Tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau thời gian dài dạy và học trực tuyến, đến thời điểm này, cả nước có 97% số học sinh đã được đến trường học trực tiếp.

 Học sinh học trực tuyến tại nhà trong những ngày nghỉ do dịch Covid-19. (Ảnh: Đăng Anh)
Học sinh học trực tuyến tại nhà trong những ngày nghỉ do dịch Covid-19. (Ảnh: Đăng Anh)


Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 4/4, bậc mầm non có 62 trong số 63 tỉnh, thành phố tổ chức học trực tiếp (Hà Nội là địa phương duy nhất chưa có kế hoạch tổ chức học trực tiếp cho trẻ mầm non) và 7 tỉnh cho dừng một huyện hoặc thành phố trực thuộc do dịch bệnh tăng nhanh; bậc tiểu học có 63 tỉnh, thành phố tổ chức học trực tiếp.

Bậc trung học cơ sở có 63 tỉnh, thành phố tổ chức học trực tiếp (trong đó, 8 tỉnh chuyển trạng thái tổ chức dạy trực tuyến một huyện hoặc thành phố trực thuộc). Bậc trung học phổ thông có 63 tỉnh, thành phố tổ chức học trực tiếp (3 tỉnh chuyển trạng thái tổ chức một huyện hoặc thành phố trực thuộc).

Việc học trực tuyến kéo dài đã tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tâm sinh lý của học sinh, nhất là với lứa tuổi thanh thiếu niên. Thực tế cho thấy, suốt một thời gian dài học sinh không được giao tiếp, gặp gỡ bạn bè, thiếu tương tác với thầy giáo, cô giáo, nhiều em đã thay đổi tâm lý, bộc lộ các dấu hiệu mệt mỏi, buồn chán, mất ngủ, nghiện game, gặp phải các vấn đề về mắt...

Nhiều vấn đề tưởng chừng như rất nhỏ, nhưng nếu học sinh không có ai để chia sẻ, tâm sự, không được trang bị đầy đủ kỹ năng để đối diện sẽ rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng trong thời gian dài, dẫn đến khủng hoảng về tâm lý, để lại hậu quả nghiêm trọng thể chất, tinh thần.

Vì vậy, để tháo gỡ và giải quyết những khó khăn mà học sinh gặp phải, trong những ngày đầu học sinh quay trở lại trường, nhà trường cần tập trung quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, giúp các em ổn định tâm lý, thích nghi dần với môi trường học tập trực tiếp. Với học sinh lớp 1, nhà trường cần phổ biến các quy định về học tập và sinh hoạt tại trường; tổ chức các hoạt động để tạo hứng thú và trạng thái thoải mái cho học sinh; tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa học sinh trong lớp học.

Việc bảo đảm phòng, chống dịch trong trường học cần được xử lý linh hoạt, mềm dẻo, không cứng nhắc, tránh gây tâm lý căng thẳng và mệt mỏi cho học sinh. Cùng với đó, các trường cần phân công cán bộ chuyên trách tư vấn tâm lý được đào tạo bài bản để tư vấn, hỗ trợ và can thiệp đối với học sinh đang gặp phải khó khăn trong học tập và cuộc sống để tìm hướng giải quyết phù hợp, giảm tác động tiêu cực có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục chủ động rà soát, đánh giá, phân loại kết quả học tập trực tuyến, qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh để điều chỉnh kế hoạch giáo dục phù hợp; tổ chức để giáo viên ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức còn thiếu cho học sinh; sử dụng hiệu quả thời gian học sinh được đến trường để tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo phù hợp điều kiện của nhà trường và học sinh, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh.

Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức.

Về phía các bậc cha mẹ học sinh cần tích cực phối hợp giáo viên cùng theo dõi những dấu hiệu căng thẳng của các em để cùng chia sẻ, động viên kịp thời, giúp học sinh dần thích ứng, trở lại trạng thái bình thường khi học trực tiếp, tránh gây áp lực, căng thẳng không đáng có với các em.

Theo Quỳnh Nguyễn (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng hoa chúc mừng 3 nhóm tác giả có dự án xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: T.D

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, môi trường cho học sinh sáng tạo nghiên cứu

(GLO)- Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11 (năm học 2024-2025) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức diễn ra từ ngày 9 đến 11-1 đã trở thành sân chơi bổ ích, trí tuệ, góp phần thúc đẩy sự khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.