Tự hào tiếng chiêng làng Kon Hngor Ktu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nằm bên dòng Đăk Bla thơ mộng, làng Kon Hngor Ktu, xã Vinh Quang (thành phố Kon Tum) là một trong những ngôi làng còn giữ được “lửa” cồng chiêng. Gần 10 năm nay, dưới sự hướng dẫn tận tình của già A Lêr, A Khul, 2 đội cồng chiêng trung niên, 1 đội cồng chiêng nữ và 3 đội cồng chiêng thanh thiếu niên từng bước trưởng thành, đánh thành thạo nhiều bài chiêng cổ, để lại ấn tượng sâu đậm trong các lễ hội văn hóa.

Ngân vang cồng chiêng

Mặt trời đỏ au, chiếu ánh nắng vàng rực lên mái nhà rông Kon Hngor Ktu. Cứ đôi phút, già A Khul lại bước ra phía trước, nóng lòng nhìn đồng hồ. “Phải tan học các cháu mới về. Chúng tôi chỉ tranh thủ dạy vào chiều tối, vì các cháu còn bận đi học” – sợ khách đợi lâu, già A Khul giải thích.

Hơn 5h, già A Khul, A Lêr bỗng mừng vui khi thấy cả đội cồng chiêng có mặt, chỉnh tề trong trang phục áo truyền thống của người Ba Na. Sau đôi ba câu chào hỏi, chẳng cần nhắc nhở, cả đội nhanh nhẹn tiến về phía nhà rông, lấy cồng chiêng rồi bắt đầu trình diễn.

Như những lần tập trước, lần này già A Lêr, A Khul sắp xếp đội hình đứng theo thứ tự, bắt nhịp rồi cả đội trình diễn. Tùng tùng tùng, sau 3 tiếng trống, nhịp chiêng cũng dồn dập, đa thanh, đa sắc, hòa quyện, vang dội khắp làng.


 

Chiều chiều, các em học sinh, thanh niên trong làng lại đến nhà rông để học đánh cồng chiêng. Ảnh: H.T
Chiều chiều, các em học sinh, thanh niên trong làng lại đến nhà rông để học đánh cồng chiêng. Ảnh: H.T


Vừa đánh vừa nhún nhảy theo nhịp, theo sự chỉ dẫn của già A Lêr, A Khul, cả đội say mê trình diễn nhuần nhuyễn cả 3 bài: “Gặt lúa đồng xuân”, “Tình yêu thương”, “Mừng mùa lúa mới”. Nhìn cách các thành viên trong đội chú tâm thể hiện, già A Khul cứ mỉm cười, không giấu được niềm vui mừng: “Mấy tháng nay, vì phòng, chống dịch Covid-19, không được tập cồng chiêng, sợ các cháu quên hết rồi. Nhưng không, cả đội đánh rất chắc, rất hay, mình mừng quá”.

Đánh cả 3 bài chiêng nhưng các thành viên vẫn rất hăng hái, muốn đánh tiếp. Nghỉ vài phút để chuẩn bị tập luyện bài mới, em A Khang (18 tuổi) phấn khởi chia sẻ: “Em rất mê cồng chiêng nên theo tập từ lúc 10 tuổi. Dưới sự chỉ dạy của các ông, em và cả đội đã đánh được nhiều bài chiêng hay. Cồng chiêng trở thành một phần tất yếu trong đời sống tinh thần của em cũng như của cả làng. Nhiều lúc nhớ, em còn ngủ mơ thấy cả đội đang đi thi cồng chiêng”.

Dày công khổ luyện

Nhìn đội cồng chiêng thanh thiếu niên bây giờ, già A Lêr, A Khul không khỏi vui mừng.  Nhớ lại những ngày đầu tập luyện, già A Lêr trải lòng: “Vất vả, khó khăn lắm. Có được ngày hôm nay là cả một quá trình khổ luyện đấy”.

Già A Khul không thể nhớ phải hủy bao nhiêu buổi tập vì thiếu thành viên. Ông nói rằng, đối với cồng chiêng, khi tập luyện, buộc phải có đủ các thành viên. Theo bộ cồng chiêng của làng, gồm 12 người đánh cồng chiêng và 1 người đánh trống. Và hôm nào, dù chỉ thiếu 1 người, cả đội cũng đành phải ngưng tập. “Hồi đầu tập luyện, cứ chờ đợi người này, người khác, rất mệt mỏi. Cũng có những lúc cảm thấy nản, song, nghĩ lại, để khơi dậy tình yêu, niềm đam mê đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ, giúp những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc không bị mai một, mình và A Lêr lại động viên nhau cố gắng” – già A Khul nói.


 

Tận tâm truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Ảnh: HT
Tận tâm truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Ảnh: HT



Không chỉ đi từng nhà vận động các cháu thanh, thiếu niên tham gia học đánh cồng chiêng, già A Lêr còn nhờ tới sự tác động, trợ giúp của nhà trường cũng như các đoàn thể trong thôn. Cùng với đó, hai già cũng linh hoạt trong cách truyền đạt để tạo hứng thú, thu hút các em tham gia.

Chỉ về phía A Tướng, cả đội cười, bảo: “Ngày ấy, cả đội cứ phải chờ đợi A Tướng. Nó thích chơi game hơn đánh cồng chiêng mà”. Nhưng đó là câu chuyện của ngày trước, giờ đây, với sự hướng dẫn tận tình của các bậc tiền bối và tinh thần hăng hái học đánh cồng chiêng của các thành viên trong đội đã truyền lửa, đam mê cho A Tướng. “Nhờ học đánh cồng chiêng mà em bỏ game rồi. Đánh cồng chiêng rất hay, thú vị nên bây giờ em không vắng trong các buổi tập nữa. Cũng nhờ tham gia cồng chiêng mà em được đi giao lưu với nhiều bạn bè ở các huyện, thành phố” – A Tướng thẹn thùng chia sẻ.

Không chỉ có A Tướng, sự hướng dẫn tận tình của các già đã khơi dậy ngọn lửa đam mê cồng chiêng cho cả đội. Nhờ đó, từ bỡ ngỡ, từ không quen, cả đội đã đánh thành thạo nhiều bài cồng chiêng và thường xuyên có mặt trong các lễ hội của làng, của xã, của thành phố.

Năm 2018, đội cồng chiêng thanh thiếu niên của làng Kon Hngor Ktu được chọn tham gia lễ hội đường phố, các thành viên, ai nấy đều hứng khởi. “Đó là kết quả của quá trình nỗ lực tập luyện. Tham gia lễ hội về, ai nấy đều vui mừng và cố gắng tập luyện. Đó cũng là động lực để mình và già A Khul nỗ lực truyền dạy” – ông A Lêr nói.


 

Già A Khul, A Lêr cùng nhau truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Ảnh: HT
Già A Khul, A Lêr cùng nhau truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Ảnh: HT


Xã Vinh Quang hiện có 3 làng đồng bào DTTS. 2 làng kia, mỗi làng chỉ có 1 bộ cồng chiêng và 1 đội cồng chiêng “cứng”; làng Kon Hngor Ktu nổi bật hơn với 6 đội cồng chiêng. “Tất cả 6 đội cồng chiêng đều do mình và già A Khul truyền dạy đấy” – già A Lêr tự hào chia sẻ.

Không chỉ tham gia các buổi tập đầy đủ, hiểu cồng chiêng rất quý nên sau khi tập, cả đội đều nâng niu cất giữ cẩn thận như vật quý của gia đình mình.

Trăng rằm tháng 8 tròn vành vạnh. Dưới mái nhà rông, cả đội vẫn miệt mài biểu diễn với một tinh thần phấn khởi, háo hức. Sự tận tâm của người truyền, sự cố gắng tiếp thu của người học, cồng chiêng làng Kon Hngor Ktu sẽ mãi vang.

“Khoảng 20 năm trước, mình và A Lêr được già làng A Đa truyền dạy cồng chiêng. Bây giờ, già làng A Đa mất rồi, mình nối nghiệp, truyền lại cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Theo thời gian, theo quy luật của cuộc sống, mình và A Lêr rồi cũng sẽ phải già và phải về với Yàng. Vậy nên, bây giờ, khi còn sức khỏe, mình muốn truyền và muốn thế hệ trẻ nghiêm túc học, hiểu, yêu và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc”- già A Khul bộc bạch.

Theo Hoài Tiến (baokontum)

Có thể bạn quan tâm

Lễ báo hiếu: Thơm thảo tấm lòng con cái

Lễ báo hiếu, thơm thảo tấm lòng con cái

(GLO)- Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, người Bahnar luôn nhắc nhau: “Phải kính trọng cha mẹ như mặt trăng, kính trọng ông bà như mặt trời”. Khi đã trưởng thành, con cái đều nghĩ đến việc tổ chức lễ báo hiếu cha mẹ (teh nhung ăn kră).

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai ban hành QĐ số 60/2024/QĐ-UBND quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” để hướng dẫn thực hiện, bảo đảm phù hợp với đặc thù văn hóa và tình hình kinh tế-xã hội của địa phương.

Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia vừa họp, bỏ phiếu thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo là di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Ngọc Minh

Chuyện làm hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, những người làm công tác di sản văn hóa (như cách gọi ngày nay) của tỉnh Gia Lai-Kon Tum bắt tay vào việc thu thập thông tin để làm hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng, trong đó có hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo.

Chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh)

Vọng tiếng chuông ngân

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều ngôi chùa bắt đầu bằng chữ Bửu như chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh), Bửu Thắng, Bửu Nghiêm, Bửu Hải (TP. Pleiku). Riêng cái tên Bửu Tịnh được đặt cho 2 ngôi chùa, 1 ở Ayun Pa, 1 ở Krông Pa. Nhà tôi ở gần chùa Bửu Tịnh (xã Phú Cần, huyện Krông Pa).

Nét đẹp tặng chữ đầu xuân

Nét đẹp tặng chữ đầu xuân

(GLO)- Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân Việt lại náo nức với những phong tục truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Trong đó, nét đẹp tặng chữ đầu xuân đã trở thành một truyền thống hiếu học của dân tộc và mang ý nghĩa cầu chúc may mắn, tài lộc, hạnh phúc cho năm mới.

Một dòng huyền tích

Một dòng huyền tích

Mỗi lần đi qua cầu Đuống, tôi bất giác nhìn về phía hạ lưu, trong đầu ngân lên mấy câu thơ của Hoàng Cầm “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh, nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”.

Theo dấu sử thi

Theo dấu sử thi

Tôi về xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) vào một dịp ngành văn hóa Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lớp truyền dạy hát kể sử thi (khan) cho lớp trẻ.