(GLO)- Những ngày này, đồi cỏ hồng Glar (xã Glar, huyện Đak Đoa) đang trải một màu tím hồng mênh mông dưới tán thông xanh cổ thụ để đón chào du khách thập phương đến với “Tuần lễ cỏ hồng và Hội chợ nông sản an toàn lần thứ II”. Chương trình diễn ra từ ngày 17-11 đến 19-11.
Rực rỡ đồi cỏ hồng Glar
Đak Đoa được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan đẹp như rừng thông hơn 40 năm tuổi, những ngọn núi trùng điệp, lòng hồ xã Ia Băng, hệ thống thác nước hùng vĩ và những ngôi làng đồng bào dân tộc thiểu số còn duy trì nhiều nét văn hóa truyền thống như: dệt thổ cẩm, tạc tượng gỗ, đan gùi... Trong đó, đồi cỏ hồng xã Glar được ví như “Đà Lạt thứ 2” trên cao nguyên, là điểm đến hấp dẫn thu hút hàng ngàn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm trong những năm gần đây.
|
Du khách thích thú khi tham quan đồi cỏ hồng. Ảnh: Trần Dung |
Khoảng tháng 11 hàng năm, những bông hoa cỏ trải dài dưới tán rừng thông rộng khoảng 500 ha của xã Glar bắt đầu bung sắc hồng bao phủ cả một vùng đồi, tạo nên khung cảnh vô cùng lãng mạn làm bao du khách say mê. Đây là loài cỏ dại mọc thành từng cụm với sức sống mãnh liệt, bền bỉ. Tận dụng vẻ đẹp hiếm có này, năm 2017, UBND huyện Đak Đoa đã tổ chức tuần lễ “Đồi cỏ hồng Đak Đoa” nhằm thu hút khách du lịch đến với huyện nhà, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Sau thành công của lễ hội cỏ hồng 2017, năm nay, huyện Đak Đoa tiếp tục tổ chức “Tuần lễ cỏ hồng và Hội chợ nông sản an toàn lần thứ II”.
Ngay từ sáng sớm ngày 17-11, đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến với lễ hội đã rất thích thú khi tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp ban mai của đồi cỏ hồng. “Dù đã tới đây vào mùa lễ hội năm ngoái, nhưng năm nay gia đình tôi vẫn mong muốn được nhìn ngắm đồi cỏ hồng tuyệt đẹp này. Không khí ở đây trong lành, mát mẻ, phù hợp cho bọn trẻ vui đùa. Đặc biệt, ngoài việc ngắm cỏ và lưu giữ những khoảnh khắc đẹp, chúng tôi còn được tham gia các trò chơi dân gian và thưởng thức các món ăn địa phương”-chị Trần Thị Thu Hằng (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) chia sẻ. Còn với những du khách ở xa như chị Hà Minh Uyên (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) thì: “Tôi cùng bạn bè hẹn nhau họp mặt khi đồi cỏ hồng Glar vào mùa rực rỡ nhất. Chúng tôi theo dõi thông tin trên các phương tiện truyền thông và may mắn là tuần lễ cỏ hồng diễn ra đúng vào dịp cuối tuần. Chúng tôi quyết định ở lại 2 ngày để ngắm cảnh cho thỏa thích. Được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ mang lại cảm giác rất yên bình, thư thái”.
|
Những chiếc gùi của người Jrai tạo ấn tượng mạnh với du khách. Ảnh: Trần Dung |
Tại lễ hội, ngoài thưởng thức các tiết mục trình diễn cồng chiêng, múa xoang, du khách còn được tham gia chế tác nhạc cụ dân tộc, đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm… cùng nghệ nhân đến từ các thôn, làng; được hòa mình vào các môn thể thao truyền thống như: đẩy gậy, đi cà kheo, kéo co; thưởng thức những món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ như: cơm lam, gà nướng, rượu ghè, lá mì, cà đắng, thịt nướng lồ ô… Già làng Mlinh (làng Ktu, xã Glar) phấn khởi nói: “Tôi rất vui và tự hào khi nhiều người tới đây để xem chúng tôi biểu diễn cồng chiêng và cùng nhau thưởng thức những món ăn đặc trưng của dân tộc”.
Nhộn nhịp hội chợ nông sản
Làm nên sự nhộn nhịp và đông đúc tại lễ hội còn có 10 gian hàng nông sản tham gia Hội chợ nông sản an toàn với các sản phẩm như: cà phê, hồ tiêu, chuối rừng, rượu ghè, khoai lang Lệ Cần, măng khô, bò khô, cam, mật ong… thu hút đông đảo người dân tham quan, mua sắm. Đây chủ yếu là các mặt hàng nông sản thế mạnh, có giá trị kinh tế cao và sản xuất an toàn, một số sản phẩm còn có chỉ dẫn địa lý. Ông Nguyễn Hồng Việt-Phó Chủ tịch UBND xã Hà Đông-cho hay: “Xã Hà Đông đưa mật ong, chuối rừng, bí đỏ, gạo nếp than, cao mật nhân… tới tham gia trưng bày tại lễ hội. Hầu hết người dân trong xã đều rất phấn khởi và mong muốn sản phẩm của mình để lại ấn tượng tốt đối với du khách”. Còn chị Đặng Thị Cẩm Châu (thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang, huyện Đak Đoa) thì thông tin: “Đây là lần thứ 2 Hợp tác xã đưa sản phẩm tiêu sạch đến hội chợ với mong muốn sẽ có thêm nhiều khách hàng tiềm năng tìm đến”.
|
Các sản phẩm nông sản trên địa bàn huyện Đak Đoa được trưng bày tại Tuần lễ cỏ hồng và Hội chợ nông sản an toàn. Ảnh: Đ.T |
Ngoài các gian hàng nông sản, Ban tổ chức lễ hội đã mời các hợp tác xã, làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện tham gia trưng bày sản phẩm như: áo thổ cẩm, vải thổ cẩm, túi xách, bầu đựng nước, nhạc cụ dân tộc… Cũng trong dịp này, để quảng bá hình ảnh của địa phương, huyện Đak Đoa còn tổ chức trưng bày những bức ảnh đẹp từ cuộc thi “Ảnh đẹp cỏ hồng Đak Đoa”.
“Đã có hàng ngàn lượt du khách và người dân địa phương tập trung về chiêm ngưỡng đồi cỏ hồng cũng như tham gia hội chợ nông sản. Đây là sự kiện nhằm tôn vinh mảnh đất, con người và các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện Đak Đoa. Sự kiện nhằm quảng bá hình ảnh, giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch của huyện, từ đó đẩy mạnh thu hút đầu tư, hợp tác, liên kết giữa huyện Đak Đoa với các địa phương khác trong cả nước, tạo tiền đề xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng”-ông Hoàng Nhưn-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa, Trưởng ban tổ chức “Tuần lễ cỏ hồng và Hội chợ nông sản an toàn lần thứ II”-thông tin.
Trần Dung