Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa: Điểm sáng phong trào dạy và học ở vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều cách làm sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, là điểm sáng của giáo dục vùng khó.
Nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn
Cô Võ Thị Thu Thủy-Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Xuất phát từ đặc điểm của môi trường giáo dục chuyên biệt ở huyện vùng khó với 100% học sinh dân tộc thiểu số, chất lượng đầu vào chưa cao, nhà trường vừa dạy chữ, vừa nuôi dưỡng và giáo dục cho các em tình yêu lao động. Chi bộ nhà trường có 23 đảng viên luôn phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo mọi mặt hoạt động.
Chi ủy phối hợp với Ban Giám hiệu, Hội đồng sư phạm nhà trường triển khai các phong trào thi đua đến tất cả cán bộ, giáo viên và học sinh. Trong đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên gồm 28 người (75% đạt trình độ đại học) luôn đoàn kết, gương mẫu và là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Học tập và làm theo gương Bác, đội ngũ giáo viên luôn đi đầu trong việc tự thay đổi từ nhận thức đến hành động, tác phong làm việc, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường.
Học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú sôi nổi trong giờ thể dục.Ảnh.Vũ Chi
Học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa trong giờ thể dục. Ảnh: Vũ Chi
Từ đầu năm học, Chi bộ cùng Ban Giám hiệu nhà trường xây dựng kế hoạch hoạt động, gắn phong trào làm theo gương Bác với các phong trào thi đua của ngành như: “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “Hai tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Đảng viên, giáo viên đăng ký học tập và làm theo gương Bác bằng những việc làm cụ thể.
Thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, Chi bộ kết hợp chiếu phim tư liệu về hành trình theo chân Bác, giới thiệu phẩm chất sáng ngời và những tác phẩm nổi tiếng của Người… để tuyên truyền sâu rộng trong giáo viên và học sinh. Trong công tác chuyên môn, mỗi cán bộ, giáo viên không ngừng tự nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, tích hợp nội dung học tập và làm theo gương Bác trong các môn học. Nhờ vậy, các môn học trở nên sinh động, sôi nổi, đạt hiệu quả cao.
Thầy Vũ Tam Thân chia sẻ: “Với phương châm “Mỗi giờ dạy là một giờ đổi mới”, tôi luôn tìm kiếm các phương pháp mới để truyền đạt kiến thức cho học sinh dễ hiểu, dễ nhớ nhất. Thông qua việc liên hệ thực tế, những mẩu chuyện vui, ý nghĩa lồng ghép trong tiết học, học sinh tiếp thu bài nhanh và hiệu quả hơn”.
Công tác phát triển đảng viên mới luôn được Chi bộ quan tâm. Từ năm 2015 đến nay, Chi bộ đã kết nạp được 9 đảng viên. Chi bộ liên tục đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, là hạt nhân lãnh đạo các phong trào thi đua. Toàn trường có 3 lượt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 30 lượt giáo viên giỏi cấp huyện, 4 lượt giáo viên được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen, 17 lượt chiến sĩ thi đua cơ sở, 1 chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.
Quan tâm hỗ trợ học sinh
Hàng năm, Chi bộ trường phối hợp với Ban Giám hiệu phát động phong trào học tập và làm theo gương Bác thông qua các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt Đoàn, các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Nhà trường phát động học sinh tham gia trồng rau sạch để đảm bảo bữa ăn hàng ngày, vừa gây quỹ giúp các bạn học sinh nghèo.
Hàng năm, Công đoàn nhà trường vận động quyên góp, ủng hộ học sinh nghèo với số tiền trên 4 triệu đồng/năm; ký túc xá quyên góp “Hũ gạo tình thương” để giúp học sinh nghèo. Phong trào “Đôi bạn cùng tiến”, các câu lạc bộ cùng sở thích thu hút đông đảo học sinh tham gia, giúp đỡ nhau vươn lên đạt thành tích cao trong học tập.
Với 100% học sinh dân tộc thiểu số, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc bản địa. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức truyền dạy cồng chiêng cho học sinh. Đến nay, mỗi lớp đều có 1 đội cồng chiêng riêng, thường xuyên tập luyện và biểu diễn trong các sự kiện quan trọng. Để tạo không khí thi đua trong học sinh, nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: “Đường lên đỉnh Olympia”, “Trò chơi đối mặt”, “Rung chuông vàng”, “Chuyên đề tác hại của hôn nhân cận huyết thống”... Qua đó, các hoạt động này tạo sự gần gũi giữa thầy và trò, giúp học sinh vơi bớt nỗi nhớ nhà, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Em Ksor Hoài Như (lớp 8.1) chia sẻ: “Trong các hoạt động phong trào, em thích nhất là múa xoang và đánh cồng chiêng. Thông qua hoạt động này, em thêm yêu và tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc mình”. Còn em Rcom H’Nguyệt (lớp 9.2) thì bày tỏ: “Em rất thích các buổi ngoại khóa tuyên truyền về giới tính vì nó trang bị kiến thức cần thiết trong cuộc sống, đặc biệt khi xa nhà”.
Một tiết học của học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa. Ảnh: Vũ Chi
Một tiết học của học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa. Ảnh: Vũ Chi
Cô Võ Thị Thu Thủy khẳng định: Những năm gần đây, phong trào dạy và học của trường đã đạt được nhiều thành tích nổi bật. Tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh đạt 100%. Số lượng học sinh giỏi năm sau luôn cao hơn năm trước. Từ năm 2015 đến nay, toàn trường có 107 em học sinh giỏi toàn diện, 5 giải học sinh giỏi cấp tỉnh, 80 giải học sinh giỏi cấp huyện. Năm học 2018-2019, nhà trường được Chính phủ tặng cờ thi đua. Nhiều năm qua, nhà trường được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen vì đạt thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chi bộ được công nhận danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu. 
Đánh giá về tập thể Chi bộ Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện, ông Lê Tiến Mạnh-Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Ia Pa-khẳng định: Chi bộ nhà trường đã phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo, phối hợp tốt với Ban Giám hiệu tích cực triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với nhiệm vụ chuyên môn của từng bộ phận, từng cá nhân trong công tác dạy và học. Nhà trường là một trong những tập thể điển hình tiên tiến học tập và làm theo gương Bác trên địa bàn, là điểm sáng phong trào dạy và học của huyện nhà.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

(GLO)- Ngày 3-12, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 281-KH/TU ngày 11-10-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5-1-2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2025-2030.