1. Nhân dân 2 xã Đak Jơ Ta và Ayun thường xuyên qua lại cầu treo bắt qua sông Ayun để giao thương hàng hóa và đến khu sản xuất, vận chuyển sản phẩm nông sản. Tuy nhiên, cầu treo đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng không đảm bảo an toàn lưu thông cho người dân và phương tiện qua lại.
Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế cho người dân phía Nam xã Đak Jơ Ta và người dân của xã Ayun. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét đầu tư kinh phí xây dựng cầu bê tông kiên cố thay thế cầu treo (Cử tri huyện Mang Yang).
Kết quả giải quyết:
Cầu treo bắc qua sông Ayun (Cầu treo xã Ayun đi xã Đăk Jơ Ta), xã Ayun - huyện Mang Yang nằm trên đường trục xã do UBND huyện Mang Yang quản lý (theo quy định tại Quyết định số 30/2017/QĐ-UBND ngày 12/10/2017 của UBND tỉnh ban hành quy định về phân công, phân cấp và trách nhiệm quản lý, vận hành khai thác cầu, đường giao thông nông thôn; tổ chức giao thông trên các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai).
UBND tỉnh đã có văn bản số 1849/UBND-CNXD ngày 30/7/2024, yêu cầu UBND huyện Mang Yang kiểm tra sửa chữa, bảo trì cho nhân dân đi lại; xem xét đánh giá sự cần thiết, cân đối ngân sách địa phương để đầu tư hoặc đưa vào các Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định.
Cầu treo Ayun đã được tu sửa an toàn. Ảnh: R'Ô Hok |
2. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quy hoạch làng Đê Bơ Tưk ra nơi tập trung mới. Khí hậu nơi này rất khắc nghiệt, quanh năm gió lớn, người dân muốn phát triển kinh tế thì trồng cây công nghiệp dài ngày như cây cà phê, cây tiêu, cây mít... nhưng đến thời gian cây ra hoa chuẩn bị đậu quả thì gió lớn dẫn đến tình trạng lá rụng, hoa rụng, cây không sinh trưởng, phát triển được, năng suất giảm, gây khó khăn trong việc phát triển kinh tế của hộ gia đình (Cử tri huyện Mang Yang).
Kết quả giải quyết:
Dự án Bố trí dân cư làng Đê BơTưk thuộc Dự án 2 (Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết) thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 1602/KH-UBND ngày 21/7/2022 Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Theo đó, Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư làng Pyầu, làng Đê Bơ Tưk, làng Đê Kôn huyện Mang Yang quy mô 153 hộ, với tổng mức đầu tư là 45.087 triệu đồng phân bổ trong giai đoạn 2021 - 2025.
Dự án đang triển khai thực hiện (đến nay, huyện đã thực hiện giải ngân được 24.340 tỷ/29.701 tỷ đồng nguồn vốn được giao) dự kiến đến năm 2025 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
3. Trên địa bàn thôn 3, xã Đak Jơ Ta, huyện Mang Yang có vụ việc tranh chấp đất đai của 16 hộ dân. Cụ thể, trước đây, những người dân ở thành phố Pleiku và thành phố Hồ Chí Minh đã thuê đất của nhân dân thôn 3 sau đó chiếm dụng quyền sử dụng đất không trả lại.
Hiện nay, Tòa án nhân dân tỉnh đang thụ lý giải quyết đối với phần đất tranh chấp đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn phần đất nằm ngoài giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang tranh chấp chưa được giải quyết dứt điểm.
Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và ủy ban nhân dân huyện có phương án giải quyết đối với phần đất nằm ngoài giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân yên tâm canh tác, phát triển kinh tế (Cử tri huyện Mang Yang).
Kết quả giải quyết:
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định tại Điều 202, Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 (nay là Điều 235, Điều 236 Luật Đất đai năm 2024) quy định: UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức hòa giải, UBND cấp huyện giải quyết tranh chấp đất đai (lần đầu) thẩm quyền xem xét, xử lý trong công tác giao đất, cho thuê đất, cấp giấy CNQSD đất... đối với hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền của UBND huyện Mang Yang:
Căn cứ khoản 3 Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “3. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình'”.
Điểm a khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính'”.
Căn cứ khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai năm 2024 quy định: “2. Trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai quy định tại Điều 236 của Luật này, các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.”.
Điểm a khoản 3 Điều 236 Luật Đất đai năm 2024 quy định: “a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết. Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện mà các bên tranh chấp không khởi kiện hoặc khiếu nại theo quy định tại điểm này thì quyết định giải quyết tranh chấp của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện có hiệu lực thi hành. ”...
Như vậy, vụ việc tranh chấp đất đai của 16 hộ dân tại địa bàn thôn 3, xã Đak Jơ Ta, huyện Mang Yang thuộc thẩm quyền chỉ đạo và giải quyết của UBND huyện Mang Yang. Đề nghị UBND huyện Mang Yang khẩn trương giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri nói trên và báo cáo kết quả thực hiện gửi về UBND tỉnh trước ngày 20/11/2024.