Trở lại ngôi làng bị 'đại hồng thủy' cuốn ra biển

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Đúng vào dịp này 20 năm trước, đầu tháng 11-1999, cơn lũ lịch sử 100 năm có một đã nhấn chìm cả miền Trung. Thừa Thiên Huế là trọng điểm tàn phá của cơn 'đại hồng thủy' và Hòa Duân là điểm nóng kinh hoàng nhất.

 

Cửa biển Hòa Duân 20 năm trước giờ đã trở thành bãi biển du lịch - Ảnh: MINH TỰ
Cửa biển Hòa Duân 20 năm trước giờ đã trở thành bãi biển du lịch - Ảnh: MINH TỰ



Chúng tôi về Hòa Duân đúng vào ngày giỗ chung của gia đình anh Trần Văn Thu.

20 năm trước, ngày 24-9 âm lịch nhằm 1-11, là ngày cuối cùng đại gia đình anh Thu vẫn còn đầy đủ cha mẹ, anh em, dâu rể, cháu chắt.

Đêm kinh hoàng 2-11-1999

Căn nhà của anh Thu ở giờ là khu tái định cư với cái tên "làng Rồng" do Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đặt, nay thuộc tổ dân phố An Hải, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Trong căn nhà đánh số 54, mâm cơm được đặt trên bàn thờ dày đặc những bát hương nghi ngút.

Anh Thu trầm giọng kể khoảng 5h chiều 2-11 năm đó, nước dâng lên rất nhanh. Cả thôn Hải Thành bị ngập. Ngoài biển thì sóng lớn đánh vô, bên trong phá Tam Giang thì nước lũ dâng lên. Anh Thu thấy nền nhà lún dần do nước biển đã ăn sâu vào dưới bãi cát.

Ngôi nhà ông Trần Văn Cựu, cha anh Thu, nằm gần phía biển, xây rất kiên cố, nên con cái cháu chắt đều di tản hết về đây.

Sau khi đưa vợ con yên ổn ở nhà cha mẹ, anh Thu trở về nhà mình để dọn dẹp đồ đạc, nhưng khi quay lại thì không thể vô nhà cha được nữa vì nước chảy quá mạnh.

Lúc đó khoảng gần 12h đêm, anh Thu nghe những tiếng nổ ầm ập và thấy nước chảy ào ạt ra phía biển, cuốn trôi lần lượt những ngôi nhà và rừng dương. "Tôi nhìn ra phía nhà ông bà già, nghe có tiếng đập xoong nồi và tiếng người kêu la, tiếng bà già tôi kêu cứu".

Chỉ trong vài phút, anh Thu không còn nghe tiếng gì nữa. Anh bị dòng nước lũ cuốn trôi ra phía biển. Trong giây phút tuyệt vọng, anh nắm được sợi dây điện nổi lên trong dòng nước lũ và lội vô được phía bên trong vịnh.

Chiếc đò máy của ông cậu chở Thu và 20 người khác chạy thoát vào đồn biên phòng 220. Tài liệu hải đội 2 bộ đội biên phòng ghi lại thời khắc cửa biển bị phá lở: khoảng 23h45 đêm 2-11-1999.

Sáng hôm sau, Thu lết ra phía nhà cha mẹ và chỉ nhìn thấy một cửa biển mênh mông!

Cả xóm biển thôn Hải Thành với 64 nóc nhà cùng một rừng dương và một đoạn đường quốc lộ 49 đã trôi sạch ra biển. Người dân đã di tản hết vô trong làng nên may mắn thoát chết. Riêng nhà ông Cựu xây dựng kiên cố nên cả đại gia đình quyết ở lại.

Trong nhà có vợ chồng ông Cựu, bốn người con trai, hai con dâu, bốn cháu nội, trong đó có vợ và ba đứa con của anh Thu, cùng với một người hàng xóm qua lánh nạn.

Tổng cộng 13 người trú ẩn trong căn nhà ông Cựu đã trôi hết ra biển! Ngoài ra, còn có một người đàn ông khác cũng bị cuốn trôi, cùng hai người lính hải đội 2 Bộ đội biên phòng Thừa Thiên Huế.

16 người đã ra đi trong cái đêm kinh hoàng, Hòa Duân bị vỡ thành cửa biển.

Một tháng sau, anh Thu tìm được thi thể người thân cách đó 20km, nhưng hai người lính biên phòng là trung úy Phạm Văn Điền và binh nhất Lê Đình Tư bị cuốn trôi mất tăm ngoài biển, không tìm thấy xác.


 

 Làng Rồng, nơi tái định cư của 64 hộ dân thôn Hải Thành, bị trôi ra biển - Ảnh: MINH TỰ
Làng Rồng, nơi tái định cư của 64 hộ dân thôn Hải Thành, bị trôi ra biển - Ảnh: MINH TỰ



Cuộc lấp cửa biển gây nhiều tranh cãi

Ngay sau lũ, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ GTVT quyết định phải lấp cửa biển Hòa Duân để nối lại giao thông cho 11 xã của hai huyện Phú Vang và Phú Lộc với hàng vạn người dân đã bị cô lập. Quyết định đó đã vấp phải sự phản đối của một số nhà khoa học và báo chí.

Ý kiến phản đối cho rằng cửa biển Hòa Duân mới mở chính là cửa biển Thuận An xưa, bắt đầu mở ra từ năm 1404 (với tên gọi cửa Eo), đã trải qua năm lần bị lấp rồi lại lở, với chu kỳ đóng - mở khoảng 100 năm. Trong quá khứ, các triều vua đã từng cho lấp cửa biển này, nhưng sau đó biển lại mở.

Đến tháng 9-1904, một cơn bão lớn (thường gọi là bão năm Thìn) đã thổi bay cả cầu Trường Tiền, và sóng biển đã đưa cát vào lấp kín cửa Eo. Sau một thời gian, trên eo đất này mọc lên rừng cây và xóm thôn Hải Thành ra đời.

Và rồi 95 năm sau, tháng 11-1999, eo Hòa Duân lại vỡ ra, trở lại là cửa biển Hòa Duân. Các ý kiến phản đối cho biết Hòa Duân còn nằm trong vùng bờ biển bất ổn định.

Vào thời điểm đó, cửa biển rộng đến hơn 600m, sâu 9-10m, nước trong phá Tam Giang chảy ra rất mạnh. Vì vậy, các ý kiến cho rằng việc lấp cửa biển là bất khả thi, và nếu có lấp thì vận động của tự nhiên cũng sẽ xói lở trở lại.

Trong khi cuộc tranh luận chưa ngã ngũ thì phía bên kia cửa lở Hòa Duân, hàng vạn người dân của 11 xã bị nước chia cắt bốn phía đang bức bách với nhu cầu đi lại và mưu sinh. Một chuyến phà ngang qua cửa biển được thiết lập để tạm thời chở người qua lại trong hiểm nguy.

Chỉ mấy ngày sau, chiếc phà chở đầy người đã bị trôi ra cửa biển suýt đắm, khiến chính quyền tỉnh quyết bằng mọi cách phải nối lại giao thông.

Phương án đầu tiên đưa ra là làm cầu, nhưng cửa biển rất sâu, nước lại chảy mạnh nên không thể làm cầu được. Phương án đắp đập hàn khẩu được đưa ra. Dù vấp sự phản đối, tỉnh lẫn Bộ GTVT đều quyết định chọn phương án này.

Tháng 5-2000, công trình đắp đập khởi công. Sau hai tháng (7-2000), cửa biển đã được chặn dòng. Tháng 5-2001, công trình hoàn tất, và tấm bảng dựng lên: "Đập Hòa Duân: lý trình 54+ 250 quốc lộ 49, dài 616m, rộng 8m".

 

Rừng cây, xóm làng đã thành cửa biển Hòa Duân sau trận lũ kinh hoàng - Ảnh: NGUYỄN KHOA QUẢ
Rừng cây, xóm làng đã thành cửa biển Hòa Duân sau trận lũ kinh hoàng - Ảnh: NGUYỄN KHOA QUẢ



100 năm và 20 năm

Một năm sau khi ngăn đập, cát biển đã bồi lấp vào biến thành bãi biển. Hai năm sau rừng dương liễu mọc lên và vùng cửa biển hôm nào đã trở thành một bãi tắm. Khu vực 64 ngôi nhà năm xưa bị trôi ra biển giờ đã mọc lên một khu du lịch và những hàng quán phục vụ du khách tắm biển.

Anh Lê Công Nhật - bí thư chi bộ thôn Hải Thành - chỉ cho tôi chỗ ngôi nhà của ông Trần Văn Cựu năm xưa, giờ là một bãi cát cách chỗ tắm biển khoảng 200m.

"Vào những tháng hè du khách chật kín" - anh Nhật nói.

Mùa hè năm nào tôi cũng về đây, ngồi nhìn rừng dương liễu phủ xanh và bãi biển tấp nập du khách, và nhớ lại mùa lũ năm 1999. Năm đó, khi nước lũ vừa rút, tôi về ngay Hòa Duân và sững sờ trước một cảnh tượng khủng khiếp, xóm làng đã thành cửa biển.

Sau 20 năm, tôi lại chứng kiến một cuộc thay đổi ngoạn mục, cửa biển năm xưa giờ đã thành rừng cây và khu du lịch.

Sách xưa viết "Thương hải biến vi tang điền" - biển cả biến thành ruộng dâu, để nói về sự biến đổi của thiên nhiên và đời người. Nhưng phải đến Hòa Duân thì mới biết thế nào là "bãi bể nương dâu".


 

Cơn lụt lịch sử tháng 11-1999 là tổng hợp đủ loại hình thiên tai xảy ra cùng lúc (lũ ống, lũ quét ở miền núi, ngập lụt đồng bằng, triều cường, sóng lớn ở biển...) với tính chất và mức độ chưa từng có trong các tài liệu khí tượng và thủy văn thế kỷ 20.

Cùng lúc hình thành bốn hình thế gây mưa: không khí lạnh phía bắc tràn vào Bắc Trung Bộ, gặp dải hội tụ nhiệt đới đi ngang qua Nam Trung Bộ, trên cao lại có đới gió đông hoạt động mạnh, một vùng thấp phát triển ở nam Biển Đông.

Đó là hình thế thời tiết phải hàng trăm năm mới "hội tụ" một lần, khiến thiên tai diễn ra cùng lúc trên toàn miền Trung và kéo dài suốt một tuần (từ 1 đến 6-11).

(Nguồn: Ban chỉ huy phòng chống thiên tai Thừa Thiên Huế)



Cơn lũ lụt lịch sử 1999 ảnh hưởng 10 tỉnh thành, làm 595 người bị chết (Thừa Thiên Huế: 358 người, Quảng Nam: 73...); 41.846 nhà bị sụp và trôi; 570 ngôi trường bị sụp, trôi; 436 cầu cống sụp, trôi; 2.308 cột điện cao thế đổ gãy.

Tổng thiệt hại hơn 3.773 tỉ đồng (thời điểm 1999).

(Nguồn: Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai)

"Lấp cửa Hòa Duân là đúng"

Ông Nguyễn Văn Mễ (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vào thời điểm đó) khẳng định qua 20 năm đã cho thấy việc lấp cửa Hòa Duân là đúng.

Theo ông, cửa Hòa Duân vỡ là do lũ vùng rừng núi và đồng bằng đổ về gây "tức nước vỡ bờ", chứ không phải sự vận động của biển.

Nhưng liệu 100 năm sau, theo như chu kỳ đóng - mở từng diễn ra, cửa biển Hòa Duân lại mở hay không?

Ông Lê Văn Hoàng - nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh, kiêm trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, một trong những người chọn quyết định ngăn đập - cho rằng hiện nay đầu nguồn sông Hương và sông Bồ đã có ba hồ chứa nước lớn, cùng một hệ thống hồ thủy lợi được xây dựng trong 20 năm qua, thì áp lực nước từ phía trên vào đập Hòa Duân đã giảm nhiều.

Áp lực nước phía trong và ngoài cân bằng, nguy cơ vỡ đập sẽ giảm thiểu.


Minh Tự (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.