Cuộc thi tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Bồi đắp niềm tự hào dân tộc từ dấu son lịch sử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Giáo dục truyền thống, ý chí tự lực tự cường, nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc… là hiệu ứng mang lại từ cuộc thi tìm hiểu “70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2024)”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn trao giải tập thể cho Đảng bộ các huyện, thị xã: Ayun Pa, Chư Prông, Ia Pa. Ảnh: Lam Nguyên

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn trao giải tập thể cho Đảng bộ các huyện, thị xã: Ayun Pa, Chư Prông, Ia Pa. Ảnh: Lam Nguyên

Với chủ đề “Điện Biên Phủ và đường Hồ Chí Minh-Ý chí, trí tuệ Việt Nam”, cuộc thi được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai chính thức phát động lúc 9 giờ ngày 1-3-2024, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, sinh viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia. Các câu hỏi trắc nghiệm, kết quả của từng kỳ thi và thống kê số lượt thi của các đơn vị, địa phương…) đều được đăng tải kịp thời trên Trang tin điện tử Tuyên giáo Gia Lai, Báo Gia Lai (báo in, báo điện tử), Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Gia Lai cùng trang điện tử của các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Qua 8 kỳ thi theo hình thức trắc nghiệm online (định kỳ 1 kỳ/tuần), Ban tổ chức đã nhận được 761.710 bài dự thi đến từ 63 tỉnh, thành trong cả nước, riêng Gia Lai có 464.147 lượt bài dự thi; trung bình mỗi kỳ có 95.213 bài dự thi. Một số địa phương, đơn vị nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, hưởng ứng cuộc thi nên có số người dự thi cao và đạt nhiều giải. Cụ thể, huyện Ia Pa có số lượt thi cao nhất với tỷ lệ trung bình đạt 27,65% trên tổng dân số; đứng thứ nhì là huyện Chư Prông với 12,71% lượt thi trên tổng dân số, tiếp đến là thị xã Ayun Pa với 6,74% lượt thi trên tổng dân số.

Về số giải, TP. Pleiku đứng thứ nhất với 29 giải (1 giải nhất, 6 giải nhì, 4 giải ba và 18 giải khuyến khích); huyện Chư Prông xếp thứ nhì với 15 giải (2 giải nhất, 2 giải nhì; 4 giải ba và 7 giải khuyến khích); huyện Ia Pa đứng thứ ba với 9 giải (1 giải nhì, 4 giải ba và 4 giải khuyến khích). Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố trong cả nước cũng có nhiều thí sinh tham gia đạt kết quả cao như: TP. Hà Nội đạt 13 giải; TP. Hồ Chí Minh 8 giải; Bình Định 8 giải; Nghệ An 5 giải; Phú Yên 3 giải; Cần Thơ, Thanh Hóa, Bạc Liêu mỗi tỉnh, thành đạt 2 giải…

Thông tin từ Ban tổ chức, sau 8 kỳ thi, kết quả có tổng cộng 128 cá nhân đạt giải gồm: 8 giải nhất, 16 giải nhì, 24 giải ba và 80 giải khuyến khích. Trong đó, thí sinh tại Gia Lai đạt 5 giải nhất, 10 giải nhì, 16 giải ba và 39 giải khuyến khích; thí sinh ngoài tỉnh đạt 56 giải.

Đồng chí Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi trao giải nhất cho chị Vũ Phạm Thanh Lan và anh Nguyễn Cao Nguyên. Ảnh: Lam Nguyên

Đồng chí Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi trao giải nhất cho chị Vũ Phạm Thanh Lan và anh Nguyễn Cao Nguyên. Ảnh: Lam Nguyên

Sáng 3-5, Ban tổ chức cuộc thi đã trang trọng tổ chức lễ tổng kết và trao giải cho các cá nhân, tập thể trên địa bàn tỉnh. Về giải cá nhân, 5 giải nhất thuộc về các thí sinh: Nguyễn Cao Nguyên (Công an huyện Đak Pơ); Vũ Phạm Thanh Lan (giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Cừ, huyện Đak Đoa); Đoàn Hải Yến (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông); Nguyễn Cẩm Nhung (Phó trưởng khoa Dược-Cận lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần kinh Gia Lai); Nhữ Thị Nhạn (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ làng Tu, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông). Ban tổ chức cũng trao giải tập thể cho Đảng bộ các huyện, thị xã: Ia Pa, Chư Prông, Ayun Pa.

Trao đổi với P.V, chị Vũ Phạm Thanh Lan cho hay, là giáo viên Tin học nhưng chị rất thích tìm hiểu về lịch sử, địa lý. Khi Ban Giám hiệu Trường THCS Nguyễn Văn Cừ thông tin về cuộc thi, chị liền tham gia. Chị Lan chia sẻ: “Thật vui và bất ngờ khi biết tin mình đạt giải nhất kỳ 4. Đây là dịp ôn lại một sự kiện vô cùng quan trọng của dân tộc, cũng là cách truyền cảm hứng về tình yêu đối với môn Lịch sử cũng như lịch sử nước nhà đến các em học sinh trong trường”.

Nói về giải tập thể vừa được trao cho Đảng bộ huyện, Bí thư Huyện ủy Ia Pa Nguyễn Minh Trưởng cho biết: Để đạt số lượt thi cao, mang lại hiệu ứng sâu rộng, huyện đã triển khai thực hiện nghiêm túc, các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy làm gương tham gia thi trước để công chức, viên chức làm theo. Thi trắc nghiệm theo hình thức trực tuyến cũng rất thuận tiện, không mất nhiều thời gian nên số lượt tham gia ngày một nhiều lên. “Từ chỗ được bồi đắp niềm tự hào dân tộc, cán bộ, công chức, viên chức sẽ nỗ lực hơn trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển”-Bí thư Huyện ủy Ia Pa nhận định.

Một tiết mục tái hiện truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc Việt Nam qua 2 cuộc kháng chiến tại lễ trao giải cuộc thi tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Lam Nguyên
Một tiết mục tái hiện truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc Việt Nam qua 2 cuộc kháng chiến tại lễ trao giải cuộc thi tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Lam Nguyên

Theo đánh giá của đồng chí Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi tìm hiểu “70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2024)”, thực tế triển khai cuộc thi cho thấy, địa phương nào quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện và làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến rộng rãi thì nơi đó số lượng người tham gia dự thi đông hơn, chất lượng cao hơn do có sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc. Hình thức thi trắc nghiệm dưới dạng biểu mẫu điện tử, được đăng và chuyển tải trên môi trường internet (qua mạng xã hội Zalo, Facebook) với nhiều yếu tố tiện lợi, cộng với hiệu ứng của truyền thông cũng khuyến khích, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.

Được xem là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, cuộc thi đã một lần nữa tôn vinh những chiến công anh dũng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; khẳng định tầm vóc và ý nghĩa to lớn của tuyến đường mang tên Hồ Chí Minh-con đường huyền thoại, một kỳ tích về sức mạnh chiến đấu, một thành công xuất sắc trong chỉ đạo chiến lược của Đảng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với ý nghĩa đó, cuộc thi đã củng cố niềm tin với Đảng, khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc và ý chí quyết tâm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Có thể bạn quan tâm

Học và làm theo Bác mỗi ngày

Học và làm theo Bác mỗi ngày

(GLO)- Qua 3 năm triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến.

Đảng bộ phường Thống Nhất dâng hoa và báo công với Bác

Đảng bộ phường Thống Nhất dâng hoa và báo công với Bác

(GLO)- Ngày 16-5, tại Quảng trường Đại đoàn kết (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), Đảng ủy phường Thống Nhất tổ chức lễ dâng hoa tri ân, báo công với Bác về kết quả thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị, giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn phường.