Tuổi thơ nhọc nhằn: Leo đồi núi mưu sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
LHQ đã thông qua nghị quyết lấy năm 2021 là Năm quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em. Nhân sự kiện này và ngày Quốc tế Thiếu nhi, phóng viên Thanh Niên đã lên rừng, xuống biển... tìm hiểu trẻ em đang phải lao động vất vả mưu sinh...

Những em bé người Mông như thế này cũng đã đi mót sắn
Những em bé người Mông như thế này cũng đã đi mót sắn
Nếu đến Đắk Lắk chỉ để “cưỡi ngựa xem hoa”, thì có lẽ không thể nào biết ở những vùng xa thăm thẳm của thủ phủ cà phê này có những đứa trẻ đang phải nhọc nhằn làm việc kiếm sống.
 Nhiều người đã từng thuộc lòng bài hát H’Zen lên rẫy với những câu rất lãng mạn, trữ tình: Bạt ngàn cao su, bạt ngàn cà phê/Một trời âm thanh, một rừng hương say/Ban Mê lộng gió/Em đi tỉa bắp, hay hái rau rừng/Vui chi em hát... Nhưng thật sự, ở những vùng sâu, vùng xa tít tắp của vùng đất đỏ ba zan này, có những trẻ đang sống một đời sống, một nỗi niềm khác.
Leo núi mót sắn
Lên Tây nguyên, tôi tìm về H.Krông Bông, một trong những huyện nghèo nhất tỉnh Đắk Lắk. Bà Đinh Trần Thị Bích Nga, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện, mách nước: “Nếu anh đi tìm trẻ em mưu sinh hãy lên xã Cư Pui, nhưng đường khó đi và xa lắm đó”. Vượt đoạn đường dài khoảng 30 km với nhiều đoạn ổ gà, ổ voi, tôi đến trung tâm xã Cư Pui. Anh Y Bay Mlô, cán bộ phụ trách xã hội xã Cư Pui, lấy xe máy dẫn đường vào rẫy sắn của đồng bào dân tộc Mông. Trên đường đi Y Bay oang oang: “Đồng bào Mông di cư tự do vào đây. Họ còn rất nghèo. Trẻ con 10 tuổi đã biết lao động rồi”.
Gần 11 giờ ngày chủ nhật, vậy mà, trong nhiều ngôi nhà tạm bợ của người Mông vẫn vắng hoe, không có cả trẻ con. “Bọn chúng theo bố mẹ lên nương lên rẫy hết rồi. Mùa này là mùa mì mà. Nhà báo có đủ sức leo đồi núi lên rẫy không?”, Y Bay hỏi và chỉ tay về phía những ngọn đồi xa xa (thật ra đó là những quả núi thấp nhiều năm bị dân di cư tự do vào khai phá sạch cây rừng để canh tác).

Hai bao cà phê tươi vừa nặng vừa quá khổ so với tuổi và sức vóc của Ngọc Trâm. ẢNH: QUANG VIÊN
Hai bao cà phê tươi vừa nặng vừa quá khổ so với tuổi và sức vóc của Ngọc Trâm. ẢNH: QUANG VIÊN
“Mình sẽ leo lên đó”, tôi nói và cố sức leo lên đến khu vực trồng sắn rồi ngồi thở hổn hển. Thế nhưng, giữa trưa nắng chang chang, những đứa trẻ hom hem vẫn hì hục đào đất để mót sắn. Tôi gặp 3 chị em, Sùng Văn Oanh (10 tuổi), Sùng Thị Thanh (12 tuổi), Sùng Văn Đức (7 tuổi), mỗi đứa trên tay một chiếc cuốc cắm đầu, cắm cổ đào những củ sắn còn sót lại sau khi thu hoạch. Nhà 3 đứa trẻ cách đồi sắn khoảng 3 km. Vào mùa sắn, tầm 7 giờ chị em Oanh bắt đầu kéo nhau lên đồi mót sắn. Dụng cụ hành nghề là chiếc cuốc và cái bao nhỏ đựng sắn. Tôi hỏi Oanh mót sắn có khó không, cậu bé trả lời: “Mót sắn khó hơn mót thứ khác vì củ sắn nằm sâu trong đất, đào dễ bị phạm vào củ, nhưng phải đào cho được”.
Trời đứng bóng, ngồi cầm chai nước tu ừng ực, Oanh hí hửng đổ ra khoe với chị những củ sắn. Tôi ước chừng số sắn hơn 3 kg. Được biết, 1 kg sắn mót bán được 1.500 đồng. Như vậy suốt cả buổi hì hục đào, cậu bé 10 tuổi này chỉ kiếm được chừng 5.000 đồng. Đó là một khoản tiền chưa đủ mua một cây kem. “Cháu có bao giờ được ăn kem chưa?”, tôi hỏi. Thằng bé liếm mép lắc đầu: “Chưa”. Theo cô bé Sùng Thị Thanh thì mấy chị em vẫn còn đi học. Học một buổi đi mót sắn một buổi. Còn như hôm nay được nghỉ học thì sẽ mót cả ngày. Tiền bán sắn 3 chị em dồn lại đưa cho bố mẹ mua sách vở... “Chị em này đi mót để kiếm tiền mua sách vở là chúng còn đến trường đó. Ở đây trẻ học đến lớp 6, lớp 7 là bỏ học theo cha mẹ đi làm rẫy hoặc tự đi mót hoa màu nhiều lắm”, Y Bay chia sẻ. Trên đường, tôi còn bắt gặp những đứa trẻ nhỏ xíu, người hom hem cũng mang bao, vác cuốc đi mót sắn. Các cháu nhỏ đến mức ngơ ngác không thể trả lời những câu hỏi.

Hai chị em thi nhau đào mót sắn
Hai chị em thi nhau đào mót sắn
Đủ việc mưu sinh
Từ Cư Pui, tôi đến xã Cư Đrăm, H.Krông Bông. Trong căn nhà tồi tàn, H.Got, người mẹ mới 22 tuổi đã có 4 đứa con, đang ngồi ngóng cô con gái H’Zami (14 tuổi) đi chăn bò về để kịp đi học. Người phụ nữ dân tộc Ê đê than thở: “Nhà mình nghèo thiệt mà. Con cái nhà nghèo phải lao động thôi. 11 tuổi nó phải đi chăn bò rồi”. H’Zami bước vô nhà, ăn vội bữa cơm với một quả trứng luộc rồi chuẩn bị sách vở đến trường. Cách đó không xa, Y Thịnh (15 tuổi) suốt ngày rong ruổi theo đàn bò. Dù nắng hay mưa, mỗi ngày Thịnh phải lùa đàn bò nuôi thuê khoảng 50 con đi tìm cỏ. Thịnh theo cha chăn bò từ năm 9 tuổi. Bây giờ, một mình cậu bé có thể quản cả đàn bò. Trẻ em nông thôn, việc chăn bò chăn trâu không có gì xa lạ. Nhưng với một đứa trẻ quản một đàn bò như thế không phải dễ. “Có những khi đi xa hàng mấy cây số mới có cỏ cho bò ăn. Cực nhất là bò đi lạc”, Thịnh chia sẻ.
Rời nơi đây, tôi tiếp tục phóng xe trên “con đường đau khổ” để đến xã Ea Tam, H.Krông Năng. Đây là “lãnh địa” mới của đồng bào dân tộc Tày, Nùng từ phía bắc di cư tự do vào. Dọc đường, tôi cũng gặp nhiều đứa trẻ tuổi thiếu nhi theo cha mẹ lên nương rẫy. Nhưng hôm nay, tôi đến nhà Sầm Thị Ngọc Trâm (14 tuổi) dân tộc Tày, đang học lớp 8. Chị Nông Thị Thúy, mẹ Trâm, cho biết: “Nó đi làm từ lúc 12 tuổi. Bình thường, ngoài buổi học trên lớp nó đi chăn trâu, nhưng vào mùa cà phê thì phải đi hái cà phê ngoài rẫy”.
Con cái ở thành phố ở tuổi này ba mẹ còn phải chở đến trường, còn Ngọc Trâm tự mình điều khiển xe máy vượt qua những lối mòn nhỏ hẹp, đèo dốc ngoằn ngoèo để đến rẫy cà phê. Tôi kinh ngạc khi cô bé nhỏ thó này chất hai bao cà phê tươi hơn 60 kg lên chiếc xe máy rồi đèo về nhà. Cô bé vất vả điều khiển chiếc xe chở hai bao cà phê vừa nặng vừa quá khổ. Qua đoạn đường dốc, chiếc xe dường như chực ngã nhào. Thế mà cô bé còn tiết lộ: “Hôm nay trời nắng nên đường còn dễ đi đó chú ạ. Những hôm trời mưa, đường trơn trượt ngã chổng vó là chuyện thường”.
Tây nguyên đại ngàn sâu thẳm. Đi cho hết những buôn làng xa mờ mịt để tìm hiểu về những đứa trẻ mưu sinh vất vả ra sao không thể chỉ trong vài ngày.
(còn tiếp)
Theo bà Đinh Trần Thị Bích Nga, Trưởng phòng LĐ-TB-XH H.Krông Bông: Huyện có khoảng 50% hộ nghèo và cận nghèo. Đặc biệt, các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số cư trú, cuộc sống của họ rất khó khăn. Tỷ lệ trẻ em vừa đi học vừa làm nương rẫy rất nhiều. Những năm trước ở đây còn có tình trạng trẻ mới 11 - 15 tuổi vào TP.HCM làm thuê, huyện đã phải cử người đến tận nơi đưa các em về. Trẻ em làm việc vất vả để mưu sinh ở những vùng tập trung đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đang là điều rất nhức nhối, nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu, căn cơ để giải quyết. Nhà nước cần có nhiều chính sách, quan tâm đầu tư đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số hơn nữa để nâng cao đời sống, góp phần giảm thiểu tình trạng trên.
Theo Quang Viên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.