Ngăn chặn lừa đảo qua mạng xã hội:

Vạch trần chiêu trò tuyển cộng tác viên “việc nhẹ, thu nhập cao”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Mặc dù đã được Bộ Công an cảnh báo nhưng nhiều người dân vẫn nhẹ dạ, cả tin vào những lời chào mời “việc nhẹ, thu nhập cao” trên mạng xã hội.
Minh họa của ĐAN

Minh họa của ĐAN

Từ chuyện tuyển cộng tác viên bán hàng online

Theo Bộ Công an, hiện nay vẫn có người do thiếu hiểu biết đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ hình thức tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng ảo cho các sàn thương mại điện tử. “Mồi nhử” mà bọn chúng đưa ra rất hấp dẫn như việc nhẹ, lương cao, được trả ngay theo ngày, với mỗi một đơn hàng sẽ được hưởng chênh lệch 10 đến 20%. Khi thanh toán các đơn hàng đầu có giá trị nhỏ, nạn nhân sẽ được hưởng hoa hồng, đến đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền.

Nhiều người, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, sinh viên, hiện ở nhà không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập đã sập bẫy của các đối tượng. Hồi giữa năm ngoái, Công an quận Long Biên, Thành phố Hà Nội điều tra, xác minh vụ lừa đảo chiếm đoạt 1,2 tỉ đồng với thủ đoạn trên. Theo đơn trình báo, chị T (sinh năm 1983, trú tại quận Long Biên) có lên mạng xã hội facebook để tìm kiếm việc làm tại nhà. Khi thấy quảng cáo tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng online trên facebook chị T đã tham gia. Khi làm nhiệm vụ thanh toán 4 đơn hàng đầu thì chị T nhận được số tiền 900.000 đồng. Từ nhiệm vụ lần thứ 5 đến lần thứ 10, chị T đã chuyển 1,2 tỉ đồng nhưng không nhận được tiền. Biết mình bị lừa, chị T đã đến Công an phường Bồ Đề (quận Long Biên) trình báo...

Đến những cộng tác viên hỗ trợ

Cũng năm ngoái chị N.T.T.T (35 tuổi, Hà Đông, TP.Hà Nội) khi đang đọc tin tức trên mạng xã hội, thấy tin đăng tuyển cộng tác viên cho một công ty chứng khoán nên nhắn tin cho nhà tuyển dụng để tìm hiểu về công việc.

Ban đầu để tạo lòng tin, khi hoàn thành đơn hàng, chị T nhận được tiền gốc và tiền hoa hồng theo thỏa thuận. Tuy nhiên, khi chị nộp số tiền lớn để đặt thêm số lượng hàng nhiều, thì các đối tượng liên tục đưa ra nhiều lý do khác nhau để yêu cầu chị mua thêm hàng.

"Tôi bỏ ra tới hơn 100 triệu đồng để mua hàng. Vì cả tin nên phải vay mượn của bạn bè, người quen hy vọng lấy lại được cả vốn lẫn hoa hồng" - chị T nói. Tuy nhiên, sau quá nhiều lần liên hệ không thể rút được tiền mà bị yêu cầu nạp thêm, chị T mới nhận ra mình bị lừa và quyết định báo công an.

Nhận diện phương thức thủ đoạn và biện pháp phòng ngừa lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng dưới hình thức tuyển cộng tác viên online. Đồ họa: TKTS

Nhận diện phương thức thủ đoạn và biện pháp phòng ngừa lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng dưới hình thức tuyển cộng tác viên online. Đồ họa: TKTS

Đến những chiêu trò mới

Một trong những thủ đoạn mới gần đây chính là việc các đối tượng đã tạo ra những việc làm tưởng chừng như “ai cũng làm được” nhưng lại có thu nhập cao. Trong đó có chiêu mời chào làm cộng tác viên thu âm, lồng tiếng.

Báo Lao Động nhận được đơn thư phản ánh của bạn đọc N.T.B - là nhân viên văn phòng tại một công ty tại quận Thanh Xuân (Hà Nội). Tranh thủ thời gian ngoài giờ làm việc, chị B muốn tìm kiếm một công việc online để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Lướt mạng xã hội facebook, chị B tiếp cận được việc làm online tại trang "Lồng Tiếng Tự Do" với lời mời chào hấp dẫn như thù lao lồng tiếng tiểu thuyết là 200.000 đồng/1 trang; Lồng tiếng phim là 500.000 đồng/1 trang; Lồng tiếng game là 500.000 đồng/1 trang. Người lao động chỉ cần giọng phát âm chuẩn, truyền cảm rõ ràng và thu âm theo kịch bản có sẵn.

Sau khi liên hệ với trang mạng xã hội trên, họ lại tiếp tục dẫn dụ chị bằng cách trao đổi công việc qua một tài khoản zalo với người tự xưng tên là Nguyễn Thị Yến Nhi. Để tạo niềm tin cho người lao động, những đối tượng này tự xưng là nhân viên của một Công ty liên quan đến quảng cáo và âm nhạc. Sau khi làm xong các bản thu, người lao động sẽ được thanh toán tiền ngay vào tài khoản. Với quy định thù lao như trên, mỗi ngày người lao động có thể kiếm tối đa được 2 triệu đồng nhờ việc lồng tiếng.

Thế nhưng, sau đó công ty yêu cầu cộng tác viên mua sản phẩm và chuyển tiền trước bằng một số tài khoản cá nhân. Ban đầu, chị B mua một sản phẩm trị giá 450.000 đồng và sẽ được hưởng 10% hoa hồng.

Khi đã mua sản phẩm đến 3,8 triệu đồng, nhưng không hề được hoàn tiền gốc và hoa hồng thì chị B bắt đầu ngã ngửa. Chị đã cố gắng liên hệ với những đối tượng trên để "đòi" lại tiền nhưng họ lấy lý do vì chị chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Luật sư Nguyễn Đoàn - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, một trong những đặc điểm chung dễ nhận thấy ở các hành vi lừa đảo qua mạng xã hội nói chung như thế này, đó là công việc đơn giản, dễ thực hiện; lãi suất, hoa hồng cao hoặc có thể nói là béo bở để dụ dỗ, lôi kéo người dân sập bẫy.

Luật sư Đoàn cũng cho hay, người dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật kịp thời tin tức về các thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo trên kênh truyền hình, báo chí chính thống, trang mạng xã hội để trang bị kiến thức, hiểu biết và chủ động nhận biết, phòng tránh. Bên cạnh đó, mỗi người cần tuyên truyền, chia sẻ cho gia đình, bạn bè, nhưng người thân xung quanh mình về các thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo để nâng cao kiến thức nhận biết, cảnh giác, phòng tránh cho họ.

Đặc biệt, người dân cần trình báo ngay với cơ quan công an khi phát hiện hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản để cơ quan công an nhanh chóng nắm bắt thông tin, xác minh, ngăn chặn, xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật và có thông báo, cảnh báo tới người dân về các thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo mới.

Có thể bạn quan tâm

Lừa đảo qua mạng: Biến ảo khôn lường - Bài 1: Cạm bẫy khắp nơi

Lừa đảo qua mạng: Biến ảo khôn lường - Bài 1: Cạm bẫy khắp nơi

Những dịp lễ lớn (Giỗ Tổ Hùng Vương, 30-4, 1-5…) cận kề, dự báo các hình thức lừa đảo trực tuyến (nhất là cuộc gọi lừa đảo) tiếp tục gia tăng, diễn biến hết sức phức tạp; công nghệ phát triển nhanh đã bị các nhóm tội phạm tận dụng để hình thành các hệ thống tổ chức lừa đảo mới, tinh vi.