Trung Quốc tung tiêu chuẩn 'chip nội tạng' giữa sức nóng đường đua công nghệ sinh học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trung Quốc hiện đặt mục tiêu dẫn đầu toàn cầu trong một lĩnh vực công nghệ sinh học triển vọng bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn quốc gia đầu tiên cho 'công nghệ nội tạng trên chip'.

Tiêu chuẩn mới của Trung Quốc về công nghệ liên quan nghiên cứu về da được công bố vào cuối tháng 10. Nghiên cứu này nêu rõ các yêu cầu kỹ thuật về hình thức, nguồn tế bào, hiệu suất thành phần và sinh học của chip da, đồng thời đề cập về thiết kế, sản xuất và thử nghiệm các thiết bị.

Những dòng chip này là một công cụ nghiên cứu mới nổi có thể thay thế thử nghiệm trên động vật và rút ngắn thời gian đưa thuốc từ ý tưởng đến thị trường, theo South China Morning Post.

Các con chip được thiết kế để mô phỏng phản ứng của các cơ quan trong cơ thể con người đối với một số loại thuốc
Các con chip được thiết kế để mô phỏng phản ứng của các cơ quan trong cơ thể con người đối với một số loại thuốc

Các con chip có kích thước bằng ổ đĩa USB, được thiết kế để mô phỏng chức năng của các cơ quan trong cơ thể người và dự đoán phản ứng của người đối với thuốc hoặc các kích thích bên ngoài khác nhau. Các con chip này giống như các mạch tích hợp.

Giám đốc Viện Thiết bị y sinh tại Tô Châu (Trung Quốc) Gu Zhongze cho hay các tiêu chuẩn này sẽ đặt nền tảng để Trung Quốc trở thành quốc gia đi đầu trong các tiêu chuẩn quốc tế về công nghệ. Gu cho biết, những con chip này có thể trở thành công cụ thử nghiệm và tiêu chuẩn "tiên tiến và mạnh mẽ nhất" để đánh giá liên quan đến da trong ống nghiệm.

Theo South China Morning Post dẫn lời ông Gu, chip da có thể thay thế một phần các phương pháp thử nghiệm hiện có, bao gồm nuôi cấy tế bào 2D đơn giản, thử nghiệm trên động vật và thậm chí là các thí nghiệm trên da nhân tạo.

Viện Thiết bị y sinh tại Tô Châu tuyên bố các tiêu chuẩn này sẽ giúp Trung Quốc vượt qua các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực thử nghiệm mỹ phẩm, đánh giá hóa chất và phát triển thuốc. Theo nghiên cứu, các tiêu chuẩn này cũng có thể giúp vượt qua các rào cản thương mại quốc tế và tăng năng suất xuất khẩu.

Viện Thiết bị y sinh tại Tô Châu cũng cho biết nhóm của ông Gu đã đạt được bước đột phá trong một số lĩnh vực, bao gồm phát triển mô hình chip nội tạng đầu tiên của Trung Quốc phục vụ các thí nghiệm khoa học tại trạm vũ trụ của nước này.

Thiết bị này là một dòng chip mạch máu có thể chịu được điều kiện vi trọng lực, rung động mạnh và thay đổi áp suất. Đây là những phát hiện quan trọng, đặt nền tảng cho các nghiên cứu về phương pháp bảo vệ sức khỏe cho phi hành gia khi phải làm việc lâu dài trong không gian vũ trụ.

Theo Viện Thiết bị y sinh tại Tô Châu (Trung Quốc), cột mốc này đánh dấu bước tiến quan trọng của Trung Quốc trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa nội tạng trên chip. Điều đó có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển các quy định cũng như chuẩn hóa nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghiệp trong lĩnh vực này.

"Việc ứng dụng thành công công nghệ các cơ quan của cơ thể người trên chip cho phép sàng lọc và đánh giá nhanh chóng một số lượng lớn đối tượng dùng thuốc, cung cấp giải pháp thử nghiệm y sinh mang tính đột phá và biến đổi cùng với các công cụ kỹ thuật hiệu quả, chính xác và đáng tin cậy hơn để phát triển thuốc mới", theo Viện Thiết bị y sinh tại Tô Châu.

Theo Viện Thiết bị y sinh tại Tô Châu, nhóm nghiên cứu của ông Gu cũng là nhóm đầu tiên trên thế giới đề xuất phương pháp tiên phong trong sàng lọc thuốc, tích hợp công nghệ nội tạng trên chip với trí tuệ nhân tạo (AI). Hồi tháng 9.2023, nhóm của ông Gu đã hợp tác với gã khổng lồ viễn thông Huawei (Trung Quốc) ra mắt mô hình dược phẩm chip nội tạng.

Theo Trí Đỗ (TNO)

Có thể bạn quan tâm

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) an toàn và vững bền, các hệ thống trí tuệ tăng cường kết hợp trí tuệ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo, Chính phủ sử dụng AI phục vụ tốt nhất cho công dân... là những vấn đề thời sự toàn cầu được các nhà khoa học quốc tế thảo luận tại hội thảo diễn ra sáng nay 11.1.