Tỷ phú giữa vùng "đất chết"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cùng với việc triển khai sản xuất thành công nhiều mô hình trên diện rộng, ông Nguyễn Lợi Đức còn mang về cho nông dân rất nhiều giống lúa đạt năng suất rất cao.

Dù chỉ học hết lớp 7 ở vùng sông nước ĐBSCL nhưng những gì ông Nguyễn Lợi Đức (65 tuổi; ngụ xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) làm được đã thôi thúc chúng tôi tìm hiểu.

Theo con đường mình chọn

Đến trang trại Lợi Đức của ông ở ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Gia, chúng tôi gặp lúc vợ chồng ông cùng ăn cơm chiều với hàng chục công nhân trong không khí ấm áp, chân tình. Bữa cơm đạm bạc với cá rô đồng, cá lóc kho lạt, canh chua bông súng, bầu luộc, dưa leo, rau muống xào nhưng đầy ắp tiếng cười.

 

Ông Nguyễn Lợi Đức với trang trại bò của mình.
Ông Nguyễn Lợi Đức với trang trại bò của mình.

Anh Võ Văn Hai (40 tuổi), công nhân trang trại Lợi Đức, vui vẻ kể: "Ở đây không có sự phân biệt giữa chủ và 40 người làm công. Những người ở xa được ông Đức cho ngủ tại chỗ và bao cơm ăn. Có làm gì sai thì ổng nhắc nhở rất khéo, rất hài hước mà mình thấy nhột nên sửa sai tức thì. Người ta tốt như vậy nên công nhân không làm hết mình mới lạ. Giàu có vậy mà ổng toàn ăn cơm chung với công nhân, hiếm người được vậy lắm".

Ngồi nhâm nhi ly trà nóng trong đêm, ông Đức tâm sự với chúng tôi về cuộc đời gian khổ có, thành công có và những ước mơ của mình.

Xuất thân từ nông dân nghèo ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, từ nhỏ ông đã theo gia đình định cư ở Campuchia. Ở đây, ông học đến lớp 7 rồi nghỉ. Thời gian này giúp ông thông thạo ngôn ngữ cũng như cung cách làm ăn của xứ chùa Tháp. Năm 1973, ông trở về Việt Nam và sinh sống tại xã biên giới Khánh An (huyện An Phú, tỉnh An Giang) bằng nghề mua bán các loại thủy sản và mắm đồng. Thuận lợi tiếp nối, năm 1978, ông chuyển sang nghề nuôi cá bè trên sông. Thời kỳ này được xem là "hoàng kim" của ông.

Trong một lần về thăm quê, ông quyết định chuyển nghề để canh tác 30 công đất đầu tiên với cách làm rất riêng.

Ông Đức nhớ: "Tôi quyết định đăng ký theo học các khóa tập huấn nông nghiệp do Trường Đại học Cần Thơ tổ chức. Vì thế, tôi được đích thân GS-TS Võ Tòng Xuân trực tiếp định hướng phát triển cây lúa trên vùng đất nhiều người gọi là "đất chết" này. Từ đó, giúp tôi mở rộng tầm nhìn. Hồi đầu ai cũng nói tôi tưng tưng nhưng tôi bất chấp để đi theo con đường mình chọn".

Nói là làm nhưng tính toán

Dự đoán nhà nước sẽ đầu tư lớn về giao thông đường thủy lẫn đường bộ, trong đó có kênh đào T5 (còn gọi là kênh Võ Văn Kiệt đấu nối sông rạch của xã Lương An Trà vào kênh Vĩnh Tế) để "giải cứu" hàng chục ngàn hecta đất phèn đang "chết"; cạnh đó là dự án đầu tư nhà máy chế biến bột mì lớn nhất ĐBSCL đang hoàn thành, ông Đức tranh thủ nhận chuyển nhượng lại quyền sử dụng hàng chục rồi hàng trăm công đất vốn chỉ canh tác được một vụ với sản lượng chỉ đạt từ 6-8 giạ lúa/công) rồi liên kết với Trường Đại học Nông Lâm TP HCM thực hiện mô hình cào phẳng đồng ruộng bằng tia laser.

Mô hình này rất thành công nên mở ra một triển vọng mới cho ruộng đồng quê ông lẫn các xã lân cận. Cùng với việc triển khai sản xuất trên diện rộng, ông còn mang về cho nông dân rất nhiều giống lúa đạt năng suất rất cao như OM 50504, 2517, 4518...

Với trên 1.000 công ruộng luôn trúng mùa, mỗi năm mang lại cho gia đình ông Đức hàng trăm triệu đồng. Thừa thắng xông lên, ông mở cửa hàng phân bón, thuốc trừ sâu, bán lúa giống cho nông dân quanh vùng. Mỗi năm, lãi từ nguồn thu của 10.000-15.000 tấn lúa giống mang về cho ông từ 4-5 tỉ đồng, chưa kể lãi từ kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tiếng lành đồn xa.

Năm 2013, ông Đức quyết định thu hẹp lĩnh vực kinh doanh lúa giống để chuyển sang phát triển trang trại nuôi bò tại xã Vĩnh Gia. Lý giải về quyết định bất ngờ này, bà Nguyễn Thị Thanh - vợ ông - bật mí: "Thấy rơm rạ của 1.000 công đất nhà hơi bị dư, ổng bàn với tui chuyển sang nuôi bò thịt lẫn bò con theo phương thức công nghệ hiện đại để tận dụng triệt để nguồn rơm khô, tui nhất trí liền. Tánh khí ổng là vậy, hễ nói là làm nhưng làm phải tính toán khoa học".

Hiện với diện tích trên 71 ha, ông Đức dành khoảng 3 ha làm trang trại bò nuôi hơn 400 con bò thịt và 200 con bò nái với các giống bò Pháp, bò Lai Sin, bò Úc... Sau chi phí, mỗi năm ông còn lãi từ 4-5 tỉ đồng từ việc bán bò.

Vừa có tiền vừa đỡ hao tốn

Dẫn chúng tôi tham quan các ô nuôi bò, ông Đức bất ngờ hỏi: "Mấy ông có biết nhiều về mô hình chuối Nam Mỹ xuất khẩu đang rất thịnh hành không". Thấy chúng tôi lúng túng, ông cười rất "lúa" và mời tham quan luôn mô hình trồng chuối mà ông thực hiện từ năm 2016 trên diện tích 550 công đất. Đây được xem là diện tích trồng chuối xuất khẩu tư nhân lớn nhất ở ĐBSCL đến thời điểm hiện tại.

Vừa bơi xuồng đưa chúng tôi len lỏi vào vườn chuối, ông Đức kể nguyên cơ: "Tôi nuôi trên 600 con bò, dự kiến sẽ tăng lên 1.000 con trong tương lai, nếu không tận dụng hết nguồn phân mỗi tháng từ 130-140 tấn/tháng thì rất lãng phí. Từ đó, tôi nghĩ đến mô hình dùng phân bò để bón cho 55 ha chuối xuất khẩu, vừa có tiền vừa đỡ hao tốn nguồn phân".

Với cách làm này, năm đầu tiên (2016), ông đã thu lãi trên 3 tỉ đồng. Ông cũng khác người ở chỗ với những buồng chuối bị "lỗi" không thể xuất khẩu, ông tận dụng làm thức ăn xen kẽ rơm cho đàn bò để tiết kiệm chi phí thức ăn và giúp đàn bò tăng trọng nhanh, màu da đẹp, thịt săn chắc.

Ông Đức còn cho biết đang làm mô hình nuôi trùn quế trên diện tích 3.000 m2, kết quả rất khả quan. "Đây là mô hình tương đối khó làm nhưng nguồn lợi rất lớn. Nguồn thức ăn chủ yếu vẫn là phân bò, nếu thành công tôi sẽ tiếp tục đầu tư với quy mô lớn hơn" - ông Đức tin tưởng và còn cho biết vợ ông đang khẩn trương xây nhà nuôi yến và đang trồng 4.500 cây bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc.

Với những thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, ông Nguyễn Lợi Đức đã được tặng nhiều bằng khen của các cấp, được công nhận là Nông dân sản xuất giỏi toàn quốc năm 2009. Đặc biệt mới đây, ông còn được Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng Huân chương Lao động hạng ba.

Trương Thanh Liêm/nld

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.