Những bức ảnh gia đình “kể chuyện” 50 năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mỗi khoảnh khắc được lưu lại trên bức ảnh cá nhân hoặc gia đình luôn ẩn chứa câu chuyện nào đó. Ngoài kỷ niệm riêng tư, nhiều bức ảnh còn mang cả tính tư liệu khi hàm chứa một phần lịch sử.

Chúng tôi nhận ra điều đó khi lần giở các tấm ảnh đen trắng trong những cuốn album của một số gia đình có trên dưới nửa thế kỷ gắn bó với Gia Lai.

1. Một trong những bức ảnh cũ được họa sĩ Đinh Việt Thanh (hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) cất giữ cẩn thận trong album gia đình là bức ảnh chụp năm 1985, khi đó anh mới 2 tuổi và được mẹ bế trên tay. Bên cạnh hai mẹ con là chiếc xe hoa diễu hành được trang trí đẹp mắt với chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đang tươi cười vẫy tay chào, phía dưới chạy hàng chữ số: 17-3 (1975-1985).

buc-anh-chup-ba-nguyen-thi-hang-va-con-trai-nhan-ky-niem-10-nam-ngay-giai-phong-tinh-gia-lai-anh-nvcc.jpg
Bức ảnh chụp bà Nguyễn Thị Hằng và con trai nhân kỷ niệm 10 năm Ngày giải phóng tỉnh Gia Lai. Ảnh: NVCC

Trò chuyện về bức ảnh này, bà Nguyễn Thị Hằng-mẹ họa sĩ Đinh Việt Thanh (05 Cô Bắc, TP. Pleiku) hồi tưởng: Sau ngày giải phóng, bà và chồng là ông Đinh Viết Tùng cùng công tác tại Công ty Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh Gia Lai-Kon Tum (sau đổi tên thành Công ty Điện ảnh tỉnh Gia Lai-Kon Tum). Trụ sở Công ty nằm ở góc đường Quang Trung-Nguyễn Văn Trỗi, hiện là trụ sở Vietcombank Gia Lai. Khi đó, ông Tùng là họa sĩ kiêm nhân viên phát hành phim, còn bà Hằng kiêm nhiều việc như phụ trách quầy giải khát, thủ quỹ… Chiếc xe hoa trong ảnh là do chính tay ông Tùng trang trí, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng do ông vẽ. Công ty bấy giờ có trang bị chiếc máy ảnh nên nhân đó ông chụp cho vợ và con trai đầu lòng 1 bức bên chiếc xe hoa chào mừng kỷ niệm 10 năm Ngày giải phóng tỉnh. Ở cái thời mà muốn có bức ảnh gia đình thì hầu như ai cũng phải ra tiệm chụp ảnh dịch vụ, việc tự chụp như ông bà là rất hiếm. Nhất là khi đó, đất nước “vẫn đang thời bao cấp, khó khăn thiếu thốn lắm chứ không đầy đủ, hiện đại như bây giờ”-bà Hằng nói.

Từ bức ảnh gia đình, ông Tùng cũng không thể không nhắc nhớ những kỷ niệm gắn với nghề khi giới thiệu thêm những bức chụp ông và các đồng nghiệp tại Liên hoan phim khu vực miền núi, tổ chức tại Đăk Tô năm 1988; đội chiếu bóng các tỉnh chụp ảnh lưu niệm tại thắng cảnh Biển Hồ (cùng năm)… Ông Tùng cho hay: Điều kiện công tác thời đó tuy rất nhiều khó khăn nhưng nhân viên Công ty không quản ngại để mang đến cho người dân những “món ăn tinh thần” hấp dẫn.

11-1374.jpg
Họa sĩ Đinh Việt Thanh và mẹ cùng bức ảnh chụp cách đây tròn 40 năm. Ảnh: P.D

Chia sẻ cảm xúc về bức ảnh, họa sĩ Đinh Việt Thanh nhớ lại: Do cả ba và mẹ cùng công tác tại Công ty Điện ảnh nên thời thơ ấu của anh gắn với nơi này cùng những trò chơi như chạy nhảy, đá bóng, bắt cào cào… Có lần, anh và đám trẻ còn được Anh hùng Núp hỏi han, trò chuyện khi ông ghé thăm Công ty. Anh Thanh trò chuyện: “Bây giờ, ngang qua nơi cũ, tôi thấy mừng trước sự phát triển của thành phố nhưng cũng không tránh khỏi cảm giác tiếc nuối. Tuổi thơ vẫn đâu đó trong ký ức mình”.

2. Dày lên theo số tuổi 85 của Đại võ sư Lê Ngọc Có (84 Lê Lợi, TP. Pleiku) là những cuốn album gia đình được lưu giữ hàng chục năm qua, trong đó có những bức ảnh cá nhân nhưng lại “kể” nhiều câu chuyện thú vị về phong trào võ thuật Gia Lai.

22-1124.jpg
Đại võ sư Lê Ngọc Có bên những bức ảnh quý của cá nhân và gia đình. Ảnh: P.D

Thấy chúng tôi hứng thú trước bức ảnh đen trắng chụp cảnh ông làm trọng tài cho một giải đấu boxing nữ, Đại võ sư Lê Ngọc Có cho biết: Phong trào boxing nữ từng phát triển song song với boxing nam sau ngày giải phóng tỉnh, chứng tỏ phụ nữ thời ấy cũng rất mạnh mẽ và năng động. Được sự động viên của ông, nhiều cô gái trẻ đã mạnh dạn đăng ký tham gia tập luyện tại võ đường Lê Ngọc Có, qua các giải đấu nổi lên những cái tên như: Nguyễn Ngọc Bích, Lê Thị Hồng Nga… Đáng tiếc là về sau, boxing nữ tại Gia Lai dần thoái trào, không còn khí thế tập luyện, thi đấu sôi nổi như trước.

vo-su-le-ngoc-co-vinh-du-duoc-den-tham-lang-bac-nam-1986-anh-nvcc.jpg
Võ sư Lê Ngọc Có vinh dự được đến thăm Lăng Bác năm 1986. Ảnh: NVCC

Một bức ảnh khác chụp cảnh Đại võ sư Lê Ngọc Có vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, phía sau có dòng ghi chú: “Hà Nội ngày 11-5-1986”. Nguyên Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Gia Lai cho biết: Lần đó, ông là đại diện duy nhất của tỉnh tham gia giải võ thuật cổ truyền lần đầu tiên tổ chức ở thủ đô sau ngày thống nhất đất nước.

Đây cũng là lần đầu tiên ông được đến thăm Lăng Bác trong niềm thành kính, xúc động. Vinh dự này không phải ai cũng có được giữa thời kỳ đời sống người dân cả nước vẫn còn khó khăn, việc được ra thủ đô viếng Bác là một mơ ước. Cứ thế mà những câu chuyện của một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho phong trào võ thuật tỉnh nhà kể từ ngày giải phóng ngày một dài thêm, đầy cuốn hút.

3. “Thời đó, nhờ may mắn quen biết Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phong nên tôi mới “ké” được những bức hình trong những cuộc như thế này”-Tiến sĩ Sử học Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh mỉm cười chia sẻ về những bức ảnh nhuốm màu thời gian hiện vẫn được bà lưu giữ cẩn thận.

Một trong những bức ảnh quý đối với nữ Tiến sĩ là bức chụp cùng Anh hùng Núp tại triển lãm các thành tựu kinh tế-xã hội của tỉnh năm 1986. Trong ảnh, bà và em trai (năm đó học lớp 5 hoặc lớp 6) đứng ở góc phải ngôi nhà sàn ở Trung tâm Triển lãm tỉnh (cũ), Anh hùng Núp nở nụ cười bình dị, hồn hậu giữa khung hình, xung quanh là các văn nghệ sĩ, cán bộ Ty Văn hóa Gia Lai-Kon Tum. “Khi có tiếng hô: “Chụp hình chung với bác Núp!” là ai nấy ùa vào, chen nhau để được chụp ảnh khiến tôi có cảm giác như sàn nhà muốn sập xuống”-Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân hóm hỉnh kể.

3.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân và em trai (hàng trước, từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng Anh hùng Núp. Ảnh: Trần Phong

Cũng trong năm 1986, nữ cán bộ trẻ của Ty Văn hóa lần đầu tiên được tham gia liên hoan cồng chiêng của tỉnh với những ấn tượng sâu đậm. Bức ảnh chụp tại sự kiện này bà vẫn còn lưu giữ, trong ảnh có bà, em trai và 2 người bạn chụp tại cây nêu. Theo hồi tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, vượt qua những khó khăn chung của đất nước sau ngày giải phóng, tỉnh ta rất quan tâm đến phát triển văn hóa thông tin, xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc cũng như tiến hành các nghiên cứu về văn hóa.

“Học chuyên ngành Sử nên trước đó tôi không quan tâm nhiều đến văn hóa. Nhưng khi về Ty Văn hóa công tác, bắt đầu làm các triển lãm, tham gia sưu tầm hiện vật, tham gia liên hoan cồng chiêng, tôi bắt đầu yêu thích”-Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân kể. Từ những ấn tượng ấy, một cánh cửa khác đã mở ra. Để rồi, bà đã có những công trình nghiên cứu quan trọng về lịch sử-văn hóa Bắc Tây Nguyên, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh nhà từ đó đến nay, kể cả khi đã nghỉ hưu.

Có thể bạn quan tâm

Những người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

E-magazineNhững người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

(GLO)- Đồng hành cùng sự sáng tạo, đổi mới của người trẻ, các tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ là điểm tựa vững chắc mà còn trở thành bệ phóng, giúp họ tự tin bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc sâu rộng trong cộng đồng.

Kỳ tích cao su vươn mình trên xứ sở Angko - Kampong Thom: Kỳ cuối-Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

Cao su vươn mình trên xứ sở Angkor - Kampong Thom: Kỳ cuối - Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

(GLO)- Bên cạnh xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, phát triển sản xuất kinh doanh, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Chư Sê - Kampong Thom luôn quan tâm cải thiện đời sống cho hơn 3.300 lao động tại Campuchia với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng.

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Về miền trong đã lâu nhưng thói quen uống trà từ ngày trên đất bắc, ông Hồ Bút vẫn còn giữ. Bên ấm trà nghi ngút khói, qua lời kể của mình, ông đưa tôi về lại làng Tam Hải, huyện Núi Thành (Quảng Nam), nơi ông sinh ra và lớn lên những ngày tháng tươi đẹp đầu đời, những ngày được ở bên ba mẹ.

Nghề giặt ủi thời hiện đại

Nghề giặt ủi thời hiện đại

(GLO)- Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, hiện nay, nghề giặt ủi truyền thống không chỉ gói gọn trong việc giặt hấp đồ dùng, quần áo mà còn mở rộng dịch vụ làm sạch vật dụng, phụ kiện theo nhu cầu của khách hàng.

Hào hùng một thời hoa lửa

Hào hùng một thời hoa lửa

“Trưa 2/4/1975, thanh niên sinh viên học sinh (TNSVHS) nội thành chiếm rạp hát Hòa Bình (Đà Lạt), treo lá cờ Mặt trận Giải phóng và băng rôn “Hoan hô Quân Giải phóng miền Nam” lên nóc rạp hát.