Trở thành tỷ phú nhờ làm trang trại kết hợp dịch vụ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhờ cần cù và sáng tạo trong lao động, ông Phạm Văn Diệm (thôn Ninh Hòa, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã sở hữu cửa hàng kinh doanh phân bón và trang trại tổng hợp rộng hơn 3 ha, mỗi năm mang lại lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Diệm bên trang trại của gia đình. Ảnh: Đinh Yến
Ông Phạm Văn Diệm bên trang trại của gia đình. Ảnh: Đinh Yến
Năm 1990, ông Phạm Văn Diệm hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Cuộc sống nơi quê nhà (tỉnh Ninh Bình) gặp nhiều khó khăn do không có đất sản xuất. Cuối năm 1990, ông khăn gói vào Đak Lak học nghề cơ khí, rồi lập gia đình, song cuộc sống rất chật vật. Năm 2000, trong một lần về xã Ia Boòng thăm người quen, thấy đất đai màu mỡ, người cùng quê hương cũng nhiều nên ông chuyển đến đây lập nghiệp.
Ông Phạm Ngọc Toàn-Bí thư Đảng ủy xã Ia Boòng: “Ông Phạm Văn Diệm luôn đi đầu trong các phong trào tại địa phương và nhiệt tình giúp đỡ người nghèo vươn lên phát triển kinh tế. Ông còn là người có chí làm giàu, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, là tấm gương về tinh thần nỗ lực vượt khó, vươn lên làm giàu để người dân noi theo”.

Những ngày đầu đặt chân đến vùng quê mới, với 10 triệu đồng làm vốn, vợ chồng ông mua 1 mảnh đất dựng tạm căn chòi nhỏ rồi mở tiệm sửa chữa máy nông nghiệp cho bà con trong vùng. Lúc ấy, cuộc sống người dân khó khăn nên tiền công sửa chữa cũng chẳng đáng là bao. Vợ ông cũng phải bươn chải làm thêm đủ nghề để có thêm thu nhập. Tằn tiện chi tiêu, rồi họ cũng tiết kiệm đủ tiền mua được 1 ha đất trồng cà phê. Đến năm 2017, vợ chồng ông mua thêm hơn 2 ha cà phê nữa. 

Ông Diệm nhớ lại: Khi mua được đất, vợ chồng bắt tay vào cải tạo vườn hồ tiêu, cà phê để trồng xen cây ăn quả. Ông còn chăn nuôi dê, tận dụng 500 trụ hồ tiêu sống là cây keo lấy lá làm nguồn thức ăn cho dê. “Giữa năm 2019, tôi mua 20 con giống dê Bách Thảo về nuôi. Sau một năm, đàn dê phát triển lên 50 con. Tôi thấy kết hợp chăn nuôi trong vườn cà phê trồng xen hồ tiêu, cây ăn quả mang lại nhiều nguồn thu, bổ sung cho nhau”-ông Diệm chia sẻ.
Năm 2005, khi tích lũy được 70 triệu đồng, vợ chồng ông xây căn nhà nhỏ làm nơi cư ngụ và cơ sở dịch vụ sửa chữa cơ khí. Theo ông Diệm, người dân Tây Nguyên chủ yếu trồng cà phê, hồ tiêu và làm lúa nước 2 vụ. Các loại máy móc nông nghiệp, xe công nông phục vụ sản xuất ngày càng nhiều, nhu cầu sửa chữa cũng tăng lên. Vì thế, cơ sở sửa chữa của ông làm không hết việc. “Việc chọn nghề sửa chữa cơ khí đã trở thành bước ngoặt thay đổi cuộc đời tôi”-ông Diệm khẳng định.
Ngoài sửa chữa máy móc, ông Diệm còn tư vấn, hướng dẫn cho bà con mua sắm, sử dụng, bảo quản máy móc sao cho hiệu quả. Ông Diệm kể: “Tôi còn dạy nghề cho một số thanh niên trong vùng. Năm 2010, do sức khỏe giảm sút, không thể tiếp tục làm nghề nữa, tôi chuyển sang kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật”. 
Không chỉ làm giàu cho bản thân, trang trại và cửa hàng của gia đình ông Diệm giải quyết việc làm cho khoảng 10 lao động địa phương với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, ông hỗ trợ nhiều người mua phân bón trả chậm và phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội thảo, hướng dẫn bà con cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón sao cho an toàn, bón phân đúng thời điểm để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.
Vào mùa giáp hạt, ông hỗ trợ gạo cho một số hộ nghèo trong xã; nhiều gia đình khi gặp khó khăn ông đều cho mượn tiền không tính lãi. Ông còn tự nguyện đóng góp hơn 20 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn, hàng rào và hội trường.
Chia sẻ về những việc làm này, ông Diệm nói: “Nhờ mảnh đất Ia Boòng mà gia đình tôi có cuộc sống như ngày hôm nay. Vì vậy, tôi cần phải có trách nhiệm giúp lại người dân nơi đây, nhất là những người nghèo khó”.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.