Vào điểm nóng Covid-19 (*): Những người bọc lót sau cùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những công nhân trong nhà máy xử lý chất thải có mầm bệnh Covid-19 chịu áp lực lớn từ việc xử lý rác y tế cho toàn TP HCM trong những ngày cao điểm chống dịch
Hơn 1 tháng nay, khi lượng rác thải y tế từ các khu cách ly, bệnh viện (BV) dã chiến, BV điều trị Covid-19 tăng vọt cũng là lúc các công nhân xử lý rác chọn cách "cắm trại" tại công trường để tự cách ly với gia đình.
Sức nóng trong lò đốt
Công trường xử lý và tái chế chất thải Đông Thạnh (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM - Citenco; huyện Hóc Môn, TP HCM) là nơi cuối cùng xử lý triệt để mầm bệnh Covid-19 với khối lượng hơn 30 tấn/ngày.

Công nhân xử lý chất thải có mầm bệnh nhiễm cao Covid-19
Công nhân xử lý chất thải có mầm bệnh nhiễm cao Covid-19
So với trước khi dịch bùng phát, lượng rác y tế nguy hại đã tăng gần gấp đôi, lò đốt hoạt động hết công suất, đỏ lửa 24/24. Nguy cơ bị lây nhiễm bởi mầm bệnh cao nên công trường phải giới nghiêm "nội bất xuất, ngoại bất nhập", trừ đội xe phải vận chuyển liên tục rác y tế phát sinh do dịch Covid-19 từ các nơi chuyển về.
Công trường nóng như đổ lửa, mùi hóa chất Cloramin B đậm đặc trong không khí, cộng thêm bụi của các mẻ tro vừa mới ra lò. Các công nhân phải mặc đồ bảo hộ, đeo găng tay, mũ chắn giọt bắn, khẩu trang kín và đứng liên tục 7-8 giờ/ngày.
Không ai nói chuyện với ai, chỉ những cánh tay ra hiệu cho nhau khi đưa rác lên hệ thống nâng hạ và nạp liên tục vào lò.
Ngay gần lò đốt, hàng chục thùng chứa rác loại 240 lít dựng san sát nhau chờ đưa vào lò đốt, miệng thùng được niêm phong cẩn thận và dán dòng chữ "Chất thải có nguy cơ chứa nCoV".
Trong khi lò đốt hoạt động hết công suất, hệ thống nâng hạ liên tục đưa rác lên miệng lò thì bên ngoài, nhiều xe chở rác y tế từ các BV nối đuôi nhau chờ vào trong. Một chiếc xe vừa dừng lại, lập tức 2 công nhân mang bình xịt đến tận xe khử trùng toàn xe và các thùng rác trước khi di chuyển xuống khu vực tiếp nhận trong nhà máy.
Những thùng rác này sau khi sát khuẩn được xếp ngay ngắn quanh khu vực lò đốt. Trước khi đưa lên lò, chúng được sát khuẩn thêm vài lần nữa. Vừa trút hết rác vào lò, hạ thùng xuống, công nhân lại phun khử khuẩn thêm 1 lần rồi đưa ra khu vực bên ngoài để tiếp tục được xịt rửa, phơi nắng, khử trùng.
"Chỉ công đoạn xử lý, vệ sinh thùng rác mất khá nhiều thời gian. Khác với rác thông thường, chỉ cần rửa và phơi nắng, riêng thùng rác này phải qua ít nhất 4 lần xịt khuẩn, rửa bằng nước, phơi nắng. Khi an tâm nhất, công nhân mới cho lên xe để tiếp tục mang đến các BV, khu cách ly" - anh Phùng Văn Cường, quản lý kỹ thuật ISO tại lò đốt, giải thích.
Quy trình xử lý chất thải y tế chứa mầm bệnh rất nghiêm ngặt, từng khâu phải chi tiết và không để sót khâu nào. Việc khử khuẩn liên tục hạn chế nguy cơ phát tán mầm bệnh, không chỉ bảo đảm an toàn cho công nhân mà còn xử lý triệt để mầm bệnh, góp phần cùng TP HCM trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh.
Những ngày tháng khó quên
Vào làm được 2 năm, những ngày tháng "cắm trại" ở công trường với công nhân trẻ Lê Quốc Hòa (21 tuổi) là kỷ niệm khó quên trong đời. Công việc mỗi ngày của anh bắt đầu từ 7 giờ 30 phút đến 17 giờ, với đồ bảo hộ kín mít, đứng liên tục 7-8 giờ để xịt khuẩn, đưa thùng rác lên nạp vào lò.
"Đến chiều là xương sống và 2 chân của em đau điếng, đôi tay rướm máu do đeo găng tay liên tục. Nhiều đêm đang ngủ thì bị vọp bẻ, vội vàng thức dậy xoa bóp. Có khi sợ ngày mai đứng không nổi nhưng nghĩ đến những y - bác sĩ thức trắng đêm giành lấy mạng sống cho các bệnh nhân nặng thì vất vả của tụi em có thấm vào đâu" - Hòa cười tươi nói.
20 công nhân trực tiếp làm việc tại nhà máy đa số đều có gia đình, có con nhỏ. Hơn 1 tháng nay, họ chỉ gặp vợ con qua điện thoại.
"Chỉ mong dịch bệnh mau kết thúc để mọi thứ quay trở lại bình thường. Chúng tôi tha hồ nựng con mà không lo ngại nữa, hàng xóm cũng không né tránh khi thấy chúng tôi về nhà" - anh Phùng Văn Cường trầm ngâm nói.
Không chỉ công nhân trực tiếp xử lý đốt rác tại nhà máy, những người vận chuyển chất thải y tế từ BV, trung tâm cách ly cũng vất vả không kém.
Theo xe vận chuyển rác y tế 1 năm nay, anh Nguyễn Đức Tân, đội xe máy thuộc Citenco, cho biết mỗi ngày anh theo 4 chuyến xe, ngày nào nhiều hơn thì 5 chuyến để thu gom rác tại BV dã chiến về nhà máy xử lý. Ca-bin lúc nào cũng có một tài xế và 2 người thay nhau vừa xịt khuẩn vừa vệ sinh và phụ nâng đẩy thùng.
"Công việc của chúng tôi chỉ có việc mang rác từ nơi phát sinh đến lò xử lý nhanh và kịp thời nhất có thể. Khối lượng công việc hiện nay đã gấp đôi so với trước nhưng mọi người đều cố gắng, nhắc nhở nhau từng công đoạn như phun khử khuẩn thùng rác, sau mỗi chuyến xe đi và về phải thay đồ bảo hộ, khẩu trang rồi mới tiếp tục chuyến khác. Không chỉ vì bản thân, gia đình mà còn vì xã hội" - anh Tân chia sẻ. 
Kỳ tới: Tín hiệu vui từ những ngày gian khó
Quy trình xử lý rất nghiêm ngặt
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM, cho biết công ty đang vận hành 3 lò đốt nhiệt độ cao theo công nghệ hiện đại với công suất 42 tấn/ngày để xử lý loại chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao này.
Quy trình thu gom, xử lý rác thải y tế và rác thải từ khu vực cách ly phải được thực hiện theo tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt. Rác thải được bọc kín trong thùng chứa có lót túi chuyên dụng màu vàng, dán nhãn cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh. Công nhân thu gom mặc đồ bảo hộ phòng dịch nhằm bảo đảm an toàn trong quá trình tác nghiệp. Rác trước khi thu gom để đưa lên xe vận chuyển chuyên dụng (thùng kín) phải được phun xịt khử khuẩn. Khi về đến công trường xử lý rác Đông Thạnh tiếp tục được phun xịt khử khuẩn một lần nữa trước khi đưa vào xử lý bằng công nghệ đốt ở nhiệt độ cao. Tro chất thải sau khi đốt xong phải được hóa rắn và chôn lấp tại hầm chôn lấp an toàn dành riêng cho chất thải nguy hại.
Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, trước đó, gần 2.000 công nhân của công ty được lãnh đạo TP chỉ đạo cho tiêm vắc-xin Covid-19, trong đó 1.500 suất cho công nhân trực tiếp thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại khu vực cách ly, phong tỏa, BV dã chiến, BV viện điều trị bệnh nhân Covid-19. Các suất còn lại tiêm cho công nhân trong các khâu khác và cán bộ, nhân viên công ty.
Bài và ảnh: THU HỒNG

Có thể bạn quan tâm

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.