Trường Sa bây giờ rất xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong chuyến hải trình "Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc" năm 2023, khi chúng tôi được đặt chân lên các điểm đảo của Trường Sa, cảm giác cứ như đang ở trên đất liền. Cây cho bóng mát, cây ăn trái, rau và cả hoa thi nhau đua nở, xanh tươi mơn mởn bất chấp sự khắc nghiệt nơi đầu sóng ngọn gió. Trường Sa bây giờ rất xanh!

Không chỉ có bàng vuông, phong ba - những loại cây vốn đặc trưng của đảo, nơi đây bây giờ có cả những giàn mướp hương quả treo lủng lẳng, các loại bí đỏ, bí xanh phủ kín mặt đất, xa xa là những cây chuối trổ buồng đang lớn nhanh như thổi… Đứng tại Trường Sa, chúng tôi thấy quê nhà như ở ngay trước mặt.

NHIỀU LÚC RAU ĂN KHÔNG HẾT

Các chiến sĩ tăng gia sản xuất mỗi ngày. Ảnh: Nữ Vương

Các chiến sĩ tăng gia sản xuất mỗi ngày. Ảnh: Nữ Vương

Cách đây 6 năm, lần đầu được đặt chân lên các điểm đảo ở Trường Sa, tôi đã ngỡ ngàng vì quân và dân trên đảo có thể khắc phục được điều kiện khắc nghiệt của thời tiết nơi đầu sóng ngọn gió, nơi cách đất liền hàng ngàn hải lý để tự trồng rau phục vụ nhu cầu ăn uống hằng ngày, dù chưa đáp ứng đủ. Sau 6 năm trở lại, Trường Sa phủ một màu xanh mơn mởn, ở nơi chỉ toàn nền đá san hô, giờ đây cây ăn trái, hoa màu các loại tươi tốt như nền đá liền, có lúc rau trồng được nhiều quá ăn không hết.

Ảnh: Nữ Vương

Ảnh: Nữ Vương

Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn tăng gia sản xuất của cán bộ, chiến sĩ tại đảo Sinh Tồn, anh Hoàng Viết Chiến, chính trị viên phó của đảo, hỏi vui: "Các bạn có thấy chiến sĩ ngoài này trắng không?". Tưởng anh chỉ đùa, nhưng rồi anh nói tiếp: "Cây trồng phủ xanh hết rồi có chỗ nào nắng nữa đâu mà không trắng (cười). Vì giờ cây được phủ xanh khắp đảo, nên đến cả lúc huấn luyện tại khu vực ngoài bờ kè thì cũng có bóng râm mát rượi, không còn nắng gắt như trước đây".

Ảnh: Nữ Vương

Ảnh: Nữ Vương

Theo chân anh Chiến đi một vòng quanh đảo, chúng tôi cứ có cảm giác như đang đi dạo trong công viên ở đất liền. Không chỉ cây xanh mơn mởn, mà khung cảnh đan xen các loại cây tạo bóng mát, cây ăn trái và các loại hoa, khiến nơi đây xanh tươi lạ lùng.

Đang làm cỏ tại vườn tăng gia sản xuất, Phan Tiến Mạnh, chiến sĩ tại đảo Sinh Tồn, cho biết mỗi ngày các chiến sĩ trên đảo sẽ thực hiện việc tăng gia sản xuất như một nhiệm vụ bắt buộc. Khoảng nửa tiếng một ngày, các chiến sĩ trẻ sẽ ra vườn để làm cỏ, tưới nước, bón phân…

Ảnh: Nữ Vương

Ảnh: Nữ Vương

"Ở đây trồng được rất nhiều loại rau, và nguồn rau rất dồi dào. Ra đây được trồng rau như thế này cảm giác như được ở nhà, nên tụi mình có thêm động lực và quyết tâm nhiều hơn", anh Mạnh chia sẻ.

Anh Chiến cho biết trồng rau ngoài đảo bị ảnh hưởng nhiều nhất là gió và hơi nước biển, nên khi trồng được các loại cây chắn sóng, chống gió ở bờ kè thì sẽ thuận lợi để trồng các cây hoa màu ở bên trong.

"Mình phải làm màn lưới bọc lại để chắn gió và hơi nước, bên cạnh đó, ở đây nếu đã mưa thì mưa sẽ rất to và kéo dài, nếu không che thì dù rau đã trồng tươi tốt đến mấy, sau cơn mưa cũng sẽ hỏng hết", anh Chiến kể và cho biết để hạn chế được việc hao hụt nước mỗi lần tưới, các chiến sĩ sẽ đổ bê tông ở dưới, sau đó mới đổ đất lên trên rồi trồng rau, trồng cây.

Ảnh: Nữ Vương

Ảnh: Nữ Vương

Tại đảo Đá Tây A, chúng tôi cũng phải "ồ" lên vì chứng kiến vườn rau quá xanh tốt, có nhiều loại rau còn tươi tốt hơn cả trồng ở đất liền. Anh Nguyễn Văn Bách, chính trị viên của đảo, kể: "Đang mùa khô nên rau không tươi tốt như mùa mưa, nhưng chúng tôi trồng rất nhiều loại rau luân canh gối vụ với nhau, đáp ứng đảm bảo đủ và có lúc là thừa rau xanh".

Ảnh: Nữ Vương

Ảnh: Nữ Vương

Thấy chúng tôi cứ trầm trồ, xuýt xoa vườn rau, anh Bách nói thêm: "Để chăm được như vậy cũng rất khó khăn, vườn ngoài này mà không có mái che thì gió, mưa sẽ rất dễ hư. Trước đây toàn bộ là san hô, mà san hô thì cây cối đâu thể nào sống được. Nên mình phải trộn đất kết hợp với phân bón, tự ủ rác thải nhà bếp làm phân cải tạo đất để trồng cây".

Với 3 khu vườn rau tại đảo, anh Bách cho biết đã giúp ích rất nhiều cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Không những thế, khi ngư dân gặp bão vào đảo tránh trú thì đảo cũng cung cấp nguồn rau xanh, thực phẩm cho ngư dân, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

VƯỜN ƯƠM PHỦ XANH TRƯỜNG SA

Tại TT.Trường Sa, chúng tôi vô cùng ấn tượng với các vườn ươm của Liên chi đoàn đảo Trường Sa.

Trường Sa bây giờ rất xanh. Ảnh: Nữ Vương

Trường Sa bây giờ rất xanh. Ảnh: Nữ Vương

Dẫn chúng tôi vào vườn ươm mà mỗi ngày mình chăm sóc, Dương Quốc Phú, đoàn viên Chi đoàn Đảo Bộ, cho biết ở đây các bạn ươm rất nhiều loại cây, trong đó có những cây như bàng vuông, cây tra, cây dương…

Vườn ươm cây giống để phủ xanh Trường Sa. Ảnh: Nữ Vương

Vườn ươm cây giống để phủ xanh Trường Sa. Ảnh: Nữ Vương

"Có những loại cây như dừa, dương vì thời tiết khắc nghiệt nên bị héo, úa nhưng khi được mang vào vườn ươm chăm sóc thì tươi tốt trở lại. Mình cảm thấy rất vui vì góp một phần giúp đảo xanh tốt hơn", Quốc Phú kể.

Trung tá Bùi Văn Ngải, chính trị viên phó, Bí thư Liên chi đoàn đảo Trường Sa, cho biết hiện nay trên đảo có khoảng 20.000 cây các loại. Hằng năm, Đoàn thanh niên tại đảo đều tổ chức các vườn ươm giống, và tính tới thời điểm hiện tại thì trên đảo có rất nhiều vườn ươm.

Ảnh: Nữ Vương

Ảnh: Nữ Vương

"Vườn ươm thanh niên là hoạt động của đoàn viên, thanh niên trên đảo. Có ý nghĩa hết sức quan trọng, như: tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; tạo bóng mát, cũng như là lá chắn, lá phổi để tạo không khí trong lành trên đảo", anh Ngải nói.

Theo anh Ngải, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt thì việc lựa chọn giống cây đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ, chu đáo và rất là công phu. Cũng như nguồn nước, đất, phân bón đều được chuẩn bị rất kỹ càng.

"Có như vậy thì cây mới phát triển tốt để tạo nên những vườn ươm xanh. Hằng năm, chúng tôi tổ chức ươm từ 8 - 12 đợt. Mỗi đợt ươm từ 300 - 500 cây, tạo sự đa dạng, phong phú các loại cây xanh trên đảo", anh Ngải cho biết.

Ảnh: Nữ Vương

Ảnh: Nữ Vương

Đánh giá về các vườn ươm phủ xanh Trường Sa, anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, Phó đoàn hành trình "Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc" năm 2023, cho biết phủ xanh Trường Sa mang nhiều ý nghĩa, trước hết là về môi trường.

"Môi trường trên biển đảo thì thời tiết rất khắc nghiệt, nếu chúng ta có được những mảng xanh, khắc phục được sự khắc nghiệt của thời tiết thì chúng ta sẽ có được địa bàn tốt hơn về môi trường, về cảnh quan. Nhưng sâu xa hơn nữa, khi chúng ta duy trì được đời sống bình thường của người dân, của cán bộ, chiến sĩ trên đảo bằng những sản phẩm là những nhành rau, con gà, con lợn… được nuôi sống, được phát triển từ đảo thì đó mới là sự bền vững trong việc duy trì ổn định và phát triển của đảo", anh Triết nhấn mạnh.

Đồng thời, anh Triết cũng nhìn nhận: "Đoàn viên, thanh niên trên đảo đã phấn đấu khắc phục khó khăn để có được các vườn rau, vườn ươm như thế này thì đây là tín hiệu rất đáng mừng. Khi chúng ta cố gắng để duy trì điều kiện sinh sống và phát triển được như đất liền thì đây sẽ là chủ quyền vững chắc của chúng ta".

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...