Trống vọng nghìn năm mong ra thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chỉ cơ sở khang trang với máy móc đầu tư hiện đại, anh Phạm Chí Cường, chủ cơ sở sản xuất trống Phạm Chí Khanh (thôn Đọi Tam, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) bộc bạch: “Cơ sở sản xuất của mình được hình thành và phát triển từ năm 2010, từ trước thời bố mình làm xong để lại thì năm 2010 mình kế nghiệp mình phát triển rộng lên. Mình đầu tư máy móc hiện đại khoảng 500 triệu đồng. Cái đầu tư này rất chi là hiệu quả”.
Ông Phạm Chí Trong, Lê Kim Công trao đổi các kỹ thuật về công đoạn làm trống.

Ông Phạm Chí Trong, Lê Kim Công trao đổi các kỹ thuật về công đoạn làm trống.

Đọi Tam không chỉ có trống

Không chỉ cơ sở của anh Cường, làng Đọi Tam giờ hầu hết đã sản xuất trống theo mô hình hiện đại hơn trước rất nhiều. “Ngày xưa chưa đầu tư máy móc hiện đại thì các sản phẩm trống to làm ra rất hạn chế. Nhưng từ khi mình đầu tư thêm máy móc, đặc biệt là máy uốn gỗ thì tiết kiệm được nguyên liệu đầu vào, mình làm được các loại trống to kích cỡ khác nhau”, anh Cường nói. Anh lý giải cho việc mạnh tay đầu tư hơn nửa tỷ đồng nâng cấp máy móc của mình, là để theo kịp thị trường: “Bây giờ nhu cầu người tiêu dùng rất cao, thị hiếu mẫu mã, kích thước khác nhau nên mình phải tư duy theo để phục vụ nhu cầu của khách hàng”. Trước khi nâng cấp máy móc, mỗi tháng cơ sở anh chỉ làm được 300-500 quả trống, bây giờ trung bình một tháng anh xuất xưởng 700-1.000 quả.

Nghệ nhân Phạm Chí Trọng, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề trống Đọi Tam, cũng nói Đọi Tam giờ khác xưa lắm rồi: “Trước kia cha ông chúng tôi và ngay cả thời bản thân chúng tôi cũng vẫn phải dùng cưa xẻ bằng tay nhưng bây giờ lớp trẻ đưa vào xẻ bằng máy, ghép bằng máy, nó sẽ giảm về công, chi phí, lại tiết kiệm được nguyên liệu và sản phẩm cho ra đẹp hơn và tất nhiên rẻ hơn rồi”.

Đến Đọi Tam, thấy rõ không khí tất bật của một làng nghề “nhiều việc”. Đã từng có thời gian, Đọi Tam rơi vào cảnh vắng lặng tiếng trống. Thanh niên trai tráng chán nản bỏ nghề, tưởng như cái nghề cả bao nhiêu đời lụi tàn, bởi càng hiện đại, người ta có vẻ càng ít cần tiếng trống da trâu. Các công đoạn làm trống thủ công phức tạp nhưng trống làm xong không biết bán đi đâu. Nhưng thực tế cho thấy, cái gì truyền thống vẫn có sức sống bền bỉ của nó. Năm 2007, trống Đọi Tam được công nhận là một trong những làng nghề tiêu biểu trong hơn 200 làng nghề của Việt Nam. Năm 2013, Hiệp hội sản xuất kinh doanh trống Đọi Tam được thành lập. Đọi Tam dần hồi sinh.

Mà đi theo cái đà công nghiệp hóa, làng trống Đọi Tam bây giờ đã đa dạng hóa ngành nghề hơn. Đọi Tam vẫn nổi tiếng với những chiếc trống sấm lớn nhất Việt Nam, vẫn vang rền trong mỗi kỳ lễ hội, nhưng Đọi Tam cũng sôi động bởi nhiều sản phẩm, theo dòng chảy thị trường như thùng rượu, bom rượu gỗ sồi, thuyền buồm, chiêng lệnh, bồn tắm, chậu ngâm chân… Ông Lê Kim Công, chủ cơ sở sản xuất Công Dũng ở thôn 5, sau 20 năm sản xuất trống, cũng đã trên đà mở rộng sản phẩm: “Do yêu cầu thị trường, bây giờ thi thoảng có khách đặt trống thì tôi vẫn làm vì đây là đất làng nghề làm trống. Nhưng cơ bản dòng thùng rượu và bồn tắm thì trước mắt là tôi đáp ứng nhu cầu phát triển ở trong nước và cũng đang tìm đến đối tác của nước ngoài”.

Để trống Đọi Tam vươn xa

Trống Đọi Tam đã vang lên trên nhiều nước trên thế giới, nhưng để đưa sản phẩm làng nghề cạnh tranh với thị trường quốc tế vẫn còn là một chặng đường nhiều thử thách.

Việc các nhà xưởng mạnh tay đầu tư kỹ thuật, máy móc, nâng cao năng suất đã cho thấy tinh thần quyết tâm mở rộng Đọi Tam. Nhưng thực tế, những sản phẩm mở rộng lại có cơ hội ra nước ngoài xuất khẩu nhiều hơn sản phẩm truyền thống là trống. Ở cơ sở Công Dũng, hiện tại thùng rượu và bồn tắm gỗ đã được xuất khẩu sang Nhật và sắp tới là sang châu Âu. Riêng với trống, để mở rộng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn. Anh Phạm Chí Cường cũng thừa nhận sản phẩm trống chủ yếu cung cấp thị trường trong nước, “Xuất khẩu thì có ai đặt hàng mình làm hoặc đơn hàng qua bên thứ ba thôi”.

“Cái khó khăn trước mắt đầu tiên là góc độ tiếp cận với đối tác nước ngoài. Cái khó khăn thứ hai là về tiêu chuẩn kỹ thuật, hiện tại đa số tất cả các lò xưởng chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của đối tác nước ngoài. Tất cả mọi thứ đang dần trong quá trình hoàn thiện, để đáp ứng được đối tác thì cần rất nhiều yếu tố”, ông Công bày tỏ.

Ông Phạm Chí Trọng cũng trăn trở: “Mình nói thật là cái sản phẩm của làng nghề này là tiếng trống phổ thông, là sản phẩm của châu Á. Các nước thì trống họ cũng có, như Nhật Bản, Hàn Quốc. Đấy nên mình cũng gặp khó khăn khi ra quốc tế về tính chất sản phẩm”. “Nhưng trong giai đoạn này, nhờ có những công nghệ thông tin, nhiều sự nhanh nhạy của các cháu cũng cho ra một số sản phẩm như bom rượu gỗ sồi, chậu ngâm chân và một ít cái trống nhỏ này nữa, cái đó tiêu thụ được. Khó khăn bây giờ là sự quảng bá, giới thiệu sản phẩm”, ông Trọng bổ sung.

Ông Trọng cũng thừa nhận bản thân ông, với tư cách đứng đầu hiệp hội cũng chưa có giải pháp nào khắc phục được vấn đề đó: “Thứ nhất, trình độ của chúng tôi cũng có giới hạn, cứ nói là xuất khẩu đi thì chúng tôi gần như chưa có sự hỗ trợ gì cả. Đây là cái bế tắc của chúng tôi. Bây giờ phải có người dẫn đường, phải có người chỉ đạo làm như nào”.

Ông Nguyễn Quốc Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Tiên Sơn cũng công nhận việc quảng bá và xây dựng thương hiệu Đọi Tam vẫn luôn là điều đau đầu của làng: “Vừa rồi chúng tôi cũng làm hồ sơ cho năm sản phẩm để quảng bá hình ảnh và được công nhận nhãn mác theo chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Như chúng tôi hôm vừa rồi mới ra mắt một hợp tác xã sản xuất rượu whisky Tiên Sơn, cái này cũng là một ngành mới. Hai nữa là sản phẩm về thùng rượu bằng gỗ sồi, sản phẩm về bồn ngâm chân, bồn tắm xông hơi, những sản phẩm này chúng tôi đang đề nghị với tỉnh để được cấp giấy chứng nhận. Cái này cũng quảng bá được hình ảnh, một làng ngoài việc làm nghề trống ra thì họ cũng rất là uyển chuyển, nhạy bén, họ phát triển những nghề mang tính thực tế và hiện nay nhu cầu của xã hội đang quan tâm” .

Bà Phạm Thị Huyền, Bí thư Chi bộ thôn Đọi Tam cho rằng, “Cái phát triển hội nhập quốc tế thì có khó khăn là cái sản phẩm của làng nghề đưa đi nó cũng hơi cồng kềnh nên nó cũng khó về cái di chuyển sản phẩm”.

Nhưng Đọi Tam, bù lại, vẫn đang được giữ lửa từ các thế hệ một cách chặt chẽ. Một điều khiến Đọi Tam không gặp phải cảnh không có người kế cận như nhiều làng nghề khác, là vẫn luôn có các lớp thợ Đọi Tam tiếp nối nhau. Nói như ông Phạm Chí Trọng, đó là lúc nào ở đây, người Đọi Tam cũng phải giữ lửa, gìn giữ tinh hoa của trống, tận dụng mọi sự giao lưu văn hóa, tìm tòi để tiếng trống không mất đi. Ở Đọi Tam ngày xưa, 10 tuổi trai làng đã bắt đầu học cách làm trống, 14-15 tuổi đã có thể thành thợ trống. Còn bây giờ, trẻ em Đọi Tam được tìm hiểu, hướng nghiệp từ khi còn trên ghế nhà trường. Cô giáo Phạm Thị Oanh, Trường THCS Tiên Sơn A, nói rằng mỗi năm trường đều tổ chức cho học sinh tham quan tìm hiểu làng nghề, từ đó giới thiệu hướng nghiệp. “Tới làng nghề thì thấy tất cả các xưởng sản xuất kinh doanh rất tốt, nhà thì cao tầng rất là đẹp, trang trí nội thất rất là đẹp. Thế thì chứng tỏ làng nghề mang lại giá trị thật”, cô Oanh lý giải cho việc lớp trẻ không ngại theo nghề truyền thống Đọi Tam.

Cả truyền thống, cả hiện đại, những điều đó đã tạo nên không khí làng nghề Đọi Tam sôi động mà ít nơi còn duy trì được trong cơn lốc của sự phát triển. “Hiện nay thì chúng tôi cũng rất tin tưởng, tự hào về lớp trẻ, những lớp thợ giỏi các cháu luôn luôn sáng tạo và biết đưa công nghệ khoa học 4G, 5G, công nghệ thông tin vào làm nghề. Hiện nay cũng dám nói rằng chúng tôi rất tự hào, một cái làng nghề này có tới hàng chục chuyến xe ô-tô hằng ngày chở hàng của làng Đọi Tam đi giao tới các nơi”, ông Phạm Chí Trọng bày tỏ. Làng Đọi Tam mỗi năm có thể đạt doanh thu lên tới hơn 200 tỷ đồng, với hơn 30 cơ sở sản xuất duy trì hoạt động đều đặn, bền vững, mang lại thu nhập ổn định cho hơn 500 lao động ở địa phương, trên dưới 500 thợ trống lành nghề, đủ để chứng minh sức sống của tiếng trống sấm nghìn năm.

Làng nghề trống Đọi Tam là làng nghề truyền thống tiểu thủ công nghiệp đã được UBND tỉnh Hà Nam cấp bằng công nhận vào năm 2004. Tháng 11/2007, làng trống Đọi Tam đã được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao tặng Bằng khen “Làng nghề tiêu biểu Việt Nam”, và đến ngày 20/12/2019, di sản văn hóa phi vật thể nghề làm trống Đọi Tam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4608.

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.