà cho hộ DTTS có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Hữu Trường

Còn nhớ, sau các cuộc biểu tình, bạo loạn xảy ra tại các tỉnh Tây Nguyên vào năm 2001 và 2004, bọn phản động FULRO tiếp tục lợi dụng tà đạo “Hà Mòn” để kích động, xúi giục, biến tướng với mưu đồ chính trị phản động cực kỳ nguy hiểm. Tại Gia Lai, tà đạo “Hà Mòn” bắt đầu xâm nhập và lan rộng ở các làng: Kon Ma Har (xã Hà Đông, huyện Đak Đoa), làng Kuk Kôn, làng Kuk Đak (xã An Thành, huyện Đak Pơ) và một số làng ở huyện Mang Yang.

Đỉnh điểm, năm 2012, tại huyện Mang Yang có 5 làng thuộc 2 xã Lơ Pang và Hà Ra với 233 hộ/1.318 khẩu theo tà đạo “Hà Mòn”. Trong số này có 71 đối tượng cầm đầu, cốt cán lẩn trốn ngoài rừng để hoạt động. Chúng đã tập hợp lực lượng, chuẩn bị vũ khí để sẵn sàng chống đối chính quyền; thường xuyên di chuyển địa bàn hoạt động để lẩn trốn.

Sau vụ việc, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên tổng cộng 63 năm tù đối với 8 đối tượng chủ chốt của tà đạo “Hà Mòn”, thực chất là các phần tử của tổ chức phản động FULRO. Nhân dân rất đồng tình ủng hộ việc xét xử, đưa ra ánh sáng pháp luật với bản án thích đáng đối với những tên cầm đầu, cốt cán đội lốt tôn giáo, phản động, phá hoại cuộc sống bình yên của dân làng.

Từ đó đến nay, trên địa bàn tỉnh không còn các khung, nhóm theo tà đạo “Hà Mòn” nhưng tình trạng FULRO lưu vong liên lạc, móc nối với các đối tượng trên địa bàn tỉnh dụ dỗ, lừa phỉnh, lôi kéo một số người DTTS nhẹ dạ, cả tin, vượt biên qua Campuchia, Thái Lan thực hiện âm mưu thành lập cái gọi là “Nhà nước Đê ga” vẫn còn âm ỉ.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.