Về lại chiến trường xưa trong niềm vinh dự, tự hào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tham dự lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), tỉnh Gia Lai có 5 đại biểu trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trong đó có 2 đại biểu ở TP. Pleiku là ông Lê Văn Lan trực tiếp tham gia chiến đấu tại căn cứ Đồng Dù (Củ Chi) và ông Hồ Anh Hòa được giao nhiệm vụ đánh vào Bộ Tổng Tham mưu ngụy.

1ah.jpg
Ông Lê Văn Lan (bìa trái) và ông Hồ Anh Hòa. Ảnh: A.H

1. Nâng niu chiếc ly sắt tráng men trắng nhuốm màu thời gian, cựu chiến binh Lê Văn Lan (tổ 3, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) không giấu được niềm tự hào. Ông chia sẻ: “Chiếc ly này đã theo tôi suốt 51 năm. Trên chiếc ly in dòng chữ “Quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”. Dù đã lộ ra lớp men bên trong, tôi vẫn dùng để uống nước mỗi ngày như một kỷ vật thiêng liêng”.

Năm 1974, chàng trai quê Thanh Hóa nhận lệnh tổng động viên, chính thức lên đường nhập ngũ. Ông Lan được biên chế vào Sư đoàn 925 thuộc Quân khu Tả Ngạn. Sau 1 tháng huấn luyện, đơn vị nhận lệnh hành quân thần tốc bằng xe cơ giới vào Quảng Bình, rồi tiếp tục hành quân bộ tiến vào Khe Sanh, đường 9-Nam Lào. Sau đó, đơn vị tham gia Chiến dịch đường 7-Cheo Reo. Tại đây, ông cùng đồng đội lập nhiều chiến công, trước khi đơn vị tiếp tục tiến công địch ở tỉnh Phú Yên.

Sau đó, đơn vị nhận lệnh hành quân vào Nam. Khi tới khu vực Nam Đắk Lắk ngày nay, đơn vị dừng lại để quán triệt nội dung chiến dịch, rồi được phân công nhiệm vụ đánh vào căn cứ Đồng Dù-nơi đóng quân của Sư đoàn 25 ngụy.

“Khi cách căn cứ Đồng Dù chừng 13 km, đơn vị dừng lại chuẩn bị cho trận đánh lớn. Lúc đó, tôi được cấp 1 khẩu súng B40, 1 quả bộc phá nặng 8,5 kg và 2 quả lựu đạn. Cũng tại thời điểm này, tôi được phong quân hàm Thượng sĩ, Trung đội phó thuộc Trung đoàn 48, Sư đoàn 320”-ông Lan kể.

Nhấp ngụm trà, ông kể tiếp: Trận đánh đó, ông nhận nhiệm vụ mang bộc phá lên mở hàng rào số 4, Trung đội trưởng phụ trách mở hàng rào số 2, còn 2 chiến sĩ đảm nhận hàng rào số 5 và số 6. Khi Trung đội trưởng tiếp cận hàng rào, bất ngờ bị đạn cối của địch từ trong căn cứ bắn ra khiến anh hy sinh ngay tại cửa mở. Trung đội lúc đó thương vong nặng, chỉ còn 14 người tiếp tục chiến đấu.

“Tôi nhận quyền chỉ huy thay Trung đội trưởng. Sau khi đặt bộc phá phá thành công hàng rào số 4, tôi tiếp tục cùng anh em vượt lên mở tiếp hàng rào số 5, số 6 và vận động đánh chiếm các lô cốt. Địch chống trả quyết liệt, chúng dùng xe tăng lao ra bắn phá dữ dội vào cửa mở số 2 và số 1-những vị trí vẫn chưa phá xong. Các đơn vị của ta tập trung hỏa lực tiêu diệt quân địch, làm chủ hoàn toàn căn cứ. Tên Chuẩn tướng Lý Tòng Bá bị bắt sống trên đường tháo chạy”-ông Lan nhớ lại.

Sau khi làm chủ căn cứ Đồng Dù, ông Lan cùng 4 chiến sĩ nhận lệnh lên xe thiết giáp cơ động chốt giữ tại cầu Hóc Môn. Nhiệm vụ lúc này là kiểm soát tuyến đường trọng yếu, sẵn sàng đánh trả các toán quân địch còn sót lại. Đến chiều 30-4-1975, đơn vị ông tiếp tục nhận lệnh hành quân tiến vào phía Tây Sài Gòn để giải phóng khu vực này. Khi đến ngã tư Bà Hiền, đơn vị lập chốt chặn để ngăn địch từ trung tâm thành phố rút ra. Trong 10 ngày tiếp theo, đơn vị làm nhiệm vụ kiểm soát quân sự, giữ ổn định tình hình; sau đó, bàn giao lại cho các lực lượng tiếp quản, rồi rút quân trở về căn cứ Đồng Dù tiếp tục công tác huấn luyện.

Gần 40 năm quân ngũ, ông Lan đã trải qua nhiều cương vị công tác: từ Tiểu đội trưởng, rồi lần lượt là cán bộ Trung đội, Đại đội, Tiểu đoàn, Trung đoàn cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2014 với quân hàm Đại tá, Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 (Quân đoàn 34).

“Tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc người Trung đội trưởng của mình hy sinh trước mặt khi mở hàng rào số 2 ở căn cứ Đồng Dù. Cánh tay anh đứt lìa, máu loang cả mặt đất”-ông Lan trầm giọng kể.

2ong-hoa-chuan-bi-quan-phuc-cho-ngay-29-4-len-duong-tham-du-dai-le.jpg
Ông Hòa chuẩn bị quân phục cho ngày 29-4 lên đường tham dự đại lễ. Ảnh: A.H

2. Bước sang tuổi 75, cựu chiến binh Hồ Anh Hòa (tổ 7, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) vẫn giữ được vóc dáng rắn rỏi, giọng nói hào sảng như những ngày còn xông pha trận mạc. Trên gương mặt sạm nắng của người lính Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1) năm xưa, ký ức về thời khắc lịch sử 30-4-1975 vẫn vẹn nguyên. Ánh mắt ông bỗng rực sáng khi nhắc đến ngày giải phóng miền Nam: “Khi nghe tin toàn thắng, cả đơn vị vỡ òa. Lúc đó, không có gì sung sướng bằng”.

Năm 1970, ông Hòa tình nguyện lên đường nhập ngũ, mang theo lý tưởng của tuổi trẻ và tình yêu quê hương đất nước. Trước khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông từng vào sinh ra tử trong “mùa hè đỏ lửa” tại chiến trường Quảng Trị.

“Ngày ấy, 7 người cùng xã chúng tôi ra trận ở Quảng Trị thì 4 đồng chí hy sinh. Thời điểm đó, liên lạc rất khó khăn. Mẹ tôi tuổi cao, khi nghe tin những người đi cùng tôi hy sinh, tôi không tin tức gì, bà suy sụp tinh thần, rồi lâm bệnh và mất”-ông Hòa ngừng lại giây lát.

Sau Chiến dịch Quảng Trị, đơn vị của ông Hòa trở lại đóng quân tại huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa) tiếp tục huấn luyện, chuẩn bị cho những trận đánh lớn sắp tới. Tháng 3-1975, đơn vị ông nhận lệnh hành quân vào Nam.

“Từng đoàn xe nối đuôi nhau trên đường Trường Sơn. Đoàn thì chở thương binh từ miền Nam ra, đoàn thì chở bộ đội từ Bắc vào. Gặp nhau, chúng tôi lại động viên nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”-ông Hòa kể. Hành quân đến Đồng Xoài, đơn vị dừng lại để học đánh sa bàn, mô phỏng phương án tấn công Dinh Độc Lập. Tuy nhiên, đến thời điểm quyết định, đơn vị lại được lệnh phối hợp với các cánh quân khác đánh vào Bộ Tổng Tham mưu ngụy.

“Đúng 11 giờ trưa ngày 30-4-1975, chúng tôi có mặt tại Bộ Tổng Tham mưu. Cảnh tượng lúc đó lộn xộn, quân ta tràn vào tiếp quản, chiếm lĩnh toàn bộ khu vực”-giọng ông Hòa đầy tự hào. Sau ngày toàn thắng, đơn vị ông Hòa ở lại tiếp tục làm nhiệm vụ gần 1 tháng trước khi rút ra Bắc.

Trải qua nhiều vị trí công tác, đến năm 1992, ông Hòa nghỉ hưu với quân hàm Trung tá, Trưởng ban Điều tra hình sự Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, từ năm 1995 đến nay, ông tích cực tham gia công tác tại địa phương. Hiện ông Hòa là Bí thư Chi bộ tổ dân phố 7, phường Phù Đổng.

3. Mấy ngày qua, ông Lan và ông Hòa thường xuyên gọi điện thoại trao đổi về việc chuẩn bị cho chuyến đi mà cả 2 gọi là “chuyến đi của hạnh phúc và tự hào”. Với họ, đây không đơn thuần là chuyến tham quan hay gặp gỡ đồng đội, mà là dịp để trở về nơi nơi ghi dấu ký ức hào hùng một thời tuổi trẻ xông pha vì độc lập dân tộc.

33.jpg
Ông Lan bên chiếc ca là kỷ vật với dòng chữ Quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Ảnh: A.H

Ông Lan bộc bạch: “Tôi nhiều lần quay trở lại TP. Hồ Chí Minh. Năm 2024 cũng có 2 chuyến đi cùng cựu chiến binh các phường Tây Sơn, Hoa Lư, Đống Đa (TP. Pleiku) thăm lại các di tích lịch sử. Mỗi chuyến đi là một cảm xúc khác nhau. Lần này chắc chắn là cảm xúc rất đặc biệt! Vinh dự, tự hào và xúc động vô cùng”.

Nói rồi, mắt ông ánh lên niềm hạnh phúc: “Tôi thật sự biết ơn sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành đã tạo điều kiện để chúng tôi được trở lại nơi mình đã góp phần làm nên lịch sử trong dịp 30-4 này. Càng tự hào hơn vì 30-4 là ngày tôi sinh ra. Tôi đã được sống, chiến đấu và góp một phần nhỏ bé trong ngày lịch sử này”.

Còn với ông Hòa, chuyến đi mang một ý nghĩa đặc biệt. Đây là dịp để ông cùng đồng đội ôn lại chặng đường đã qua, cùng với sự đóng góp và hy sinh của thế hệ trước. Không giấu được sự xúc động, ông Hòa chia sẻ: “Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm. Tôi thấy rằng mình phải nỗ lực để tiếp tục làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình với Nhân dân, với địa phương”.

Theo dõi thông tin trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội về công tác chuẩn bị đại lễ 30-4, ông Hòa bộc bạch: “Sự tham gia của tất cả lực lượng, từ quân đội, công an, đến các tổ chức thanh niên, học sinh đều thể hiện sự nhiệt huyết và trách nhiệm cao độ. Hình ảnh các cháu tập luyện say sưa, thậm chí có những cháu chân đi 3-4 đôi tất vẫn chảy máu khiến chúng tôi thật sự xúc động”.

Trong khi đó, ông Lan gửi lời nhắn nhủ tới thế hệ trẻ: “Nỗ lực học hỏi và rèn luyện để tiếp nối truyền thống, thành quả thế hệ đi trước để lại. Đặc biệt, những người lính cố gắng xây dựng quân đội vững mạnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ do Đảng và Nhân dân giao phó”.

Có thể bạn quan tâm

Phản ứng của ông Trump từ vụ Nga phóng tên lửa vào Kiev và vụ tướng Nga bị ám sát mới đây

Phản ứng của ông Trump từ vụ Nga phóng tên lửa vào Kiev và vụ tướng Nga bị ám sát mới đây

(GLO)- Trong bài đăng trên mạng xã hội Truth sau cuộc gặp ngày 26/4 với Tổng thống Volodymyr Zelensky khi dự tang lễ Giáo hoàng Francis tại Vatican, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết "có lẽ cần đối xử với Nga theo cách khác", có thể bằng cách áp thêm lệnh trừng phạt với nước này.

Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Gia Lai-Dấu ấn một nhiệm kỳ, tạo động lực phát triển trong giai đoạn mới

Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Gia Lai-Dấu ấn một nhiệm kỳ, tạo động lực phát triển trong giai đoạn mới

(GLO)- Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai với Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố lần thứ tư (nhiệm kỳ 2021-2026) tổ chức Hội nghị "Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Gia Lai-Dấu ấn một nhiệm kỳ, tạo động lực phát triển trong giai đoạn mới" vào chiều 25-4, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số: Ưu tiên những vấn đề cấp thiết

Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số: Ưu tiên những vấn đề cấp thiết

(GLO)- Qua thực tế triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã đạt nhiều kết quả bước đầu, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được cải thiện.

50 năm Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh vững bước nơi biên cương

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-50 năm vững bước nơi biên cương

(GLO)- Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) được thành lập ngày 15-6-1975. Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của đơn vị luôn vững chắc tay súng bảo vệ biên cương Tổ quốc và gắn bó máu thịt với người dân trên địa bàn biên giới.

Gia Lai hội đàm với tỉnh Preah Vihear (Campuchia) về công tác phối hợp quy tập hài cốt liệt sĩ

Gia Lai hội đàm với tỉnh Preah Vihear (Campuchia) về công tác phối hợp quy tập hài cốt liệt sĩ

(GLO)- Sáng 24-4, Ban Chuyên trách tỉnh Gia Lai đã có cuộc hội đàm với Ban Chuyên trách tỉnh Preah Vihear nhằm thống nhất nội dung phối hợp tổ chức lễ cầu siêu, lễ tiễn và bàn giao hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh tại Campuchia.

Già làng, người có uy tín: Điểm tựa vững chắc trong công tác đảm bảo an ninh trật tự

Già làng, người có uy tín: Điểm tựa vững chắc trong công tác đảm bảo an ninh trật tự

(GLO)- Các già làng, người có uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Họ trở thành cầu nối quan trọng, điểm tựa vững chắc trong công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) tại cơ sở.

Gia Lai: Gặp mặt những người trực tiếp tham gia giải phóng tỉnh Gia Lai và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975

Gặp mặt những người trực tiếp tham gia giải phóng tỉnh Gia Lai và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975

(GLO)- Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), sáng 22-4, Ban Thường vụ Đảng ủy các Cơ quan Đảng tỉnh Gia Lai tổ chức gặp mặt những người trực tiếp tham gia giải phóng tỉnh Gia Lai và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.