Tự hào góp sức vào chiến thắng Điện Biên Phủ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuộc gặp gỡ với các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai và thân nhân của họ mới đây khiến chúng tôi vô cùng xúc động.

Sau hơn 2/3 thế kỷ, hồi ức bi hùng của những chứng nhân lịch sử ấy đã thêm một lần nữa khẳng định giá trị của những hy sinh, gian khổ không gì đong đếm được để hòa bình hiện hữu.

“Hạ gục” tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

Các nhân chứng sống từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đều đã trên dưới 90 tuổi, không nhiều người còn khỏe mạnh, minh mẫn. Vì vậy, khi thấy ông Lưu Thế Quý (95 tuổi, thôn Phú Cường, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) ra tận cửa đón đoàn công tác của tỉnh đến thăm, tặng quà, ai cũng mừng vì ông sống vui, sống khỏe. Con cháu kể, thỉnh thoảng, ông vẫn đạp xe dạo chơi quanh xóm, Truyện Kiều thì thuộc làu làu nhiều đoạn. Ông chỉ phiền một nỗi phải thường xuyên đeo máy trợ thính vì suy giảm thính lực do ảnh hưởng từ bom đạn chiến tranh.

Người cựu chiến binh của Đại đoàn 304 cho hay, Đại đoàn gồm các Trung đoàn 9, Trung đoàn 57 và Trung đoàn 66. “Trung đoàn 66 chúng tôi 2 lần được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đấy”-ông tự hào kể.

Đông Xuân 1953-1954, Đại đoàn 304 được giao nhiệm vụ trên 2 hướng: Cùng các đơn vị bạn làm nhiệm vụ ở mặt trận Trung Lào; bí mật tập kết để sẵn sàng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bản thân ông Quý khi đó 2 lần hành quân sang các tỉnh Khăm Muộn và Savannakhet để đánh chặn quân địch, sau đó tiếp tục trực tiếp tham gia trận đánh “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Người cựu chiến binh tuổi cửu thập tường tận điểm tên các đại đoàn cùng phối hợp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ gồm: Đại đoàn 308, 312, 316. Cả 4 đơn vị cùng tiến hành bao vây, chia cắt khống chế Sân bay Hồng Cúm và các trận địa pháo binh địch, chia cắt quân địch ở Hồng Cúm và trung tâm Mường Thanh; tích cực đánh phản kích, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch tiến tới tiêu diệt toàn bộ.

Từ ngày 1 đến 4-5-1954, ta và địch giành giật quyết liệt cứ điểm A1 và C2. Sáng 7-5, cứ điểm A1 bị tiêu diệt, mở toang “cánh cửa thép” tiến thẳng vào trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Ông Lưu Thế Quý (bìa trái) đứng cạnh Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong một lần họp mặt đồng đội (ảnh chụp lại).

Ông Lưu Thế Quý (bìa trái) đứng cạnh Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong một lần họp mặt đồng đội (ảnh chụp lại).

Ngồi cạnh đó, ông Lưu Cường Quyền-con trai ông Quý-chia sẻ thêm một vài ấn tượng khó quên về sự hy sinh, gian khó trong chiến dịch khi được nghe cha kể lại sau này, đó là bữa cơm tối nấu vội bằng nước vũng giữa rừng, khi ăn mới thấy toàn nòng nọc, đành phải bỏ đi, nhịn đói; là những đồng đội bị bom phạt ngang người, ngã xuống ngay trước mặt… Song cũng chính hoàn cảnh ấy đã trui rèn bản lĩnh để những người chiến sĩ Điện Biên làm nên chiến thắng huyền thoại.

Chỉ lên bức tường phòng khách dán đầy những bức ảnh cũ về các cuộc họp mặt bạn chiến đấu, ông Quý giới thiệu những đồng đội từng cùng nhau vào sinh ra tử ở Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Có bức ảnh ông cùng đồng đội đứng trên nóc hầm tướng De Castries trong một lần về thăm lại chiến trường xưa.

“14 anh em cùng nhau qua thời chống Pháp, chống Mỹ, giờ chỉ còn mình tôi”-ông Quý ngậm ngùi.

Một phần bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tái hiện trận đánh mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ (nguồn internet).

Một phần bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tái hiện trận đánh mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ (nguồn internet).

Ngót nghét tuổi 90, cựu chiến binh Bùi Văn Tín (tổ 7, phường Trà Bá, TP. Pleiku) đã có sự nhầm lẫn về một vài cột mốc thời gian trong đời. Tuy nhiên, những ký ức về một thời hoa lửa, tham gia đánh đồi A1 dường như vẫn vẹn nguyên.

“Tháng 3-1954, sau gần 1 tháng huấn luyện tân binh, tôi chính thức trở thành chiến sĩ Đại đội 7, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 và tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Lúc bấy giờ, tôi là xạ thủ phụ của Khẩu đội trung liên thuộc Tiểu đội xung kích, Trung đội 1. Mỗi lần làm nhiệm vụ, xạ thủ phụ thường mang theo khoảng 500 viên đạn cùng vài quả lựu đạn. Đạn bắn ra đến đâu, xạ thủ phụ tiếp thêm đến đó vừa để tiêu diệt mục tiêu, vừa yểm trợ cho các lực lượng tiếp cận, tiến đánh mục tiêu”-ông Tín nhớ lại.

Tiếp mạch câu chuyện, ông kể: Đêm 6-5, trận chiến trên đồi A1 diễn ra rất ác liệt. Hỏa lực của ta tấn công dồn dập, quân ta ngày càng áp sát mục tiêu. Địch cũng điên cuồng bắn trả. May mắn sao, khẩu đội của chúng tôi không ai bị thương. Mọi người cùng ôm chầm lấy nhau vui sướng khi nhận tin chiến dịch toàn thắng, quân và dân ta đã đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

“Cách đây vài năm, tôi có dịp trở lại Điện Biên Phủ, thăm đồi A1. Khác với lần đầu tiếp cận bằng đường rừng và tâm thế “quyết chiến, quyết thắng kẻ thù”, lần này, tôi trở lại trong niềm tự hào của cựu chiến sĩ Điện Biên, cùng với đồng chí, đồng đội góp phần nhỏ bé làm nên chiến thắng lừng lẫy”-ông cười, nụ cười móm mém, nhẹ nhàng.

“Tinh thần cách mạng còn cao hơn đèo”

Góp phần to lớn làm nên sức mạnh tổng lực để “hạ gục” tập đoàn cứ điểm được đánh giá là mạnh nhất Đông Dương lúc bấy giờ còn có lực lượng TNXP và dân công hỏa tuyến.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung thăm, tặng quà ông Mạnh Đức Phú (tổ 1, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku) là cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: PHƯƠNG DUNG

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung thăm, tặng quà ông Mạnh Đức Phú (tổ 1, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku) là cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: PHƯƠNG DUNG

Hiện toàn tỉnh có 24 gia đình thân nhân, chiến sĩ Điện Biên, TNXP, dân công hỏa tuyến từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ghi nhận những cống hiến lớn lao của đội ngũ này, mới đây, đoàn công tác của Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà các cựu chiến binh, TNXP, dân công hỏa tuyến. Phó Bí thư Tỉnh ủy ân cần thăm hỏi sức khỏe và bày tỏ mong muốn các cựu chiến sĩ Điện Biên cũng như gia đình thân nhân tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Trò chuyện với P.V, ông Nguyễn Minh Trí (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) cho biết: Cha ông là ông Nguyễn Văn Tân (SN 1932, quê Phú Thọ, đã mất cách đây 12 năm), từng thuộc biên chế Đoàn TNXP Trung ương. Đây là lực lượng được hợp nhất từ Đội TNXP công tác Trung ương và Đội TNXP kiểu mẫu vào tháng 12-1953, do đồng chí Vũ Kỳ-Thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Đoàn trưởng. Đoàn được biên chế thành 4 đội (34, 36, 38 và 40) với trên 10.000 cán bộ, đội viên; ông Tân thuộc Đội 38.

Theo các cứ liệu lịch sử, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đoàn TNXP Trung ương được giao nhiệm vụ tập trung toàn lực lượng phục vụ chiến dịch. Trong đó, Đội 38 và 42 (được bổ sung vào tháng 3-1954) làm nhiệm vụ cơ động phục vụ chiến dịch trên địa bàn chiến khu Việt Bắc và các nhiệm vụ khác khi có yêu cầu.

Trân trọng từng kỷ vật của cha để lại, ông Trí cất giữ hết sức cẩn thận các huân-huy chương cùng những trang nhật ký và nhiều loại giấy tờ liên quan, trong đó có tấm ảnh cha ông chụp chung với Bác Hồ tại một hội nghị. Ông Trí lần giở cho chúng tôi xem những dòng nhật ký mà sau này cha ông ghi lại về hồi ức chiến trường.

Trong cuốn sổ tay đơn sơ, ông Tân kể lại những kỷ niệm đáng nhớ thời đi TNXP phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ: “Bệnh sốt rét hoành hành, 1/3 quân số bị ốm nhưng khi hết cơn sốt lại vào rừng lao động ngày đêm, mặc cho sương mù gió núi, muỗi vắt cắn đốt. Mọi đồng chí đều quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn”.

Ông cũng nhớ về những ngày được Ban Chỉ huy Đoàn TNXP Trung ương điều đi Chiến dịch Tây Bắc, nhiệm vụ là mở đường từ đèo Pha Đin vào Điện Biên: “Ngày đêm bạn với núi rừng, vũ khí là xẻng cuốc, lá cây là giường nằm, rau rừng măng bẹ là thức ăn. Đời sống vô cùng thiếu thốn, gian khổ ngày đêm. Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Những câu hò của tuổi trẻ đã thúc đẩy, động viên vang động núi rừng: “Hò ơi! Đèo cao thì mặc đèo cao/Tinh thần cách mạng còn cao hơn đèo”.

Ông Nguyễn Minh Trí bồi hồi bên những trang nhật ký của cha. Ảnh: Phương Duyên

Ông Nguyễn Minh Trí bồi hồi bên những trang nhật ký của cha. Ảnh: Phương Duyên

Những dòng chữ viết tay của người cựu TNXP cũng ghi lại câu chuyện không thể chân thực và đau thương hơn nơi chiến trường: “Trời Pha Đin về chiều. Từng đàn dơi chập choạng đi kiếm mồi, bên kia đèo bỗng xuất hiện chiếc máy bay của địch trùi trũi lao vào hiện trường chúng tôi đang làm. Đồng chí Hiếu ở trên chòi cao đánh kẻng báo động. Mọi người ùn ùn chạy vào hầm, khói bom đạn tỏa ra khét lẹt theo làn gió bay đi. Thi thể đồng chí Hiếu máu chảy ướt ngực. Người chỉ huy của tôi đã anh dũng hy sinh”.

Và rồi, một trang thơ nữa của cha được ông Trí lật giở, bật lên nỗi vui mừng khôn xiết: “Đại thắng Điện Biên Phủ/Chấn động cả năm châu/Tướng Đờ Cát tái mặt/Và Bi Đô cúi đầu… Ôi vinh quang Tổ quốc/Dân tộc ta anh hùng/Từ tay không thắng giặc/Cả nước lập chiến công/Miền Bắc không đồn bốt/Bọn cướp nước thua rồi/Lũ thực dân bỏ chạy/Quê làng em xanh tươi”.

Tiếp đó là bài thơ “Cầu Giấy cửa ô” viết về tâm trạng hân hoan khi được giao tiếp quản thủ đô: “Cửa ngõ của thủ đô/Rừng cờ lại rừng cờ/Chật đường dân đón tiếp/Thực thực mà như mơ/Muôn miệng cười hoa nở/Nước mắt cứ tuôn trào/Đón bó hoa tươi thắm/Cô gái cửa ô trao/Đoàn người quân chân đất/Sức mạnh như thiên thần/Nhớ bao đồng chí mất/Cho Hà Nội mùa xuân”.

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức về trận Điện Biên Phủ vẫn in sâu trong tâm trí người dân công hỏa tuyến Trần Minh Thiêm (tổ 8, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa). Năm 1948, thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông cùng hàng trăm thanh niên ở vùng quê Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) lên đường ra trận.

Ông được phân công nhiệm vụ tiếp viện vũ khí, đạn dược, lương thực cho chiến trường. Với những phương tiện hết sức thô sơ như xe đạp thồ, quang gánh, các đội dân công hỏa tuyến chủ yếu hoạt động vào ban đêm để đảm bảo bí mật, an toàn.

Ông Trần Minh Thiêm (thứ 2 từ phải sang) vẫn chưa quên kỷ niệm về những ngày làm dân công hỏa tuyến trên chiến trường. Ảnh: Vũ Chi

Ông Trần Minh Thiêm (thứ 2 từ phải sang) vẫn chưa quên kỷ niệm về những ngày làm dân công hỏa tuyến trên chiến trường. Ảnh: Vũ Chi

Năm 1951, ông Thiêm bị thực dân Pháp bắt nhưng nhờ giấu được vũ khí kịp thời nên địch không có bằng chứng để kết tội. Chúng biết ông thông thạo tiếng Pháp nên ra sức dụ dỗ, mua chuộc làm tay sai nhưng ông khéo léo tìm cách chối từ. Một năm sau, địch buộc phải trả tự do cho ông. Ngay lập tức, ông trở lại đơn vị tiếp tục nhiệm vụ. Chiến trường vất vả, thiếu thốn khiến sức khỏe ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đã 3 lần ông được cho về địa phương dưỡng sức nhưng chỉ sau vài tháng là ông lại tình nguyện ra chiến trường, góp sức làm nên chiến thắng có một không hai.

Khi được hỏi giữa chiến trường phủ kín lửa đạn ngày ấy, có khi nào người dân công hỏa tuyến như ông cảm thấy run sợ, ông Thiêm chỉ cười hiền: “Ngày ấy, người người ra trận, nhà nhà ra trận, không phân biệt già trẻ, gái trai với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” nên không ai được phép sợ.

Giờ đây bước sang tuổi 90, tôi cảm thấy tự hào vì mình đã có chút đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Tôi chỉ ước một lần được trở lại Điện Biên, thăm lại chiến trường xưa và thắp nén hương tri ân các đồng đội đã nằm xuống”.

Có thể bạn quan tâm

Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy thăm, chúc Tết các gia đình người có công tiêu biểu

Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy thăm, chúc Tết các gia đình người có công tiêu biểu

(GLO)- Ngày 15-1, đoàn công tác của tỉnh do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Võ Thanh Hùng làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết và tặng quà các gia đình nguyên lãnh đạo tỉnh, người có công tiêu biểu tại các huyện: Krông Pa, Chư Sê, Chư Pưh và thị xã Ayun Pa.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nguyên

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nguyên

(GLO)- Sáng 14-1, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng đoàn công tác đã tới thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nguyên (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an) nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025.

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

(GLO)- Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vào sáng 13-1. Báo Gia Lai điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư. 

Gần 12 ngàn đại biểu dự hội nghị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia

Gia Lai: Gần 12 ngàn đại biểu dự hội nghị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

(GLO)- Sáng 13-1, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị kết nối đến 15.345 điểm cầu trên toàn quốc với 978.532 đại biểu tham dự. Tại Gia Lai có gần 12.000 đại biểu tham dự.

Thủ tướng bổ nhiệm 2 Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Tài nguyên

Thủ tướng bổ nhiệm 2 Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Tài nguyên

Tuần qua (từ ngày 6 đến 12/1), Thủ tướng Chính phủ có các Quyết định bổ nhiệm hai Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.