Trong thế giới nữ cascadeur-Kỳ 4: Người đẹp thế thân tông xe, nhảy lầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Như một mối duyên, Thủy luôn nhận những ca khó như té xe, té cầu thang, nhảy lầu, bay xe... - toàn những pha nguy hiểm.
 
Cascadeur Thanh Thủy trong cảnh quay rơi từ trên cao - Ảnh: NVCC
Sự nghiệp nữ cascadeur Ashley Nguyễn (Thanh Thủy) bị gián đoạn, tưởng phải bỏ nghề khi cô quyết định lấy chồng, sinh con. Và đó cũng là lý do khiến số nữ cascadeur hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Chuyên trị... hiểm nguy
Bảy năm trước, Thủy đến nghề cascadeur với suy nghĩ sẽ tìm được hướng đi tốt hơn cho nghề diễn viên mình đang theo đuổi. Cô kể: "Tôi luyện tập để mình đặc biệt hơn, có thể nhận các vai diễn đa dạng. Bên cạnh đó, tôi cũng thấy mảng diễn viên hành động, cascadeur nữ ở thời điểm đó còn ít nên muốn tìm cơ hội ở khoảng trống đó".
Lần đầu tiên, Thủy thực hiện cảnh cascadeur là một pha tông xe. "Người diễn chung với tôi lần đấy là anh cascadeur Tuấn Anh (giờ là đạo diễn hành động Tuấn Anh - NV). Trong cảnh đó, anh ấy chở tôi trên xe máy và bị xe tải tông nát chiếc xe máy. Sau màn chào sân đầu tiên này, tôi được chú Thịnh (đạo diễn Quốc Thịnh) nhận định: "Rồi, theo nghề được rồi". Nghe vậy, tôi cũng tự tin, có cảm giác mình đã được chọn vào nghề". 
Tôi từ cầu Mống nhảy xuống sông, lập tức bị chìm nghỉm bởi váy áo thấm nước quá nặng. Càng quạt tay lại càng chìm nhanh. Tôi tưởng mình chết chìm, may quá đạo diễn hô cắt và nam cascadeur xuất hiện nắm đầu tôi lôi lên
Thanh Thủy
Theo Thủy, với những cảnh tông xe, điều khiến các nữ cascadeur hay lo lắng chính là khả năng của bạn diễn. "Những cảnh này, nữ cascadeur không phải là người cầm lái mà chỉ là người ngồi sau. Nếu bạn diễn đó là người mình từng hợp tác, hoặc đã được tập dượt cùng thì có phần an tâm. Nhưng dù sao mình cũng không chắc chắn được điều gì khi ngồi sau tay lái người khác", Thủy chia sẻ.
Mới đây, Thủy thực hiện pha thế thân trong một clip quảng cáo với cảnh quay bay xe (xe Jeep mui trần) trên đồi cát Phan Thiết cùng một người bạn diễn nam. Tất cả những pha bay xe trên các con dốc cát cao thẳng đứng, bạn diễn của Thủy thực hiện rất trơn tru, dù cảnh đó cả hai phải thực hiện rất nhiều lần. Tuy nhiên, lúc thực hiện cảnh bay xe qua một mô đất khá nhỏ thì xe bị lật ngược.
Rất may, Thủy kịp xử lý để bản thân chỉ bị trầy xước nhẹ, chảy chút máu trên trán. "Sau đó, tôi mới biết rõ bạn diễn của mình không phải là một cascadeur chuyên nghiệp mà là người chuyên lái xe trên đồi cát. Vì vậy, anh không có kinh nghiệm bay xe trên đường đất, dù đó chỉ là bay xe trên ụ đất rất nhỏ nên tai nạn đã xảy ra", Thủy nhớ lại.
Ở thời điểm xe bay trên không rồi bị lật ngược thành ra tai nạn, Thủy bảo cô đã bình tĩnh. Cô cố gắng vận dụng tất cả những gì học được để có thể giữ an toàn nhất có thể cho mình, như gắng mở mắt quan sát được càng nhiều càng tốt, co mình lại tối đa... Để rồi khi xe tiếp đất, mọi người hoảng hốt túa ra, vây quanh xe thì cô nhẹ nhàng gỡ dây an toàn bò ra khỏi chiếc xe, đứng dậy và nói với mọi người: "Em không sao".
Nhưng bây giờ xem lại video về tai nạn đó, Thủy thú nhận cô cảm thấy sợ. "Tuy sợ mà thấy vui vì mình cũng làm được, đã xử lý tốt để bản thân được an toàn. Và cảnh quay được hoàn tất. Nếu phải thực hiện lại cảnh quay đó thì tôi vẫn sẽ làm. Vì nỗi sợ là tất yếu rồi, nhưng niềm vui khi mình vượt qua nó cũng rất lớn", nữ cascadeur chia sẻ.
 
Thanh Thủy trong cảnh bay xe trên đồi cát - Ảnh: NVCC
Làm mẹ vẫn khát khao nghề
Vào nghề mới được hai năm, Thủy kết hôn và sinh con trai. Công việc nữ cascadeur vì thế gặp trở ngại lớn, đến mức cô phải bỏ nghề suốt bốn năm sau đó. Cô trải bày: "Nghề này đòi hỏi chúng tôi phải lên sân tập mỗi ngày. Mình bận bịu con cái, trong khi vợ chồng tôi lại không có ông bà bên nội hay ngoại giúp mình trông con thì với trách nhiệm của người vợ, người mẹ, lựa chọn tốt nhất của tôi lúc đó chính là bỏ nghề".
Những năm nghỉ diễn, Thủy nói cô rất buồn, nhớ nghề. "Với bất cứ ai khi phải nghỉ công việc của mình thì cũng đã rất buồn rồi, huống hồ tôi là một diễn viên với công việc gắn liền nhiều cảm xúc như thế! Trong những năm đó, tôi không dám đi coi kịch, coi phim. Vì mỗi khi ngồi xem bạn diễn, mình chỉ muốn gào lên, muốn nhảy lên sân khấu. Rồi mỗi lần đi xem phim trong rạp cũng vậy, tôi lại bị thôi thúc, khao khát, cảm thấy không thể chịu nổi...", Thủy nhớ lại những cảm xúc trong bốn năm rời xa sân tập, rời trường quay.
Cho tới năm 2018 khi con trai lên 4 tuổi, đi học, Thủy quyết định quay trở lại công việc cascadeur. Bước đầu, Thủy gặp rất nhiều khó khăn. Cô thẳng thắn bày tỏ: "Trong suốt thời gian nghỉ sinh con, chăm con, tôi đã suy nghĩ chắc mình sẽ bỏ nghề nên nhiều lần từ chối các cơ hội công việc. Cho nên tới thời điểm này quay lại thì mọi đầu mối công việc đều đã không còn như trước. Mà phim ảnh giờ cũng khác nhiều nên tôi cũng đang khá loay hoay".
Với sự động viên của thầy Quốc Thịnh và các bạn đồng môn, Thủy đã quay trở lại sàn tập. Nhưng gần đây, một vết thương cũ ở cổ chân trái bất ngờ tái phát khi cô tập luyện với cường độ mạnh. Đi chụp MRI, bác sĩ ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình kết luận cô bị đứt dây sên mác cổ chân trái cùng lời cảnh báo "tốt nhất là nên bỏ nghề!". 
"Nghe bác sĩ báo vậy, tôi sốc và khóc mấy ngày vì buồn khi nghĩ đến cảnh mình không còn theo được nghề này nữa", Thủy chia sẻ.
Nhưng rồi cũng lại là các anh em trong nhóm cascadeur Quốc Thịnh đã động viên Thủy. "Mọi người an ủi tôi, nói không sao đâu. Nghề cascadeur này ai mà không có chấn thương. Vấn đề là mình phải biết cách tập, biết nương để tránh động chạm mạnh vào những chỗ đau. Nghe vậy tôi cũng cố gắng thu xếp thời gian trở lại sân tập để tiếp tục tìm kiếm cơ hội, dù biết mình cũng đang phải đối diện nguy cơ bị đào thải...".

Theo Thủy, trong những cảnh hành động rất cần thiết sự có mặt của đạo diễn hành động để giúp êkip, diễn viên thực hiện cảnh quay được nhanh, gọn, đỡ tốn sức. Bởi với đạo diễn bình thường, họ không tính toán hết được những nguy hiểm, không có kinh nghiệm lấy hình đẹp cho những pha hành động khiến diễn viên phải quay đi quay lại nhiều lần. Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến tâm lý, sức khỏe của diễn viên. Và khi tâm lý, sức khỏe không tốt thì mức độ nguy hiểm càng lớn.

Kỳ tới: Kiều nữ... nhảy sông
Mễ Thuần (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.