Vàm Nao, dòng sông ngắn nhất Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với chiều dài khoảng 6,5 km, sông Vàm Nao ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang không chỉ được xem là dòng sông ngắn nhất Việt Nam mà còn gắn với nhiều cái nhất khác. Đó là dòng sông xảy ra nhiều vụ đắm ghe thuyền nhất, nơi có những loài cá nước ngọt to lớn nhất và có nhiều truyền thuyết nhất.

 

Vàm Nao là con sông có dòng chảy khác lạ, giao nhau của hai dòng nước sông Tiền và sông Hậu nên tạo ra nước xoáy, dễ nhấn chìm thuyền ghe.
Vàm Nao là con sông có dòng chảy khác lạ, giao nhau của hai dòng nước sông Tiền và sông Hậu nên tạo ra nước xoáy, dễ nhấn chìm thuyền ghe.


Theo ngôn ngữ dân gian Nam Bộ, “vàm” là cửa của một con sông nhỏ giao với một con sông lớn. Theo cách hiểu xưa nay, vàm thì không gọi là sông vì nó không rộng lớn như sông, mà là nơi bắt đầu của một kênh, rạch nhỏ dẫn nguồn nước từ sông lớn về nơi nào đó có dòng chảy nhỏ hơn. Vậy mà, Vàm Nao ngày nay là con sông có bề rộng mặt nước đến 700 m, sâu hơn 17 m. Cũng có thể nói, đây là “vàm” sông rộng lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ.

Truyền thuyết ông Năm Chèo và những vụ đắm ghe thuyền

Vàm Nao là dòng sông nhuốm màu mầu nhiệm từ thuở hồng hoang đến tận bây giờ. Tương truyền, một con “thủy quái” được gọi là Năm Chèo (con sấu đỏ có 5 chân), “thú cưng” của ông Đình Tây (Bùi Văn Tây, người xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), đệ tử của Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên (người khai sáng đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ở vùng Thất Sơn, tỉnh An Giang) đã nuôi con cá sấu 5 chân này. Sấu lớn nhanh như thổi và chạy xổng khỏi nơi giam giữ, tìm đến vùng dân cư ở Láng Linh, huyện Châu Phú để quấy phá, hại người. Ông Đình Tây biết chuyện đã thưa với Phật Thầy Tây An cho đi thu phục loài nghiệt súc. Phật Thầy còn giao cho đệ tử 5 món bửu bối gồm: hai cây lao, một cây đinh ba, một sợi dây thừng, một lưỡi câu rất to. Hễ nghe tin sấu nổi lên ở đâu là ông Đình Tây liền tới nơi nhưng nó đều lặn mất. Nhiều lần như vậy, ông Đình Tây đứng giữa đất trời hô vang: “Hỡi loài nghiệt súc, nếu số ngươi đã tận thì hãy theo ta về chịu tội, còn nếu ngươi chịu sám hối tu hành thì hãy chờ ngày hóa kiếp, không được hại dân lành”. Từ đó, sấu Năm Chèo không còn quấy phá Láng Linh nữa. Nhưng người ta tin rằng, nó đã tìm đến sông Vàm Nao để ẩn mình. Đầu con sấu gác về phía cửa sông nên mỗi khi nó cựa mình tạo ra những dòng nước xoáy, nuốt chửng ghe thuyền qua lại trên sông (!?).

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Hiệp, cũng là một người dân bản địa của vùng đất cù lao Phú Tân, tỉnh An Giang quả quyết rằng, Vàm Nao trước kia chỉ là một vàm rạch nhỏ, rộng hơn 10 m ngang. Những hàng cây hai bên bờ Vàm Nao de tàn nhánh giao nhau, nếu người giỏi leo trèo có thể chuyền từ cành cây này sang cây khác để qua bên kia bờ sông. Mặc dù là rạch nước nhỏ nhưng bên dưới luôn có các loài cá dữ như cá sấu, cá to chầu chực nên người dân rất ngán ngại, không dám qua sông. Còn trong biên khảo của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu có chi tiết về sông Vàm Nao rằng: “Hồi ấy sông hẹp nhưng độ sâu đáng sợ. Cá mập, cá sấu tránh sóng to của đại giang, vào trầm mình ở đó vô số. Sưu dân đa số là người của miệt dưới, tức Sa Đéc, Long Hồ, Trà Vang. Họ muốn trốn về đường đó vì đây là đường tắt, rừng bụi nhiều và cách xa dịch trạm, không có đồn ải ngăn chặn. Người ta đợi giữa đêm khuya, họ họp thành đoàn cho đông, mỗi người ôm một cây chuối để làm ống nổi rồi nhảy ào xuống nước một lượt mà lội (bơi) để cá không ăn kịp. Họ tính cao như vậy nhưng khi sang đến bờ bên kia, mười người chỉ còn sót được có năm-ba người và có khi bị cụt mất tay chân…”.

Câu chuyện về sấu Năm Chèo ẩn nấp dưới sông Vàm Nao dù nhuốm màu huyễn hoặc nhưng những vụ chìm đắm ghe thuyền qua lại khúc sông này có thể được xem là nhiều nhất trên tất cả các dòng sông vùng châu thổ Cửu Long. Theo các nhà thủy văn học, vì là nơi giao nhau của hai dòng chảy lớn nên đầu sông Vàm Nao tạo ra một luồng nước xoáy vô cùng nguy hiểm. Kể cả dân địa phương đi thuyền ghe qua khúc sông này, nhất là vào ban đêm thường lọt vào vòng nước xoáy, bị nhấn chìm trong nháy mắt. Còn với những tàu thuyền lạ của người xứ khác thì tai nạn lật, chìm ghe ở nơi đây xảy ra như… ăn cơm bữa. Bởi thế, dân thương hồ miền Tây khi nghe nói đến sông Vàm Nao đều phải rùng mình, vã hết mồ hôi hột.

Theo các ngư dân cố cựu ở Vàm Nao, thời điểm con nước bắt đầu quay, chuyển từ mầu xanh sang mầu đỏ quạch cũng là lúc dòng chảy trên khúc sông này trở nên hung hãn hơn. Đó cũng là thời điểm bắt đầu mùa nước nổi (mùa lũ) ở thượng nguồn sông Cửu Long, kéo dài đến tận tháng 10 âm lịch hằng năm. Khi đó, thường xảy ra các vụ đắm ghe thuyền tại ngã ba sông Vàm Nao, nơi có dòng nước xoáy của hai dòng nước sông Tiền và sông Hậu. Trước đây, bà con ở đây hễ thấy có ghe thuyền đi qua đầu Vàm Nao là chú ý xem họ có an toàn không, để kịp thời ứng cứu. Có thời điểm xảy ra liên tiếp mấy vụ lật thuyền, chìm ghe, tài sản, phương tiện bị dòng nước sông hung hãn nuốt chửng, có người còn mất mạng vì trong đêm tối. Từ đó, mọi người bàn với nhau thành lập Đội cứu hộ sông Vàm Nao, có phân công công việc, trang bị ghe thuyền, vỏ lãi, áo phao sẵn sàng ứng cứu khi có tai nạn sông nước xảy ra. Ông Dương Văn Tạo, 69 tuổi, thành viên Đội cứu hộ sông Vàm Nao cho biết, dù các thành viên của đội đều là U60-U70 nhưng là những người thiện nghệ trên sông nước. “Tất cả đều xuất thân từ ngư dân, làm nghề đánh bắt cá nên thông thuộc từng khúc sông, ụ nước, hố xoáy của Vàm Nao. Vì thế, 17 con người đã tập hợp lại thành một đội, thay phiên nhau túc trực tại chốt, khi có tai nạn xảy ra chỉ cần “alo” là mọi người bỏ dở ngay công việc để tập trung cứu người. Mỗi mùa nước lũ hằng năm, đội cứu hộ ứng cứu hàng chục vụ tai nạn tại ngã ba sông này, cứu hàng chục người thoát khỏi tay “hà bá”, ông Tạo nói.

Thủy phận của “quái ngư”

Phần lớn thủy phận sông Vàm Nao thuộc huyện Phú Tân, một bờ tiếp giáp với huyện Chợ Mới, cùng thuộc tỉnh An Giang. Đây được xem là dòng sông vô cùng đặc biệt vì nối giữa sông Tiền và sông Hậu, hai dòng chủ lưu của sông Mê Công khi vào địa phận Việt Nam chảy qua khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Với đoạn sông ngắn nhưng rộng lớn lại rất sâu nên đáy sông Vàm Nao còn là nơi trú ngụ của các loài cá nước ngọt vô cùng to lớn như cá hô, cá tra dầu, cá đuối nước ngọt có cân nặng mỗi con hơn 100 kg. Vì thế nhiều người hay gọi nơi đây là cứ địa của những “quái ngư” hay “thủy quái”.

Lão ngư dân Trần Văn Nùng (Tư Nùng), ở ấp Mỹ Lương, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang năm nay đã 74 tuổi đời. Lão kể, cuộc đời mình đã có gần 50 năm lang bạt trên sóng nước Vàm Nao để theo nghề hạ bạc. Lúc đầu, ông trực tiếp tham gia thả lưới đánh bắt cá hô, nhưng khoảng 10 năm sau, kể từ khi lấy vợ thì cha vợ ông ngăn cản không cho săn bắt nữa. Từ đó, ông chỉ làm nhiệm vụ thu mua cá của ngư dân bắt được mang về các chợ bán lại hoặc giao cho mối lái vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ. Thế nhưng, mỗi ngày ông Tư Nùng vẫn phải dong ghe máy chạy khắp vàm trên, cửa dưới để vừa “tiếp tế” đầu heo, cặp vịt nấu cháo cho ngư dân và vận chuyển cá mua được về bến sông nhà. Bởi theo lời ông Tư Nùng, mỗi khi ngư dân xuống lưới thì họ hay van vái “thủy thần” phù hộ cho bắt được cá to sẽ cúng trả lễ. “Nếu trúng một cặp (2 con) cá hô to thì ngư dân phải cúng đầu heo, còn dính lưới một con thì cúng cặp vịt nấu cháo trả lễ cho “bà cậu”. Có bữa anh em trúng lưới, tao thu mua được năm bảy con cá hô bự chảng, có con nặng gần 150kg. Cá lớn quá đâu có khiêng vác lên ghe, mà chỉ xỏ dây thừng vô mang cá xuyên qua mũi cá rồi kéo phía sau ghe máy, về nhà”, lão Tư Nùng kể rõ.

Đã 60 tuổi, nhưng hiện nay ông Trần Văn Kỷ, hàng xóm của lão Tư Nùng vẫn còn theo nghề đánh lưới cá hô, cá bông lau trên sông Vàm Nao. Hôm chúng tôi đến nhà cũng là lúc ông vừa cuốn chuyến lưới cuối về cặp xuồng dưới bến sông. Vừa tranh thủ vá, sửa những màng lưới cũ đã gắn bó với cuộc đời hạ bạc của mình mấy chục năm trời, ông Kỷ vừa trải lòng về cái nghiệp câu lưới “vận” vào thân. Thuở trước, khi mới lên 15, 16 thì Kỷ cùng với anh trai theo xuồng của cha lênh đênh trên sông nước, bắt cá đổi gạo. Rồi khi lớn thêm chút nữa, thành cậu thanh niên mười tám, đôi mươi thì lần lượt anh trai ông, đến lượt ông được sắm sửa cho chiếc xuồng, tay lưới để hành nghề riêng nuôi sống bản thân. Cũng chính cái nghề “đâm hà bá” này đã giúp Kỷ có chút tiền cưới vợ, sinh con rồi đeo đẳng đến tận bây giờ.

“Gần 40 năm trong nghề “săn thủy quái” sông Vàm Nao, tui chỉ bắt được một con cá hô nặng 104 kg, còn mấy loại cá cỡ vài ba chục kg/con thì không sao đếm xuể. Kỳ lạ là những loài cá hô, cá tra dầu to lớn thường chọn lòng sâu nhất, chỗ gần hố nước xoáy để làm nơi trú ngụ. Bởi vậy, để bắt được những con cá to lớn, đánh dấu sự nghiệp câu lưới của mình trong nghề nhiều khi phải đánh đổi, cược mạng với hiểm nguy”, ông Kỷ tự rút ra bài học cho bản thân mình sau mấy chục năm theo nghề.

Ngư dân 60 tuổi cũng nói rằng, giờ đây con nước Vàm Nao vẫn hung hãn như xưa, dòng xoáy chết người vẫn ngày đêm âm ỉ, nhưng những loài cá khổng lồ ở đáy sông sâu quắm ngày càng vắng bóng, thưa dần. Thỉnh thoảng ông chỉ bắt được cá hô, cá bông lau khoảng 5-10 kg. Dẫu vậy, ông Kỷ vẫn quyết gắn chặt cuộc đời mình với nghề câu lưới trên dòng sông đặc biệt này cho đến khi tay không còn đủ vững để giữ mái chèo, lái con thuyền về bến đợi. Bởi mỗi chuyến ra khơi bủa lưới mang cả niềm tin và hy vọng về những bữa cơm gia đình bớt phần đạm bạc, cho con trẻ được cắp sách đến trường. Và mỗi chuyến “săn đêm” sẽ trở thành những giai thoại tự hào kể lại cho con cháu mai sau về ký ức một thời dọc ngang trên sông nước.

 

Theo QUỐC DŨNG (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.