Trở thành triệu phú nhờ xen ghép cây ăn quả trong vườn cà phê tái canh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhắc đến lão nông triệu phú Thân Văn Thêm, người dân làng Phun Thanh (xã Ia Băng, huyện Chư Prông) đều ngợi khen. Không chỉ sản xuất giỏi, ông còn được bầu giữ chức Chi hội trưởng Chi hội Nông dân làng, Tổ trưởng Tổ Hợp tác xã Ia Băng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Nông liên kết xã Bàu Cạn.
 

Cách đây 22 năm, trong một lần đến thăm nhà anh vợ ở xã Ia Băng (huyện Chư Prông), ông Thêm như bị mê hoặc bởi tiềm năng đất đai của nơi này. Ông mượn 5 triệu đồng mua 1,3 ha đất của người dân. Sau đó, ông về quê bán hết tài sản và đưa gia đình vào Ia Băng lập nghiệp.

 Ông Thân Văn Thêm, người tiên phong trồng bơ booth ở xã Ia Băng, huyện Chư Prông. Ảnh: Anh Huy
Ông Thân Văn Thêm là người tiên phong trồng bơ booth ở xã Ia Băng, huyện Chư Prông. Ảnh: Anh Huy


Ngồi cạnh chồng trong căn nhà mới khang trang, bà Nguyễn Thị Nhường tiếp lời: “Ngày đó, xung quanh đây toàn rừng le. Điện thắp sáng chưa có, đường đất nhỏ xíu vì cây cối che hết lối đi, nhà cũng dựng tạm với vách cót. Nhưng giai đoạn khủng hoảng nhất với gia đình là khoảng 3 năm sau đó”.

Bà Nhường kể tiếp: Dồn hết tiền bạc, công sức vào vườn cà phê nhưng 1 kg tươi lúc bấy giờ chỉ bán được 500 đồng. Lúc đó, người ta ví von cà phê không bằng cà pháo. “Niềm tin bắt đầu lung lay, người ngoài quê gọi điện thăm hỏi, khuyên nhủ chúng tôi quay trở về. Nhưng “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”, gia đình tôi chọn phương án bám trụ, làm thuê làm mướn để duy trì vườn cây”-bà Nhường trải lòng.

Bài học từ cây cà phê khiến vợ chồng ông Thêm sớm nhận ra rằng, không nên chỉ trông chờ vào 1 loại cây trồng nhất định. Năm 2005, gia đình ông tận dụng diện tích đất trống xung quanh vườn trồng 400 trụ hồ tiêu. Giá cà phê dần hồi phục, cây hồ tiêu cũng bắt đầu cho thu hoạch, kinh tế gia đình dần khởi sắc.

Có chút lưng vốn, ông mua thêm 2 ha đất trồng cà phê và 400 trụ hồ tiêu. Cũng trong giai đoạn này, ông Thêm tiên phong đưa 160 cây bơ booth về trồng xen trong vườn cà phê. 3 năm sau, mỗi cây bơ thu hoạch khoảng 20 kg, bán với giá 60 ngàn đồng/kg ngay tại vườn.

Lúc này, nhiều người đã tìm đến ông nhờ đặt mua cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Hiện nay, vườn bơ của gia đình ông vẫn cho thu hoạch với năng suất ổn định, bình quân khoảng 2 tạ/cây, giá bán 10 ngàn đồng/kg.

Riêng 800 trụ hồ tiêu của gia đình ông Thêm cũng chung số phận như những vườn hồ tiêu xung quanh bởi bệnh chết nhanh chết chậm. Thay vì nhổ bỏ trụ tiêu, ông tận dụng làm giàn cho 200 cây chanh dây.

Theo lão nông Thân Văn Thêm, năm 2016, gia đình ông có thu nhập cao nhất, khoảng 900 triệu đồng. Tuy nhiên sau đó, cây hồ tiêu chết dần, giá cà phê tiếp tục giảm sâu dẫn đến nguồn thu nhập giảm đáng kể. Vì vậy, ông quyết định tái canh 1.000 cây cà phê già cỗi. “Tôi tự ươm gốc cây cà phê mít, sau đó mua giống cà phê TR4 về để ghép. Mới bước sang năm thứ 2 nhưng một số cây đã có hoa rồi”-ông Thêm kể.

Lý giải cho việc lựa chọn ghép giống cây cà phê cho vườn cây tái canh chứ không trồng mới, ông Thêm cho hay, gốc cà phê mít có bộ rễ khỏe và khả năng chịu hạn tốt; còn giống cà phê TR4 dễ chăm sóc, kháng bệnh tốt, sinh trưởng nhanh và năng suất cao. Nhìn những cành cà phê trĩu quả, ông Thêm ước tính, cuối năm nay sẽ thu hoạch khoảng 10 tấn nhân từ diện tích hơn 2 ha. Năm 2021, nguồn thu sẽ tiếp tục tăng vì 1.000 cây cà phê tái canh cho thu bói.

Không chỉ sản xuất giỏi, ông Thêm còn giữ nhiều vị trí công tác ở địa phương. Với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Nông dân làng, ông luôn gương mẫu, nhiệt tình vận động hội viên đóng góp quỹ hội. Trong 5 năm qua, ông Thêm còn đảm nhận Tổ trưởng Tổ Hợp tác xã Ia Băng với 38 thành viên, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Nông liên kết xã Bàu Cạn. Đây là hợp tác xã chuyên liên kết sản xuất để hướng đến mục tiêu phát triển cà phê bền vững.  

Ông Nguyễn Sơn Động-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Băng-nhận xét: Ông Thân Văn Thêm là người dám nghĩ, dám làm và dám đương đầu với khó khăn, thử thách. Ông cũng là người tích cực, nhiệt tình, có nhiều đóng góp với công tác Hội, hợp tác xã và vận động nhân dân liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị để nâng cao thu nhập.

 ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.