Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ: Làm chủ công nghệ mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm gần đây, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai) đã phát huy vai trò đầu mối, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Lê Minh Hải-Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH-CN), giai đoạn 2015-2020, Trung tâm đã tập trung triển khai các hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ đã được phê duyệt, chú trọng vào hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ, tham gia thực hiện các đề tài, dự án cấp tỉnh, cấp nhà nước. Theo đó, Trung tâm đã thực hiện 24 nhiệm vụ KH-CN các cấp có sử dụng ngân sách nhà nước với tổng kinh phí gần 8,2 tỷ đồng.
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN đã làm chủ được quy trình kỹ thuật nhân giống cấp 1 và sản xuất nuôi trồng đông trùng hạ thảo. Ảnh: G.H
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN đã làm chủ được quy trình kỹ thuật nhân giống cấp 1 và sản xuất nuôi trồng đông trùng hạ thảo. Ảnh: G.H
Với 14 chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực KH-CN tại các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học, Trung tâm đã làm chủ được các quy trình kỹ thuật sản xuất giống nấm ăn, nấm dược liệu như: quy trình kỹ thuật nhân giống cấp 1 và sản xuất nuôi trồng đông trùng hạ thảo, nấm linh chi đỏ, nấm vân chi, nấm hầu thủ và các loại nấm ăn khác. Đây là cơ sở để Trung tâm chuyển giao quy trình kỹ thuật và phát triển nghề trồng nấm để tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Trung tâm đã làm chủ quy trình sản xuất, nhân giống đối với cây hồ tiêu, các loại lan rừng bản địa quý hiếm như: lan kim tuyến, giả hạc, nghinh xuân... bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật để cung ứng cây giống cho thị trường.
Ông Hà Văn Trình (82 Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku) chia sẻ: “Năm 2019, gia đình tôi đầu tư nuôi trồng đông trùng hạ thảo. Để thành công, tôi đã liên kết với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN để được cung cấp giống cấp 1 và chuyển giao công nghệ nuôi trồng. Trung tâm đã cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sản phẩm. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, tôi đã lên kế hoạch tiếp tục đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất đông trùng hạ thảo”.
Đông trùng hạ thảo tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN cho chất lượng cao. Ảnh: G.H
Đông trùng hạ thảo tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN cho chất lượng cao. Ảnh: G.H
Bên cạnh đó, Trung tâm còn quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất thương mại hóa một số sản phẩm là kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án thông qua việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Đây là nơi giới thiệu, quảng bá các sản phẩm ứng dụng KH-CN của Trung tâm nói riêng, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận nói chung đến với người tiêu dùng.
Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở KH-CN-khẳng định: “Là mô hình tự chủ về kinh tế, phục vụ các hoạt động quản lý nhà nước về KH-CN, trước tiên, Trung tâm phải làm chủ các công nghệ tiên tiến, công nghệ lõi và nắm bắt xu thế phát triển của KH-CN trong khu vực và trên thế giới. Để làm được điều đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ nâng cao năng lực cho Trung tâm thông qua công tác tuyển dụng, đào tạo đội ngũ chuyên gia; tiếp cận và làm chủ quy trình công nghệ mà doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân có nhu cầu để tiếp nhận, chuyển giao phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tích cực phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học trong công tác đào tạo đội ngũ chuyên gia trình độ cao; đào tạo kỹ thuật viên, cộng tác viên có trình độ chuyên môn sâu để phục vụ công tác nghiên cứu, tiếp nhận, làm chủ công nghệ mới và giải mã công nghệ từ các viện, trường”.
GIA HÂN 

Có thể bạn quan tâm