Tượng nhà mồ Tây Nguyên: Phong phú, đặc sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Mỗi khi có dịp đến với vùng đất Tây Nguyên, đâu đó chúng ta tình cờ nhìn thấy những tượng gỗ dân gian, tượng nhà mồ với nhiều sắc thái khác nhau được đặt ở cổng làng, khu vực nương rẫy hoặc ở khu nhà mồ của các dân tộc thiểu số bản địa. Tượng nhà mồ thường được thể hiện rất sinh động, mỗi bức đều có ý nghĩa riêng; trong đó, tượng nhà mồ của các dân tộc Bahnar, Jrai, Ê Đê… được tạc khá phong phú và đặc sắc.

Các dân tộc Ê Đê, Jrai, Bahnar ở Tây Nguyên xem tượng nhà mồ là “linh vật” gắn liền với lễ bỏ mả, một trong những lễ hội lớn nhất của bà con xưa kia. Không ai biết việc tạc tượng nhà mồ đã có từ bao giờ, chỉ biết mỗi khi làm lễ bỏ mả là phải tạc tượng, dựng quanh ngôi mộ trước khi diễn ra các nghi lễ khác.

Tượng nhà mồ Tây Nguyên cũng được tạc rất phong phú và đa dạng. Từ những khúc gỗ vô tri, vô giác, các nghệ nhân đã tạo thành các loại hình dáng từ những con vật như: khỉ, đại bàng, chim công… đến hình tượng con người như: mẹ cõng con, ông già ngồi chống cằm, chàng trai múa trống…; thậm chí họ có thể tạc hình liên tưởng đến cuộc sống của người đã khuất trải qua.

Độc đáo, thú vị, đầy tính nghệ thuật và nhân văn nhưng người Ê Đê, Jrai, Bahnar và một số dân tộc ít người khác ở Tây Nguyên không xem tạc tượng là “nghề” mà chỉ thực hiện nó khi có việc cần. Bởi vậy, chỉ có những người đam mê, yêu thích tạc tượng mới dành thời gian tìm đến, học hỏi và tạc theo. Nghệ nhân tạc tượng Ksor Krôh (làng Mrông Ngó 1, xã Ia Ka, huyện Chư Păh) là một ví dụ điển hình. Ông cho hay: “Tôi biết tạc tượng từ khi còn nhỏ. Hồi đó, tôi lén lút người lớn nghỉ ăn cơm trưa để xem tạc tượng rồi thử tạc theo. Đến giờ, người Jrai Arap chúng tôi vẫn gìn giữ, duy trì việc tạc tượng nhà mồ. Trước khi bỏ mả phải có các loại tượng mới được”.

Tượng ông già ngồi chống cằm. Ảnh: A Dơng

Tượng ông già ngồi chống cằm. Ảnh: A Dơng

Trong khi các dân tộc Jrai và Bahnar xem tượng nhà mồ là linh vật hiển nhiên phải có khi làm lễ bỏ mả thì tượng nhà mồ người Ê Đê lại thể hiện sự phúc thọ, giàu sang, quyền quý của người đã khuất và gia đình làm lễ bỏ mả với cộng đồng. Bởi vậy, không phải ngôi mộ người Ê Đê nào khi làm lễ bỏ mả cũng được tạc, dựng tượng xung quanh.

Ông Êa Yôn (buôn Weo A, thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng, tỉnh Đak Lak) cho biết: “Người Ê Đê xưa kia sau khi trông nom mồ mả người chết 3-4 năm, có khi tới 5 năm mới làm lễ bỏ mả. Khi làm lễ bỏ mả, người chết dưới 60 tuổi thì chưa được tạc tượng nhà mồ (làm gơng kút, gơng klao). Những người già, giàu có, người có uy tín thì mới được tạc tượng nhà mồ khi làm lễ bỏ mả. Tổ chức lễ bỏ mả phải có trâu, bò, heo, gà… để cúng Yàng, thực hiện các nghi thức bỏ mả”.

Với dân tộc Xê Đăng ở tỉnh Kon Tum, MNông ở tỉnh Đak Nông hay Cơ Ho ở tỉnh Lâm Đồng…, bà con không tổ chức lễ bỏ mả cho nên việc tạc tượng và mục đích sử dụng nó cũng khác hơn. Chẳng hạn, với người MNông, người Cơ Ho, tượng gỗ thường tạc và đặt ở nương rẫy để xua đuổi thú rừng, bảo vệ mùa màng. Người Xê Đăng tạc tượng để trang trí hoặc để xua đuổi tà ma và tượng gỗ của người Xê Đăng được đặt ngay cổng làng. Dù sử dụng vào mục đích gì nhưng tượng gỗ dân gian của các dân tộc Cơ Ho, M'Nông hay Xê Đăng cũng rất phong phú, mỗi bức tượng đều có ý nghĩa riêng, thể hiện sinh động cuộc sống ở buôn làng.

Cụ thể như tượng gỗ để trang trí của người Xê Đăng, họ thường tạc người phụ nữ vì cho rằng “Phụ nữ chịu nhiều vất vả hơn đàn ông”. Tượng người phụ nữ đeo tấm địu như nói lên sự vất vả, chịu khó của họ, từ việc sinh con, đẻ cái đến việc bếp núc, làm nương rẫy, họ là người đảm đang, lo toan mọi việc của gia đình... Còn tượng cô gái đang yêu thì có khăn trùm đầu, kẹp tóc, nếu tượng không có khăn trùm, không kẹp tóc thì được cho rằng tượng đó tạc về người phụ nữ không đoan trang.

Riêng về tượng xua đuổi tà ma của người Xê Đăng, thì họ tạc cho thật xấu, thật kỳ dị để “ma sợ” không dám vào làng quấy phá. Ông A Đoan-nghệ nhân tạc tượng có tiếng ở xã Đak Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum-cho biết: “Dân tộc Xê Đăng không có lễ bỏ mả, đánh cồng chiêng, múa xoang, uống rượu ở nghĩa địa như bà con người Ê Đê, Jrai, Bahnar. Bà con trong làng tạc tượng chỉ để đặt, trang trí ở cổng làng, tượng gỗ càng dị dạng thì càng tốt để ma quỷ sợ hãi, không dám vào làng quấy rầy, gieo rắc tai họa cho người dân. Ví dụ năm đó, làng có nhiều người chết vì bệnh tật thì bà con sẽ tạc 2 bức tượng đặt ở cổng làng để xua quỷ, trừ ma”.

Với các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, tượng gỗ dân gian, tượng nhà mồ rất gần gũi và mang ý nghĩa tâm linh, tinh thần rất lớn trong cuộc sống cộng đồng. Những hình ảnh thân quen của bức tượng là niềm tự hào riêng của các dân tộc, gợi nhớ về cội nguồn, nhớ về cuộc sống mộc mạc xưa kia của ông bà tổ tiên… Chính điều này đã thu hút nhiều thế hệ tìm đến nghệ thuật điêu khắc đặc sắc của cha ông để tiếp tục duy trì, lưu giữ.

Anh Đinh Plih (xã Tơ Tung, huyện Kbang) chia sẻ: “Mỗi dịp xuống buôn làng tình cờ nhìn thấy tượng nhà mồ, mình cảm thấy rất vui. Những ai đi làm xa, rời xa quê mà thấy tượng nhà mồ thì cảm giác nơi đó rất gần gũi, nó làm mình nhớ làng quê, nhớ về đời sống ông bà xưa kia, nhớ đến mọi người trong nhà, những người thân quý mến của mình. Bởi vậy nên mình cố gắng tạc nhiều tượng để lưu giữ cho mai sau”.

Một nghệ nhân đang thi triển tài năng và niềm đam mê tạc tượng của mình. Ảnh: A Dơng

Một nghệ nhân đang thi triển tài năng và niềm đam mê tạc tượng của mình. Ảnh: A Dơng

Hiện nay, môi trường sống thay đổi, cây rừng không được tự do chặt phá như trước, điều kiện để làm lễ bỏ mả... lại tốn kém cho nên nhiều vùng ở Tây Nguyên đã không còn tổ chức lễ bỏ mả, đồng nghĩa với việc tượng nhà mồ ngày càng ít đi. Tuy nhiên, trong cuộc sống mới ngày nay, tượng gỗ dân gian, tượng nhà mồ Tây Nguyên không còn bó hẹp trong không gian nhà mồ, khu nương rẫy hay cổng làng nữa mà được tạc, đặt ở nhiều nơi khác nhau, như: khu du lịch, những quán ăn truyền thống… Đây là cách hay để nghệ thuật điêu khắc truyền thống của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên luôn được gìn giữ, bảo tồn.

Có thể bạn quan tâm

Lễ cúng rụng rốn của người Bahnar

Lễ cúng rụng rốn của người Bahnar

(GLO)- Lễ cúng rụng rốn (Et tuh klok) là nghi lễ đầu tiên trong vòng đời của mỗi người Bahnar. Không chỉ là cúng tạ ơn, mong muốn các thần linh che chở, bảo vệ đứa trẻ khỏe mạnh, mà lễ cúng còn là sự xác nhận đứa bé chính thức trở thành thành viên trong gia đình, dòng tộc và cộng đồng.
Ché quý của người Jrai

Ché quý của người Jrai

(GLO)- Người Jrai ở Krông Pa (tỉnh Gia Lai) còn lưu giữ nhiều loại ché (ghè) rất giá trị. Bước vào một ngôi nhà dài, quan sát vị trí, số lượng các loại ché, chúng ta có thể đánh giá mức độ giàu có của chủ nhân.
Người dành trọn tình yêu với văn hóa Jrai

Người dành trọn tình yêu với văn hóa Jrai

(GLO)- Bằng tình yêu và niềm tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, ông Ak (80 tuổi, làng Chuét 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đã dành trọn cuộc đời để bảo tồn văn hóa cồng chiêng, đan lát và chế tác nhạc cụ dân tộc với mong muốn lưu giữ cho thế hệ mai sau.
Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

(GLO)- Trên địa bàn xã Hà Đông (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) hiện còn 12 nếp nhà sàn vách đất, lợp mái ngói. Chẳng phải do đời sống khó khăn, mà kiểu nhà ấy phù hợp với điều kiện khí hậu nơi này, còn gia chủ thì luôn mong muốn bảo tồn giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Kông Chro nâng cao hiệu quả kiểm kê di sản văn hóa

Kông Chro nâng cao hiệu quả kiểm kê di sản văn hóa

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng triển khai công tác kiểm kê di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể trên địa bàn. Đây chính là tiền đề để huyện tiếp tục làm tốt công tác quản lý cũng như phát huy giá trị di sản nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.
Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

(GLO)- Trong các nghi lễ truyền thống của người Jrai thì lễ bỏ mả mang đậm nét văn hóa dân gian, là lễ hội nổi trội nhất, hấp dẫn nhất và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo quan niệm của người Jrai, lễ bỏ mả là ngày vui cộng cảm, ngày hội của cộng đồng.
Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.