Tuyển sinh 2022: Nhiều quy định không công bằng với thí sinh tự do

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa công bố, thí sinh đã tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ không được tính điểm ưu tiên khu vực. Sau khi dự thảo được công bố, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này.
 

 Dự thảo chỉ cộng điểm ưu tiên khu vực cho thí sinh trong năm thi tuyển sinh có hợp lý? Ảnh: Thiều Trang
Dự thảo chỉ cộng điểm ưu tiên khu vực cho thí sinh trong năm thi tuyển sinh có hợp lý? Ảnh: Thiều Trang


Thí sinh tự do cảm thấy bị phân biệt

Trong dự thảo có 7 điểm mới đang được các thí sinh quan tâm, đặc biệt là vấn đề về ưu tiên theo khu vực tuyển sinh. Theo đó, mức điểm cộng ưu tiên khu vực sẽ được giữ nguyên, điểm cộng khu vực 1 (KV1) là 0,75 điểm; khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) là 0,5 điểm và khu vực 2 (KV2) là 0,25 điểm.

Tuy nhiên, điểm cộng ưu tiên khu vực chỉ áp dụng cho năm thí sinh tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp). Thí sinh khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng không được tính điểm ưu tiên khu vực (như KV3). Theo nhiều thí sinh, điểm mới này chưa thuyết phục, chưa đảm bảo công bằng cho thí sinh dự thi, còn phân biệt thí sinh thi năm này và năm khác.

Đã từng trượt nguyện vọng 1 do thiếu “vài phẩy”, vừa học đại học vừa ôn thi trong sự ngờ vực của tất cả những người xung quanh, em Trịnh Tiến Dũng (Yên Bái) cảm thấy buồn bã khi tiếp nhận thông tin trên. Với Dũng, 0,02 điểm cũng là một “gia tài”, chưa bàn đến 0,75 điểm ưu tiên KV1 - số điểm em được cộng theo quy chế cũ.

“Em đã từng nhốt mình trong phòng để cố gắng từng giây, từng phút, em quý trọng từng con số, thậm chí là 0,02 - điểm số khiến em trượt nguyện vọng 1. Em đã quyết định cho bản thân cơ hội làm lại để thay đổi thì em cũng mong muốn giữ quyền lợi dù là nhỏ nhất. Em biết rất nhiều bạn thuộc KV1, KV2-NT quyết định thi lại. Ở đây, các vấn đề như cơ sở vật chất, điều kiện học tập không thể bằng các bạn ở KV3. Những điểm cộng chính là sự cổ vũ, khích lệ chúng em, nó rất quan trọng” - Dũng bộc bạch.

“Những ai từng trải mới hiểu con số 0,1 quan trọng đến mức nào” - đó là tiếng thở dài của em Nguyễn Trọng Sơn (Thái Bình) khi kể về việc 2 năm liên tục trượt đại học vì thiếu 0,1 điểm.

“Em công nhận những bạn thi lại có nhiều thời gian ôn tập và chuẩn bị hơn, nhưng quá trình ấy kiến thức bị rơi vãi, đa số là những bạn vừa học đại học vừa ôn thi, thậm chí là vừa làm vừa ôn luyện. Trong một cuộc cạnh tranh, không ai muốn đánh mất quyền lợi của bản thân. Điểm mới của quy chế đã gây ra sự bất bình đẳng, phân biệt học sinh đã tốt nghiệp THPT. Chúng em mong mỏi Bộ GDĐT xem xét và ghi nhận ý kiến từ những thí sinh tự do” - Sơn hy vọng.

Lý do thí sinh tự do không được cộng điểm ưu tiên khu vực?

Liên quan đến vấn đề thí sinh đã tốt nghiệp THPT khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng không được cộng điểm ưu tiên khu vực có bị thiệt thòi hay không, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) - cho biết, quy định này nhằm đảm bảo tính công bằng hơn nữa cho các thí sinh xét tuyển vào đại học, cao đẳng (đối tượng thí sinh chuẩn bị dự thi tốt nghiệp và thí sinh đã tốt nghiệp có nhu cầu thi lần nữa để xét tuyển đại học, cao đẳng).

Lý do là các thí sinh đã tốt nghiệp những năm trước sẽ có lợi thế, có cơ hội học tập, ôn luyện với thời gian nhiều hơn hẳn so với các thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp lần đầu.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp các thí sinh này đã chuyển đến các địa phương, thành phố có điều kiện tốt hơn, tập trung để ôn thi một số ít môn phục vụ xét tuyển vào đại học. Trong khi đó, các thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT (và xét tuyển vào đại học, cao đẳng tại năm tuyển sinh đó) phải học tập nhiều môn hơn và chịu áp lực nhiều hơn để vừa thi tốt nghiệp, vừa đăng ký xét tuyển vào đại học.

“Với dự kiến quy định mới, tất cả các thí sinh thuộc khu vực ưu tiên đều được hưởng ưu tiên 1 lần, như vậy là công bằng cho mọi thí sinh” - PGS Nguyễn Thu Thủy khẳng định.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, cô Trịnh Thị Hương - Giáo viên THPT tại Thanh Hóa - cho rằng, thực tế cho thấy có nhiều thí sinh thi lại sống ở vùng khó khăn, vì vậy vẫn nên ưu tiên cộng điểm cho các em. Và để đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh, khi cộng điểm không nên phân biệt thí sinh chuẩn bị dự thi tốt nghiệp và thí sinh đã tốt nghiệp THPT.

“Học sinh ở độ tuổi này rất nhạy cảm, chỉ 0,1 hay 0,25 điểm cũng là động lực để các em phấn đấu, là sự khích lệ tinh thần từ ngành Giáo dục dành cho các em. Vì vậy, kính mong Bộ GDĐT xem xét và lắng nghe ý kiến học sinh, giáo viên để có sửa đổi phù hợp” - cô Hương nêu bày tỏ.



https://laodong.vn/giao-duc/tuyen-sinh-2022-nhieu-quy-dinh-khong-cong-bang-voi-thi-sinh-tu-do-1035054.ldo

Theo Thiều Trang  (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

(GLO)- Giám đốc Văn phòng khẩn cấp và phục hồi của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) Rein Paulsen trong phiên họp của Hội đồng Bảo an diễn ra ngày 12/11, cho biết “Ủy ban Đánh giá Nạn đói đã phát hiện ra khả năng cao là nạn đói đang xảy ra hoặc sắp xảy ra ở các khu vực phía bắc dải Gaza”.

Gia Lai: Quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”

Gia Lai: Quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”

(GLO)- Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 60/2024/QĐ-UBND ngày 11-11-2024 quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Quang cảnh bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tại thị xã Ayun Pa Ảnh N.A

Ayun Pa: Hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo

(GLO)- Từ tháng 10-2023 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” cùng cấp đã huy động được hơn 1 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”.

Mắt người già thật là... phức tạp

Mắt người già thật là... phức tạp

(GLO)- Ngày còn trẻ, tôi có tính hay bị “dị ứng” với những người mang kính. Nhưng đúng là “ghét của nào trời trao của nấy”, tuổi chưa đầy 50, tôi đã phải gắn bó với cặp kính. Mới đầu rất khó chịu, không có kính thì không thấy đường đọc, mà mang kính vào thì vướng víu đủ điều.