Trở về từ "động quỷ"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Khi được đoàn tụ với người thân ở làng Kloong (xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), 2 thanh niên người Jrai bị lừa đảo qua Campuchia làm “việc nhẹ lương cao” đỏ hoe đôi mắt. Đó là những giọt nước mắt sung sướng khi họ may mắn thoát khỏi “động quỷ” của những kẻ buôn người.

 7 chàng trai ở làng Kloong nghe lời dụ dỗ về công việc có mức lương hấp dẫn để rồi thường xuyên bị hành hạ, dọa lấy mạng nơi xứ người. Nhiều gia đình sau khi chạy vạy tiền gửi sang chuộc con đang đối diện với nỗi lo cơm áo. 2/7 người được lực lượng chức năng Việt Nam và Campuchia giải cứu thành công, thắp thêm niềm tin cho những người vợ, người mẹ bao đêm thao thức trông ngóng chồng con trở về. Đây cũng bài học xương máu trước “miếng mồi” việc nhẹ lương cao.

Niềm vui chưa trọn

Bà Puih Phyăn ngồi bó gối trong ngôi nhà sàn xiêu vẹo. Khuôn mặt già nua xen lẫn nỗi buồn vui. Bà vui vì con trai Puih Thái (SN 1994) đã trở về lành lặn. Song tận sâu trong đôi mắt của bà còn nặng trĩu ưu tư bởi đứa con út Puih Đại (SN 1998) vẫn phiêu bạt xứ người. Bà Phyăn giãi bày: “Hai đứa nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu đi vào miền Nam làm ăn rồi bị bán sang Campuchia. Nay thằng Thái đã được giải cứu, mình mừng lắm. Nhưng còn thằng Đại. Hôm qua, con có gọi về bảo mẹ gắng vay mượn để chuộc về, ở bên đó vẫn khổ lắm, bị đánh đập, bỏ đói. Thương con mà chưa biết xoay xở đâu ra số tiền 65 triệu đồng chuộc người”.

 

Bà Puih Pyăn chưa vui khi mới chỉ có 1 con trai được giải cứu trở về, đứa còn lại đang ở bên Campuchia.
Bà Puih Pyăn chưa vui khi mới chỉ có 1 con trai được giải cứu trở về, đứa còn lại đang ở bên Campuchia. Ảnh: Hoành Sơn


Hay tin có khách đến thăm, anh Puih Thái cùng con đang chơi ở nhà họ hàng vội trở về nhà. Vừa gặp chúng tôi, anh nhanh nhảu: “Người anh họ nấu cơm để mừng em trở về. Mới uống xong ly rượu, nghe các anh lên, em về luôn. Em biết ơn báo chí, Bộ đội Biên phòng cùng các lực lượng chức năng của nước ta và Campuchia nhiều lắm. Dân làng cho mượn 90 triệu đồng chuyển sang chuộc nhưng khi chở em về gần đường biên, chúng còn định lừa lần nữa, may được các anh Bộ đội Biên phòng giải cứu kịp thời. Cũng nhờ báo chí đăng thông tin rầm rộ đánh động, đám buôn người hạ tiền chuộc xuống và ít hành hung hơn”.

Anh Thái chia sẻ thêm: “Bọn em nghe lời dụ dỗ vào Nam làm “việc nhẹ lương cao” của thằng Quyết nên mới mang vạ vào thân, khổ cho gia đình. Sau đợt này, em cố gắng chăm sóc mấy sào điều để trả nợ chuộc thân. Cũng mong lực lượng chức năng giải cứu cho em Đại và 4 anh em trong làng bị bán sang Campuchia với em đợt rồi”.

Ở một góc khác của làng Kloong, căn nhà xây cấp 4 nhuốm màu thời gian của gia đình bà Puih Bil cũng nhộn nhịp người ra vào thăm hỏi. Qua lời kể của ông Ksor Tuâng-Phó Chủ tịch UBND xã Ia O thì gia đình này đang làm cơm mừng em Puih Phú (SN 2006) an toàn hồi hương sau chuyến đi làm việc nhớ đời nơi đất khách. Tôi hỏi: “Nhà đập mấy con bò, heo để làm tiệc mừng Phú trở về vậy?”. Bà Bil tươi cười đáp: “Nhà già nghèo, không có bò đâu. Hôm nay, già làm thịt một con heo nhỏ, nấu mấy nồi cơm cúng tạ Yàng và mời họ hàng, làng xóm ăn uống chung vui, mừng con trai tai qua nạn khỏi. Nó còn nhỏ tuổi, nghe lời xúi dại, may mà về được. Sau việc này chắc nó sẽ chí thú làm ăn, không mơ tưởng viển vông”.

Trên khuôn mặt Phú còn hằn dấu vết dùi cui những lần bị đánh đập. Nghe em kể lại mà chúng tôi hãi hùng kèm sự căm phẫn với những kẻ buôn người. “Trong bữa rượu với hàng xóm, nghe bảo trong Tây Ninh có việc làm nhẹ nhàng, tiền lương 18-20 triệu đồng/tháng, 7 anh em rủ nhau đi. Vì lo gia đình phản đối nên bọn em trốn đi. Sau đó bị đưa sang làm ở Campuchia. Công việc hàng ngày là “đào” bitcoin, dụ dỗ người Việt khác qua mạng xã hội. Mỗi ngày phải làm từ 9 giờ sáng đến 10 giờ đêm rồi họ mới chở về nhà trọ nghỉ ngơi. Nếu không làm đủ chỉ tiêu, phải làm bù cả đêm. Bọn lừa đảo cố tình đưa ra những phần việc khó, trong khi chúng em chưa rành lắm về máy tính. Vì thế nên bị đánh đập, bỏ đói, dọa giết. Mấy lần em bị đánh vào mặt bằng dùi cui, chích điện đến ngất xỉu. Mấy anh khác cùng làng cũng thường xuyên bị đánh. Sau đó, bọn họ bắt gọi điện về nói người nhà gửi tiền sang chuộc, từ 40 triệu đồng đến 150 triệu đồng/người. Hôm bữa, lợi dụng lúc bảo vệ sơ hở, em trốn ra ngoài rồi được giải cứu về Việt Nam”-Phú nhớ lại.

Nhìn cảnh gia đình hàng xóm mở tiệc mừng đoàn tụ, lòng ông Rơ Lan Lươk quặn thắt vì thông tin về cậu con trai Ksor Gum vẫn mờ mịt như cánh rừng trong đêm. Nét buồn lẩn khuất dưới mái tóc hoa râm của người đàn ông này. Bóng ông liêu xiêu trong chiều tà vùng biên giới. “Bữa nó gọi về nói người ta bắt chuyển sang 65 triệu đồng thì mới cho về mà mình chưa xoay được tiền. Làng này ai cũng khổ cả, vay đâu ra. Mong là cháu nó sẽ được cơ quan chức năng giải cứu”-ông Lươk rầu rĩ.

Từ nạn nhân đến chủ mưu

Cuộc sống khốn khó khiến nhiều thanh niên rời bỏ gia đình vào miền Nam tìm việc làm có thu nhập cao mong đổi đời. Đáng tiếc là họ mắc bẫy của những kẻ táng tận lương tâm kiếm tiền trên khát vọng thoát nghèo của người khác. Để khi cùng đường, có kẻ quay lại lừa đảo người đồng cảnh như mình.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng dẫn giải đối tượng Trần Quang Quyết về nơi tạm giữ. Ảnh: Hoành Sơn
Lực lượng Bộ đội Biên phòng dẫn giải đối tượng Trần Quang Quyết về nơi tạm giữ. Ảnh: Hoành Sơn


Đối tượng Trần Quang Quyết (SN 2001, trú tại xã Ia Đal, huyện Ia HDrai, tỉnh Kon Tum là mắt xích trong vụ lừa 7 thanh niên làng Kloong sang Campuchia làm việc rồi đòi tiền chuộc. Sau khi đến Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) đầu thú, Quyết khai: “Do cuộc sống khó khăn, tôi vào TP. Hồ Chí Minh làm thuê rồi 2 lần bị lừa bán sang Campuchia làm việc cho công ty do người Trung Quốc quản lý. Thấy tôi nợ hơn 100 triệu đồng mà không có tiền trả, 2 người phụ nữ gốc Việt ở bên đó xúi giục tìm người khác đưa sang, mỗi trường hợp qua trót lọt sẽ trả khoảng 700 USD. Vì thế, tôi lên mạng xã hội tìm người quen để thực hiện hành vi lừa đảo. Tôi đã lừa 7 người ở làng Kloong vào Tây Ninh làm việc với mức lương đưa ra là 18-20 triệu đồng/tháng. Sau đó, tôi cùng vài đối tượng khác đưa 7 người này vượt biên sang Campuchia làm việc cho một công ty Trung Quốc. Nhận được 49 triệu tiền công, tôi cũng đã trả nợ cho công ty luôn rồi”.

Nhìn Quyết với khuôn mặt trắng trẻo cùng đôi kính dày cộm nhưng cách trả lời đôi phần ngây ngô, mặt cúi gằm xuống đất khi ngang qua 2 nạn nhân của mình, chúng tôi thấy tiếc cho thanh niên này. Giá như Quyết sớm nhận thức hành vi sai trái thì đã không gieo thêm khốn khổ cho 7 chàng trai và gia đình họ ở làng Kloong.

Đại tá Trần Thanh Bình-Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh-thông tin: Trước đó, Quyết là nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm việc. Tuy nhiên, đối tượng nghiện game nên nợ số tiền khá lớn. Để có tiền trả nợ, đối tượng này lại đi lừa người khác. “Đây là một vụ việc mang tính chất phức tạp, nghi vấn hoạt động mua bán người có tổ chức. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam đã chỉ đạo thành lập chuyên án đấu tranh, phối hợp với các lực khác của nước ta và Campuchia giải cứu các công dân, trong đó có công dân Gia Lai. Hiện có 2 công dân làng Kloong đã được giải cứu thành công, được Bộ đội Biên phòng Gia Lai đưa về địa phương”-Đại tá Bình cho hay.

Phóng viên Báo Gia Lai trao đổi với 2 thanh niên làng Kloong vừa được giải cứu trở về. Ảnh: Hoành Sơn
Phóng viên Báo Gia Lai trao đổi với 2 thanh niên làng Kloong vừa được giải cứu trở về. Ảnh: Hoành Sơn


Trao đổi với P.V, Trung tá Đinh Công Thông-Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia O-cho biết: “Đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án và chuyển Viện Kiểm sát nhân dân huyện Ia Grai phê chuẩn để tiếp tục điều tra làm rõ. Chúng tôi cũng đang kêu gọi các Mạnh Thường Quân tài trợ kinh phí cho các nạn nhân bị lừa đảo sang Campuchia làm việc để chi trả tiền chuộc do vi phạm hợp đồng, tiền phương tiện khi giải cứu về địa phương. Song song với đó, đơn vị phối hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo tuyển lao động qua mạng xã hội”.

Phó Chủ tịch UBND xã Ia O cũng thông tin: “Cùng với hoạt động tuyên truyền giúp người dân cảnh giác trước chiêu trò lừa đảo việc làm, xã sẽ làm việc với các doanh nghiệp trồng cao su đứng chân trên địa bàn tiếp tục nhận người vào làm công nhân, nhất là người dân tộc thiểu số. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức cho những thanh niên được giải cứu nói chuyện với người dân để nâng cao cảnh giác. 
Ngoài ra, xã sẽ phối hợp với các ban, ngành của huyện tổ chức phiên chợ việc làm và các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Qua đó, tạo việc làm ổn định, góp phần nâng cao thu nhập người dân, ngăn ngừa các vụ lừa đảo việc làm như vừa rồi. Chúng tôi đang cử lực lượng túc trực tại làng Kloong nhằm đảm bảo an ninh trật tự, tránh xảy ra mẫu thuẫn không đáng có giữa các gia đình có nạn nhân bị lừa đảo đi làm bên Campuchia với một vài trường hợp liên quan đến vụ việc”.

 HOÀNH SƠN - VĨNH HOÀNG

 

Có thể bạn quan tâm

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

(GLO)- Trong ngôi nhà nhỏ ở làng Ia Tum (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có 1 cặp vợ chồng đều trải qua “thời hoa lửa” Trường Sơn huyền thoại. Đó là ông Lê Đức Chinh (SN 1952) và bà Lê Thị Chỉnh (SN 1951). Ông Chinh hiện là Trưởng ban liên lạc Hội Truyền thống Trường Sơn huyện Đức Cơ.

Người mở cánh cửa hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Người mở cánh cửa hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Trong suốt câu chuyện, bác sĩ Bùi Ngọc Lan luôn nhắc, để có được những thành tựu trong việc chữa trị cho bệnh nhi ung thư là nhờ có teamwork (nhóm làm việc) mạnh, với nhiều bác sĩ giỏi từ các chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, ung thư, ngoại khoa, di truyền, giải phẫu bệnh...