Trường Sơn-10 năm trở lại (Bài 1): Ánh điện văn minh ở Làng Ho

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ số báo hôm nay, Báo SGGP trân trọng gửi đến bạn đọc loạt ký sự “Trường Sơn - 10 năm trở lại”, nhân kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn huyền thoại (19-5-1959 - 19-5-2019).
 
Thiếu tá Dương Công Dũng, cán bộ biên phòng Đồn Biên phòng Làng Ho, hướng dẫn đồng bào Pa Cô, Vân Kiều ở bản Trung Đoàn chăm sóc dứa trồng thí điểm
LTS: Cách nay 10 năm, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Đoàn 559 - Binh đoàn Trường Sơn, Báo SGGP đã tổ chức nhóm phóng viên trở lại Trường Sơn, thực hiện loạt ký sự “Trở lại Trường Sơn huyền thoại”. Sau loạt bài, báo tiếp tục có bài xã luận nhắc nhớ xin đừng lãng quên Trường Sơn, để thế hệ hôm nay và mai sau còn nhớ về Trường Sơn, tiếp tục có những việc làm vì Trường Sơn. Sau 10 năm chúng tôi trở lại và thấy những đổi thay của Trường Sơn hôm nay.
Từ số báo hôm nay, Báo SGGP trân trọng gửi đến bạn đọc loạt ký sự “Trường Sơn - 10 năm trở lại”, nhân kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn huyền thoại (19-5-1959 - 19-5-2019).
Nói đến Bản Trung Đoàn, không ít người nhớ ngay đến một điểm tập kết qua đêm của những trung đoàn quân chủ lực sau khi vượt qua những trọng điểm ác liệt ở Bến phà Long Đại, đường 10, đường 15, đường 16… Nhiều năm sau chiến tranh và cả cách nay 10 năm, khi chúng tôi đến trong hành trình thực hiện ký sự Trường Sơn, Bản Trung Đoàn vẫn vậy. Bản Trung Đoàn, Làng Ho (thuộc xã Kim Thủy, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) giờ đã khác. Nhiều công trình dân sinh mà Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP thực hiện đã làm thay đổi cuộc sống người dân, trở thành một địa chỉ đỏ giữa đại ngàn Trường Sơn.
Làng kiểu mẫu
Anh bạn đồng nghiệp ở Quảng Bình lái xe đưa chúng tôi về Làng Ho theo đường cũ từ đường Đông Trường Sơn rẽ vào đường 10, đi thêm hơn 20 cây số nữa là đến ngã ba Tăng Ký vào đường Tây Trường Sơn. “Khi về, chúng ta đi đường 16, qua Quảng Trị hoặc về lại Đồng Hới gần hơn”. “Đường 16 đi từ đâu, đến đâu?”, chúng tôi hỏi. “Là con đường ngắn nhất trong các tuyến đường ngang trên đất Quảng Bình và cũng là tuyến đường ngắn nhất đến vĩ tuyến 17. Từ năm 1960, bộ đội Trường Sơn đã mở tuyến đường này để phục vụ lâu dài cho cuộc kháng chiến. Đường 16 được khôi phục và nâng cấp những năm gần đây và trở thành “Con đường di tích Trường Sơn” với những địa chỉ đỏ Trường Sơn mà nhiều thế hệ hôm nay đang tìm về”. 
Nói rồi, anh bạn đồng nghiệp kể ra nào là di tích ngã tư Thạch Bàn, suối nước khoáng Bang, Tăng Ký… và điểm cuối là Bản Trung Đoàn, Làng Ho với gần 40 mái nhà được cất theo kiểu nhà sàn của người Pa Cô, Vân Kiều, rồi trường học, nhà văn hóa, trạm xá quân dân y kết hợp mà Báo SGGP thực hiện trong Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn gần 10 năm trước.
“Làng Ho đây rồi!”, anh bạn thốt lên khi xe vừa vượt qua con dốc dài. Bí thư Chi bộ Làng Ho - Hồ Bạch đón chúng tôi trước cổng nhà văn hóa. “Mình vào làng đi”, ông Hồ Bạch nói và dẫn khách đi một vòng quanh bản. Nghĩ chúng tôi không nhớ ra nhà của ai, ông liền giới thiệu: “Nhà Trưởng bản Hồ Huôi này, đằng kia là nhà Hồ Ban, Hồ Sóc…”. Nhắc đến Trưởng bản Hồ Huôi, giọng Hồ Bạch chùng xuống: “Ông ấy mất hơn 2 năm nay rồi. Chúng tôi thế hệ sau phải làm cho dân bản mình khá lên. Nhà ở và những công trình dân sinh mà Báo SGGP xây tặng dân bản vẫn còn đây, không ai ở bản quên được tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp ấy. Có nhà, có bản đẹp rồi, nhà nào cũng lo làm ăn khá lên để con cái được biết cái chữ, được học lên cao…”.
 
Công trình Nhà văn hóa Làng Ho do Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP xây tặng đồng bào Pa Cô, Vân Kiều (bản Trung Đoàn, Làng Ho)
Bà Hồ Thị Mó ở trong căn nhà giữa bản, vừa khơi lại bếp lửa vừa tâm sự: “Từ ngày được ở nhà mới, giờ mưa bão đã hết lo. Người dân trong bản không còn cảnh chạy khỏi nhà mỗi lần thiên tai. Mùa đông gió lùa thì ấm hơn trước kia ở trong ngôi nhà vách nứa xiêu vẹo”. Cụ Hồ Mia vui vẻ nói: “Không có bản làng nào ở Tây Trường Sơn cùng một lúc có tới 37 căn nhà mới như Bản Trung Đoàn, Làng Ho. Có nhà mới rồi thì Làng Ho mình thay đổi nhiều lắm, rồi có điện về, đau ốm có trạm xá bộ đội biên phòng, có cán bộ chỉ cách làm ăn, dân bản mình không còn lo thiếu đói như trước nữa…”.
Đến Trạm xá dân quân y kết hợp Làng Ho, gặp già làng Hồ Nứ đang dẫn mẹ đến để bộ đội khám, cho viên thuốc uống. “Mấy hôm nay mẹ mình lại đau cái chân, đi lại không được. Từ ngày có trạm xá của bộ đội biên phòng, ai đau ốm gì là đến khám, lấy thuốc về uống, không đi thầy thổi, thầy cúng nữa đâu”, Hồ Nứ nói. 
Trạm trưởng trạm xá Trương Tấn Anh nói thêm: “Ngày trước sản phụ tới ngày là tự sinh nở ở bản, do người nhà đỡ tại căn chòi cạnh sông, sau đó mới đưa về nhà. Giờ thì đã có y tá Hồ Thị Phong của trạm đến tận nhà đỡ đẻ cho dân. Dân bản không còn tin vào chuyện cúng bái nữa, coi bộ đội biên phòng như người thân, có đau ốm gì là chạy ra trạm gọi cán bộ vào khám, cho thuốc uống”. Chỉ tay qua những nếp nhà phía sau trạm, trạm trưởng Tấn Anh nói: “Gần đây có thầy cúng Hồ Điều, Hồ Đua, Hồ Đuôi, trong bản thì có thầy thổi Hồ Thị Na, Hồ Bun. Trước kia dân bản ai đau ốm gì là tới thầy thổi chữa bệnh bằng cách hơ lá thổi vào người. Không hết thì tới thầy cúng, cúng 3 ngày 3 đêm liền. Giờ thì, các thầy thổi và thầy cúng trong bản và khu vực xung quanh đau ốm gì là tới trạm xin thuốc về uống. Dân bản thấy vậy không tin vào thầy thổi, thầy cúng nữa, chỉ biết đến bộ đội biên phòng thôi”.
Điện đến cho dân cái sáng
Gặp chúng tôi ngay đầu làng, ông Hồ Hùng từ phía trong chạy ra đon đả: “Mời bộ đội vào nhà mình nghỉ, để mình bật cái quạt lên cho mát. Thấy có người lạ đến bản, Hồ Hùng đem chuyện có cái điện ra khoe, rồi nhiều nhà còn có tivi xem thời sự, có quạt mát, bóng điện sáng để trẻ con học bài. Cụ Hồ Vai nhà bên cạnh thấy khách đến thăm bản, chạy qua góp chuyện: “Bản mình có điện mấy năm nay rồi, ai cũng mừng lắm. Điện đến cho dân bản cái sáng, vừa sáng trong đêm giữa rừng, vừa sáng trong cái đầu. Nhiều nhà đã sắm được tivi để xem cách làm rẫy hiệu quả, xem miền xuôi làm ăn mà học hỏi. Ngày trước, tối đến thắp đèn dầu chủ yếu uống rượu rồi ngủ. Bữa nay có điện thì lo lao động để có lương thực, rồi tìm cách làm ăn, tránh ỷ lại không tốt”.
Bí thư Chi bộ Hồ Bạch cho chúng tôi biết thêm: “Bản hiện có 47 hộ với gần 200 khẩu, một số hộ vừa tách ra riêng nên có thiếu mấy nếp nhà. Có điện về, cả bản giờ 20 nhà có tivi, tối nào cũng mở sáng cả bản, ai cũng mừng, cũng vui cái bụng, tệ uống rượu, hủ tục cũng giảm đi nhiều…”.
Anh Dương Công Dũng, cán bộ Đồn Biên phòng Làng Ho, phụ trách địa bàn giới thiệu với chúng tôi mô hình kinh tế điểm trồng dứa do Đoàn kinh tế quốc phòng 79 thuộc Binh đoàn 15 tài trợ hơn 1 năm qua, đã giúp đồng bào thay đổi thói quen, tập tục cũ. Hiện đã có gần 10 hộ trong bản nhận trồng thí điểm hơn 3ha dứa, hứa hẹn kết quả tốt. Nếu nhà do Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP xây tặng là cuộc cách mạng xóa mái tranh nghèo ở đây thì điện sáng là cuộc cách mạng mở mang kiến thức cho bà con qua kênh truyền hình và đài radio. Dân bản Làng Ho giờ đã biết trồng cây dứa, nuôi con bò, con dê, không còn lên núi phá rừng làm nương nữa. Vài năm nữa chắc chắn người Pa Cô, Vân Kiều sẽ khấm khá hơn”.
Trong căn nhà của Bí thư chi bộ Hồ Bạch, ngày trước nghèo khó, bây giờ gia đình anh “cự phách” nhất bản vì biết cách làm ăn khi có điện về. Hồ Bạch vay mượn về xuôi mua tủ đông làm đá lạnh, làm kem bán giữa núi rừng Tây Trường Sơn. Hồ Bạch nói: “Ngày trước không ai biết cái kem hay đá lạnh, từ ngày có điện, em mạnh dạn mua tủ làm đá, làm kem về mà dân bản được thưởng thức đồ lạnh giữa mùa hè, ai cũng ưng cái bụng”. Hồ Bạch còn cho biết thêm, từ khi có nhà văn hóa, hàng năm cứ đến lễ Quốc khánh 2-9 hoặc tết cổ truyền dân tộc, ngày 30-4 và 1-5 dân bản lại tưng bừng tổ chức mừng mùa cơm mới với các trò chơi dân gian, thể thao truyền thống thu hút người dân các bản bên cạnh đến chung vui, học tập cách làm ăn, giữ vệ sinh môi trường. Không những thế, những năm gần đây, Bản Trung Đoàn, Làng Ho còn là địa điểm tham quan của nhiều đoàn du khách trong hành trình trở lại Trường Sơn.

Dự án bản kiểu mẫu Làng Ho do Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP tài trợ xây dựng 37 căn nhà sàn truyền thống theo ý kiến của các già làng Vân Kiều, trị giá hơn 1,5 tỷ đồng, xây dựng trạm xá dân quân y kết hợp, làm đường nội bộ, công trình cấp nước sạch, nhà nào cũng có nhà vệ sinh. Mỗi hộ khi đón nhà mới còn được tặng 500.000 đồng tiền mua giống… Tổng trị giá đầu tư Bản Làng Ho là hơn 3 tỷ đồng do Tổng Công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) và các doanh nghiệp, tổ chức tài trợ.

Hoài Nam-Minh Phong (SGGP)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.