Lừa đảo chụp ảnh mẫu nhí: Từ 'việc nhẹ lương cao' đến dùng hình bé để lừa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hồ hởi gửi thông tin, hình ảnh của con mình cho 'nhà tuyển dụng mẫu nhí', nhiều phụ huynh phải 'làm nhiệm vụ' theo yêu cầu để rồi ngỡ ngàng khi mình trở thành nạn nhân. Chưa hết, hình ảnh của bé còn bị các nghi can sử dụng để lừa đảo. 
Bẫy lừa tuyển mẫu nhí 'việc nhẹ, lương cao'
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trên mạng xã hội Facebook có hàng trăm nhóm tuyển mẫu ảnh nhí như: Người mẫu ảnh nhí (gần 20.000 thành viên); Mẫu ảnh thời trang bé yêu; Casting người mẫu nhí/diễn viên nhí (gần 26.000 thành viên)...
Các trang này liên tục chào mời kiểu 'việc nhẹ lương cao': "Tuyển mẫu ảnh nhí chụp Feedback (phản hồi - NV), ai cũng tham gia được, có thể tự lấy sản phẩm về nhà và chụp bằng điện thoại, thử việc 1 triệu đồng/buổi hay tuyển 50 mẫu nhí từ 2 - 10 tuổi, chụp mẫu các sản phẩm BTS (bộ sưu tập) nhãn hàng đưa ra, làm việc tại nhà lương 17 - 60 triệu đồng/tháng…"
Ngày 2.12.2022, trong nhóm Người mẫu ảnh nhí, tài khoản tên Trần Ngọc Quỳnh Chi đăng: “Hà Nội, tìm mẫu ảnh bé cho shop K.C.l. Độ tuổi từ 1 - 15, các mẹ quan tâm để lại hình ảnh, thông tin”.
Khoảng 30 phút sau, chị K.L (ngụ Hà Nội), quản lý hình ảnh và truyền thông của công ty quản lý thương hiệu nói trên, đã phát giác, đăng đàn cảnh báo, khẳng định công ty không tuyển mẫu nhí như bài đăng đề cập, yêu cầu gỡ bài, chấm dứt hành vi lừa đảo. Lập tức, hơn 100 phụ huynh bình luận vào bài viết của chị K.L, kèm bằng chứng hình ảnh tin nhắn của nhóm lừa đảo bằng thông tin đăng tải trên trang Người mẫu ảnh nhí.
Trao đổi Thanh Niên, chị L. chia sẻ: “Nhờ 1 người quen phát hiện bài viết giả mạo đã phản ánh với tôi kịp thời. Mới có 30 phút mà đã có gần 100 người vào tầm ngắm, nếu tôi không kịp cảnh báo, chắc sẽ rất nhiều nạn nhân sập bẫy”.
Chưa dừng lại, các nghi can lừa đảo còn lấy hình ảnh các bé để đăng bài lừa đảo. Chị M.T (ngụ TP.HCM), tá hỏa phát hiện hình ảnh con gái chị bị một số người gọi là kẻ lừa đảo trên mạng. Quá bức xúc, chị T. làm việc với chủ bài đăng thì mới hay, hình ảnh con gái chị bị trang Mẫu Ảnh Thời Trang Nhí 365 “ăn cắp”, đăng bài lừa đảo.

Các nghi can lấy hình con gái chị M.T đăng bài lừa đảo (hình bên trái) và bị chị M.T phát hiện, đăng bài vạch trần. Ảnh: Nạn nhân cung cấp
Các nghi can lấy hình con gái chị M.T đăng bài lừa đảo (hình bên trái) và bị chị M.T phát hiện, đăng bài vạch trần. Ảnh: Nạn nhân cung cấp
“Chị ấy bị lừa 7 triệu đồng, còn thêm nạn nhân nào khác không thì tôi không rõ. Vậy mới thấy, ai cũng trở thành nạn nhân. Mất của không ít thì nhiều, nghiêm trọng hơn là mất uy tín danh dự, ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý các con”, chị T. lo lắng.
Phải làm 7 nhiệm vụ/60 phút mới trúng tuyển
Cũng đọc được thông tin trên mạng, chị T.T (ngụ TP.HCM) xin ứng tuyển mẫu ảnh nhí cho con và bị lừa hơn 100 triệu đồng.
Theo lời chị T., cuối tháng 11.2022, chị đọc được bài viết tuyển người mẫu nhí cho nhãn hàng thời trang A. nổi tiếng với mức lương 60 triệu/tháng. Một người tên Tạ Thị Yến, tự xưng là trợ lý viên của hãng A., add chị T. vào 1 nhóm chat trên ứng dụng Telegram cùng 4 thành viên lạ mặt khác. Yến yêu cầu, muốn con được trúng tuyển, chị T. phải hoàn thành 2 bậc mua đơn hàng sản phẩm, mỗi bậc có khoảng 7 nhiệm vụ và phải hoàn thành trong 60 phút.

Các nghi can gửi đường link rồi yêu cầu nạn nhân thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Nạn nhân cung cấp
Các nghi can gửi đường link rồi yêu cầu nạn nhân thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Nạn nhân cung cấp
7 nhiệm vụ đầu của bậc 1, các đơn hàng có giá trị dưới 200.000 đồng, chị T. thanh toán, các nghi can hoàn tiền và trả hoa hồng theo đúng hẹn. Đến bậc 2, đơn hàng đầu tiên có mệnh giá 500.000 đồng, rồi tiếp theo là 2 triệu đồng… các nghi can vẫn hoàn trả đúng lời hứa. Đến đơn hàng thứ 5, số tiền phải thanh toán lên tới 20.980.000, lúc này, các nghi can bắt đầu giở trò, cho rằng chị T. chuyển tiền sai cú pháp nên hệ thống không thể tất toán, số tiền tạm bị đóng băng đến khi hoàn thành nhiệm vụ thứ 7.

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện nhiều nhãn hàng thời trang trẻ em cho biết, thời gian qua, tổng đài chăm sóc khách hàng liên tục nhận được các cuộc gọi phản ánh tình trạng những cá nhân, tổ chức giả danh thương hiệu để lừa đảo tuyển chụp mẫu ảnh nhí. Số đông các nạn nhân bị lừa ở khoảng mức 50 triệu đồng và số cuộc gọi phản ánh ngày càng tăng dần.

Tiếc và sợ mất số tiền đã bỏ ra, chị T. vay mượn của bạn bè thêm 70 triệu đồng, chuyển cho nghi can thì tiếp tục bị báo sai cú pháp. Lúc này, chị T. mới hay mình bị lừa.
Khi chị T. đặt vấn đề lừa đảo, Tạ Thị Yến xóa chị T. khỏi nhóm chat trên Telegram với lời thách thức: “Bạn ăn nói bố láo, rõ lỗi nó nằm ở bạn, viết sai cú pháp, yêu cầu của nhiệm vụ nên mình sẽ không tất toán cho bạn. Bạn nói mình lừa hả, xin mời bạn cùng luật sư đến công ty kiện”.
Quá uất ức, chị T. đăng bài lên mạng xã hội thì mới hay, chị không phải là nạn nhân duy nhất của nhóm này.

Tôi khẳng định, không có 1 nơi nào tuyển mẫu nhí mà mẫu phải nộp tiền

Chị Phùng Thanh Xuân nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội
Chị Phùng Thanh Xuân (36 tuổi, ngụ Hà Nội, nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội với hơn 300.000 lượt theo dõi) chia sẻ: “Bằng kinh nghiệm của 1 người mẹ có con là mẫu nhí, quen biết với nhiều trung tâm hoạt động mẫu nhí, tôi khẳng định, không có nơi nào tuyển mẫu nhí mà mẫu phải nộp tiền”.
Theo chị Xuân, nếu phải đóng tiền, thì đó là học phí để rèn con cách đi đứng, tạo dáng và học trực tiếp tại trung tâm như 1 môn kỹ năng trong đời sống. Chị Xuân lưu ý, ba mẹ cần cảnh giác cao độ, tránh bị lừa oan uổng.
Công an cảnh báo về "nhiệm vụ" trong chiêu trò tuyển mẫu nhí
Ngày 19.12.2022, Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02) Công an TP.HCM cho biết, đã tiếp nhận nhiều tố cáo về một số nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản với phương thức đăng tin trên Facebook “tuyển mẫu ảnh thời trang bé yêu".
Theo công an, các nghi can yêu cầu phụ huynh tải ứng dụng Telegram rồi add phụ huynh vào một nhóm kín. Trong nhóm kín, các nghi can sẽ phân vai: Trợ lý, chuyên viên, tổng giám đốc, cộng tác viên... và đề nghị nạn nhân làm "nhiệm vụ". Nội dung của "nhiệm vụ" là chuyển tiền online vào các tài khoản ngân hàng do các nghi can chỉ định.
Nếu hoàn thành các “nhiệm vụ” được giao, nạn nhân sẽ được nhận tiền gốc và lãi theo cấp độ tăng dần. Đến khi nạn nhân không đủ số tiền để thực hiện “nhiệm vụ” nữa, các nghi can sẽ khóa nhóm và chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã chuyển.
Theo lãnh đạo PC02, có những nạn nhân bị lừa vài triệu đồng đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Đây là cách thức mới mà các nghi can sử dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các nghi can này đánh vào tâm lý phụ huynh, thường muốn những điều tốt nhất cho con, để dẫn dụ phụ huynh làm "nhiệm vụ" khi đăng ký ứng tuyển mẫu nhí cho con mình.
Theo Trần Duy Khánh - Ngọc Lê (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…