Trung Quốc không còn là chợ biên giới, nông sản Việt ôm quả đắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Liên tiếp những thay đổi trong chính sách kiếm soát nhập khẩu trong thời gian qua đã khiến nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam gặp khó ở thị trường Trung Quốc, vốn được đánh giá là dễ tính từ trước đến nay. Tại Hội nghị phát triển xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc do Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT phối hợp tổ chức chiều 13/9, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi suy nghĩ này để đáp ứng được yêu cầu của thị trường này.
Không còn là cái chợ biên giới
Cuối tháng 8/2019, Công văn số 5388 của UBND tỉnh Quảng Ninh gửi các địa phương, ngành chức năng về những thay đổi trong chính sách biên mậu của Trung Quốc cho thấy, đã đến lúc phải thay đổi tâm lý coi Trung Quốc là thị trường khó tính.
Những tác động này có thể thấy rất rõ trong diễn biến xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc từ đầu năm 2019 đến nay. Theo ông Bùi Văn Khắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, chưa bao giờ hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay do phía Trung Quốc thực hiện hàng loạt biện pháp kiểm soát hàng hóa từ Việt Nam như kiểm nghiệm, kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm...; phải có mã số doanh nghiệp; yêu cầu cách bảo quản, đóng gói hàng hóa và tăng cường quản lý kiểm tra, giám sát chặt chẽ đường biên giới nhằm ngăn chặng hàng hóa không đảm bảo các yêu cầu trên.
“Đã có thời điểm hàng hoá nông lâm thuỷ sản của ta bị ứ đọng cục bộ không xuất khẩu sang phía bạn do hàng hoá chưa đáp ứng được các yêu cầu nhập khẩu của phía Trung Quốc” – ông Khắng nêu một thực tế.
 
Nhiều nông dân miền Trung gặp khó khăn khi sản phẩm mực không thể xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: I.T
Cũng theo ông Khắng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều doanh nghiệp vẫn có tâm lý coi thị trường Trung Quốc là thị trường dễ tính, hàng hoá từ nội địa ra cửa khẩu biên giới là có thể xuất khẩu ngay được.
“Mặc dù tỉnh Quảng Ninh đã có thông báo của về việc áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và nguồn gốc hàng hóa nông sản nhập khẩu vào Trung Quốc nhưng các doanh nghiệp, hộ dân còn chủ quan, chưa thực hiện; chưa kịp thời cập nhật thông tin về hàng hóa của phía Trung Quốc, chưa kịp đáp ứng với yêu cầu của Trung Quốc nhưng vẫn đưa hàng ra cửa khẩu, dẫn tới thiếu thủ tục, không có bao gói, nhãn mác nên không thông quan được; chưa áp dụng quy trình nuôi trồng để đảm bảo các điều kiện chất lượng nên khi thông quan, phía Hải quan Trung Quốc kiểm dịch lại và trả lại hàng dẫn đến thiệt hại và nguy cơ doanh nghiệp được cấp mã có lô hàng thông quan đó sẽ bị đưa vào danh sách đen. Thậm chí, còn có hiện tượng giả mạo nơi cấp chứng thư với một số hàng hóa nhập khẩu” – ông Khắng nói.
Đồng tình với quan điểm này, bà Lê Hoàng Oanh – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), phải thay đổi suy nghĩ coi thị trường Trung Quốc là chợ biên giới, chỉ cần mang hàng lên biên giới bán những gì mình có rồi tìm người mua mà không quan tâm đến thị hiếu, nhu cầu của người mua. 
“Đã đến lúc phải thay đổi tư duy, giảm dần tiến tới xóa bỏ thương mại tiểu ngạch, tập trung xuất khẩu chính ngạch để giảm thiểu rủi ro pháp lý cũng như từng bước xây dựng thương hiệu; sản xuất phải theo quy hoạch, căn cứ, nhu cầu dung lượng của thị trường, mùa vụ” – bà Oanh nhấn mạnh.
Còn theo báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai, trong 1 năm trở lại đây, phía Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hơn về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa nông sản nhập khẩu từ Việt Nam. Nếu như trước đây các loại nông sản như: hạt tiêu, thảo quả,... được cư dân biên giới phía bạn nhập khẩu theo hình thức mua bán, trao đổi cư dân biên giới không cần chứng minh nguồn gốc xuất xứ thì hiện tại các mặt hàng này đã thực hiện truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói bao bì, hàng hóa phải được cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) từ phía Việt Nam.
Sản phẩm xuất khẩu chính ngạch vẫn tăng
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 7/2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 4,64 tỷ USD, giảm 7,9% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, nhiều mặt hàng trước đây có sự tăng trưởng đột biến đã sụt giảm một cách “đau đớn” như, rau quả đạt 1,6 tỷ USD giảm 8,1%; sắn và sản phẩm sắn đạt 466,3 triệu USD giảm 9,6% so cùng kỳ 2018, gạo đạt 159,4 triệu USD giảm 67,5% so với cùng kỳ năm 2018; cà phê đạt 52,7 triệu USD giảm 8,9%.
 
Xuất khẩu vải thiều năm 2019 vẫn tăng do tỉnh Bắc Giang làm tốt những yêu cầu của thị trường Trung Quốc. Ảnh: I.T
Tuy nhiên, theo TS.Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), trong bức tranh xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tương đối ảm đạm, vẫn có những điểm sáng. Theo đó, các loại quả xuất khẩu  chính ngạch sang thị trường Trung Quốc tăng một cách đáng kể, đạt hơn 2,2 triệu tấn, tăng 676.500 tấn so với 6 tháng đầu năm 2018. Đến nay, Trung Quốc đã cho phép 9 loại quả tươi được xuất khẩu chính ngạch gồm: thanh long, dứa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Phía Trung Quốc cũng đã cấp tổng số hơn 1.309 mã số vùng trồng trên 42 tỉnh thành và 1.435 mã số cơ sở đóng gói trên 32 tỉnh, thành cho 8 loại quả tươi.
“Xuất khẩu một số mặt hàng rau quả đã vượt, thậm chí tăng gấp 2 lần so với cả năm 2018 như vải đã xuất khẩu được 111.100 tấn (cả năm 2018 là 95.300 tấn), chuối đã xuất khẩu được 257.240 tấn (năm 2018 là 128.500 tấn), dưa hấu đã xuất khẩu được 311.789 tấn (năm 2018 là 306.273 tấn), xuất khẩu thanh long 6 tháng đầu năm 2019 cũng tăng hơn so với cùng kỳ năm 2018 đạt gần 1 triệu tấn (tăng 345.000 tấn). Con số này cho thấy, nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thị trường Trung Quốc, nông sản của Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu” – ông Hòa nói.
Theo ông Bùi Văn Khắng, việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát, chất lượng và nguồn gốc hàng hóa thủy sản, nông sản, hoa quả, trái cây nhập khẩu cho thấy Việt Nam chưa có sự chuẩn bị kỹ cho việc xuất khẩu các mặt hàng này. Vì vậy, cả nông dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần phải chuyển đổi để bắt kịp thị trường, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm và có giải pháp quy hoạch vùng nuôi trồng, đầu tư công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản.
Đồng quan điểm này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), để chiếm lĩnh thị trường này, cần quy hoạch và định hướng lại sản xuất để tạo ra chuỗi giá trị thông suốt, ngành chức năng và các địa phương cần hướng dẫn đầy đủ các quy định, tiêu chuẩn mới của thị trường Trung Quốc; đồng thời đẩy mạnh đàm phán, mở rộng thị trường, định hướng đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.
“Phải nhìn nhận, những thay đổi của thị trường Trung Quốc là xu thế tất yếu để hướng đến sự kiểm soát đồng bộ về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Dù sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng tôi tin đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt chuyển mình, tự đổi mới để thích ứng với những đòi hỏi mới của thị trường” – ông Hải khẳng định.
Anh Thơ (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Chỉ hơn 1,7 tỷ đồng, bạn có thể sở hữu mẫu xe thuần điện đầu tiên của Volvo tại Việt Nam

Chỉ hơn 1,7 tỷ đồng, bạn có thể sở hữu mẫu xe thuần điện đầu tiên của Volvo tại Việt Nam

(GLO)- Hãng xe an toàn nhất thế giới vừa cho ra mắt chiếc xe thuần điện Volvo EC40, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của hãng. Với thiết kế hiện đại, công nghệ tiên tiến, và hiệu suất vượt trội, EC40 là đối thủ đáng gờm trong phân khúc xe điện hạng sang.

Aprilia RS 660: “Tinh hoa” trong làng sportbike tầm trung, giá khởi điểm từ 485 triệu đồng

Aprilia RS 660: “Tinh hoa” trong làng sportbike tầm trung, giá khởi điểm từ 485 triệu đồng

(GLO)- Sở hữu khối động cơ 659cc mạnh mẽ cùng những công nghệ tiên tiến, Aprilia RS 660 không chỉ mang đến trải nghiệm lái phấn khích mà còn thể hiện sự vượt trội về hiệu suất trong tầm giá. Hiện chiếc xe này đang được bán với giá khởi điểm từ 485 triệu đồng.

CBR1000RR-R Fireblade: Siêu phẩm thể thao với sức mạnh vô song có giá bán trên 950,5 triệu đồng

CBR1000RR-R Fireblade: Siêu phẩm thể thao với sức mạnh vô song có giá bán trên 950,5 triệu đồng

(GLO)- Chiếc xe mơ ước của các tín đồ đam mê tốc độ với những cải tiến đột phá, nâng tầm hiệu suất vượt trội của hãng Honda. Từ thiết kế mạnh mẽ, Fireblade không chỉ là một chiếc xe, mà còn là biểu tượng của sự tinh tế trong ngành công nghiệp mô tô thể thao.

Kawasaki Ninja ZX-10R: Siêu phẩm tốc độ chinh phục mọi đường đua có giá niêm yết 729 triệu đồng

Kawasaki Ninja ZX-10R: Siêu phẩm tốc độ chinh phục mọi đường đua có giá niêm yết 729 triệu đồng

(GLO)- Kawasaki Ninja ZX-10R là mẫu sportbike đỉnh cao, được trang bị công nghệ hiện đại và sức mạnh vượt trội từ đường đua MotoGP. Với thiết kế khí động học cùng hiệu suất đáng kinh ngạc, đây là lựa chọn hàng đầu dành cho những tín đồ đam mê tốc độ và trải nghiệm đua xe chuyên nghiệp.