Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT: Mở cánh cửa tương lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thông qua hoạt động tư vấn hướng nghiệp, các trường THPT trong tỉnh đã giúp học sinh có thêm thông tin, kiến thức bổ ích để lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường cũng như nhu cầu xã hội. 
Ngày 13-10 vừa qua, Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku) tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho gần 1.700 học sinh ở cả 3 khối lớp với chủ đề “Hiểu mình-Hiểu nghề-Sáng tương lai”. Chương trình có sự góp mặt của Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Anh Bình-Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP. Hồ Chí Minh và đại diện các trường đại học: FPT, Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH) và Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (HUFI). 
Thông qua phần diễn thuyết cùng các trò chơi thực tế, Tiến sĩ Huỳnh Anh Bình đã giúp các em học sinh nhận ra được bản thân đang thật sự muốn gì, cần gì, từ đó có định hướng đúng đắn và đưa ra quyết định lựa chọn ngành nghề phù hợp. Em Ôn Gia Kỳ (lớp 12C9) phấn khởi nói: “Trước đây, em chưa hiểu rõ những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân nên phân vân khi chọn ngành nghề. Tuy nhiên, thông qua sự tư vấn của các diễn giả, em đã có được câu trả lời cho chính mình, đó là chọn chuyên ngành kinh tế để đăng ký xét tuyển đại học”.
Học sinh khối 12 Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku) tìm hiểu một số ngành nghề trong cẩm nang của các trường đại học. Ảnh: Mộc Trà
Học sinh khối 12 Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku) tìm hiểu một số ngành nghề trong cẩm nang của các trường đại học. Ảnh: Mộc Trà
Cô Đào Thủy Hậu-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Không chỉ hướng nghiệp, diễn giả còn trực tiếp đối thoại, giải đáp những băn khoăn của học sinh trong việc lựa chọn ngành nghề; đồng thời, giúp các em biết thêm những kỹ năng mềm cần thiết cho cuộc sống và công việc sau này. Dự kiến trong học kỳ II, nhà trường tiếp tục tổ chức hoạt động tương tự dành riêng cho học sinh khối 12 để các em thêm vững tin trong việc lựa chọn hướng đi trong tương lai.
Trường THPT Pleiku cũng chú trọng đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Đông Hải thông tin: Xác định rõ việc học phải gắn với định hướng nghề nghiệp nên ngay khi học sinh vào lớp 10, nhà trường đã thực hiện việc chia lớp theo năng lực và nguyện vọng của học sinh, từ đó có sự hướng nghiệp phù hợp. Bên cạnh các tiết giáo dục hướng nghiệp theo chương trình, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức những hoạt động ngoại khóa có mời một số trường đại học, cao đẳng và chuyên gia để tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. “Chúng tôi hướng đến giúp học sinh biết được đặc điểm của từng nghề nghiệp; hiểu được năng lực, sở trường của mình có phù hợp với nghề mà mình đam mê không hoặc những khó khăn các em sẽ gặp phải khi chọn theo nghề... Từ đó, các em biết mình cần phải học tập và rèn luyện những gì để có thể thích ứng với đặc điểm của nghề nghiệp và vượt qua khó khăn khi gắn bó với nghề trong tương lai”-cô Hải chia sẻ.
Cũng theo cô Hải, cuối tháng 10 này, nhà trường sẽ mời diễn giả Mai Hữu Tài-Ủy viên Ban Chấp hành Hội đồng tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia phía Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đi Cho Biết (TP. Hồ Chí Minh) tham gia chương trình ngoại khóa tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 11 và 12 với chủ đề: “Ước mơ và mục tiêu cuộc đời-Khởi nghiệp, lập thân, lập nghiệp”. Dự kiến, nhà trường sẽ tiếp tục phối hợp với Hội đồng tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia phía Nam tổ chức thêm 2 hoạt động hướng nghiệp tương tự vào tháng 12-2022 và khoảng cuối tháng 3-2023. Ngoài ra, trường cũng mời thêm các doanh nhân về giao lưu với học sinh để các em hiểu rõ hơn về nhu cầu lao động hiện nay và xu hướng trong tương lai.
Học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai tham gia Ngày hội “Thanh niên với nghề nghiệp, việc làm” do Thị đoàn An Khê tổ chức. Ảnh: Mộc Trà
Học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai tham gia Ngày hội “Thanh niên với nghề nghiệp, việc làm” do Thị đoàn An Khê tổ chức. Ảnh: Mộc Trà
Với đặc thù là cơ sở giáo dục chuyên biệt, Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai đang đẩy mạnh hoạt động tư vấn hướng nghiệp phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số. Ngoài việc phối hợp với các trường đại học, cao đẳng tổ chức tư vấn trực tiếp, nhà trường còn thành lập Tổ tư vấn và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh và chủ động xây dựng kế hoạch, trích kinh phí cử giáo viên trong Tổ tham gia các lớp bồi dưỡng về tư vấn hướng nghiệp. 
“Thông qua Tổ tư vấn và đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm bên ngoài nhà trường hoặc lồng ghép trong các tiết học, giờ chào cờ, sinh hoạt nội trú... để giúp học sinh, nhất là học sinh lớp 12 lựa chọn đúng ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân, điều kiện gia đình và tìm được một việc làm ổn định sau này. Đặc biệt, vì là học sinh dân tộc thiểu số nên nhà trường còn chú trọng định hướng thêm cho các em về những nghề nghiệp có thể phục vụ cho bản thân và cộng đồng tại địa phương mình, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”-Hiệu trưởng Hà Hữu Phúc cho hay.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Văn Long, ngay từ đầu năm học 2022-2023, Sở đã có văn bản chỉ đạo các phòng GD-ĐT và trường phổ thông triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học. Trong đó có việc tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp; tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp; phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp; huy động nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp; tăng cường tư vấn hướng nghiệp theo định hướng nghề nghiệp cấp THPT. Ngoài ra, định hướng hiệu quả việc phân luồng học sinh sau THCS theo học các chương trình GD-ĐT phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng của học sinh; tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp trong trường trung học; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về lựa chọn nghề nghiệp, khởi nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp của học sinh trung học.
“Mới đây, Sở tiếp tục chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; chủ động, sáng tạo trong việc huy động nguồn lực của địa phương, đơn vị và các doanh nghiệp, từng bước triển khai hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tham quan, thực hành tại doanh nghiệp nhằm sớm định hướng nghề nghiệp cho học sinh và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, việc làm, khởi nghiệp-đổi mới sáng tạo cho học sinh theo hướng dẫn của ngành. Khuyến khích học sinh tham dự cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” do Bộ GD-ĐT tổ chức và các cuộc thi, chương trình tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp, sáng tạo”-ông Long cho biết.
MỘC TRÀ
 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

(GLO)- Ngày 3-12, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 281-KH/TU ngày 11-10-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5-1-2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2025-2030.